Tiết lộ về số phận viên phi công nổi danh của chiến tranh lạnh

Thứ Bảy, 14/05/2011, 10:15

51 năm trước, ngày 1/5/1960, tại Liên Xô đã diễn ra một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của Chiến tranh lạnh. Vào đúng thời điểm người dân lao động Xôviết đang rầm rộ diễu hành trên Quảng trường Đỏ chào mừng ngày Quốc tế lao động, một chiếc máy bay do thám siêu hiện đại U-2 của Mỹ vào thời đó đã bị bắn rơi trên bầu trời Sverdlovsk.

Gary Powers, viên phi công Mỹ lái máy bay trên, đã bất ngờ trở thành một cái tên được nhắc tới thường xuyên. Nhiều chi tiết liên quan đến vụ việc trên cùng số phận của viên phi công này mới được làm rõ trong thời gian gần đây…

U-2 – Kẻ thách thức lực lượng phòng không Xô Viết

Loại máy bay U-2 là sản phẩm của kiến trúc sư hàng không Clarens Johnson, người đứng đầu ban thiết kế Skunk Works của Tập đoàn Lockheed. Tác dụng duy nhất của loại máy bay này là khả năng chụp ảnh từ trên cao. Theo yêu cầu kỹ thuật ban đầu, loại máy bay này phải tránh được nguy cơ tấn công của các máy bay tiêm kích và phương tiện phòng không Xôviết, trong khi tầm hoạt động đủ để bay ngang qua toàn bộ lãnh thổ  Liên Xô từ Nam tới Bắc, trước khi hạ cánh an toàn tại một sân bay ở châu Âu hay châu Á. Ngoài ra, loại máy bay này được thiết kế chỉ cần có một phi công duy nhất điều khiển.

Dù hợp đồng được ký kết vào tháng 12/1954, những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của loại máy bay này đã được tổ chức vào tháng 7/1955. Ngày 4/7/1956, U-2 lần đầu tiên đã bay ngang qua bầu trời Liên Xô. Cất cánh từ Wiesbaden (Tây Đức), chiếc máy bay này đã vượt qua Balan, Belarus, lượn lờ trên bầu trời thành phố Leningrad, đi qua khu vực Baltic và quay trở về hạ cánh ngay tại căn cứ không quân trên. Những chuyến bay do thám trên nhanh chóng được tổ chức thường xuyên hơn.

Ban đầu, radar của Liên Xô đều phát hiện ra kẻ xâm phạm nhưng không thể tiếp cận bắt buộc hạ cánh hay tiêu diệt, do nó bay ở độ cao rất lớn. Trong hồi ký của mình, Khrutsev kể lại, ông đã rất tức giận khi các máy bay tiêm kích Xôviết không thể áp sát chiếc U-2 trên, thậm chí còn coi đây là "sự xúc phạm về mặt tinh thần". Liên Xô khi đó chỉ còn cách duy nhất là gửi những công hàm phản đối qua đường ngoại giao.

Giọt nước chính thức "tràn ly" vào tháng 4/1960, khi Bộ trưởng Ngoại giao Andrey Gromyko mang một công hàm phản đối tương tự lên trình tại Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. "Chuyện này chỉ khuyến khích thêm sự xấc láo của chúng. Cần phải bắn rơi những máy bay này!" - Khrutsev khi đó đã giận dữ tuyên bố.

Phi vụ số 27 của Gary Powers

Cho đến khi Francis Gary Powers cất cánh vào ngày 1/5/1960 trong một phi vụ tác chiến của mình, anh ta đã được xếp vào loại "phi công lão thành" trong chương trình do thám của Mỹ. Tính ra, viên phi công này đã có tổng cộng 27 phi vụ do thám trên bầu trời Liên Xô và các nước thuộc khối Đông Âu. Trong cái ngày định mệnh 1/5 đó, Powers cất cánh từ một căn cứ gần Peshawar, tạm dừng chân tại căn cứ Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) và từ đây thẳng hướng tới khu vực Ural.

