Tình báo Mỹ hợp tác với tổ chức khủng bố Jundallah

Thứ Năm, 01/01/2015, 15:00
Sau khi một vụ đánh bom xe xảy ra ở Iran vào năm 2007 làm chết 11 lính Vệ binh Cộng hòa Iran, một sĩ quan Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phát hiện một điều động trời: Trong các hồ sơ tình báo có một báo cáo trước khi xảy ra vụ đánh bom cảnh báo về “một vụ việc lớn” sắp xảy ra ở Iran.

Sự việc đó chứng minh rằng tình báo Mỹ đã biết trước vụ đánh bom khủng bố ở Iran và do một nhóm Hồi giáo Sunni có tên là Jundallah gây ra. Điều đáng ngạc nhiên hơn, báo cáo mật đó lại do một cơ quan chẳng liên quan gì đến tình báo thực hiện: Cơ quan Quản lý Cảng vụ New York và New Jersey.

Hồ sơ Cảng vụ cho thấy báo cáo của cơ quan này không hoàn toàn vô căn cứ, vì nó được thực hiện bởi một người tên là Thomas McHale, đặc vụ của Cảng vụ nhưng đồng thời cũng là thành viên của Đội đặc nhiệm chống khủng bố của Cục Điều tra liên bang (FBI). Với cương vị công tác này, McHale đến Afghanistan và Pakistan và đã tạo được các đầu mối chỉ điểm bên trong hàng ngũ lãnh đạo của Jundallah. Sau đó, tổ chức khủng bố này được đặt dưới sự kiểm soát của cả CIA lẫn FBI.

McHale tại Bức tường tưởng niệm ở trụ sở CIA.

Tuy nhiên, sau khi đọc báo cáo, các sĩ quan phân tích của CIA càng lo ngại. Các luật sư của cơ quan này đã cảnh báo rằng việc sử dụng các phiến quân Hồi giáo để thu thập thông tin tình báo có thể đặt CIA vào thế hợp tác với khủng bố. Nếu không có được sự đồng ý của tổng thống thì sự hợp tác đó có thể cấu thành một chương trình hành động không được phép. Vì thế, CIA quyết định chấm dứt quan hệ với Jundallah.

Nhưng FBI và Bộ Quốc phòng thì vẫn tiếp tục việc thu thập thông tin tình báo từ Jundallah. Các cuộc tiếp xúc với chỉ điểm vẫn tiếp tục bất chấp các cuộc tấn công khủng bố do Jundallah thực hiện làm chết nhiều dân thường. Thậm chí ngay cả khi Bộ Ngoại giao Mỹ liệt Jundallah vào danh sách khủng bố, việc tiếp xúc, liên hệ đó vẫn không chấm dứt. Các quan chức Bộ Tư pháp và FBI đều cho rằng họ không hề hay biết Jundallah là nhóm khủng bố. Mối quan hệ tiếp tục kéo dài.

Thomas McHale.

Mối quan hệ giữa cộng đồng tình báo Mỹ với tổ chức Jundallah bắt nguồn từ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, phản ánh sự mở rộng của hoạt động tình báo của Mỹ giai đoạn chống khủng bố toàn cầu. Với việc lấy hoạt động chống khủng bố làm ưu tiên hàng đầu, không chỉ FBI, Lầu Năm Góc mà cả các nhà thầu hợp đồng an ninh và các lực lượng đặc nhiệm địa phương cũng tham gia vào hoạt động tình báo. Kết quả của xu hướng mở rộng này là một hệ thống lộn xộn bao gồm các cơ quan tình báo thường hoạt động độc lập và không có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ. "Mọi cơ quan đều muốn tham gia chống khủng bố và hoạt động tình báo. Đâu đâu cũng thấy lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố" - nhận xét của Rush Holt, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.

