Tiết lộ về kế hoạch giải cứu ông chủ WikiLeaks

Thứ Hai, 01/10/2018, 14:41
Trong năm 2017, hai nước Nga và Eucador từng triển khai một kế hoạch bí mật nhằm đưa ông chủ trang WikiLeaks ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London, đến lánh nạn tại Moscow. Đến phút chót, kế hoạch buộc phải hủy vì có quá nhiều trở ngại, trong đó nước Anh là trở ngại lớn nhất.

Trên hai số báo ra ngày 21 và 26-9-2018, tờ The Guardian của Anh đã tiết lộ kế hoạch bí mật do Nga và Ecuador phối hợp thực hiện. Mục tiêu của kế hoạch là đưa ông chủ trang WikiLeaks Julian Assange đến Moscow lánh nạn một cách an toàn. Ngoài ra, kế hoạch cũng xem xét khả năng đưa Assange sang Ecuador bằng tàu thủy nếu không thể đến được Moscow.

Những người tham gia thực hiện kế hoạch bao gồm người trong giới tin tặc Nga, quan chức lãnh sự của Ecuador và những người khác ủng hộ việc Assange công khai những thông tin mật liên quan đến hoạt động quân sự và tình báo của nước Mỹ trên thế giới. Fidel Narvaez, quan chức lãnh sự Ecuador tại London và là người thân tín của Assange là đầu mối liên hệ giữa Ecuador và Moscow. Luật sư nổi tiếng của Tây Ban Nha Baltasar Garzon tham gia với tư cách cố vấn pháp lý cho Assange.

Kế hoạch đưa Assange ra khỏi Đại sứ quán Ecuador dự kiến được tiến hành vào đêm Giáng sinh 24-12-2017. Nhưng làm thế nào để đưa được Assange ra khỏi Đại sứ quán Ecuador là một vấn đề lớn. Bởi bên ngoài cổng Đại sứ quán Ecuador lúc nào cũng có lực lượng cảnh sát Anh túc trực. Những người tham gia kế hoạch đã nghĩ ra một cách là đưa Assange ra khỏi Đại sứ quán dưới vỏ bọc ngoại giao (để được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao theo công ước quốc tế).

Ông chủ WikiLeaks Julian Assange trước ban công Đại sứ quán Ecuador tại London.

Theo đó, khoảng một tuần trước Giáng sinh, chính quyền Ecuador đã cho Assange nhập quốc tịch và cấp quyền công dân cho ông. Ngay sau đó, chính quyền Quito thực hiện thêm một bước là bổ nhiệm Assange làm cố vấn bên trong Đại sứ quán Ecuador tại Moscow. Với vỏ bọc này, Assange có thể đến Nga cư trú và làm việc một cách danh chính ngôn thuận. Tuy nhiên, kế hoạch bỗng dưng bị hủy vào phút chót, với lý do “nhiều rủi ro” khiến việc thực hiện có thể gây nguy hiểm cho Assange.

Trở ngại lớn nhất chính là việc nước Anh từ chối cấp cho Assange quy chế bảo vệ ngoại giao.  Điều đó có nghĩa là Assange sẽ bị bắt ngay lập tức nếu rời khỏi Đại sứ quán Ecuador, cho dù đi trên xe ngoại giao. Ngày 29-12-2017, Ecuador thu hồi quyết định bổ nhiệm Assange làm cố vấn ngoại giao tại Moscow.

Ông chủ WikiLeaks Assange bắt đầu nổi tiếng thế giới, trở thành “người thổi còi vĩ đại” đối với các hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

Tháng 10-2010, WikiLeaks bắt đầu đăng loạt tài liệu đầu tiên trong 400.000 tài liệu mật về cuộc chiến Iraq do binh sĩ Mỹ Bradley Edward Manning (nay đã chuyển giới thành nữ, và đổi tên là Chelsea Manning) cung cấp. Đợt đăng tài liệu mật này gây chấn động khắp thế giới, khiến nước Mỹ mất uy tín nghiêm trọng trong cộng đồng quốc tế, và ông chủ WikiLeaks Assange nghiễm nhiên trở thành “người hùng” của giới hacker, của những người chủ trương công khai hóa mọi hoạt động bí mật của chính quyền.

Thế vẫn chưa hết. Không lâu sau, WikiLeaks tiếp tục đăng thêm hàng trăm nghìn tài liệu ngoại giao, trong đó đặc biệt quan trọng là các tài liệu mật về cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan. Một cơn “sóng thần” ngoại giao ập đến làm đổ vỡ nhiều mối quan hệ, những sự dối trá được bộc lộ công khai.

Năm 2012, Assange bị tòa án ở Thụy Điển buộc tội tấn công tình dục. Ông chạy sang Anh để tránh bị bắt, nhưng tiếp tục bị truy lùng theo yêu cầu của Washington (Anh là đồng minh thân cận của Mỹ). Bí thế, Assange chạy vào xin tị nạn bên trong Đại sứ quán Ecuador vào tháng 8-2012. Sự việc Assange tị nạn đã từng gây những cuộc tranh cãi giữa Ecuador với Anh và Mỹ, trong đó Washington đã vài lần gây sức ép để buộc Ecuador giao Assange nhưng Quito không chịu lùi bước.

Trước áp lực “sẵn sàng hành động” của cả Anh lẫn Mỹ, Ecuador đã lập một kế hoạch bí mật nhằm bảo vệ Assange tại Đại sứ quán ở London. Kế hoạch bao gồm việc bố trí lực lượng an ninh và tình báo, triển khai các hoạt động ngoại giao nhằm ngăn ngừa mọi nguy cơ tấn công vào đại sứ quán để bắt người. Sau 6 năm, chi phí cho kế hoạch bí mật này lên đến 5 triệu USD.

Nhờ thế, Assange tiếp tục được tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador vô thời hạn. Ông hiện cũng là một trong những mục tiêu điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc nước Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Assange và trang WikiLeaks của ông bị cáo buộc đã nhận và đăng tải trên 50.000 tài liệu bị lấy trộm do các tin tặc Nga cung cấp. Mueller cáo buộc, WikiLeaks đăng tải đợt đầu các tài liệu trên vào ngày 14-7-2016. Assange đã bác bỏ cáo buộc này.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống mới của Ecuador là Lenin Moreno đã tuyên bố ông muốn Assange rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London. Tuyên bố của ông Moreno được cho là xuất phát từ áp lực của chính quyền Mỹ nhằm buộc Ecuador phải giao Assange cho Washington “xử tội”. Tháng 3-2018, Quito bắt đầu có hành động đầu tiên: cắt quyền truy cập Internet của Assange tại Đại sứ quán.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 5-2018, Tổng thống Ecuador Moreno bỗng đổi giọng, không còn buộc Assange phải rời Đại sứ quán nữa, mà đưa ra điều kiện ông không được phát biểu với báo chí về các vấn đề chính trị, không can thiệp vào chuyện của các nước khác. Đây vốn dĩ là những điều kiện ghi trong đơn xin tị nạn của Assange nộp cho chính quyền Ecuador. Lý do của sự đổi giọng này có lẽ là vì Assange nay đã là công dân Ecuador.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.