Tình báo Canada được tăng cường quyền lực chống khủng bố
Chính quyền liên bang Canada đang phải đối mặt với sự dò xét căng thẳng - có lẽ cả thách thức về mặt hiến pháp - khi đề nghị dự luật cung cấp cho tình báo nước này thêm nhiều quyền lực pháp lý để chống lại những mối đe dọa khủng bố - theo các chuyên gia nghiên cứu hoạt động của Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS).
Hôm 16/10 vừa qua, Bộ trưởng An toàn Công cộng Steven Blaney thông báo những sửa đổi hiến pháp sẽ được tiến hành đối với hoạt động quản lý CSIS tại cuộc họp báo tổ chức ở thành phố Banff Alberta, miền Tây Canada: "Những sự kiện diễn ra trong những tháng gần đây ở Syria và Iraq cho thấy chúng ta không thể tự mãn khi đối mặt với khủng bố. Chúng ta kiên quyết hành động chống lại các cá nhân cực đoan hóa".
Một thông điệp trên trang web chính quyền Canada cũng nhấn mạnh tình hình an ninh và những mối đe dọa đối với nước này đã thay đổi triệt để trong 20 năm qua: "Hơn bao giờ hết, một cá nhân có động cơ hay một nhóm cực đoan sử dụng công nghệ có thể gây tổn hại đáng kể cho Canada từ cách xa hàng ngàn kilômét. Những mối đe dọa an ninh quốc gia không dừng lại ở biên giới chúng ta".
Bộ trưởng Steven Blaney. |
Theo Blaney, Canada sẽ sửa đổi luật về hoạt động gián điệp của CSIS theo 2 hướng. Thứ nhất là cho phép CSIS hợp tác chặt chẽ hơn nữa với mạng gián điệp "Five Eyes" - bao gồm Canada, Mỹ, Anh, Australia và New Zealand - để có được thông tin về chiến binh Canada gia nhập các nhóm khủng bố ở hải ngoại, đồng thời giúp các quốc gia thành viên của mạng lưới theo dõi các nhóm khủng bố ở Canada. Thứ hai là cho phép những người đưa tin của CSIS được quyền ẩn danh tương tự như trong lực lượng cảnh sát, thậm chí danh tính cũng không được tiết lộ trước tòa án.
Giới chức CSIS ước tính có ít nhất 130 công dân Canada ở hải ngoại có những hoạt động được cho là liên quan đến các nhóm khủng bố như là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và khoảng 90 người trong số đó bị nghi ngờ từ Syria và Iraq trở về nước để tiến hành khủng bố.
Mohamed Shirdon trong một video trên trang web của IS. |
Mới đây, Bob Paulson, lãnh đạo Lực lượng Cảnh sát kị mã Hoàng gia Canada (RCMP) cho biết, RCMP đã tiến hành 63 cuộc điều tra về 90 đối tượng này. Cựu Thượng nghị sĩ Hugh Segal - từng lãnh đạo một ủy ban chống khủng bố của Thượng viện Canada - nhận định cả 2 hướng thay đổi mà chính quyền liên bang đề ra là "hoàn toàn có lý", đồng thời bày tỏ mối lo ngại về sự chỉ trích từ phe chính khách đối lập cũng như các nhà hoạt động dân quyền.
Cách đây nửa tháng, khi thông báo tại Hạ viện Canada về khả năng nước này sẽ gửi 6 máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet tham gia sứ mạng chiến đấu kéo dài 6 tháng ở Iraq, Thủ tướng Stephen Harper cũng hứa hẹn ủng hộ luật mới giúp tăng cường quyền lực cho CSIS chống mối đe dọa "chiến binh nước ngoài là người Canada"!
Abdullah Elmir xuất hiện trong một video gần đây. |
Andy Ellis, Phó giám đốc phụ trách các chiến dịch tình báo của CSIS, tuyên bố: "Chúng ta có một lỗ đen. Chúng ta không thể biết được những đối tượng đang ở đâu, chúng di chuyển khi nào và như thế nào cũng như bản chất và mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa mà chúng đặt ra cho Canada và đồng minh chúng ta".
Cách đây một năm, theo luật cũ đã tồn tại 30 năm, Tòa án Liên bang Canada quy định CSIS không được phép theo dõi dấu vết của công dân Canada ở hải ngoại và cần có sự phê chuẩn từ Nghị viện trước khi nhận thông tin tình báo về những đối tượng này từ mạng Five Eyes. Một số luật sư có kinh nghiệm bảo vệ khách hàng của mình trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia bày tỏ mối lo ngại đặc biệt về luật mới cho phép giấu kín danh tính của các nguồn tình báo. Theo họ, đặc ân này sẽ giúp cho mạng lưới người cung cấp thông tin cho CSIS không phải trình diện trước tòa án cũng như thoát khỏi mọi sự chất vấn.
Steve Hewitt, chuyên gia Viện Nghiên cứu lịch sử Mỹ và Canada thuộc Đại học Birmingham (Anh), nhận định: "Các cộng tác viên tình báo chấp nhận cung cấp thông tin vì nhiều lý do. Một số hoàn toàn vì lý do an ninh, số khác vì lợi ích cá nhân trong đó bao gồm cả vì tiền".
Về mối đe dọa khủng bố từ chính người Canada, một video trên trang web của IS cho thấy một người đàn ông lớn tiếng rằng sẽ tấn công Canada. Về sau, người này được xác định là Mohamed Shirdon, 22 tuổi, công dân Canada ở thành phố Calgary.
Theo báo chí Mỹ, Mohamed Shirdon là cháu của cựu Thủ tướng Somalia - Abdi Farah, người từng bị IS đe dọa tính mạng khi bọn chúng muốn thiết lập căn cứ ở khu vực Đông Phi. Shirdon được cho là đã bị giết chết hồi tháng 8/2014 nhưng bất ngờ xuất hiện trở lại. Và, gần đây nhất là một thiếu niên Canada 17 tuổi Abdullah Elmir xuất hiện trong một video đe dọa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Australia.
Được biết, Elmir rời Sydney vào tháng 6/2014 đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi vượt biên sang Syria tham gia chiến đấu cho IS. Thủ tướng Australia Tony Abott nhận định video trên càng củng cố mối lo ngại về sự nguy hiểm của IS đối với Australia và phương Tây