Tình báo Mỹ - Israel theo dõi chương trình vũ khí hóa học của Syria

Thứ Năm, 20/12/2012, 04:35

Syria bắt đầu tích cực thu thập nguyên vật liệu và kiến thức cho chương trình vũ khí hóa học vào hai thập niên 70 và 80 thế kỷ trước, nhưng nước này chưa bao giờ ký kết Quy ước về Vũ khí hóa học (CWC) năm 1993 và cũng không tham gia Hiệp ước về Vũ khí sinh học (BWC) có hiệu lực từ ngày 26/3/1975.

Mục đích của CWC và BWC là loại bỏ hoàn toàn hạng mục vũ khí hủy diệt hàng loạt với quy định ngăn cấm phát triển, sản xuất, sở hữu, tích trữ, duy trì, chuyển giao hay sử dụng vũ khí hóa học và sinh học (hay vũ khí vi trùng).

Thời gian qua, Cơ quan Tình báo quân đội Mossad của Israel cảnh báo các quan chức tình báo phương Tây rằng, có thông tin cho thấy các tác nhân hóa học cùng với tên lửa tầm xa của Syria được chuyển giao cho tổ chức Hezbollah. Trong khi tình báo phương Tây nhận định Syria bảo vệ các kho vũ khí hóa học rất nghiêm ngặt và không hề chuyển giao cho Hezbollah.

Vai trò cố vấn của một vị tướng người Nga

Syria là 1 trong 5 quốc gia không ký kết CWC và bắt đầu tự sản xuất các tác nhân hóa học vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước. Ban đầu, chúng là những quả bom chứa đầy khí sarin trang bị cho máy bay ném bom và về sau mới phát triển đầu đạn chứa tác nhân hóa học cho tên lửa Scud.

Vào giữa thập niên 90 thế kỷ trước, Syria sản xuất thành công loại vũ khí hóa học cực kỳ nguy hiểm là VX (hóa chất tác động đến hệ thần kinh trung ương của người). Vũ khí bao gồm 2 thành phần được giữ tách biệt nhau trong đầu đạn tên lửa Scud và chúng chỉ hòa lẫn vào nhau phóng ra chất độc chết người khi tên lửa trúng mục tiêu.

Theo nguồn tình báo Israel, kỹ năng sản xuất chất độc hóa học của Syria bắt nguồn từ Anatoly Kuntsevich - cố vấn về chương trình giải giáp vũ khí hóa học của Tổng thống Nga Boris Yeltsin và về sau là chuyên gia cao cấp về vấn đề này ở Nga.

Tướng Anatoly Kuntsevich, sinh năm 1934, là chuyên gia về vật lý và hóa học hữu cơ, từng phục vụ cho chương trình vũ khí hóa học tuyệt mật của Liên Xô cũ. Sau khi Liên Xô tan rã, Tổng thống Boris Yeltsin quyết định hủy bỏ chương trình và chỉ định Kuntsevich phụ trách vấn đề này, ông còn đảm trách cả những cuộc đàm phán với Mỹ.

Bức ảnh cho thấy Bộ Quốc phòng Anh cho nổ phá hủy rocket 122mm chứa chất độc thần kinh sarin.

Nhân dịp bay đến Syria vào năm 1995, Kuntsevich bắt đầu thiết lập mối quan hệ cá nhân với giới lãnh đạo Syria lúc đó. Ông ta đã nhận được số tiền lớn từ Syria sau khi đồng ý cung cấp kỹ thuật cũng như một số thiết bị - do Kuntsevich mua ở châu Âu - phục vụ sản xuất các loại vũ khí hóa học.

Một số chi tiết của việc giao dịch này được Mossad nắm rõ vào năm 1998 dẫn đến việc Thủ tướng Israel lúc đó là Ehud Barak cố gắng cảnh báo đến giới lãnh đạo ở Moskva về hành động nguy hiểm của Kuntsevich nhưng không thành công.

Dường như Tổng thống Yeltsin không muốn hay không thể can thiệp vấn đề. Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, một báo cáo bí mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho biết, chính quyền Syria đã sản xuất được một lượng lớn vũ khí hóa học và "rất có thể Syria đang có những nỗ lực phát triển khả năng tấn công với vũ khí sinh học".

Ngày 29/4/2002, tướng Anatoly Kuntsevich chết trong chuyến bay từ thành phố Aleppo của Syria đến Moskva trong hoàn cảnh vẫn còn hết sức bí ẩn cho đến ngày nay.

Những kho vũ khí hóa học của Syria

Các nỗ lực sản xuất vũ khí hóa học của Syria phần lớn được tiến hành qua Trung tâm Nghiên cứu khoa học (SSRC) được thành lập năm 1971. SSRC hoạt động liên kết với nhiều tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp phương Tây cho đến khi các cơ quan tình báo Mỹ và Pháp xác định cơ quan này chỉ là bình phong của hệ thống an ninh Syria thì mới bị cấm.

