Tình báo Afghanistan bí mật liên kết với chiến binh Hồi giáo chống Pakistan

Thứ Năm, 14/11/2013, 21:45

Kế hoạch bí mật liên kết với nhóm Taliban ở Pakistan mang tên Tehrik-i-Taliban Pakistan hay TTP (đồng minh của Al-Qaeda) của tình báo Afghanistan (NDS) nhằm tìm kiếm giải pháp an ninh cho nước này sau khi quân đội Mỹ rút lui vào năm 2014 đã gây phức tạp thêm cho mối quan hệ giữa Kabul và Washington. Nhằm cảnh cáo chính quyền Afghanistan, tháng 9 vừa qua, lực lượng đặc biệt Mỹ đã tiến hành cuộc đột kích một đoàn xe của Afghanistan đang chở Latif Mehsud, nhân vật quan trọng của TTP đến Kabul để tham dự cuộc đàm phán bí mật và hiện nay người này đang bị giam giữ.

Trong khi đó, chính quyền Afghanistan công khai mô tả Latif Mehsud là sứ giả hòa bình của phiến quân. Nhưng, theo giới chức Afghanistan, kế hoạch bắt tay ngầm với TTP là nhằm trả đũa Pakistan do cơ quan tình báo quân đội nước này (ISI) đã cung cấp nơi trú ẩn và nuôi dưỡng Taliban ở Afghanistan chống lại chính quyền Kabul.

Một sĩ quan an ninh cao cấp Afghanistan giấu tên cho biết việc giúp đỡ nhóm TTP là "cơ may mang lại hòa bình theo điều kiện của chúng tôi", nghĩa là chính quyền nước này về sau sẽ có lợi trong những cuộc thương lượng với Pakistan bằng cách đề nghị ngưng hỗ trợ cho chiến binh Hồi giáo cực đoan. Nhưng, theo quan điểm của Mỹ, hành động này không giải quyết được gì cho cuộc xung đột giữa Afghanistan và Pakistan. Những năm gần đây, Washington đã gặp thất bại trong nỗ lực thuyết phục chính quyền hai nước Afghanistan và Pakistan chấm dứt việc sử dụng chiến binh Hồi giáo để gây mất ổn định lẫn nhau.

Giới chức Mỹ nhận định, việc tình báo Afghanistan chọn TTP làm đồng minh để chống lại nước láng giềng chỉ càng làm cho tình hình an ninh rối tung lên. Taliban ở Afghanistan và TTP tuy hoạt động riêng lẻ song có mối quan hệ khăng khít với nhau và cùng thề trung thành với thủ lĩnh Mullah Muhammad Omar. TTP cũng chia sẻ căn cứ của nhóm tại các khu vực bộ tộc Pakistan với các nhóm chiến binh Hồi giáo thường xuyên mở những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các quốc gia phương Tây.

Khác với Taliban ở Afghanistan, TTP sẵn sàng mở rộng những cuộc tấn công của nhóm ra khỏi khu vực. Ví dụ, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nghi ngờ Latif Mehsud đóng vai trò quan trọng trong âm mưu đánh bom bằng ôtô quảng trường Thời đại ở New York năm 2010 nhưng may mắn là âm mưu của chúng đã thất bại. Theo cộng đồng tình báo phương Tây, phiến quân ở Afghansitan (với sự giúp sức của TTP) đã giết chết hàng chục ngàn người vô tội ở Afghanistan trong 12 năm qua, trong đó có hơn 2.000 người Mỹ.

Mặc dù chính quyền Kabul tỏ vẻ giận dữ khi lực lượng đặc biệt Mỹ bắt sống Latif Mehsud, song giới chức Washington khẳng định hành động này chỉ nhằm ngăn chặn Afghanistan có những hành động điên rồ khi liên kết với TTP. Thực tế quá khứ cho thấy, việc sử dụng chiến binh Hồi giáo của ISI đã đẩy Pakistan vào vòng xoáy bạo lực không dứt, và hết nhóm này đến nhóm khác dần thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Hiện thời, người Mỹ vẫn chưa biết được NDS đã giúp đỡ được bao nhiêu cho TTP.

Các chiến binh TTP ở Pakistan.

Giới chức Afghanistan quả quyết rằng, việc tiếp tục giam giữ Latif Mehsud sẽ gây cản trở cho việc ký kết hiệp ước cho phép một bộ phận quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện ở Afghanistan sau thời hạn rút quân năm 2014, bất chấp một số tiến bộ đã đạt được sau những cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hamid Karzai và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Aimal Faizi, người phát ngôn cho Tổng thống Karzai, công khai xác nhận Latif Mehsud đã tiếp xúc và hợp tác với giới chức NDS "trong thời gian dài". Và, thủ lĩnh TTP là "một phần trong chiến dịch bí mật của NDS" nhằm chống lại sự ủng hộ của ISI đối với nhóm Taliban ở Afghanistan. Latif Mehsud còn được chính quyền Afghanistan coi là tài sản tình báo có giá trị cao của NDS, do đó việc bắt giữ Latif Mehsud của Mỹ đe dọa làm phá sản kế hoạch của tình báo Afghanistan.

Giới chức Kabul tuyên bố hiện nay họ muốn Islamabd biết rằng Afghanistan cũng có thể chơi trò "bẩn" như Pakistan, bất chấp sự khuyến cáo của Mỹ về kế hoạch liên kết với TTP. Một cựu quan chức Afghanistan nhận định rằng không một ai trong chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai ngây thơ đến mức tin tưởng NDS có thể biến TTP thành một "đại diện" đáng tin cậy cho "cuộc chiến” chống lại Pakistan. Thực ra, người Mỹ cũng dựa dẫm vào các thủ lĩnh ở Afghanistan để đối phó với phiến quân ở nước này.

Trong khi đó, NDS tin rằng người Mỹ đã bật đèn xanh cho phép họ tiếp cận với Latif Mehsud ở một thời điểm nào đó vào năm 2012. Sau nhiều tháng thương lượng với Latif Mehsud, NDS đã đạt được một thỏa thuận ban đầu là Afghanistan sẽ không tấn công các chiến binh TTP ẩn náu tại các vùng núi nằm dọc biên giới nếu phiến quân không tấn công lực lượng của Afghanistan. Tuy nhiên, chính quyền Kabul quyết định giữ bí mật mối quan hệ với Latif Mehsud và không tiết lộ với người Mỹ.

Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tuyên bố chính quyền nước này đã khởi động những cuộc đàm phán với TTP trong nỗ lực ngăn chặn nhóm này sát hại dân thường vô tội cũng như nhân viên của các cơ quan thực thi pháp luật

Thục Miên (tổng hợp)
.
.