Tình báo Israel với chương trình tuyển mộ người Palestine ở Gaza

Thứ Hai, 13/10/2014, 15:45

Theo các tổ chức nhân quyền, phong trào Hamas đã hành hình trên 50 người Palestine vì nghi ngờ họ làm gián điệp cho Israel ở Dải Gaza. Gần 20 cư dân Gaza bị Hamas buộc tội cộng tác với Israel và họ bị bắn chết ngay lập tức khi cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai bên sắp chấm dứt. Hiện nay, các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại về tình trạng hành hình mà không có bất cứ tiến trình pháp lý nào được thực hiện.

Thực ra, trong suốt nhiều thập niên, cộng đồng tình báo Nhà nước Do Thái - bao gồm Mossad và Shin Bet - dựa vào đội quân người đưa tin Palestine để thu thập thông tin về các cộng đồng người Arập ở Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Đội quân bí mật này cung cấp cho Israel thông tin tình báo con người hay cài lén những thiết bị do thám được điệp viên Israel chuyển giao.

Người Palestine đã bị tình báo Israel lợi dụng như thế nào?

Chỉ vài ngày trước khi cuộc tấn công quân sự dữ dội kéo dài 7 tuần của Israel vào Gaza kết thúc, cả thế giới lập tức chú ý đến cuộc hành hình công khai một số người Palestine được cho là làm gián điệp cho Nhà nước Do Thái. Vài người đàn ông bị chụp bao bố vào đầu, quỳ gối trước bức tường trắng. Trước họ là những người hành hình: những chiến binh Hamas vũ trang súng AK-47, mặc đồ đen và trùm kín mặt bằng mũ len. Có ít nhất 18 người Palestine bị hành hình vào ngày 22/8/2014 vì tội cung cấp thông tin cho Israel trong thời gian diễn ra cuộc chiến giữa nước này với phong trào Hamas ở Gaza. Nhưng chính xác thì động cơ nào thúc đẩy người Palestine cộng tác với tình báo Israel và hiện tượng này diễn ra như thế nào?

Một cựu cộng tác viên người Palestine giấu tên khi tiết lộ câu chuyện của mình với Đài truyền hình Al Jazeera: "Do bị ép buộc, tôi phải làm theo yêu cầu của họ. Tôi cảm thấy khổ sở và không thể sống được với nỗi hổ thẹn này. Do đó mà vào một hôm, khi thức dậy tôi đã bảo với vợ rằng tôi sẽ không tiếp tục làm việc ở Israel được nữa".

Ngay sau đó, người đàn ông vội tìm gặp lực lượng an ninh Palestine để thú nhận những gì mình đã làm. Bị giam giữ trong vài tuần và cuối cùng anh được thả ra nhưng phải chịu quản chế. Là người dân ở Dải Gaza, anh cho biết được một sĩ quan tình báo Israel tiếp cận vào năm 1995, đe dọa thu hồi giấy phép làm việc ở Israel nếu không chịu tiết lộ thông tin về vị trí và hoạt động của các thành viên phong trào Hamas. Để hình thành được đội ngũ người đưa tin, thường thì điệp viên Israel đe dọa gia đình hay việc làm kiếm sống của đối tượng, hoặc có những hình thức động viên như là cấp giấy phép du lịch sang Israel hay trao tặng tiền mặt.

Án tử hình được cho phép theo Bộ luật Hình sự cách mạng năm 1979, bao gồm điều khoản 9 của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), trong đó quy định một người có thể mang án tử hình vì có hành động "đe dọa an ninh, an toàn và các lợi ích của quân đội cách mạng".

Theo nhà nghiên cứu chính trị Hazem Abu Shanab, những người đàn ông bị hành hình mới đây ở Gaza trước đó đã bị giam giữ 1 tháng và trong thời gian thẩm vấn, họ thú tội đã cung cấp thông tin cho Israel hoặc cài đặt thiết bị do thám ở Gaza. Abu Shanab phân tích: "Một trong những phương pháp tuyển mộ người cộng tác là chiếm cứ cửa khẩu Rafah (nằm trên biên giới giữa Gaza và Ai Cập) và cho phép người Palestine đi qua Erez (biên giới giữa Gaza và Israel) để có thể gây sức ép, đe dọa và dụ dỗ họ trở thành người cộng tác".