Tình báo phương Tây cho rằng quân đội Syria đang chuẩn bị vũ khí hóa học và đang chờ lệnh của Al-Assad.

SSRC cũng quản lý các địa điểm chính sản xuất và tích trữ các tên lửa đất đối đất và vũ khí hóa học - Mossad và CIA ước tính có khoảng 10.000 người làm việc trong lĩnh vực tên lửa và vũ khí hóa học Syria.

Có hai địa điểm chính sản xuất vũ khí hóa học. Thứ nhất là căn cứ gần một pháo đài có từ thế kỷ thứ VIII trong thành phố Masyaf ở miền Bắc Syria, nằm giữa Baniyas và Hama. Thứ hai là Al-Safir phía bắc thủ đô Damascus - đây là nơi sản xuất chất độc sarin và VX. Một số tên lửa Scud và bệ phóng cũng được cất giữ tại đây. Ngoài ra còn một số địa điểm khác nhỏ hơn nằm bên trong các căn cứ không quân Syria, gần Hama và Homs.

Cần biết rằng, khí sarin độc hại hơn cyanide 500 lần và chỉ với một lượng rất nhỏ - khoảng 0,01 mg đối với vài kilôgam thể trọng người - là đủ giết chết người trong vòng 1 phút! Sarin - được tìm ra đầu tiên ở Đức vào năm 1939 - làm tê liệt hệ thần kinh, khiến nạn nhân mất kiểm soát các cơ. Sarin đi vào cơ thể do hít phải hay thẩm thấu qua da. Các triệu chứng ban đầu khi nhiễm sarin tương tự như sung huyết, nhưng sau đó đồng tử và các cơ ngực dãn rộng dẫn đến khó thở, mất kiểm soát cơ và nghẹt thở.

Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất (1990 - 1991), binh sĩ Mỹ bị nhiễm khí độc sarin dẫn đến tổn hại nặng hệ miễn dịch do có mặt gần các kho chứa khí độc này của Iraq. VX, giống như sarin, cũng là khí không mùi cho nên rất khó phát hiện. VX là tác nhân hóa học cực kỳ nguy hiểm trên thế giới, được tìm ra vào năm 1952. Theo các chuyên gia Đại học Tel Aviv của Israel, chỉ một đám mây nhỏ VX chừng 3m2 là có thể giết chết hàng trăm người.

Lực lượng nổi dậy ở Syria trên chiếc xe tăng bắt giữ được của quân đội chính quyền hôm 19/11 vừa qua.

Sự khác biệt giữa VX và sarin nằm ở chỗ giới hạn cuối cùng và khoảng thời gian cùng hiệu quả gây chết người của chúng. VX vẫn còn tiếp tục giết người trong nhiều ngày sau khi nó được phát tán ra không khí, cho nên người ta cần tiến hành một tiến trình làm sạch không khí để tiêu diệt khí độc hoàn toàn.

Ngoại trừ các căn cứ quân sự và dinh thự tổng thống ở Damascus, hình ảnh vệ tinh cho thấy địa điểm Al-Safir được bảo vệ an ninh cực kỳ nghiêm ngặt và các tên lửa Scud không được sản xuất tại nơi này mà được vận chuyển từ nơi khác đến rồi tích trữ dưới những hầm ngầm kiên cố.

Al-Safir là khu vực rộng lớn trải dài hơn chục kilômét, bao gồm vài khu vực được bao bọc bởi những con đường được canh gác cẩn mật và có những bức tường đôi cao rào chắn. Do lo sợ sự tấn công của Israel, những khu vực dành để sản xuất vũ khí hóa học cũng như tích trữ chúng và các tên lửa Scud được bố trí trong các bunker có lính gác suốt ngày đêm.

Các cụm tên lửa đất đối không bảo vệ toàn bộ địa điểm nhạy cảm Al-Safir chống không kích đều sử dụng loại tên lửa hiện đại nhất của chính quyền Syria và gây đau đầu cho quân đội Israel - đó là Pantsir-SA 22. Bất cứ ai cố gắng tiếp cận Al-Safir sẽ phải đương đầu với chốt kiểm soát đầu tiên cách địa điểm chính nhiều kilômét và phải vượt qua nhiều chốt khác nữa. Toàn bộ khu vực Al-Safir được bảo vệ bởi các lực lượng vũ trang tinh nhuệ nhất thuộc Không quân Syria hết sức trung thành với chế độ và tổng thống.

