Tình báo Mỹ sử dụng bác sĩ để tra tấn tù nhân

Thứ Ba, 19/11/2013, 12:10

Sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001, các bác sĩ và đặc biệt là các chuyên gia tâm lý học được quân đội và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sử dụng để "thiết kế và thực hiện" chương trình tra tấn tàn bạo nhằm vào tù nhân bị giam giữ ở Guantanamo - theo tiết lộ từ báo cáo mới của nhóm đặc nhiệm 19 thành viên - được gọi là Báo cáo Task Force - của Viện Y khoa Chuyên nghiệp (IMAP) thuộc Đại học Columbia và Các Quỹ xã hội mở (OSFs).

Bản báo cáo mang tựa đề: "Đạo đức bị bỏ rơi: Phẩm chất chuyên môn y khoa và sự ngược đãi tù nhân trong cuộc chiến chống khủng bố" - nêu chi tiết về việc một số bác sĩ xa rời các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức khi hợp tác với CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) xâm hại thân thể con người trong các trại tù như Guantanamo Bay, Abu Ghraib hay mạng lưới nhà tù bí mật (hay còn gọi là "những điểm đen") do CIA quản lý trên khắp thế giới.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc vi phạm đạo đức này khi phê chuẩn "các phương pháp thẩm vấn" mở đường cho chương trình tra tấn tàn bạo.

Bác sĩ được phân loại thành chiến binh!

Sau hai năm 2004-2005, các tài liệu rò rỉ bắt đầu tiết lộ về các chính sách giam giữ tù nhân vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Mỹ vốn được giữ bí mật trong thời gian dài trước đó. Theo Báo cáo Task Force, CIA yêu cầu các chuyên gia làm việc ở Cơ quan Dịch vụ Y khoa (OMS) hợp tác đánh giá bất cứ sự tổn hại tiềm tàng nào có thể xảy ra do các kỹ thuật tra tấn. Ví dụ, họ "báo cho biết những giới hạn, như là ngừng cho (tù nhân) tiếp xúc với nhiệt độ lạnh khi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của hiện tượng hạ thân nhiệt"; hay ngưng sử dụng kỹ thuật tra tấn bằng tiếng ồn ngay trước khi "triệu chứng mất thính giác vĩnh viễn sắp xảy ra".

Các bác sĩ OMS cũng đặt giới hạn cho những tư thế gây stress nặng ở mức 48 giờ. Và, trước khi nhân viên CIA muốn sử dụng kỹ thuật tra tấn trấn nước (waterboarding), các bác sĩ phải chắc chắn rằng thiết bị trợ giúp tù nhân hồi tỉnh cũng như dụng cụ chuẩn bị cho phẫu thuật mở khí quản trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.

Theo Báo cáo Task Force, khi tiến hành tra tấn bằng kỹ thuật waterboarding, các bác sĩ khuyên nhân viên CIA phải cho "tù nhân đứng thẳng lên ngay lập tức nếu cơ thể người này không có phản ứng và lập tức ấn mạnh vào vùng dưới xương ức của đối tượng". Các bác sĩ còn nhấn mạnh: "Nếu biện pháp phục hồi hơi thở bình thường thất bại thì sự can thiệp y khoa phải được tiến hành ngay lập tức".

Ngoài ra, bất cứ đối tượng nào bị tổn thương cơ thể nặng đều không được áp dụng kỹ thuật waterboarding và bác sĩ tại hiện trường phải ngăn cản nhân viên CIA hành động "nếu không có sự tư vấn và phê chuẩn từ OMS".

Không chỉ hợp tác với CIA, các bác sĩ OMS còn trợ giúp một cách đắc lực cho quân đội Mỹ trong nhiều kỹ thuật tra tấn dã man. Ví dụ, trường hợp Mohammed al-Qahtani, người bị nghi ngờ liên quan đến vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, bị tra tấn dã man suốt 54 ngày. Binh sĩ Mỹ sử dụng tiếng ồn khủng khiếp, những lời thóa mạ có tính xúc phạm nhân phẩm một cách ghê gớm đồng thời buộc phạm nhân đứng yên ở tư thế đau đớn gây stress trong thời gian dài.

