Tình báo Israel thuê tư nhân theo dõi người Palestine

Thứ Sáu, 17/02/2012, 20:20

Chính phủ và tình báo quân đội Israel đã và đang bí mật thuê các tổ chức tư nhân thực hiện công việc tình báo, theo dõi và giám sát chặt chẽ những hoạt động văn hóa, thông tin của người Palestine. Mục đích của việc theo dõi này là nhằm phát hiện những mầm mống kích động chống Israel trên các phương tiện truyền thông của Palestine.

Việc này phản ánh tình hình nội bộ Cơ quan Tình báo quân đội Israel (MI) đang bị rối và mất phương hướng trước những biến động chính trị trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Tờ báo thiên tả Haaretz của Israel dẫn các nguồn tin nội bộ Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) cho biết, mấy năm gần đây, Ban lãnh đạo Israel rơi vào hoàn cảnh thiếu hụt thông tin nghiêm trọng về tình hình, diễn biến của các hoạt động chống Israel bên trong các vùng lãnh thổ Palestine. Nguyên nhân của tình trạng này là do tình báo Israel đã dần dần chuyển mục tiêu quan tâm sang chống phá Iran và các nước khác trong khu vực.

Đặc biệt, kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình "Mùa xuân Arập" đầu năm 2011, tình báo Israel càng bị cuốn hút vào các "đám cháy lan" ấy. Từ đó, bộ phận theo dõi thông tin ngôn ngữ Arập của MI đã chuyển hẳn sang việc theo dõi các phương tiện truyền thông xã hội, các trang web cá nhân và các nguồn thông tin điện tử khác.

Sự chuyển hướng này khiến cho MI không còn quan tâm nhiều đến các phương tiện truyền thông ngôn ngữ Arập chính thống nữa. Các kênh thông tin chính thống như Đài Al-Jazeera, Al-Manar và Truyền hình Palestine đã không còn được MI chú ý nữa.

Một minh chứng là, gần đây, các buổi cầu nguyện ngày thứ sáu được phát trên các đài phát thanh và truyền hình Palestine phải mấy ngày sau MI mới xem lại. Israel có rất nhiều cơ quan tình báo cả đối nội lẫn đối ngoại phục vụ việc giám sát, theo dõi người Palestine. Các lĩnh vực khác đã có các cơ quan quan trọng như Mossad (đối ngoại) và Shin Bet (nội địa) lo toan.

Riêng việc theo dõi, giám sát mọi hoạt động của các phương tiện truyền thông tiếng Arập được giao cho MI, cụ thể hơn là đơn vị thu thập thông tin tình báo nguồn mở có tên gọi là Hatzav.

Tuy nhiên, do Hatzav đã bị giải thể từ năm 2007, các thành viên của đơn vị này đã được phân tán vào các đơn vị khác trực thuộc IDF. Gần đây, vấn đề thông tin tình báo nguồn mở trên các phương tiện truyền thông, Internet,… đã được quan tâm, IDF có vẻ cũng đã đầu tư công nghệ và tài chính phục vụ cho công tác tình báo nguồn mở - như tình báo Mỹ hiện đang tiến hành.

Trước yêu cầu bức bách của việc theo dõi, giám sát mọi hoạt động của người Palestine, IDF càng hối thúc Giám đốc MI Aviv Kochavi phải hành động quyết liệt hơn nữa.

Trong khi đó, Chính phủ Israel cũng đã âm thầm lo nguồn thông tin tình báo cho riêng mình, và Chính phủ Israel đã thuê hẳn 2 tổ chức tư nhân, một là Viện Nghiên cứu Trung Đông (MEMRI) có trụ sở tại Washington DC, và Tổ chức Giám sát truyền thông Palestine (PMW) đóng tại Israel.

Người Palestine bị Israel kiểm soát chặt chẽ về mọi mặt trong cuộc sống, kể cả phương tiện truyền thông.

Đặc biệt, PMW là một tổ chức hữu khuynh, cung cấp cho Chính phủ Israel phần lớn thông tin về các ngôn ngữ, tư liệu có hàm ý chống Israel trên báo, đài và cả trong sách giáo khoa Palestine. Người điều hành tổ chức này là Itamar Marcus - người từng điều hành các tổ chức thân Israel ở Mỹ, như tổ chức hữu khuynh Quỹ vì Israel (CFI) có trụ sở đặt tại New York. Văn phòng Thủ tướng Israel và nhiều cơ quan khác của Chính phủ Israel đã là khách hàng thường xuyên, có đăng ký tài khoản thuê bao thông tin trọn gói với PMW.

Trong thời gian gần đây, rất nhiều thông tin quan trọng mà Thủ tướng Netanyahu có được đều nhờ vào bản tổng hợp thông tin tình báo do PMW cung cấp. Đương nhiên, mỗi khi ông Netanyahu muốn sử dụng một thông tin nào đó của PMW thì nguồn thông tin và độ tin cậy của nó sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng.

Trong cuộc đối đầu với người Palestine, vấn đề kích động thù ghét và chống đối Israel ở các vùng lãnh thổ Palestine, và cả ở một số quốc gia Arập trong khu vực, đều được lãnh đạo Israel rất xem trọng. Từ đó, Bộ Các sự vụ chiến lược Israel được giao trách nhiệm liệt kê và đánh giá, tổng hợp các thông tin mang nội dung kích động chống Israel, và sau đó cứ vài tháng một lần in ra và phân phát cho các bộ trưởng tham khảo.

Bộ Ngoại giao Israel cũng đã nhiều lần kịp thời nhắc nhở các đại sứ quán Israel ở nước ngoài hết sức lưu ý đến thông tin nguồn mở trong đó chứa nhiều lời lẽ kích động chống Israel.

Vào cuối tháng 12/2011, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã ít nhất 2 lần đề cập đến vấn đề thông tin kích động chống Israel trên các phương tiện truyền thông Palestine. Ông Netanyahu đề cập vấn đề này trong bối cảnh giữa Israel và Palestine đang có những chuyển động đáng kể trong tiến trình hướng đến tái khởi động đàm phán hòa bình, đồng thời Hamas cũng đã thay đổi hình thức đấu tranh chống Israel.

Có lẽ lãnh đạo Israel đã nhìn nhận thực tế Hamas đã không còn dùng bạo lực khủng bố như trước mà chuyển sang sử dụng phương tiện văn hóa, thông tin,… để chống Israel. Cho nên, sử dụng đối sách theo dõi về văn hóa, thông tin trên các phương tiện truyền thông là cách mà Israel đang tăng cường nhằm không chỉ chống lại chiến lược mới của Hamas mà còn kiểm soát người Palestine chặt chẽ hơn

Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.