Vào ngày 25/7/2007, một sự cố kinh khủng đã xảy ra trong hệ thống dây chuyền sản xuất các thành phần VX. Một trong những ống dẫn bị nổ tung và chỉ trong vòng vài phút, toàn bộ khu vực biến thành bức tường lửa. Sức mạnh của vụ nổ thổi bay các cánh cửa kiên cố và khí độc phát tán nhanh vào không khí bắt đầu lan ra khắp địa điểm Al-Safir. Vụ nổ giết chết tại chỗ 15 người Syria và 10 kỹ sư Iran.

Ước tính tổng cộng có khoảng 200 nạn nhân. Các đội cứu nạn tại chỗ vì không đảm đương nổi công việc cho nên chính quyền Syria - dù rất muốn giữ bí mật tuyệt đối về khu vực - buộc phải huy động các đội ứng cứu khác bên ngoài Al-Safir. Các cuộc điều tra sau thảm họa được tiến hành bởi một đội đặc biệt do Tổng thống Syria chỉ định đưa ra kết luận rằng, có hành động phá hoại ngầm mặc dù cho đến nay vẫn chưa cung cấp bằng chứng cụ thể.

Những quả bom mẹ không chứa hóa chất được cho là quân đội Syria sử dụng tấn công phe nổi dậy.

Theo nguồn tình báo Mỹ và Israel, kho vũ khí hóa học Syria ước khoảng 1.000 tấn tác nhân hóa học, trong đó phần lớn là sarin và VX. Nhưng, phe nổi dậy và Mossad cho rằng con số cao hơn nhiều. Giới chức phương Tây nhận định có lẽ tình báo Israel muốn thổi phồng con số lên nhằm mục dích gây hoảng loạn cho thế giới.

Hezbollah không dại gì “ôm bom” vào người

Với sự động viên của Suleiman - vị tướng mà chính quyền Syria tuyên bố bị Mossad ám sát vào tháng 8/2008, Tổng thống Al-Assad xoay qua củng cố mối quan hệ với tổ chức Hezbollah. Phần lớn những cuộc tiếp xúc giữa chính quyền Syria, Hezbollah đều qua trung gian Suleiman và Imad Mugniyeh - người được mô tả là lãnh đạo bộ phận an ninh tình báo của Hezbollah và cũng bị điệp viên Mossad ám sát ở Damascus vào tháng 2/2008.

Tháng 2/2010, tình báo Israel phát hiện một đoàn xe từ Al-Safir vượt biên giới vào Liban được cho là vận chuyển các bộ phận tên lửa Scud để cung cấp cho Hezbollah. Nhưng cuối cùng, Israel quyết định không tấn công những đoàn xe mà chuyển thông tin đến cho chính quyền Mỹ và CIA.

Ngày 1/3/2010, Imad Moustapha - Đại sứ Syria ở Washington - được mời đến Bộ Ngoại giao Mỹ và được cảnh báo việc vận chuyển những vũ khí "gây mất ổn định" đến cho Hezbollah có thể làm nổ ra cuộc chiến tranh. Đến lúc đó, chính quyền Syria mới cho ngưng hẳn những chuyến vận chuyển vũ khí đến Liban.

Theo nguồn của Mossad, trong 10 năm qua ở Syria có vài tên lửa được vũ trang chất độc VX sẵn sàng phóng đi nếu xảy ra cuộc tấn công bất ngờ từ phía Israel. Về phần mình, Israel cũng lo sợ Syria bất thần tấn công - như trường hợp đã xảy ra vào tháng 10/1973. Mặc dù Mossad luôn nghi ngờ chính quyền Syria cung cấp vũ khí hóa học cho Hezbollah, song các cơ quan tình báo phương Tây lại tin chắc Tổng thống Al-Assad không làm điều đó.

Lý do mà tình báo phương Tây đưa ra là Al-Assad coi vũ khí hóa học như "lá bài cuối cùng" chỉ dùng đến vào thời điểm nguy cấp cuối cùng và không muốn mất sự kiểm soát đối với nó. Trong khi đó, giới lãnh đạo Hezbollah cũng không hấp tấp sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt vì lo sợ điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tổng lực với Israel.

Các cơ quan tình báo phương Tây cũng tuyên bố họ không phát hiện thấy Hezbollah tiến hành bất cứ cuộc huấn luyện nào hay chuẩn bị tiếp nhận vũ khí hóa học từ Syria. Tình báo phương Tây cũng nhận định: nếu chính quyền của Tổng thống Al-Assad sụp đổ, có lẽ giới lãnh đạo sẽ cố gắng tìm nơi xin tị nạn hơn là có hành động tự sát bằng việc sử dụng vũ khí hóa học. Còn CIA cho rằng điều đáng sợ nhất là kho vũ khí hóa học của Syria rơi vào tay bọn khủng bố như Al-Qaeda

Duy Minh (tổng hợp)
.
.