Thậm chí, Al-Qahtani còn bị "dội nước lạnh buốt khi trên người không hề mặc quần áo!". Tất cả những hành động vô nhân đạo này diễn ra với sự có mặt của một thành viên Đội Tư vấn Khoa học hành vi (BSCTs).

Theo Báo cáo Task Force, BSCTs được thành lập nhằm mục đích cố vấn cho các nhân viên tình báo và nhân viên trại giam về điều kiện giam cầm có thể gây sốc mạnh cho tù nhân, thời điểm cần di chuyển tù nhân, cũng như hỗ trợ khai thác tù nhân để thu thập thông tin tình báo - ví dụ như cần tra tấn đến mức độ nặng nề như thế nào!

Thành viên BSCTs còn giúp thực hiện "gây sức ép tâm lý" đến tù nhân. Ví dụ, nhân viên CIA được khuyên nên cho tù nhân ngủ chỉ 4 giờ/ngày, tước đoạt những "vật dụng sống cơ bản" của tù nhân như là "vải trải giường, chăn gối và khăn lau mặt" và không cho phép sử dụng kinh Koran. Trong khi đó, bất cứ sự chẩn đoán nào về chứng rối loạn stress hậu chấn thương (PTSD) chỉ được thực hiện qua sự sắp xếp của các luật sư đại diện tù nhân với các "đánh giá y khoa độc lập".

Một tù nhân Al-Qaeda ở nhà tù Guantanamo, năm 2002.

Báo cáo Task Force còn chỉ ra việc Bộ Quốc phòng Mỹ cố gắng thay đổi các tiêu chuẩn đạo đức y khoa giúp các bác sĩ dễ dàng hợp tác trong chương trình tra tấn và ngược đãi tù nhân. DOD tái phân loại các bác sĩ này vào mục "chiến binh" để họ không còn bị ràng buộc bởi trách nhiệm "tránh hay giảm thiểu sự gây tổn hại" cho bệnh nhân. Các thành viên BSCTs cũng được DOD tái phân loại là các "sĩ quan an toàn" sau khi có nhiều chỉ trích về vai trò của chuyên gia y tế trong chương trình thẩm vấn tù nhân.

Với sự tái phân loại như thế, chính quyền Mỹ có thể dễ dàng cho phép chuyên gia y tế tham gia vào các hành động gây tổn hại cơ thể tù nhân. Ở nhà tù Guantanamo, một chính sách cho phép các nhân viên điều tra sử dụng "thông tin y khoa và tâm lý học" về các tù nhân đề "khai thác" những điểm yếu của đối tượng trong lúc tra tấn.

Theo báo cáo năm 2004 của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), nhân viên tra tấn của quân đội Mỹ được tự do truy cập hồ sơ y khoa của tù nhân để tìm kiếm thông tin về tình trạng sức khỏe đối tượng và các thành viên BSCTs có quyền thực hiện các đánh giá tâm lý đối với tù nhân cho nhân viên tra tấn.--PageBreak--

Tất cả vẫn ngoài vòng pháp luật

Trong những năm gần đây, mặc dù DOD đã có sự quan tâm phần nào đến chương trình tra tấn ở nhà tù Guantanamo, và CIA cho biết cũng không còn giam cầm các nghi can khủng bố, nhưng Báo cáo Task Force nhận định rằng: vai trò của các bác sĩ trong các nhà tù cũng như vấn đề vi phạm đạo đức y khoa vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Gerald Thomson, giáo sư danh dự y khoa Đại học Columbia đã về hưu và đồng tác giả của Báo cáo Task Force, nhấn mạnh: "Rõ ràng là các bác sĩ đã bị biến thành nhân viên quân đội và thực hiện những hành động đi ngược lại y đức của họ. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo đảm điều này không bao giờ xảy ra nữa".

Trung tá J. Todd Breasseale, người phát ngôn của DOD, tuyên bố chính sách của Lầu Năm Góc nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của tù nhân cũng như "không cho phép tù nhân tự sát - bằng vũ khí, thuốc, hay tuyệt thực". Ông Breasseale cũng cho biết 14 người trong số 164 tù nhân còn lại ở nhà tù Guantanamo tiếp tục tuyệt thực chống đối cho nên họ phải được "tiếp thức ăn trực tiếp vào đường ruột".

