Tiết lộ về điệp viên mới của Tình báo Đối ngoại Nga

Thứ Năm, 26/08/2010, 20:30
Cuối tháng 7 vừa qua, một loạt phương tiện truyền thông đại chúng của Mỹ đã thông báo về việc bắt giữ thêm một nữ điệp viên của Nga. Đó là công dân Mỹ Anna Fermanova, người còn trẻ hơn 4 tuổi so với nữ đồng nghiệp Anna Chapman cũng bị bắt giữ trước đó không lâu.

Việc một loạt các điệp viên của Nga bị lộ mặt ở nước ngoài, theo như đương kim Thủ tướng Nga Vladimir Putin (người cũng từng là một nhân viên KGB) có nguyên do từ một kẻ phản bội tổ quốc chưa được nhắc tên…

“Mata Hari” mới của tình báo Nga

Những thông tin cụ thể về vụ bắt giữ một Anna thứ hai của tình báo Nga cũng chứa nhiều bí ẩn như vụ bắt Anna Chapman trước đây. Giới lãnh đạo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã kiên quyết khước từ cung cấp bất kỳ chi tiết nào xung quanh vụ này. Tuy nhiên, hoạt động điều tra tích cực của báo chí đã giúp vén lên một phần bức màn bí mật của một người đẹp nữa được coi đã làm tổn hại tới an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Theo đó, nữ điệp viên mới bị phát hiện của Nga đang có bằng chuyên gia về thẩm mỹ, có chồng và một căn hộ tại Moskva - là nơi vẫn thường có hợp đồng giảng dạy tiếng Anh, đó cũng là lý do khiến cho Fermanova khi thì sống tại Moskva, khi thì tại căn nhà cha mẹ ruột mình ở bang Texas.

Năm 1994, cùng với cha mẹ mình (những người nhập cư gốc Do Thái tại Latvia), Fermanova chuyển từ Riga tới thành phố Greensboro (Bắc Carolina). Tiếp đó, gia đình cô sống khoảng một năm tại thành phố Baltimor, trước khi lại chuyển tới Dallas vào năm 1998. Một thời gian sau, Fermanova chính thức trở thành công dân Mỹ. Năm 2004, cô tốt nghiệp Trường trung học Richardson và hiện đang học tập tại Trường đại học Tổng hợp Phoenix.

Những thông tin đầu tiên về vụ bắt giữ Fermanova đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ từ ngày 27/7/2010. Theo đó, cô bị bắt ngay tại sân bay John Kennedy, sau khi vừa quay trở về nước từ Nga vào ngày 15/7. Tuy nhiên, báo chí Mỹ sau đó đã im lặng tương đối lâu về trường hợp điệp viên mới này, do FBI không đưa ra bất cứ một thông báo chính thức nào về cô ta.

Được biết là từ hồi đầu tháng 3 vừa qua, trong khi làm thủ tục bay tới Moskva, các nhân viên thuế quan Mỹ đã phát hiện trong hành lý của Fermanova 3 chiếc kính ngắm ban đêm hiện đại, được xếp vào loại cấm xuất ra nước ngoài. Fermanova khai rằng, đã mua được chúng qua một cửa hàng trên mạng, nhưng không để ý tới tất cả những số xêri cùng nhiều thông tin kỹ thuật khác trên đó đã bị xóa đi. Cô chỉ giải thích số kính ngắm trên được mua cho chồng và bạn bè anh ta.  

Thật ra, các nhân viên hải quan không phải tình cờ khám xét túi xách của Fermanova. Theo điều tra của báo chí, ngay từ hồi tháng 2, phía hải quan đã nhận được một thông báo nặc danh cho biết, Fermanova rất quan tâm tới các thiết bị kính ngắm quang học dùng để bắn đêm, và rất có khả năng sẽ chuyển chúng về Nga. Tại Mỹ, những sản phẩm trên không bị cấm bán cho tư nhân, nhưng việc mang chúng ra nước ngoài cần phải có loại giấy phép đặc biệt. Tất cả số kính ngắm bị tịch thu còn Fermanova vẫn được cho phép bay tới Moskva.

Tuy nhiên, các nhà chức trách sau đó mới phát hiện ra, trong đó có cả loại kính ngắm Raptor 4X, đang là một trong những phát minh mới nhất của Lầu Năm Góc. Đây là loại kính ngắm đêm đặc biệt lắp đặt được trên bất kỳ loại súng nào, chủ yếu là trên các loại súng trường bắn tỉa của lực lượng đặc nhiệm. Thế là chỉ 4 tháng sau, Fermanova bị bắt giữ ngay khi vừa quay trở lại nước Mỹ. 

Anna Fermanova đang bị quản thúc tại nhà cha mẹ mình ở thành phố Plano (bang Texas) với khoản tiền thế chân 50 ngàn USD. Các điều tra viên FBI cũng tịch thu tấm hộ chiếu Mỹ của cô ta. Hiện chưa thể dự đoán nhiều về số phận tiếp theo của Fermanova. Nhưng nếu hoạt động điều tra chứng minh được Fermanova có làm việc cho tình báo Nga, cô ta có thể phải nhận bản án không dưới 10 năm tù.