Khrutsev biết được vụ đột nhập mới vào không phận Liên Xô ngay từ sáng sớm, khi Bộ trưởng Quốc phòng - nguyên soái Rodion Malinovski - gọi điện báo cáo trực tiếp cho ông. Người đứng đầu Chính phủ Liên Xô ngay lập tức chỉ thị phải bằng mọi giá bắn rơi chiếc máy bay bằng hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất.

Tổng thống Mỹ Eisenhower và nhà lãnh đạo Liên Xô Khrutsev.

Vào đúng thời điểm Quảng trường Đỏ vừa kết thúc duyệt binh và bắt đầu cuộc tuần hành của đông đảo nhân dân lao động, Nguyên soái Biriuzov (Tư lệnh Phòng không) bước lên lễ đài thì thầm vào tai Khrutsev, báo cáo về việc chiếc U-2 đã bị bắn rơi, viên phi công vẫn còn sống và bị bắt làm tù binh. Những người có dịp chứng kiến gần đó kể lại, nhà lãnh đạo Liên Xô đã nở một nụ cười rất mãn nguyện. 

Còn theo người con trai của Powers kể lại, sau khi chiếc máy bay bất ngờ bị trúng tên lửa, viên phi công đã buộc phải nhảy dù từ độ cao 4,6km, mà không kịp nhấn nút tiêu hủy máy bay theo quy định từ trước. Về sau, chính Powers đã bị chính quyền Mỹ buộc tội vì sơ suất này.

Mọi chuyện tiếp theo được tái hiện theo lời kể của công dân Petr Asabin tại ngôi làng Kosulino, người đầu tiên đã nhìn thấy viên phi công nhảy dù thẳng xuống mái nhà của ông. Ban đầu, Asabin đã cùng một người hàng xóm chạy tới, tìm cách giúp đỡ viên phi công mà không hề nghĩ đó là một người Mỹ. Thậm chí, ông còn giúp Powers dập lửa đang cháy từ chiếc dù.

"Tôi cởi dù giúp cho anh ta, gỡ chiếc mũ phi công - Asabin kể lại - Trước câu hỏi chuyện gì đã xảy ra của chúng tôi, anh ta trả lời bằng tiếng nước ngoài và lắc đầu. Tôi quyết định bắt giữ anh ta. Nhìn thấy gần đó có một chiếc ôtô, tôi và người hàng xóm Cheremisin giữ tay anh ta dẫn tới đó. Khi gần tới chiếc xe, tôi phát hiện trong người anh ta có một con dao nhỏ và tịch thu luôn, trước đó Cheremisin cũng giữ một khẩu súng lục nòng dài.

Vì muốn biết anh ta nhảy dù một mình hay không, tôi giơ một ngón tay và sau đó là ngón thứ hai. Anh ta giơ một ngón và chỉ vào chính mình. Chúng tôi đưa anh ta lên xe và chở tới Xôviết làng… Trên xe, anh ta làm cử chỉ cho thấy muốn uống nước. Chúng tôi phải dừng xe lại giữa làng cho anh ta uống nước. Chúng tôi đưa viên phi công tới Xôviết làng, nơi có các nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia từ Sverdlovsk chờ sẵn". Cũng theo lời Asabin, Powers hành xử một cách bình tĩnh, không thể hiện bất cứ thái độ chống đối nào dù là nhỏ nhất.

Chính con trai của Powers sau này cho biết, cha anh ta không hề chịu bất cứ đòn tra tấn nào như báo chí phương Tây vẫn rêu rao. Powers trong quá trình 30 ngày trả lời thẩm vấn đã thừa nhận anh ta làm việc cho CIA, thu thập thông tin tình báo qua những hình ảnh chụp từ trên máy bay. Trong 7 ngày đầu tiên, Powers tìm mọi cách che giấu càng nhiều càng tốt những thông tin về bản thân, cũng như về chiến dịch do thám của Mỹ.