Người phát ngôn của CIA Dean Boyd nhận định, Báo cáo Task Force chứa "những kết luận không chính xác và sai lệch". Dean Boyd nhấn mạnh rằng, CIA không còn tiếp tục giam giữ tù nhân và "chương trình dẫn độ, giam cầm và thẩm vấn"  đã kết thúc theo sắc lệnh năm 2009 của Tổng thống Barack Obama. Nhưng, Báo cáo Task Forve phủ nhận điều này.

Báo cáo đã đề nghị công bố kết quả điều tra về chương trình thẩm vấn của Ủy ban Tình báo Thượng viện, và muốn có những quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm các bác sĩ và chuyên viên y tế làm việc cho quân đội cũng phải tuân thủ những vấn đề đạo đức trong ngành. Cụ thể là, các bác sĩ phải bị cấm tham gia vào các cuộc thẩm vấn tù nhân, cấm chia sẻ thông tin y khoa của tù nhân cho điều tra viên, hay tham gia vào kỹ thuật ép buộc ăn, và họ cũng cần phải báo cáo về sự ngược đãi tù nhân trong các nhà tù.

Giáo sư Gerald Thomson là đồng tác giả Báo cáo Task Force.

Hiện nay, báo cáo dày 6.300 trang của Ủy ban Tình báo Thượng viện - trong đó nêu đầy đủ các chi tiết về vai trò của CIA trong chương trình tra tấn tù nhân cũng như về sự hợp tác của các bác sĩ trong chương trình này vẫn còn được giữ bí mật. Trong khi đó, CIA đã có những biện pháp hiệu quả nhằm chống lại hay ngăn ngừa kết quả điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng viện được tiết lộ ra công chúng.

Đồng thời, chính quyền của Tổng thống Obama cũng không có hành động gì để công khai cuộc điều tra này do đó đã giúp cho CIA tiếp tục thoát khỏi sự chịu trách nhiệm toàn diện về vai trò của họ trong chương trình tra tấn tù nhân.

Ngoài ra, một số bang nước Mỹ như Alabama, California, Georgia, Louisiana, New York, Ohio và Texas - đã đồng loạt không thụ lý những đơn kiện chống lại những bác sĩ dính líu vào chương trình tra tấn tù nhân ở Guantanamo hay trong mạng lưới các nhà tù bí mật của CIA. Không một đơn kiện nào dẫn đến sự thành lập các phiên tòa chính thức và có thể buộc tội được bất cứ cá nhân nào.

Từ năm 2005 đến 2008, có ít nhất 7 đơn kiện được lập chống lại sự dính líu của giới chức y tế vào chương trình tra tấn nhưng cuối cùng tất cả đều bị bác bỏ. Trung tâm Nhân quyền Quốc tế và Trung tâm Quyền Hiến pháp đã tham gia ủng hộ cộng đồng những người có nỗ lực bảo vệ tù nhân cũng như chống đối sự dính líu của các chuyên viên y khoa vào sự bạo hành chống con người.

"Ghế câu thúc thân thể" sử dụng để giữ bất động và ép buộc ăn đối với các tù nhân tuyệt thực chống đối trong bệnh viện nhà tù Guantanamo.

Mùa hè năm 2010, hai nhà tâm lý học đã đệ đơn kiện chống lại hai bác sĩ John Leso và James Mitchell đã tham gia vào chương trình tra tấn tù nhân ở Guantanamo và một nhà tù bí mật của CIA ở nước ngoài. Theo Báo cáo Task Force, các cơ quan cấp phép cũng không "quan tâm đến những phàn nàn về hành vi sai trái bên trong các cơ quan an ninh quốc gia".

Báo cáo Task Force - ngoài sự kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng hơn và sự tôn trọng các tiêu chuẩn trong hành nghề y khoa được quốc tế công nhận - quan sát thấy rằng những hành vi ngược đãi tù nhân tồi tệ nhất xảy ra trước năm 2006 và một số (chứ không phải tất cả) kỹ thuật tra tấn gây tranh cãi dữ dội trên thế giới thật sự đã không còn được tiếp tục diễn ra nữa.

Leonard Rubenstein, chuyên gia pháp lý Trung tâm Nhân quyền và Y tế công cộng Đại học Johns Hopkins, tuyên bố tình trạng ngược đãi tù nhân và việc tham gia của các bác sĩ trong tra tấn phải chấm dứt

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.