Shawan Jabareen, Giám đốc nhóm nhân quyền Al-Haq của Palestine, chỉ trích những người đàn ông bị hành hình ở Gaza đã không được xét xử công bằng bởi một tòa án theo như quy định trong "Công ước Geneva Thứ 4 về bảo vệ dân thường trong thời chiến (được thông qua lần đầu tiên năm 1949), và kêu gọi các phe phái Palestine ngưng ngay hành động hành hình những người cộng tác với tình báo Israel. Jabareen cũng nói thêm rằng đôi khi tình báo Israel lợi dụng các nhu cầu nhân đạo của người Palestine để ép buộc họ hợp tác cung cấp thông tin: "Nhu cầu và bệnh tật của những người này bị lợi dụng và chính quyền Israel ép buộc họ hợp tác trong các cơ cấu quân sự và an ninh. Do đó, Israel phải chịu trách nhiệm về tội ác này".

Sự hợp tác bắt buộc với một quyền lực chiếm đóng từ lâu được coi là hành động đáng hổ thẹn ở nhiều nơi trên thế giới. Gia đình và người thân của những người cộng tác với Israel đều bị xa lánh. "Những người Ai Cập và Syria cộng tác với Israel cũng gặp phải tình cảnh tương tự", theo Nehad El-Sheikh Khalil - nhà sử học và giáo sư Đại học Hồi giáo Gaza.

Chiến binh Hamas chuẩn bị hành hình những người được cho là cộng tác với Israel.

Mohammed Abu Hassira, 30 tuổi, phát biểu trên Đài truyền hình AL Jazeera rằng phương tiện truyền thông xã hội là nơi mà các sĩ quan tình báo Israel khai thác triệt để để tìm kiếm người cộng tác từ Gaza. Tỷ lệ thất nghiệp chiếm đến 40% ở Gaza - con số cao nhất kể từ năm 2009 - là yếu tố khiến cho đồng tiền và "bổng lộc" trở nên quá hấp dẫn đối với người dân. Abu Hassira nhấn mạnh: "Thậm chí, nhiều thanh niên Palestine vô tội và ngây thơ không biết họ đang cộng tác với tình báo Israel".

Theo một sĩ quan thẩm vấn giấu tên của lực lượng an ninh Gaza, thông tin mà phía Israel yêu cầu thường rất khó nhận biết. Ông nói với đài truyền hình Al Jazeera: "Một trong những người cộng tác được yêu cầu cung cấp thông tin hết sức đơn giản: nhìn từ ban công để xem loại quần áo gì được treo ở đó. Yêu cầu xem ra rất vô lý, nhưng trong trường hợp này thì đó là căn hộ của một lãnh đạo Hamas và tình báo Israel muốn biết nếu như quần áo đang phơi khô thì điều đó có nghĩa là có người đang ngủ bên trong căn hộ".

Raji Sourani, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Palestine ở Gaza.

Trong những trường hợp khác, lực lượng an ninh Gaza bắt giữ những con buôn được phía Israel yêu cầu mang những túi cát nhỏ đến vùng biên giới Erez - hóa ra là người Israel muốn nhận biết vị trí những đường hầm của Palestine. Trong khi phần đông người dân ở Gaza ủng hộ những vụ hành hình mới đây, nhiều người tỏ vẻ bất an trước cách mà thành viên Hamas thực hiện. Theo Abu Hassira, mặc dù những vụ hành hình như thế nhằm răn đe những người cộng tác với phía Israel nhưng lẽ ra nên được thực hiện bởi người của chính quyền hơn là những tay súng trùm kín mặt.

Raji Sourani, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Palestine (PCHR) ở Gaza, tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu Chính quyền Quốc gia Palestine (PNA) và các lực lượng vũ trang cần có sự can thiệp để chấm dứt những vụ hành hình mà không được xét xử công bằng".

Câu chuyện của vợ góa một người cộng tác với tình báo Israel

Chồng của người phụ nữ Palestine 43 tuổi bị chiến binh Dải Gaza bắn chết năm 2012 vì tội làm gián điệp cho Israel. Bản thân người mẹ của 7 đứa con cũng bị Hamas cầm tù vì tội hỗ trợ và xúi giục người chồng gián điệp! Trường hợp của người vợ góa tiết lộ cuộc chiến gián điệp trong bóng tối ít được biết đến giữa Hamas và Israel.

Theo bà, cách đây chục năm điệp viên Israel đã lợi dụng tình trạng thất nghiệp của người chồng để dụ dỗ anh chấp thuận cộng tác với họ nếu như muốn được làm việc tại Israel. Đó là lúc quân đội Israel đang trực tiếp kiểm soát Gaza trước khi rút khỏi vùng đất này vào năm 2005. Về sau, chị cũng trở thành cộng tác viên của tình báo Israel trong suốt 3 năm để con cái được chữa bệnh tại Israel.