Mọi chuyện đã thay đổi đáng kể vào ngày 7/5, khi cả thế giới phải xôn xao trước tuyên bố chính thức của Khrutsev về việc bắn rơi máy bay U-2 và bắt sống phi công Mỹ. Ngay lập tức, tất cả những tờ báo lớn nhất thế giới đều đăng tải sự kiện này, những bình luận về các hậu quả chính trị, cả những thông tin điều tra liên quan đến Powers.

Cũng từ một bài báo trên tờ The New York Times, các điều tra viên Xôviết mới biết Powers từng được đào tạo tại Căn cứ 51 ở bang Nevada (chính là nơi thử nghiệm bí mật loại máy bay U-2), trong khi viên phi công này lại khai được đào tạo tại Arizona. Từ thời điểm này, để tránh nguy cơ phải nhận bản án nghiêm khắc vì tội không thành khẩn, Powers đã phải khai báo nhiều hơn.


Thắng lợi của điện Kremli

Washington ban đầu chỉ biết được Powers đã không thấy quay trở về, và mọi giả thuyết chỉ là đoán mò. Ngày 4/5, CIA đưa ra thông tin thăm dò đầu tiên: Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo: vào ngày 1/5 tại khu vực hồ Van (Thổ Nhĩ Kỳ), họ vừa bị mất tích một chiếc máy bay chuyên nghiên cứu các hiện tượng khí quyển trên độ cao lớn. Trước khi mất liên lạc, viên phi công thông báo về sự trục trặc trong hệ thống cung cấp oxy. Chiếc máy bay, theo như NASA, chỉ đơn thuần thực hiện một sứ mạng dân sự.

Moskva chỉ chờ có vậy. Ngay hôm sau, Khrutsev thông báo trong phiên họp của Xôviết tối cao về việc, tên lửa của Liên Xô đã bắn rơi một máy bay do thám của Mỹ trên bầu trời khu vực Ural. Washington khi đó cho rằng viên phi công đã thiệt mạng, nên chỉ đưa ra lời giải thích, chiếc máy bay có thể đã bị lạc hướng.

Gary Power trong phiên tòa xét xử.

"Khi người Mỹ cứ làm ra vẻ không biết gì, chúng tôi quyết định đưa ra một thông báo công khai đầy đủ hơn nhằm vạch trần sự giả dối của họ - Khrutsev về sau kể lại trong hồi ký - Tôi được giao phó việc tuyên bố trong phiên họp của Xôviết tối cao về tiến trình điều tra vụ việc, về sân bay mà những máy bay kiểu trên đang ẩn náu, về thời gian và sân bay mà chiếc máy bay bị bắn rơi đã tới Pakistan, hành trình qua lãnh thổ của chúng tôi, về nhiệm vụ của viên phi công do thám trên bầu trời Liên Xô trước khi dự định hạ cánh xuống một sân bay nào đó tại Na Uy". Tất cả những thông tin trên đã thu được từ những cuộc thẩm vấn Powers tại Lubianka (trụ sở KGB). 

Giới chức ngoại giao Mỹ khi đó chẳng có chút cơ hội nào để tìm hiểu rõ tình hình. Nhà Trắng liên tục gọi điện cho Đại sứ quán Mỹ tại Moskva nhằm tìm hiểu điều gì đã xảy ra. Âm mưu xin tiếp cận với viên phi công lại bị từ chối thẳng thừng. Tổng thống Eisenhower và Giám đốc CIA Allen Dulles đã gặp gỡ trực tiếp để bàn cách giải quyết. Dulles còn dự định làm kẻ "giơ đầu chịu báng", sẵn sàng từ chức để khỏi làm ảnh hưởng tới Tổng thống. Tuy nhiên, Eisenhower cuối cùng đã quyết định sẽ đứng ra nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm, do chính ông ta là người trực tiếp phê chuẩn chiến dịch do thám trên.

