Tiết lộ về quãng đời làm tình báo của Thủ tướng Putin

Thứ Năm, 14/01/2010, 14:45

Chiều ngày 8/11/2009, một chương trình mang tên "Bức tường" xuất hiện trên chương trình Đài truyền hình độc lập (ITV) của Nga. Thủ tướng đương nhiệm Vladimir Putin đã xuất hiện trong chương trình với một đoạn hồi tưởng độc quyền dài 30 phút tiết lộ về khoảng thời gian "nằm vùng" ở Đức với tư cách là nhân viên tình báo KGB.

Năm 1985, sau khi kết thúc khóa huấn luyện ở Học viện Andropov Moskva - đơn vị trực thuộc KGB, V.Putin được điều tới làm công tác tình báo ở thành phố  Dresden thuộc nước Cộng hòa Dân chủ Đức (thường được gọi là Đông Đức) với thân phận công khai là Chủ nhiệm Nhà hữu nghị Xô - Đức (Liên Xô - Đông Đức)...

Trả lời phỏng vấn của đạo diễn chương trình về những năm tháng "nằm vùng" ở Đức, Thủ tướng Putin nói: "Hồi tưởng là chuyện thường tình của con người, hơn nữa đó cũng không phải là những ngày quá tồi tệ".

Bấy giờ, văn phòng của nhóm Putin là một biệt thự 2 tầng được xây từ năm 1909, bốn bề là tường rất cao, cổng lớn có cảnh sát bảo vệ vũ trang, cách xa 50m bên ngoài chính là Tổng bộ Tình báo của Đông Đức. Khi đó, ông Putin lãnh đạo một nhóm tình báo gồm 8 nhân viên KGB, phụ trách "tuyển lựa điệp viên, thu nhập thông tin, xử lý thông tin rồi sau đó gửi về trung tâm".

Ông Putin nói: "Trọng điểm công tác của chúng tôi là nắm rõ xem ai đang làm gì, làm như thế nào; chú ý xem Bộ Ngoại giao của một số quốc gia đang nói những gì, họ biểu đạt chính sách của mình bằng cách sử dụng ngôn từ như thế nào ở khắp nơi trên thế giới. Thêm vào đó còn có cả  lập trường của đối thủ đàm phán của chúng ta, ví dụ như thái độ về vấn đề giải trừ quân bị...".

Đối thủ chính của Liên Xô khi ấy là NATO, song những gián điệp KGB được phái đến Đông Đức căn bản không thể xâm nhập trực tiếp vào căn cứ NATO trên lãnh thổ Tây Đức, vì vậy Putin và các đồng đội của mình chỉ có thể thu thập tình báo thông qua việc tuyển lựa ngoại tuyến Tây Đức. Bấy giờ, Cơ quan Tình báo Đông Đức (Stasi) đã chuyển giao rất nhiều thư mời người dân thành phố  Dresden có đề nghị chính phủ cấp giấy phép thăm thân cho người thân của họ.

Một trong những công việc của ông Putin lúc đó chính là lựa chọn và tìm ra công dân Tây Đức sống gần căn cứ quân sự của quân đội Mỹ trong số những lá thư thỉnh cầu, giúp họ nhận được giấy phép thăm thân, rồi đợi sau khi vào được Đông Đức sẽ hoạt động ngầm trong đó để có thể giúp đỡ KBG giám sát động tĩnh của quân đội Mỹ... Được biết, Putin còn tìm gián điệp cho KGB trong số học sinh người nước ngoài của Đại học Khoa học xã hội; số lưu học sinh có quan hệ với các nhân vật chính trị và có địa vị trong xã hội được đặc biệt coi trọng.

V. Putin làm việc 6 năm tại Dresden. Theo hồi ức của nhân viên tình báo Đức từng có liên hệ mật thiết với ông Putin trong thời gian này, vào thời kỳ đầu công tác, tuy đã nắm vững lý luận gián điệp, nhưng ông Putin lại không hiểu rõ quy tắc thao tác cụ thể. Có một lần, ông trao cho ngoại tuyến của mình trang thiết bị không dây, nhưng bản thân ông cũng không hiểu lắm về việc làm thế nào để thao tác thiết bị này.

Theo lời một đồng nghiệp năm đó của Putin, trong khoảng thời gian ở Dresden, ông Putin còn tham gia một hoạt động được xếp vào loại tuyệt mật của KGB. Trong hoạt động này, đối tượng giám sát của KGB không phải là căn cứ quân sự của NATO hoặc của quân đội Mỹ và Anh, mà là đồng minh Đông Đức của họ. Giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, quan hệ giữa Đông Đức và điện Kremlin bắt đầu có dấu hiệu xa cách, Tổng bí thư Honecker (Đông Đức) đã mời một số phi công Anh và Mỹ từng lái máy bay ném bom chiến đấu tấn công thành phố Dresden trong Chiến tranh thế giới thứ hai đến tham dự lễ khai mạc một nhà hát. Putin được giao nhiệm vụ sắp đặt thiết bị nghe trộm tại nhà hát này. Khi ông Honecker có bài phát biểu tại đây, Điện Kremlin đã lần đầu tiên nghe được những âm thanh rõ đến vậy...

Tuy nhiên, là một điệp viên nên ông cũng không tránh khỏi bị theo dõi. Theo tiết lộ của Thủ tướng Nga, có một lần, ông đang lái xe chuẩn bị liên hệ với một nhân viên tình báo thì phát hiện bị theo dõi. V. Putin liền đặt mũ lên trên ghế trước, làm cho đặc vụ Liên bang Đức tưởng là có hai người đang ở trên xe, vì vậy mà thoát được sự đeo bám. Sau khi V. Putin đảm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục An ninh liên bang Nga, khi đọc hồ sơ của mình, ông phát hiện có nhà tâm lý học đánh giá ông "không biết tới cảm giác sợ hãi". Về sự việc này, Thủ tướng Nga cho biết: "Thực tế bản thân tôi không cho là như vậy, nhưng đây là quan sát lâu dài của họ, bao gồm cả kết luận được đưa ra sau khi bí mật quan sát".

Khi Đông Đức tan rã, V.Putin đã trở về S.Peterburg. "Khi đó, đa số người dân đều cảm thấy rất mơ hồ, không biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì nữa. Lúc ấy tôi muốn làm một tài xế taxi...”. Không lâu sau, Putin gửi đơn xin từ chức lên KGB, nhưng không được phê chuẩn. Ngày 29/8/1991, ngày thứ 2 sau sự kiện "19 tháng 8", Putin nộp đơn xin từ chức lần 2. Lần này, ông được phê chuẩn.

Ông V.Putin được Tổng thống Boris Yeltsin chọn làm "người kế nhiệm", và cho tới nay, quãng thời gian làm tình báo của Thủ tướng Nga ở thành phố Dresden vẫn còn rất nhiều bí ẩn

T.H.T. (tổng hợp)
.
.