Tình báo Đức bước vào giai đoạn cải tổ và gia tăng ngân sách hoạt động

Thứ Sáu, 09/12/2016, 19:20
Quốc hội liên bang Đức (Bundestag) thông qua luật cải cách đối với BND-cơ quan tình báo nước này- cho phép tổ chức tăng cường hoạt động gián điệp phục vụ chính quyền. Nhưng phe đối lập chỉ trích điều đó cũng mang đến thêm nhiều quyền lực mới cho BND để theo dõi công dân nước ngoài.

Ngoài ra, cộng đồng tình báo Đức cũng có kế hoạch gia tăng ngân sách hoạt động với hy vọng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Sau những tiết lộ gây choáng váng của người thổi còi Edward Snowden về việc nhiều cơ quan tình báo quốc gia - trong đó bao gồm BND - làm gián điệp cho NSA - đồng thời tình báo Mỹ cũng do thám ngược trở lại các đồng minh, một ủy ban Quốc hội liên bang Đức được thành lập để soạn thảo luật cải tổ quy mô đối với hoạt động tình báo nước này.

Theo luật mới, BND chịu sự giám sát từ một "bộ phận độc lập" - bao gồm 2 thẩm phán, 1 công tố viên liên bang và 1 "thanh tra thường trực" do Bộ Nội vụ Đức chỉ định. Luật mới quy định hoạt động giám sát các mạng viễn thông quốc tế phải được văn phòng thủ tướng cho phép và cung cấp sự bảo vệ tốt hơn đối với những "người thổi còi" bên trong các cơ quan tình báo.

BND cũng có thêm quyền hạn gián điệp trực tiếp các tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên phục vụ cho "chính sách đối ngoại và an ninh" của nước Đức.

Konstantin von Notz.

BND cũng được phép hợp tác với tình báo nước ngoài nếu phục vụ cho mục đích đặc biệt như: chống khủng bố, hỗ trợ quân đội Đức thực hiện sứ mạng hải ngoại hay thu thập thông tin liên quan đến sự an toàn của công dân Đức ở nước ngoài.

Đảng đối lập cánh tả và đảng Xanh chống lại luật cải tổ mới của Bundestag cho rằng thay vì kềm chế BND thì lại trao cho cơ quan tình báo này thêm nhiều quyền lực mới và sẽ dẫn đến sự vi phạm nhân quyền bên ngoài nước Đức.

Konstantin von Notz, người phát ngôn đảng Xanh về chính sách Internet, bình luận luật mới vi phạm hiến pháp nước Đức và cộng đồng tình báo nước này coi "Internet như là không gian nằm ngoài luật pháp". Notz cũng tuyên bố 90% các chiến dịch gián điệp đều không liên quan gì đến cuộc chiến chống khủng bố và luật mới càng "khiến cho BND mất uy tín thêm nữa".

Dư luận bên ngoài chính trường Đức cũng không đồng tình về luật cải tổ tình báo mới. Lena Rohrbach, nữ quan chức Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đặt trụ sở tại thành phố London nước Anh, cũng cho rằng luật mới này "cho phép xâm nhập vào cuộc sống riêng tư của công dân".

Trụ sở BND ở Berlin. 

Thanh tra Bảo vệ Dữ liệu và Tự do Thông tin liên bang Đức Andrea Vosshoff cũng buộc tội BND "thu thập dữ liệu cá nhân và tiếp tục sử dụng chúng một cách hệ thống mà không hề có cơ sở pháp lý nào". Đồng thời, Vosshoff tố cáo BND ra sức ngăn cản bà đánh giá công việc của cơ quan "một cách toàn diện và hiệu quả".

Bất chấp mọi sự chỉ trích, cộng đồng tình báo Đức vẫn cố gắng tìm cách gia tăng ngân sách vào năm 2017. Ví dụ, Cơ quan liên bang bảo vệ hiến pháp (BfV) yêu cầu tăng ngân sách 18% cho năm 2017, tức 307 triệu euro (khoảng 345 triệu USD); trong khi BND muốn tăng 12%, tức 808 triệu euro - theo báo cáo tiết lộ từ tờ Suddeutsche Zeitung. Tuyệt đại đa số ngân sách gia tăng được cho là đổ dồn cho chương trình giám sát hàng loạt hoạt động trên Internet như là dịch vụ tin nhắn WhatsApp.

BND cũng cần thêm nhiều tiền - khoảng 73 triệu euro trong vài năm tới - để thành lập "Panos", dự án tình báo mới đặc biệt giải mã những hệ thống thông điệp trực tuyến và tìm kiếm những yếu điểm trong các ứng dụng di động.

Thêm vào đó, cộng đồng tình báo Đức cũng rất cần tiền để mua công cụ gián điệp từ những nhà cung cấp dịch vụ ở hải ngoại. Theo kế hoạch về ngân sách tình báo (được coi là mật) bị rò rỉ, BfV cần thêm nhiều tiền bởi vì các nguồn thông tin của cơ quan hiện nay bị thiếu thốn rất nhiều để hoàn thành sứ mạng.

Có lẽ, do thiếu trầm trọng kinh phí hoạt động mà trước đây BND chấp nhận phục vụ cho NSA để được phép truy cập vào dữ liệu của những chương trình gián điệp của tình báo Mỹ như là Xkeyscore - một trong những dự án NSA bị người thổi còi Edward Snowden phơi bày trước công luận năm 2013.

Tuy nhiên, Frank Herrmann - người phát ngôn cho đảng Cướp biển Đức - nhận định BND khó có thể độc lập với NSA khi mà ngân sách của cơ quan chỉ vào khoảng một phần mười so với tình báo Mỹ (khoảng 10,6 tỷ USD).

Ngân sách bí mật khác rò rỉ cũng bao gồm 1,6 triệu euro và 15 việc làm mới để kết nối cơ sở dữ liệu của Cơ quan quản lý Quốc tịch nước ngoài (AZR) - chứa chi tiết về 20 triệu người không mang quốc tịch Đức - và BfV; cũng như 55 việc làm mới xử lý cơ sở dữ liệu của chính quyền bang và liên bang về bọn cực hữu, cực tả và cực đoan Hồi giáo. Theo tờ Suddeutsche Zeitung, BfV cần thêm khoảng 2.900 nhân viên mới cùng với 800 nhà thầu độc lập vào năm 2017 - tức tăng gấp 3 so với năm 2000.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.