Người vợ góa giấu tên, được Hamas thả vào tháng 12/2013, tâm sự: "Cuộc sống của chúng tôi là địa ngục. Chúng tôi rất lo sợ. Mỗi khi đi chợ tôi luôn liếc nhìn phía sau lưng và rất hãi khi nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát".

Vùng biên giới Erez giữa Dải Gaza và Israel.

Một nhân viên giấu tên của cơ quan tình báo nội địa Shin Bet của Israel khẳng định: "Mọi thứ đều bắt đầu và kết thúc vì đồng tiền". Nhờ đội quân cộng tác viên người Palestine này mà Israel đã ám sát thành công hàng chục nhân vật hàng đầu của phong trào Hamas ở Gaza. Trong cuộc chiến tranh ở Gaza, chiến binh Hamas đã bắn chết 22 người Palestine tình nghi cộng tác với Israel, tất cả số người này hầu như bị bắt giữ sau khi 3 điệp viên Hamas bị giết chết trong một cuộc không kích từ phía Israel diễn ra nhờ thông tin mà những người cộng tác cung cấp.

Salah Abdel-Atti, quan chức Ủy ban Nhân quyền Độc lập ở Gaza, nhận định: "Đây là thông điệp khủng khiếp đến xã hội và sự răn đe đối với những người cộng tác khác".

Người dân Gaza tại chốt kiểm soát của Israel ở vùng biên giới Erez trước khi vào làm việc tại nước này, ngày 13/2/2005.

Người vợ góa cho biết chồng bà làm công nhân vệ sinh ở Israel vào thời điểm mà hàng ngàn người ở Gaza được phép bước vào Israel mỗi ngày để làm việc. Nhưng, giấy phép của người chồng bị thu hồi do ông liên quan đến một vụ ăn cắp xe hơi. Lúc đó, người vợ bắt đầu bươn chải sang Ai Cập mua hàng hóa về bán lại ở Gaza. Người chồng cũng muốn đi buôn hàng hóa nhưng bị nhân viên an ninh Israel chặn lại ở phía bên kia Dải Gaza. Họ đề nghị ông hợp tác để đổi lấy việc làm kiếm sống. Về sau, người vợ bắt đầu thấy nghi ngờ chồng khi ông thường xuyên trèo lên mái nhà để nhận những cuộc gọi điện thoại.

Cuối cùng, người chồng thú nhận với vợ: "Tôi không làm hại ai cả. Tôi chỉ trao cho họ một số điện thoại, một cái tên hay thông tin về một đường hầm". Năm 2008, người vợ được phép đưa con sang Israel chữa bệnh và sau đó được một người Israel cho tiền để mua sắm. Vài hôm sau, bà được người Israel này đưa thêm 14.000 USD với lời căn dặn là để tiền ở nhiều địa điểm bí mật khác nhau để trả cho những người cộng tác khác. Bà kể: "Chúng tôi giấu tiền dưới những tảng đá, trong thùng rác...".

Không lâu trước khi hai vợ chồng bị bắt giữ năm 2011, người chồng nhận được cuộc gọi từ người Israel mô tả về một chiếc xe hơi và yêu cầu ông lập tức đi ra đường cái và đứng chờ ở đó. Khi nhìn thấy chiếc xe hơi chạy đến, người chồng liền gọi ngay cho người Israel báo cáo có 2 người ngồi bên trong. Khoảng hơn 1 giờ sau, người Israel đánh bom chiếc xe hơi, giết chết những người bên trong được cho là chiến binh Hamas.

Trong suốt cuộc chiến đối đầu giữa Israel và Hamas năm 2012, một vài nhân vật cao cấp của Hamas đã bị giết chết trong những cuộc không kích. Đó là lý do mà người chồng và 5 người khác bị nhóm người trùm kín mặt bắn chết tại vùng biên giới Gaza với Israel. Thi thể của ít nhất 1 người trong số đó còn bị chiếc môtô kéo lê trên đường phố. Riêng người vợ bị buộc tội trong một tòa án Hamas và lĩnh án tù 7 năm. Hiện nay, bà đang cố gắng kiếm tiền để nuôi con.

Bà nói: "Láng giềng cười gượng gạo với tôi và tôi biết họ đang nghĩ gì về chúng tôi". Bà không muốn bình luận sự cộng tác với người Israel là đúng hay sai mà chỉ nói: "Chồng tôi là người tốt. Anh không bao giờ làm hại bất cứ ai".

Bộ Nội vụ của Hamas tuyên bố đã hành hình 12 người cộng tác với Israel từ năm 2007 sau khi kết thúc những phiên tòa "kín". Nhưng, các nhóm nhân quyền lại khẳng định con số thật sự là 53 người!

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.