Ông chủ Nhà Trắng giải thích rằng, những phi vụ do thám trên "có ý nghĩa sống còn" để có thể ngăn chặn một vụ Trân Châu Cảng mới trong tương lai. Eisenhower muốn biết sức mạnh quân sự thực tế cùng những điểm yếu của Liên Xô để có thể sẵn sàng phản ứng trước bất kỳ đòn đánh bất ngờ nào. Hậu quả của vụ này đã quá rõ ràng: Eisenhower được coi là kẻ đã dối gạt nhân dân Mỹ và cả thế giới, còn Khrutsev đạt được một thắng lợi mang tính tuyên truyền rất quan trọng.

Số phận của kẻ đã “đi vào lịch sử”

Phiên tòa xét xử Gary Powers diễn ra từ ngày 17 đến 19/8/1960 đã trở thành sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Viên phi công Mỹ phải nhận bản án 10 năm tù, trong đó có 3 năm đầu tiên phải bị giam giữ hết sức nghiêm ngặt. Powers được đưa tới nhà tù Vladimirka, là nơi giam giữ những tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Anh ta có thời gian đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng vì cho rằng, Chính phủ Mỹ đã quên lãng không tìm cách giải cứu cho mình.

Ý tưởng trao đổi Powers với Đại tá Rudolf Abel - điệp viên nổi tiếng của Liên Xô tại New York bị bắt giữ vào năm 1957 và bị kết án 30 năm tù - bắt đầu nảy sinh đầu tiên từ cha của Powers. Ban đầu, ông này viết thư liên lạc với Abel để đạt được những thỏa thuận ban đầu, trước khi chính thức đưa ra đề nghị với các cơ quan nhà nước. Những cuộc đàm phán qua các kênh bí mật đã diễn ra nhanh chóng dưới sự điều hành của CIA, cho dù cả Liên Xô và Mỹ chưa hề có kinh nghiệm về những cuộc trao đổi này.

Ngày 10/2/1962, cuộc trao đổi lịch sử đã diễn ra tại cây cầu Glienicke bắc qua sông Havel (nối Berlin với Potsdam). Phía Mỹ bàn giao Rudolf Abel cho các đại diện của Liên Xô để đổi lấy Gary Powers và một sinh viên Mỹ có tên Frederic Prior (bị Cảnh sát CHDC Đức bắt trước đó). Nhưng câu chuyện về viên phi công - tù binh này vẫn chưa kết thúc. Anh ta phải đứng trước một thử thách mới tại quê nhà - đó là phải tự mình bào chữa trước công luận Mỹ.

Khi quay trở về, Powers đã phải choáng váng sau khi đọc những bài báo khẳng định anh ta đã cố tình đào ngũ, rằng anh ta đã cố tình nhảy dù khi máy bay vẫn chưa bị tổn hại đáng kể, không tuân lệnh cấp trên phải tự sát trong trường hợp tương tự, hay "ton hót" tất cả những gì biết được cho người Nga. Powers đã phải đưa ra những lời khai tỉ mỉ nhất tại CIA, trước khi ra tường trình trước Ủy ban Thượng viện về lực lượng vũ trang vào tháng 3/1962. Cuối cùng, Powers cũng được phục hồi danh dự, khi ủy ban trên đánh giá anh ta "đã hành động tuyệt vời trong những điều kiện nguy hiểm như vậy".

Dấu kết cuối cùng của câu chuyện được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện trên, khi Power được thưởng Huân chương "Tù binh quân sự", Huân chương Chữ thập "Vì thành tích bay xuất sắc" và huy chương của Giám đốc CIA khi đó là George Tenet "Vì sự trung thành và lòng dũng cảm khi thực hiện nhiệm vụ".

Có điều tất cả những phần thưởng trên chỉ được… truy tặng cho Gary Powers. Trước đó, vào ngày 1/8/1977, viên phi công này đã thiệt mạng trong một chiến dịch chữa cháy rừng tại California. Trên đường quay trở về, chiếc trực thăng của anh ta bị hết nhiên liệu và rơi cách sân bay gần nhất có vài dặm. Powers (khi đó mới có 48 tuổi) được chôn cất tại nghĩa trang quân sự quốc gia Arlington

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.