Tình báo MI-5 đã đẩy ‘chiến binh John’ thành đao phủ?

Thứ Bảy, 14/03/2015, 08:35
Một loạt thư điện tử của một tổ chức vận động xã hội vừa được công bố cho thấy nhiều năm trước khi Mohammed Emwazi gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), anh ta đã từng là mục tiêu săn đón của Cơ quan tình báo đối nội MI-5 của Anh. Nhưng sau khi Emwazi từ chối lời mời gọi, MI5 đã triển khai chiến dịch săn đuổi, gây bao khó khăn cho cuộc sống của anh ta.

Mohammed Emwazi chính là kẻ được biết với tên gọi "Chiến binh John" trong các đoạn video giết người của IS, với hình ảnh một tay súng IS bịt kín mặt, nói giọng Anh xuất hiện bên cạnh các nạn nhân mặc áo tử tù màu cam, tay trái cầm con dao găm nhọn chĩa về phía trước.

Kể từ khi danh tính của kẻ bịt mặt "Chiến binh John" được xác định và công bố rộng rãi trước công chúng, nhiều bí mật về y lần lượt được tiết lộ. Một cuộc tranh cãi chính trị cũng bùng nổ ở Anh xoay quanh nguyên nhân vì sao Emwazi trở nên "cực đoan hóa" và đi theo IS, và các biện pháp kiểm soát khủng bố của Chính phủ Anh kém hiệu quả.

Hồ sơ của cơ quan điều tra mô tả "Chiến binh John" là một kẻ lạnh lùng, cô độc, từng là thành viên một nhóm khủng bố đã tan rã và từng có liên hệ với nhóm khủng bố thực hiện loạt vụ đánh bom ở London năm 2005. Năm 2007, y trở thành mối bận tâm của Cơ quan điều tra Anh, bị nghi ngờ có dính líu đến tổ chức khủng bố Al-Shabaab ở Somalia. Các cơ quan chức năng Anh, từ cảnh sát, an ninh đến tình báo đều cho rằng đã quá quen mặt với Emwazi trong nhiều năm. Đến năm 2013 thì y biến mất.

Tuy nhiên, CAGE - một tổ chức vận động vì quyền lợi người Hồi giáo ở Anh, từng có nhiều cuộc tiếp xúc phỏng vấn và trao đổi email với Emwazi trước khi anh ta sang Syria, vừa trưng ra một loạt tài liệu phỏng vấn và email trao đổi với Emwazi có ghi ngày tháng rõ ràng. Theo CAGE, Emwazi cực đoan hóa, rồi sang Syria gia nhập IS trở thành "Chiến binh John" một phần là do chính sách quấy rối nghiệt ngã của MI-5 và các cơ quan an ninh Anh trong nhiều năm qua.

Chiến binh John.

Chiến dịch quấy rối đủ kiểu đó đã khiến cho Emwazi cảm thấy cuộc sống như địa ngục trần gian và tìm kiếm sự giúp đỡ. Emwazi đã viết email gửi cho tổ chức CAGE, sau đó tiếp xúc với tổ chức này để tìm sự trợ giúp. Đồng thời, Emwazi cũng gửi email cho tờ Daily Mail vào các năm 2010 và 2011 để nhờ tờ báo này đưa vụ việc của mình ra trước công chúng, để nhiều người được biết, theo biên tập an ninh Robert Verkaik của tờ Daily Mail.

"Chiến binh John" - Mohammed Emwazi năm nay khoảng 26 tuổi, sinh ra tại Kuwait, di cư sang Anh sinh sống tại khu Tây London, tốt nghiệp đại học ngành khoa học máy tính. Câu chuyện về "Chiến binh John" bắt đầu từ năm 2009, khi đó Emwazi 21 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học.

Theo CAGE, MI-5 từng nhiều lần tiếp xúc với Emwazi, cả ở nước Anh và những nơi anh ta lui tới ở nước ngoài, ép buộc anh ta làm việc cho họ, và khi Emwazi từ chối, MI-5 đã đe dọa và gây cho anh ta đủ thứ rắc rối. Và họ đã làm thật. MI-5 đã tổ chức theo dõi Emwazi, nghe lén điện thoại, bắt giữ anh ta ở nước ngoài và dùng thủ đoạn thông báo với các quốc gia mà Emwazi định lui tới để ngăn cản việc đi lại của anh ta.

Chưa hết, MI-5 còn phái điệp viên đến gia đình Emwazi để đe dọa nhằm gây áp lực đối với anh ta, nhưng vô hiệu. Trong một email gửi cho CAGE vào năm 2009, anh ta kể mình bị tình báo Anh (các điệp viên MI-5) chặn bắt tại Tanzania. Cơ quan chức năng Anh cho rằng, họ chặn bắt Emwazi vì nghi anh ta đến Somalia để gia nhập tổ chức khủng bố Al-Shabaab, còn Emwazi thì trình bày trong email gửi CAGE là mình đi du lịch cùng bạn bè sau khi kết thúc khóa học tại Đại học Westminster.