Trung tâm đầu mối thiết lập và duy trì quan hệ giữa tình báo Mỹ với tổ chức Jundallah là Thomas McHale. McHale năm nay 53 tuổi, hiện đã thôi làm việc tại Cảng vụ New York và New Jersey. McHale bắt đầu được giới chức an ninh Mỹ chú ý đến từ sự kiện 11/9, khi đó ông đã tích cực tham gia cứu hộ nạn nhân vụ đánh bom tại Trung tâm thương mại thế giới. Hình ảnh McHale còn được đưa vào bộ phim về sự kiện 11/9. Những người quen biết McHale nhận xét về ông như một người có biệt tài về phát triển các nguồn tin tình báo được FBI đánh giá cao. Với vai trò thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm liên quân chống khủng bố ở thành phố Newark, McHale đã đến Afghanistan và Pakistan, tham gia vào hoạt động săn lùng và bắt giữ các chỉ huy, thủ lĩnh Al-Qaeda.

Thomas McHale và bạn gái.

Sau sự kiện 11/9, thông tin về khu vực Trung Đông trở thành ưu tiên số 1. Trong khi đó, McHale đã tuyển mộ sẵn một chỉ điểm viên được FBI trả lương từ năm 1996. Chỉ điểm viên này sinh sống ở New York, nhưng có bạn bè, thân thích ở vùng Baluchistan - vùng "tam giác quỷ" bao gồm một phần lãnh thổ Iran, Afghanistan và Pakistan. Chỉ điểm viên này đã giới thiệu McHale với các mối quan hệ của anh ta ở Baluchistan, trong đó có các thành viên gia tộc Rigi, một gia tộc đầy quyền lực trong bộ lạc Baluch ở phía đông nam Iran. Sự sắp xếp đó hứa hẹn mang lại nhiều kết quả quan trọng, và sau sự kiện 11/9, chỉ điểm viên đó trở thành tài sản của cả CIA lẫn FBI, trong đó McHale là người trực tiếp liên hệ với anh ta.

Hiện trường vụ đánh bom xe buýt do Jundallah gây ra làm chết 11 lính vệ binh Cộng hòa Iran năm 2007.

Vùng đông nam Iran là một vùng đất heo hút, khô cằn, đời sống khó khăn, luật pháp không tồn tại nơi đây. Bộ lạc Baluch đa số theo dòng Hồi giáo Sunni từ lâu bị áp chế bởi chính quyền theo dòng Shiite ở Tehran. Giữa bối cảnh đó, năm 2003, một người thanh niên trẻ tuổi của gia tộc Rigi, tên là Abdolmalek Rigi đứng ra sáng lập tổ chức có tên gọi là Jundallah - có nghĩa là "những chiến binh của Thánh" - để chiến đấu chống lại Chính phủ Iran. Thành phần lãnh đạo Jundallah đa phần là người của gia tộc Rigi. Theo đánh giá của chính quyền Mỹ, Jundallah có khoảng 500 đến 2.000 thành viên, tương đương chi nhánh Al-Qaeda ở Yemen.

Những năm đầu mới thành lập, tổ chức này chưa gây được sự chú ý ở Washington. Và mối quan hệ giữa McHale với tổ chức này không gây nên bất cứ sự lo ngại nào. Một phần là bởi vì Mỹ chưa xem Jundallah là một tổ chức khủng bố và tổ chức này đã tuyên bố không có ý định tấn công phương Tây. Một phần nữa là bởi vì một trong những chuyên gia hàng đầu của Chính phủ Mỹ về Baluchistan và cũng là một trong những người có khả năng nhất trong việc dự báo vấn đề, chính là McHale.

Càng ngày, Jundallah càng trở nên táo tợn hơn. Năm 2005, các thành viên tổ chức này mai phục tấn công đoàn xe hộ tống Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, nhưng bất thành. Sau đó, tổ chức này cũng bị cáo buộc gây ra một số vụ tấn công, kể cả vụ thảm sát tại một chốt kiểm soát vào năm 2006. Năm sau, 2007, Jundallah gây ra vụ đánh bom trên một chuyến xe buýt chở đầy lính Vệ binh Cộng hòa làm 11 thành viên thiệt mạng.

Abdolmalek Rigi, thủ lĩnh Jundallah.