Nguồn tin quan trọng tại Czech

Không chỉ tại Mỹ, Cộng hòa Czech mới đây cũng tuyên bố phát hiện được một điệp viên quan trọng của Nga trong hàng ngũ những quan chức quân sự cao cấp. Thông tin về vụ việc này xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Mlada fronta Dnes, và nhanh chóng được hàng loạt các tờ báo của Czech đưa tin.

Theo tờ báo này, một chuyên gia tâm lý cao cấp làm việc trong hệ thống trại giam có tên Robert Rachardzo đã có quan hệ tình ái với một nữ thiếu tá của quân đội Czech, sau khi hai người làm quen trong một khóa học nâng cao nghiệp vụ. Vấn đề là nữ thiếu tá trên là người điều hành hoạt động trong văn phòng của 3 viên tướng cao cấp của không quân Czech, biết được rất rõ công việc của họ và có thể tiếp cận được với tất cả các thông tin ngay trên bàn của những quan chức này - tất cả đều là những thông tin được tình báo Nga đặc biệt quan tâm.

Theo các chuyên gia, Rachardzo là một điệp viên giá trị của Nga không chỉ vì anh ta đã tiếp cận được một nữ thiếu tá có vị trí trọng yếu như trên. Chỉ tính riêng đến nghề nghiệp của bản thân, anh ta cũng nắm rất nhiều về hoạt động trừng phạt những kẻ vi phạm luật pháp tại Czech. Nên nhớ rằng, các cơ quan mật vụ trên khắp thế giới luôn tìm cách áp dụng mọi hình thức và phương pháp khai thác thông tin, kể việc tiếp xúc với những đối tượng hình sự. 

Qua thông tin của báo chí, Rachardzo là một người mang nửa dòng máu Nga, nói thành thạo cả hai thứ tiếng Nga và Czech. Cơ quan phản gián Czech, theo tuyên bố của báo chí dựa vào những nguồn tin nặc danh trong Cơ quan An ninh và Thông tin Czech (BIS -  Bezpecnostni informacni sluzba) đã theo dõi điệp viên Nga này cùng người tình của anh ta trong suốt 5 năm.

Tuy nhiên hồi tháng 9 năm ngoái, Rachardzo bất ngờ xin nghỉ việc và biến mất tăm, khiến các nhân viên phản gián không thể tìm ra dấu vết. Có giả thuyết cho rằng, do cảm nhận thấy nguy cơ đang bị theo dõi, Rachardzo đã chạy trốn về Nga. Còn người bạn tình của tay gián điệp này đã bị sa thải khỏi quân đội và vào thời điểm tiết lộ thông tin chính thức đã đi nghỉ ở nước ngoài.

Tờ Mlada fronta Dnes còn cho biết, điệp viên Nga ban đầu tỏ ra rất quan tâm từ thông tin liên quan đến việc bố trí hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tại Czech. Tuy nhiên, khi Mỹ từ bỏ kế hoạch trên, anh ta chuyển sang khai thác thông tin về trang bị của quân đội Czech và những dữ liệu về việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử "Temelin". Hiện chưa rõ nữ thiếu tá của Czech có tình nguyện chia sẻ thông tin cho tình nhân hay bị ép buộc làm chuyện này.

Vụ bê bối gián điệp trên ngay từ cuối năm ngoái đã là nguyên nhân dẫn tới việc sa thải ít nhất 3 vị tướng lĩnh cao cấp của Không quân Czech - lãnh đạo Văn phòng quân sự của Tổng thống Fratishek Grabal, đại diện quân sự của Czech tại Bộ Tư lệnh tối cao NATO tại châu Âu Josef Sedlak và Phó tổng Tham mưu trưởng Josef Proksh. Sau khi bị sa thải, tướng Sedlak còn phàn nàn với báo chí rằng, cơ quan phản gián đã hành xử không đúng với ông. Thay vì thông báo có gián điệp trong nhóm cấp dưới thân cận, họ lại nghi ngờ chính ông đã phản bội và theo dõi như "một tội phạm".

Vụ gián điệp Robert Rachardzo còn gây ra nhiều phản ứng không chỉ trong giới lãnh đạo không quân. Ngay công luận Czech cũng lên tiếng yêu cầu phải điều tra làm rõ, vì sao một điệp viên của Nga lại có thể xâm nhập sâu vào hàng ngũ những nhân viên cao cấp nhất của Bộ Nội vụ. Dù chưa có công bố chính thức mới nào từ cả phía Czech và Nga, nhưng tờ Die Welt của Đức đã khẳng định, "đây có thể là vụ bê bối gián điệp lớn nhất tại Czech trong vài năm gần đây"

Thái Quân (tổng hợp)
.
.