Tình báo Libya nghe lén điện thoại của lãnh đạo MI-6
- MI-6 lên kế hoạch “phình to”
- Betty Pack - Người đàn bà không thể cưỡng lại của MI-6
- Thách thức của Giám đốc MI6 và nguy cơ khủng bố tại Anh
Tài liệu chứng cứ dài 33 trang được luật sư Sapna Malik, đại diện quyền lợi cho ông Abdel Hakim Belhaj trình tại phiên khai mạc phiên tòa xét xử vụ bắt cóc ông hôm 10-7. Sau đó, Belhaj và vợ được thả vì không có chứng cứ buộc tội. Tại phiên tòa, Belhaj và vợ đã đề nghị chỉ nhận số tiền bồi thường tượng trưng 1 bảng Anh từ CIA và MI-6 kèm theo "lời xin lỗi không giới hạn".
Ông Mark Allen, Giám đốc bộ phận chống khủng bố của MI-6. |
Các luật sư của ông Belhaj cho rằng, chính phủ Anh đã ngăn cản hai ông Sir Mark Allen, Giám đốc bộ phận chống khủng bố của MI-6 và cựu Ngoại trưởng Jack Straw tự bào chữa tại tòa án, vì lo ngại việc họ tự bào chữa có thể làm lộ ra nhiều thông tin bí mật về sự hợp tác trước đây giữa tình báo Anh và Libya. Tuy nhiên, tài liệu chứng cứ được tổng hợp từ các hồ sơ lưu trữ ở Tripoli đã làm sáng tỏ thêm về quan hệ hợp tác giữa Cơ quan tình báo Anh MI-6 và cơ quan tình báo Libya- Tổ chức An ninh đối ngoại (ESO).
Abdel Hakim Bellhaj là một thành viên có vai trò nổi bật trong tổ chức Hồi giáo cực đoan Libyan Islamic Fighting Group (LIFG) đóng tại miền Đông Libya. Tài liệu tiết lộ, chính việc Belhaj và một lãnh đạo khác của LIFG là Sami Al-Saadi bị bắt và luân chuyển sang nhà tù bí mật ở Libya để tra tấn đã khiến cho tổ chức LIFG phản ứng bằng cách ngả theo Al-Qaeda.
Cần nhắc lại rằng, vào ngày 30-10-2014, Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao Anh đã ra phán quyết cựu thủ lĩnh phiến quân Libya Abdel Hakim Belhaj được quyền kiện Chính phủ Anh và các cơ quan tình báo liên quan đến vụ bắt cóc và tra tấn ông ta, trong đó có Cục Tình báo trung ương Mỹ và Cơ quan Tình báo MI-6 của Anh. Đây là vụ kiện mang tính chất danh nghĩa hơn là vụ tranh chấp quyền lợi giữa các bên liên quan.
Ông Moussa Koussa, cựu Giám đốc tình báo Libya. |
Theo đơn tố cáo của Belhaj, ông ta và vợ là Fatima Bouchar đã bị CIA bắt cóc tại Trung Quốc vào tháng 1-2004, sau đó đưa qua Malaysia rồi Thái Lan và sau cùng về đến Tripoli trên chuyến bay luân chuyển của CIA mang số hiệu N313P, bị biệt giam trong nhà tù Tajoura, ngoại ô Tripoli, suốt 7 năm.
Trong thời gian tại đây, Belhaj cho rằng CIA và các quan chức an ninh Libya đã dùng các hình thức tra tấn như xích tay vào cửa sổ, không cho ngủ… để khảo cung. Tháng 3-2010, Belhaj được trả tự do theo lệnh của Saif al-Islam Gaddafi, con trai nhà độc tài Gaddafi. Tháng 12-2011, Belhaj bắt đầu đâm đơn kiện Chính phủ Anh. Trong đó, Ngoại trưởng Jack Straw được nêu đích danh là người phải chịu trách nhiệm do có liên quan trong hoạt động bắt cóc và luân chuyển trái phép Belhaj và vợ ông ta.
Sự tham gia của MI-6 trong chương trình luân chuyển tù nhân bí mật của CIA đã được xác định vào năm 2011 khi một bản fax từ ông Allen gửi cho giám đốc ESO Moussa Koussa được tìm thấy trong kho tài liệu lưu trữ ở Tripoli sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ. Tài liệu cũng tiết lộ Sir Allen đã từng đến Libya vào năm 2003.
Tại Libya, Sir Allen đã thực hiện một số cuộc gọi điện thoại di động và một cuộc gọi điện thoại công cộng về Bộ Ngoại giao Anh. Và các cuộc gọi này đã bị ESO nghe lén để nắm thông tin về hoạt động của ông tại Libya cũng như quan điểm của nước Anh trong vấn đề chống khủng bố cũng như vụ Belhaj và tổ chức LIFG. Thông qua một người chỉ điểm, MI-6 tiếp tục liên lạc và phối hợp với ESO cho tới năm 2006, cung cấp cho ESO thông tin về thành phần chống đối chính quyền Libya.
Ngược lại, ESO cũng cung cấp cho MI-6 nhiều thông tin tình báo quan trọng, trong đó có thông tin về âm mưu ám sát Thủ tướng Tony Blair khi ông thực hiện chuyến thăm Libya vào năm 2003. Tình báo Libya cũng cảnh báo các đồng nghiệp Anh về độ tin cậy của kế hoạch ám sát ông Tony Blair.
Thời điểm đó trong dư luận cũng rộ lên thông tin về sự hợp tác bí mật giữa các cơ quan tình báo Anh và Libya. Một số sĩ quan MI-6 đã tham gia những cuộc họp bí mật giữa Bộ Ngoại giao Anh với các cố vấn của ông Gaddafi và các điệp viên ESO ở Anh để thảo luận đi đến thỏa thuận về vũ khí giết người hàng loạt của Libya. Về phần Moussa Koussa, do là người trung gian ký kết thỏa thuận với tình báo Anh - Mỹ nên hậu quả là ông ta bị mất ghế lãnh đạo tình báo Libya để chuyển sang làm Ngoại trưởng nước này.
Vốn là người rất thận trọng và lắm mưu mô, Koussa không vội bay khỏi Libya khi đất nước rơi vào khủng hoảng mà chỉ thật sự bỏ chạy khi biết chắc rằng chế độ Gaddafi bắt đầu phải hứng chịu chiến dịch không kích của NATO. Nước Anh không là điểm đến đầu tiên mà Koussa chọn lựa. Ban đầu, một đại diện của chính quyền Pháp tiếp xúc với Koussa tại một hội nghị ở Ethiopia, cuộc gặp gỡ sau đó tiến hành vào cuối tháng 3-2011 ở thủ đô Tunisia.
Nhưng vào phút cuối cùng, Paris quyết định tố cáo công khai Gaddafi, đây là tình huống bất ngờ đối với Koussa. Bị mắc kẹt ở Tunisia và trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng cựu lãnh đạo tình báo Libya chọn điểm đến là nước Anh.