Baluchistan trở thành đầu mối thu hút các nhóm phiến quân và tội phạm buôn lậu vũ khí và ma túy, buôn người qua biên giới giữa Iran, Afghanistan và Pakistan. Một số tay súng Baluchistan còn có quan hệ với Taliban và Al-Qaeda. Chẳng hạn, Khalid Shaikh Mohammed, kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 là người Baluch. Sau nhiều năm, thông tin từ các nguồn của McHale đã chứa đầy trong các file hồ sơ tình báo khổng lồ.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu việc các điệp viên Mỹ sử dụng tội phạm hay khủng bố làm nguồn cung cấp thông tin tình báo có phạm pháp hay không. Câu trả lời là không. Việc phát triển chỉ điểm bên trong bộ máy của Al-Qaeda đã từng được CIA triển khai từ sau sự kiện 11/9, nhưng mục tiêu luôn luôn là lợi dụng các thông tin có được để đánh bại Al-Qaeda. Trường hợp Jundallah lại khác, thông tin có được không phải để đánh bại Jundallah hay ngăn chặn hành động khủng bố của tổ chức này.

Các cựu quan chức Chính phủ Mỹ nói rằng, Chính phủ Mỹ chưa bao giờ chỉ đạo hay đồng ý bất kỳ hoạt động nào của Jundallah, và cũng chưa hề có vụ việc khủng bố nào của Jundallah mà Chính phủ Mỹ biết trước nhưng không hành động để ngăn nó. Mặc dù vậy, mối quan hệ thông tin tình báo với Jundallah có thể khiến Chính phủ Mỹ gặp rắc rối vì những tội ác do tổ chức này gây ra sẽ mang ý nghĩa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ. Người ta còn nhớ vụ việc một sĩ quan quân đội ở Guatemala làm việc cho CIA đã ra lệnh giết chết một công dân Mỹ vào năm 1990.

Vụ việc sau đó bị đưa ra ánh sáng, trở thành vụ bê bối lớn đến nỗi CIA buộc phải rà soát lại toàn bộ mạng lưới chỉ điểm viên của mình. FBI cũng thế. Các đặc vụ FBI ở khu vực Boston từng sử dụng tên du đãng James (Whitey) Bulger làm chỉ điểm cho dù tên này và thuộc hạ của y tham gia giết người. Vụ bê bối đã buộc FBI phải sửa đổi các quy định của mình, đưa ra đòi hỏi phải lưu giữ hồ sơ và kiểm điểm hành vi chỉ điểm viên phạm tội.

Năm 2009, Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu xem xét đưa Jundallah vào danh sách khủng bố, trong khi Iran liên tục cáo buộc Mỹ và Israel bắt tay hợp tác với tổ chức này. Tháng 2/2010, Abdolmalek Rigi bị chính quyền Iran bắt giữ. Tháng 7 năm đó, 2 vụ đánh bom tự sát xảy ra tại Đại thánh đường (Grand Mosque) ở Zahedan. Hai kẻ đánh bom được xác định là Abdulbaset và Muhammad Rigi, 2 con trai của Abdolmalek Rigi. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án vụ đánh bom. Tháng 11/2010, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức liệt Jundallah vào danh sách khủng bố.

Mặc dù thế, mối quan hệ giữa Jundallah với Mỹ thông qua đặc vụ McHale và FBI thì vẫn tiếp tục. Là một trong số ít chuyên gia am hiểu về vùng Baluchistan và tổ chức Jundallah, McHale được mời tham gia thảo luận để đi đến quyết định liệt Jundallah vào danh sách khủng bố của Bộ Ngoại giao, nhưng nhiệm vụ liên lạc với lãnh đạo tổ chức khủng bố này vẫn không thay đổi.

Tuy nhiên, cuối năm 2013, mối quan hệ cộng tác giữa McHale với FBI tan vỡ. McHale xin phép tới Afghanistan để liên lạc với các đầu mối tình báo trong Jundallah nhưng bị FBI từ chối. Lý do không được tiết lộ, nhưng những người bên trong FBI cho rằng McHale càng ngày càng khiến FBI mất tin tưởng bởi ông hành động mà không thông báo với FBI, rất ít ghi chép các hoạt động tình báo của mình. Nhưng McHale vẫn xoay xở để đi Afghanistan bằng "giấy phép" của Lầu Năm Góc. Trở về sau chuyến đi, McHale bị FBI sa thải khỏi Đội đặc nhiệm Newark.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.