Sau đó, Emwazi tiếp tục bị theo dõi và chặn bắt, bị thẩm vấn tại Amsterdam, Hà Lan. Sau những màn quấy rối sơ bộ đó, Emwazi chán nản, muốn rời bỏ nước Anh trở về Kuwait sinh sống. Và Emwazi lại bị những nhân viên an ninh không xưng tên bắt giữ tại sân bay khi chuẩn bị đi Kuwait, sau đó anh ta bị thẩm vấn trong 6 giờ liền, Emwazi kể trong một email gửi cho tờ Daily Mail vào tháng 6/2010.

Trong email, Emwazi nói rằng anh ta đã trình bày nguyện vọng trở về Kuwait sinh sống, làm việc và anh ta đã có vợ ở đấy rồi, nhưng các nhân viên an ninh đó không tin và còn có hành động hung bạo với anh ta. Tất cả những vụ việc đó chỉ mới là mở màn cho một chiến dịch quấy rối dai dẳng kéo dài hơn 3 năm cho đến khi Emwazi chạy sang Syria vào năm 2013.

Nhà của chiến binh John ở phía tây London.

Không chỉ có Emwazi, nhiều người khác cũng đã từng rơi vào tình trạng tương tự do chính sách tuyển mộ người Hồi giáo làm gián điệp của MI-5. Tờ The Guardian đã liệt kê ra một số trường hợp, chẳng hạn như Michael Adebolajo từng bị khủng bố tinh thần liên tục trong thời gian dài trước khi nổi điên giết chết một binh sĩ Anh ở London vào năm 2013.

Một thanh niên trẻ người Anh gốc Somalia tên Mahdi Hashi kể với tờ The Independent (Anh) rằng, anh ta bị MI-5 ép buộc tuyển mộ vào năm 2009 nhưng không thành. Sau đó, anh ta bị tước quốc tịch Anh trong lúc đang đi ra nước ngoài, rồi cuối cùng bị bắt giam ở Mỹ với cáo buộc "khủng bố".

Năm 2013, một thanh niên Hồi giáo sống ở London kể với tờ Global Post về "trải nghiệm" của mình với MI-5. Người thanh niên này không liên quan gì đến chủ nghĩa cực đoan hay khủng bố, kể rằng anh ta bị chặn lại 2 lần ở sân bay và được các nhân viên an ninh Anh yêu cầu "trợ giúp". Chiến dịch tuyển mộ đó kéo dài nhiều tháng, với một điệp viên liên tục gọi điện thoại và đến nhà nói chuyện.

Rồi một sáng Chủ nhật, một kẻ lạ mặt đi môtô thả một túi xách vào nhà người thanh niên, bên trong túi xách có một chiếc điện thoại di động mới toanh và một mẩu giấy ghi "Hãy bật điện thoại lên", trong danh bạ có cài sẵn số điện thoại liên lạc giống với số mà anh ta được trao tại sân bay. Chiến dịch chỉ chấm dứt khi người thanh niên này tìm một luật sư về nhân quyền yêu cầu giúp đỡ.

Đa số các chuyên gia về khủng bố và IS đều cho rằng, chuyện MI-5 và các cơ quan chức năng khác của Anh quấy rối, theo dõi và gây khó khăn cho cuộc sống những người mà họ nghi là "khủng bố" không phải là nguyên nhân chính khiến cho những người này sau đó đi theo khủng bố thật. Bên cạnh chính sách quấy rối đó, bên cạnh sự bất mãn và chán ghét gia đình, xã hội còn có yếu tố trực tiếp: đó là hoạt động tuyên truyền dụ dỗ cực mạnh của IS đang làm bó tay nhiều nước phương Tây.

Một nghiên cứu gần đây có đưa ra kết luận rằng, một phần sự bất mãn đối với chính quyền, gia đình và xã hội đã đẩy thanh thiếu niên nhiều nước phương Tây đi vào con đường cực đoan hóa và tham gia lực lượng thánh chiến IS.

Nhưng, phần nhiều, những thanh thiếu niên này đã có tiếp xúc nhiều với thành phần Hồi giáo cực đoan và đã phần nào bị chúng tác động, lôi kéo, dụ dỗ. Hơn nữa, bộ máy tuyên truyền của IS cực kỳ lợi hại, hiện đang lấn lướt các cơ quan tình báo phương Tây trong việc tuyên truyền, dụ dỗ, cực đoan hóa thanh thiếu niên.

Tờ The Guardian ngày 25/ vừa qua đã đưa một câu chuyện về 3 thiếu nữ Anh đã đột nhiên mất tích. Công tác điều tra sau đó phát hiện 3 cô bé, trạc tuổi 15-16, không phải mất tích mà trốn nhà đi theo IS. Các cô bé này đã được "cực đoan hóa" và tình nguyện sang Syria để tham gia IS làm "cô dâu thánh chiến". Trước đó, từ năm 2013, cũng đã có nhiều vụ thanh thiếu niên Anh đi theo IS xuất phát từ việc "cực đoan hóa" thông qua việc tiếp cận với hệ thống tuyên truyền của IS.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.