Tình báo Mỹ - Anh xâm nhập mạng viễn thông nước Đức

Thứ Ba, 07/10/2014, 21:15

Theo các tài liệu tuyệt mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ), cả hai tổ chức gián điệp quy mô này bí mật lập bản đồ Internet, bao gồm kiểm soát các thiết bị đầu cuối của người dùng như máy tính. Để làm được điều đó, NSA và GCHQ xâm nhập trái phép các mạng viễn thông thuộc Tập đoàn Deutsche Telekom của Đức.

Khi phải chọn tên mã cho các chiến dịch bí mật, người Mỹ và Anh chứng tỏ họ rất có đầu óc sáng tạo. Thường thì họ lấy cảm hứng từ thiên nhiên với các tên gọi như là "Evil Olive" (Cây ôliu xấu xa) và "Egoistic Giraff" (Hươu cao cổ ích kỷ). Hoặc là họ sử dụng nguồn từ Hollywood như là một chương trình mang tên "Bản đồ kho báu".

Chương trình "Bản đồ kho báu" cho phép lập bản đồ Internet, kiểm soát các hệ thống cáp viễn thông, nhận ra các thiết bị kết nối như bộ định tuyến (router) và cả thiết bị đầu cuối kết nối Internet của người dùng - máy tính, smartphone và máy tính bảng - ở mọi nơi trên thế giới. Thật sự, bản đồ như thế không chỉ tiết lộ một kho báu mà là hàng triệu kho báu.

Theo tài liệu mật được người tố giác Edward Snowden tiết lộ, "Bản đồ kho báu" cho phép các chuyên gia phân tích tình báo tạo dựng một "bản đồ tương tác Internet toàn cầu". Đội ngũ chuyên gia của liên minh tình báo "Five Eyes" - bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand - có thể cài đặt và sử dụng chương trình trên các hệ thống máy tính của họ. Nói tóm lại, chương trình của NSA cung cấp một loại bản đồ chiến trường phục vụ chiến tranh mạng.

Trụ sở Deutsche Telekom ở Bonn, Đức.

Hai công ty viễn thông Đức được chương trình "Bản đồ kho báu" đặc biệt quan tâm là Deutsche Telekom AG và Netcologne ở thành phố Cologne. Nhà mạng khu vực Netcologne vận hành hệ thống cáp quang riêng, cung cấp các dịch vụ điện thoại và Internet cho hơn 400.000 khách hàng. Deutsche Telekom - trước đây của nhà nước và hiện thời chính quyền Đức vẫn còn sở hữu 31,7% vốn - là một trong khoảng chục công ty viễn thông quốc tế vận hành các mạng toàn cầu. Chỉ riêng ở Đức, Telekom cung cấp các dịch vụ điện thoại di động, Internet và đường truyền mặt đất cho hơn 60 triệu khách hàng.

Theo các tài liệu về "Bản đồ Kho báu" không đề ngày tháng, NSA và các cơ quan đối tác trong Five Eyes không chỉ giám sát mạng các công ty viễn thông và luồng dữ liệu lưu thông qua chúng mà còn nhắm đến cả thiết bị đầu cuối của người dùng. 

Không chỉ có Telekom và Netcologne trở thành nạn nhân của NSA và GCHQ. Tháng 3/2014, tờ Der Spiegel của Đức đưa tin tình báo Mỹ - Anh còn tấn công vào 3 nhà mạng khác của Đức, chuyên cung cấp dịch vụ kết nối vệ tinh đến những khu vực hẻo lánh trên thế giới - đó là Stellar PCS, Cetel và IABG.

Cuộc tấn công Stellar của tình báo Anh xuất phát từ Trung tâm Phân tích mạng (NAC) của GCHQ đặt tại thị trấn Bude, hạt Cornwall nước Anh. Christian Steffen, Giám đốc điều hành và người sáng lập Stellar PCS cho biết: "Cuộc tấn công mạng như thế rõ ràng là cuộc tấn công mang tính tội phạm theo luật pháp nước Đức. Tôi muốn biết tại sao chúng tôi là mục tiêu và chính xác cuộc tấn công được tiến hành như thế nào để có thể bảo vệ mình và khách hàng khi điều này xảy ra lần nữa".

Về phần mình, bộ phận an ninh của Deutsche Telekom đã tiến hành rà soát mọi router quan trọng ở Đức nhưng vẫn chưa phát hiện thấy điều gì. 

 

Tài liệu mô tả về "Bản đồ Kho báu" của NSA.

NSA cũng như các quốc gia trong liên minh tình báo Five Eyes có thể xâm nhập dữ liệu từ 30 - 50 triệu địa chỉ IP một ngày nhờ vào các máy chủ nằm kín đáo trong "các trung tâm dữ liệu bí mật trên khắp thế giới". Theo tài liệu NSA, chủ sở hữu các trung tâm dữ liệu này không hề biết những máy chủ nằm ẩn bên trong cơ sở của họ đang giám sát luồng lưu thông dữ liệu từ: Nam Phi, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Nga, Đức, Ba Lan, Đan Mạch, Latvia, Ukraina, Argentina và Brazil.

Tài liệu "Bản đồ kho báu" cũng tiết lộ NSA xâm nhập dữ liệu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế bao gồm: SingTel của Singapore, Telstra của Australia, Paknet của Pakistan, Telekom Malaysia và Verizon Business EMEA.

GCHQ cũng lập danh sách 11 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế cùng đồng hành với Deutsche Telekom, Netcologne và Stellar PCS để thu thập tín hiệu các cuộc gọi điện thoại di động trên toàn thế giới - trong đó bao gồm British Telecoms, Orange ở Pháp, Etisalat của Israel, Cable & Wireless ở Mỹ. Cả 3 công ty Đức cũng là đối tác của TeliaSonera, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chính cho các quốc gia phía tây bắc của châu Âu

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.