Tình báo Mỹ: Thay đổi chiến lược

Thứ Năm, 29/10/2009, 08:50
Ngành tình báo Mỹ nói chung từ nay có thêm nhiều nhiệm vụ đặc biệt hơn và rộng lớn hơn trong cuộc chiến chống lại những đe dọa đối với an ninh quốc gia và lợi ích của Mỹ. Những định hướng hoạt động chiến lược chính của tất cả 16 cơ quan tình báo Mỹ đều được thể hiện trong Bản kế hoạch chiến lược 4 năm của Tình báo quốc gia Mỹ vừa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Bản kế hoạch này là tài liệu tình báo đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Obama. Theo thông lệ, bản kế hoạch này được Giám đốc Tình báo quốc gia soạn thảo.

Chức vụ giám đốc tình báo quốc gia Mỹ được lập ra từ năm 2004. Viên giám đốc này là cố vấn không chỉ cho tổng thống (trên tất cả những vấn đề về tình báo), mà còn cả đối với Bộ trưởng An ninh quốc gia. Giám đốc tình báo quốc gia có trách nhiệm điều phối hoạt động của các tổ chức như Cục Tình báo trung ương (CIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan An ninh quốc gia, các ban lãnh đạo chính của tình báo thủy quân lục chiến, quân đội, tình báo của Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng...

Bản kế hoạch chiến lược giống như một bản hướng dẫn hành động cho tất cả các cơ quan tình báo Mỹ. Tại đây, họ tìm thấy những nhiệm vụ cụ thể của mình. So với bản kế hoạch tình báo thời chính quyền G.W.Bush áp dụng từ sau sự kiện 11/9/2001, bản kế hoạch lần này có nhiều thay đổi, nhưng điều đáng chú ý hơn cả là việc xem xét lại một cách triệt để những đe dọa tức thì đối với an ninh nước Mỹ. Đó là việc phát hiện và vô hiệu hóa các nhóm khủng bố cố tình sở hữu vũ khí hạt nhân, các nhóm quá khích và các nhóm ly khai bán quân sự, đối mặt với đe dọa hạt nhân từ Iran và CHDCND Triều Tiên, ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, làm rõ những cuộc khủng hoảng tiềm ẩn...

Nhưng như Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair từng tuyên bố trong bản báo cáo hôm 16/9 vừa qua trước báo giới quốc tế tại California, bản kế hoạch hành động chiến lược tình báo của Mỹ hiện nay hàm chứa nhiều mối "quan ngại mới": đó là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đại dịch tiềm ẩn toàn cầm (cúm H1N1 và H5N1) và những thay đổi của khí hậu trái đất, hay những thứ có thể gây ra cuộc chiến tranh giành các nguồn tài nguyên năng lượng và nguồn nước giữa các quốc gia trên thế giới.

Đó chưa phải là tất cả những gì Dennis Blair muốn nói. Trong bản kế hoạch tình báo chiến lược hiện nay của Mỹ còn có cả những lo lắng đặc biệt đối với một số cường quốc khác trên thế giới.

Dennis Blair có vẻ như đã sẵn sàng làm sống lại một cách mãnh liệt tất cả cộng đồng tình báo Mỹ vì dưới con mắt vị đô đốc hải quân về hưu này, cộng đồng tình báo Mỹ hiện chưa đấu tranh một cách có hiệu quả trong việc chống lại những đe dọa mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Để hiểu được nhận định đó của người đứng đầu ngành tình báo Mỹ có nghĩa là thế nào, cần điểm qua chút tiểu sử của Dennis Cutler Blair, vị Giám đốc thứ ba của Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ.

Trong suốt sự nghiệp 34 năm phục vụ trong hải quân của mình, Dennis Blair, năm nay 62 tuổi, đô đốc về hưu, là thế hệ sĩ quan hải quân thứ 6 của Mỹ chuyên chỉ huy các tàu hộ tống chống tàu ngầm, tàu khu trục phóng tên lửa và một đội tàu hàng không mẫu hạm chiến đấu Kitty Hawk. Vị trí cuối cùng trước khi về hưu của Dennis Blair là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa là Dennis Blair chỉ huy tất cả các lực lượng quân sự của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Trước đây, Dennis Blair từng là Giám đốc Văn phòng nội các của Chỉ huy trưởng Bộ Tham mưu liên quân Mỹ và là Phó giám đốc thứ nhất CIA phân nhánh quân đội. Dennis Blair được biết đến là người có "cái đầu nóng", vì nhiều lần từ chối hoàn thành những chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Mỹ tại khu vực châu Á. Tháng 1/2009, Tổng thống Barack Obama đã chỉ định Dennis Blair vào vị trí Giám đốc Tình báo quốc gia.

Cần nhắc lại rằng, dưới thời chính quyền George W. Bush, các nhân viên tình báo Mỹ đã không hài lòng về việc xuất hiện nhân vật "điều phối" giám sát các hoạt động của họ. Sau khi Giám đốc đầu tiên của Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ là John Negroponte đệ đơn khiếu nại, Tổng thống George W. Bush đã phải ban hành một sắc lệnh đặc biệt ghi rõ tất cả các cơ quan tình báo bắt buộc phải hoàn thành những mệnh lệnh và đáp ứng những yêu cầu của cơ quan này.

Hiện tại, Dennis Blair có ý định sẽ trang bị cho tất cả các cơ quan tình báo của Mỹ thêm chức năng phản gián. Trước đây, hoạt động phản gián chỉ giới hạn ở việc phát hiện các nhân viên tình báo nước ngoài hoạt động tại Mỹ, nhưng nay, theo sắc lệnh mới của chính quyền Obama, hoạt động phản gián trở thành một trong những trọng trách chính của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, hoạt động này (theo như lời của Dennis Blair), về mục tiêu, là không những nhằm vào chính phủ các nước khác, mà cả những nhân viên tình báo phi chính phủ, các nhóm khủng bố, tin tặc và các tổ chức tội phạm đang phá hoại những lợi ích của Mỹ bằng các phương tiện hiện đại.

Theo Dennis Blair, cộng đồng tình báo Mỹ từ nay phải đấu tranh chống lại nhưng âm mưu thao túng chính trị tại Mỹ, những đòn phép ngoại giao từ bên ngoài, những toan tính phá hoại các kế hoạch quân sự và hệ thống vũ khí của Mỹ, phá hủy những lợi ích kinh tế và công nghệ của Mỹ.

Theo các nhà phân tích, ít có khả năng Tổng thống Obama sẽ từ bỏ việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại châu Âu vì hiện giờ người đứng đầu Nhà Trắng đang phải đối mặt với sự chống đối mạnh mẽ của những nghị sĩ đảng Cộng hòa và những người theo đường lối tân bảo thủ.

Một cuộc họp đặc biệt về hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu đang được diễn ra trong những ngày này tại Washington. Tại đây tập hợp các nhà phân tích chính trị sừng sỏ của cánh hữu tại Mỹ. Những người này cho rằng cách thức nước Nga đề cập vấn đề phòng thủ tên lửa của Mỹ không phản ánh đúng thực tế bối cảnh lịch sử hiện tại, và nó phản ánh một sự thiếu hiểu biết về những tiến bộ công nghệ của Mỹ. Qua đây, giới phân tích chính trị cũng muốn nói rằng nếu ông Obama từ bỏ tất cả những dự án của chính quyền George W. Bush thì điều đó chỉ có hại cho nước Mỹ

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.