Tình báo Hàn Quốc và vụ tai tiếng Koreagate

Thứ Sáu, 24/07/2009, 02:15
Quan hệ Mỹ - Hàn Quốc trở nên xấu đi một cách nghiêm trọng vào những năm 70 thế kỷ trước, khi xảy ra vụ Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (KCIA) dùng tiền để hối lộ cho một số đại biểu Quốc hội Mỹ để những chính khách này gây áp lực buộc Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ bỏ ý định rút hết quân đội ra khỏi Hàn Quốc vào năm 1973. Các phương tiện truyền thông Mỹ và Hàn Quốc gọi đây là một vụ Koreagate trong quan hệ Mỹ - Hàn Quốc.

Năm 1973, sau thất bại liên tiếp của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, Tổng thống Richard Nixon quyết định cải tổ lại chiến lược quân sự của Mỹ tại châu Á bằng việc triệt thoái quân đội đồn trú trên lãnh thổ một số quốc gia để tăng cường sức mạnh cho các cứ điểm quân sự quan trọng của Mỹ tại Nhật, Philippines và bang Hawaii. Đây là lý do khiến Tổng thống Nixon quyết định triệt thoái toàn bộ quân đội Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Hàn Quốc đến các căn cứ Okinawa (Nhật), Subic (Philippines) và Guam (Hawaii).

Quyết định mang tính chiến lược này của Mỹ đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee lo ngại là một khi Mỹ hoàn tất việc rút quân, Bắc Triều Tiên sẽ tận dụng cơ hội để tấn công quân sự tái chiếm Nam Triều Tiên.

Để giải quyết vấn đề này, Tổng thống Park Chung-hee đã ra lệnh cho Thủ tướng Chung Il-kwon và Giám đốc KCIA Kim Hyung-wook tìm mọi cách vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ để ngăn chặn việc Tổng thống Nixon rút quân khỏi Hàn Quốc. Trong quá khứ, KCIA từng nhiều lần dùng tiền bạc để nhờ các doanh nhân, chính trị gia người Hàn Quốc vận động hành lang tại Quốc hội và Bộ Quốc phòng Mỹ và đã không ít lần thành công. Nổi tiếng nhất trong hoạt động vận động hành lang là Kim Chong-pil, một bà con thân thích với Tổng thống Park Chung-hee, chỉ huy đầu tiên của KCIA.

Để thi hành lệnh của Tổng thống Park Chung-hee, tướng Kim Hyung-wook, Giám đốc KCIA, đã phải nhờ đến tài vận động hành lang của Tongsun Park, một cựu điệp viên KCIA, từng hoạt động nhiều năm tại Mỹ. Sau khi rời KCIA vào năm 1970, Park chuyển sang kinh doanh lương thực nhập khẩu từ Mỹ và có nhiều quan hệ với một số chính khách Mỹ.

Kim Hyung-Wook và Tongsun Park.

Sau nhiều cuộc họp bí mật giữa tướng Kim Hyung-wook và Tongsun Park, có sự hiện diện của cả Thủ tướng Chung Il-kwon, đã đi đến thống nhất là KCIA sẽ được nhận một số tiền lớn lên đến hàng triệu USD mà chính phủ lấy từ hoa hồng của các thương vụ nhập khẩu lương thực từ Mỹ. Sau đó KCIA sẽ chi toàn bộ số tiền này cho Tongsun Park để nhân vật này hối lộ cho một số đại biểu Quốc hội Mỹ.

Cuối năm 1973, Tongsun Park đã gặp Richard Hanna, đại biểu Quốc hội thuộc đảng Dân chủ để đặt vấn đề nhờ nhân vật này vận động các đại biểu Quốc hội khác ngăn chặn việc Tổng thống Nixon rút quân khỏi Hàn Quốc. Tongsun Park còn chi một số tiền lớn để Hanna thực hiện nhiều chuyến công du đến Hàn Quốc để gặp gỡ với Thủ tướng Chung Il-kwon và tướng Kim Hyung-wook.

Trở về Mỹ, Hanna đã tiếp xúc với một số đại biểu Quốc hội khác và “mục tiêu” hành động. Đổi lại, những đại biểu Quốc hội này sẽ được nhận mỗi người một số tiền lót tay từ 200.000 đến 300.000 USD. Mọi việc càng diễn ra thuận lợi hơn khi Tổng thống Nixon bị buộc phải từ chức vào tháng 8/1974 do liên quan đến vụ  Watergate.

Vụ vận động hành lang mang tính chất hối lộ này chỉ bị đổ bể vào năm 1976 khi xảy ra tố cáo lẫn nhau giữa các đại biểu Quốc hội nhận tiền lót tay của Tongsun Park vào năm 1974 về việc dân biểu Hanna đã ăn chặn một số tiền lót tay lớn mà đáng ra phải chia đều cho những đại biểu khác.

Khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vào cuộc để phối hợp điều tra với một ủy ban đặc biệt của Quốc hội thì vụ việc mới được làm sáng tỏ. Từ đó bùng nổ vụ tai tiếng được các phương tiện truyền thông ở Mỹ và Hàn Quốc gọi là Koreagate. Có đến 10 đại biểu Quốc hội thuộc đảng Dân chủ có liên quan đến vụ Koreagate, tất cả đều bị buộc phải từ nhiệm. Riêng Richard Hanna phải lãnh án 30 tháng tù giam.

Vụ Koreagate cũng đã khiến Thủ tướng Chung Il-kwon và tướng Kim Hyung-wook phải từ chức. Riêng Tongsun Park bị bắt giữ tại Hàn Quốc nhưng phía Hàn Quốc đã từ chối  việc dẫn giải cựu điệp viên KCIA đến Mỹ để xét xử theo yêu cầu của FBI. Đến năm 2005, cái tên Tongsun Park lại xuất hiện trở lại trên các phương tiện truyền thông vì ông ta bị tố cáo đã biển thủ một số tiền lớn lên đến nhiều triệu USD từ việc bán gạo cho Iraq để lấy dầu hỏa, Tongsun Park phải lãnh án 5 năm tù giam và hiện thụ án tại một nhà tù liên bang ở bang Kansas, Mỹ.

Riêng Tổng thống Mỹ Gerald Ford thì bị các phương tiện truyền thông chỉ trích là đã mạnh tay trù dập các đại biểu Quốc hội của đảng Dân chủ có liên quan đến vụ Koreagate để trả thù cho việc đảng Dân chủ  đã  phế truất Tổng thống Nixon vào năm 1974 và cũng để làm mất uy tín của đảng Dân chủ trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/1976. Tuy nhiên, cuối cùng ứng cử viên của đảng Dân chủ là Jimmy Carter cũng giành được thắng lợi trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Jimmy Carter đã tích cực vận động Quốc hội Mỹ chống lại các cuộc vận động hành lang mang tính chất chính trị từ các quốc gia đồng minh với Mỹ để tránh xảy ra một vụ Koreagate khác

H.P. (theo Historia)
.
.