Tình báo Mỹ lợi dụng FED giám sát tài khoản nước ngoài

Thứ Năm, 06/07/2017, 16:15
Các cơ quan tình báo Mỹ đã lợi dụng một điều khoản được ghi trong Luật Yêu nước (Patriot Act) để yêu cầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cung cấp thông tin giám sát hoạt động rút và gửi tiền của các chủ tài khoản tiền gửi tại ngân hàng này. Việc này đã diễn ra trong suốt 15 năm qua, và mới vừa được hãng tin Reuters tiết lộ ngày 26-6-2017.

Theo Reuters, các cơ quan tình báo, và cả một số cơ quan khác của chính phủ Mỹ đã yêu cầu Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) chi nhánh New York vài lần trong năm cung cấp các thông tin về tài khoản tiền gửi dự trữ của nước ngoài nhằm mục đích giám sát hoạt động của các chủ tài khoản này. Các thông tin về tài khoản tiền gửi là loại thông tin bí mật, các ngân hàng buộc phải giữ kín, và các ngân hàng dự trữ liên bang của Mỹ cũng phải làm thế.

Tuy nhiên, trong hợp đồng cung cấp dịch vụ dự trữ tiền tệ với khách hàng nước ngoài, FED đã khôn khéo gài vào một điều khoản "ngoại lệ", còn gọi là "nhu cầu được biết", để cho phép FED trích lục thông tin tài khoản trong những trường hợp cần thiết nhưng không có một định nghĩa rõ ràng như thế nào là "nhu cầu được biết".

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giám sát hoạt động tài khoản nước ngoài suốt 15 năm qua.

Với điều khoản "nhu cầu được biết" này, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo Mỹ được phép tiếp cận và thu thập những thông tin về hoạt động gửi và rút tiền trong các tài khoản. Washington khẳng định rằng, những thông tin đó giúp chính quyền Mỹ giám sát việc thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế, chống việc tài trợ cho khủng bố và rửa tiền, hoặc giám sát các điểm nóng của thị trường khắp thế giới.

Với điều khoản "nhu cầu được biết", các cơ quan chính phủ Mỹ đã giám sát tài khoản của 250 chủ tài khoản là ngân hàng trung ương và chính phủ nước ngoài, trong đó có các nước như Libya, Yemen, Iraq, Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 3,3 nghìn tỉ USD tài sản ký gửi tại FED New York. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và một số ngân hàng trung ương khác và một số ngân hàng thương mại lớn cũng cung cấp dịch vụ quản lý dự trữ tài chính.

Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Pháp cũng cung cấp dịch vụ tài khoản tiền gửi cho nước ngoài, nhưng ngân hàng phải tuân thủ nghiêm túc quy định giữ bí mật thông tin khách hàng, trừ phi có nhu cầu thông tin phục vụ cho một cuộc điều tra hình sự. Chỉ có Ngân hàng Dự trữ liên bang của Mỹ "có quyền" tự cho phép mình "biệt lệ" tiết lộ thông tin bí mật của chủ tài khoản. Lý do là vì FED có được ưu thế tiếp cận trực tiếp thị trường nợ của Mỹ. Hơn nữa, đồng USD là đồng tiền dự trữ mạnh nhất thế giới, và điều này giúp cho Ngân hàng Dự trữ liên bang của Mỹ có lợi thế tuyệt đối trước mọi đối thủ.

Những người được hãng tin Reuters phỏng vấn đều xác nhận rằng trong 15 năm qua đã xảy ra 7 trường hợp các cơ quan chính quyền Mỹ thu thập thông tin để giám sát hoạt động của các chủ tài khoản. Một số trường hợp, chính phủ Mỹ dựa vào thông tin đó để có những động thái phản hồi.

Đơn cử trường hợp xảy ra vào tháng 3-2014, các thông tin từ tài khoản của Ngân hàng Trung ương Nga tại FED New York đã giúp Bộ Tài chính và FED nắm biết được tâm trạng của Moskva sau những diễn biến liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Thời điểm đó, khi các tài sản nước ngoài ở FED New York sụt giảm khoảng 115 tỉ USD, các quan chức Mỹ đã xác nhận Ngân hàng Trung ương Nga đã tiến hành rút tiền khỏi tài khoản.

Các quan chức Bộ Tài chính và FED kết luận mặc dù tỏ thái độ cương quyết, nhưng Moskva cũng lo ngại Mỹ có thể phong tỏa tài khoản của Ngân hàng Trung ương tại FED để trừng phạt Nga. Thời điểm đó, Ngân hàng Trung ương Nga không nằm trong danh sách bị trừng phạt.

Thế rồi khoảng 2 tuần sau, Ngân hàng Trung ương Nga đã chuyển tiền vào tài khoản tại FED. Sau vụ việc này, FED bắt đầu giám soát tài khoản chặt chẽ hơn. Hiện nay, Washington đang chuẩn bị áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt đối với Nga vì cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, với một số cá nhân và tổ chức được bổ sung vào danh sách trừng phạt. Có lẽ FED đang chú ý theo dõi hoạt động tài khoản của Ngân hàng Trung ương Nga để quan sát tâm trạng của Moskva chăng?

Theo những người từng làm việc tại FED, từng trực tiếp tham gia giám sát tài khoản, để giám sát hoạt động các tài khoản, FED tổ chức một đội giám sát và phân tích, có tên gọi là Cục quản lý Tài khoản Quốc tế và Ngân hàng trung ương (CBIAS) gồm khoảng 12 nhân viên phân tích của FED New York với nhiệm vụ giám sát tài khoản hàng ngày. Nhiệm vụ của Cục này là quản lý hầu hết các khoản nợ của Bộ Tài chính và các cơ quan khác. Cục này cũng giám sát hơn 500.000 thỏi vàng cất giữ dưới hầm vàng của FED New York kể từ hơn 100 năm qua.

Các yêu cầu thông tin tài khoản trở nên thường xuyên hơn sau khi nước Mỹ ban hành Luật Yêu nước (Patriot Act) vào năm 2001. Đơn vị đặt hàng nhiều nhất là Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính. Đơn vị này có nhiệm vụ thực thi các lệnh cấm vận và giám sát hoạt động tài trợ cho khủng bố, rửa tiền, buôn lậu vũ khí và ma túy. Năm 2016, CBIAS từng được dư luận công chúng chú ý trong vụ trộm gây chấn động toàn cầu, trong đó CBIAS đã chuyển 81 triệu USD từ tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh cho các tin tặc.

Hoạt động giám sát tài khoản của FED thường tập trung vào những quốc gia mà chính quyền Mỹ quan tâm nhiều nhất như Nga, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác, nhằm xác định tiền trong các tài khoản này có được chuyển cho các tổ chức hay cá nhân nằm trong lệnh trừng phạt hay không.

Trong các ngân hàng trung ương nước ngoài có tài khoản chịu sự giám sát của FED, Ngân hàng Trung ương Iraq (CBI) nổi bật nhất vì có sự hợp tác chặt chẽ nhất. Dựa trên thông tin và chỉ dẫn từ CBIAS, Ngân hàng Trung ương Iraq đã liệt công ty dịch vụ ngoại hối Al-Kawthar vào danh sách đen và phong tỏa tài sản vì nghi ngờ có liên quan đến IS và Al-Qaeda. Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo biện pháp trừng phạt công ty Al-Kawthar hôm 15-6 vì chuyển 2,5 triệu USD cho một công ty có liên quan với IS.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.