Tình báo Canada tăng cường do thám nội địa

Thứ Hai, 12/09/2016, 15:30
Một bản báo cáo của các cơ quan giám sát tình báo Canada vừa công bố gần đây cho biết khối lượng các cuộc giao tiếp viễn thông nội địa Canada bị cơ quan tình báo Canada do thám đã gia tăng chóng mặt, gấp 26 lần trong khoảng thời gian 2014-2015.

Báo cáo cũng viết rằng các thông tin bị chặn và nghe lén bao gồm những thông tin về cá nhân công dân Canada, đã được các tổ chức tình báo các nước phương Tây chặn, nghe lén, thu thập sau đó được chuyển về cho cơ quan tình báo Canada. Sự gia tăng chóng mặt này đã khiến cho các tổ chức xã hội về quyền công dân lên tiếng yêu cầu phải có sự xem xét thiết lập một cơ chế phân tích cụ thể vấn đề.

Trụ sở CSE ở Ottawa.

Thông tin về sự gia tăng nghe lén nêu trên được tiết lộ trong bản báo cáo hàng năm của Văn phòng Ủy viên Cơ quan An ninh truyền thông. Văn phòng này được thành lập từ năm 1996 để giám sát các hoạt động của Cơ quan An ninh truyền thông (CSE). Ra đời từ năm 1946, CSE là cơ quan tình báo tín hiệu hàng đầu của Canada.

Cơ quan này chịu trách nhiệm can thiệp nghe lén các giao tiếp viễn thông ở nước ngoài, đồng thời bảo đảm an ninh cho các thông tin giao tiếp của Chính phủ Canada. Văn phòng Ủy viên có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của CSE để bảo đảm chúng tuân thủ đúng pháp luật Canada. Văn phòng này cũng phụ trách điều tra theo những đơn thư khiếu nại của công dân đối với hành vi của CSE và các nhân viên CSE.

Pháp luật Canada cấm CSE can thiệp nghe lén các giao tiếp viễn thông của công dân Canada. Nếu có mẩu thông tin giao tiếp như thế, nó sẽ được ghi tên là "truyền thông riêng tư" và CSE không được phép can thiệp và xâm nhập đọc lén nó, ngoại trừ được phép của Bộ trưởng Quốc phòng.

Sự cho phép đó thường chỉ được thực hiện khi việc can thiệp nghe lén được xác định là hết sức cần thiết cho vấn đề an ninh quốc gia Canada hoặc nhằm mục đích quốc phòng. Nếu một giao tiếp viễn thông riêng tư mà bị can thiệp, xâm nhập, CSE sẽ bị buộc phải tiến hành các biện pháp thỏa đáng để bảo vệ quyền riêng tư của công dân có mẩu giao tiếp bị can thiệp.

Theo báo cáo 2015 của Ủy viên CSE, công bố hồi tháng 7-2016, trong giai đoạn 2014-2015, CSE đã tiến hành can thiệp, nghe lén, đọc trộm khoảng 342 mẩu thông tin giao tiếp riêng tư. Một năm trước đó, con số này chỉ khoảng 13.

Báo cáo nói rằng, tất cả 342 trường hợp bị can thiệp trong giai đoạn 2014-2015 đều là vô tình hoặc thuộc trường hợp khẩn cấp vì an ninh quốc gia. Báo cáo cũng nói rằng, lý do của việc gia tăng mạnh số lượng can thiệp bắt nguồn từ công nghệ truyền thông và cách tính số lượng giao tiếp truyền thông mới.

T. Khang (tổng hợp)
.
.