Tình báo Mỹ tổ chức do thám chương trình Luna của Liên Xô

Thứ Hai, 18/06/2007, 13:00
Vào thời kỳ cao điểm của cuộc chạy đua chinh phục mặt trăng giữa Mỹ và Liên Xô vào thập niên 60 thế kỷ trước, tình báo Mỹ, mà chủ lực là Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) đã không ngừng tổ chức do thám chương trình chinh phục mặt trăng có tên gọi Luna của Liên Xô

Tình báo Mỹ tổ chức do thám chương trình Luna của Liên Xô một mặt phát hiện những yếu điểm hay thất bại của chương trình Luna nhằm giúp cho kế hoạch chinh phục mặt trăng của Mỹ tăng tốc đồng thời phát hiện những kỹ thuật mới mà Liên Xô áp dụng để phục vụ chương trình Luna. Những tiết lộ mới đây của tạp chí Space Review số ra ngày 17/5/2007 đã làm sáng tỏ thêm về vấn đề này.

Năm 1961, khi Tổng thống Mỹ John Kennedy thông báo quyết tâm đưa người lên mặt trăng vào cuối thập niên 60 của Chính phủ Mỹ thông qua 3 chương trình nghiên cứu và chinh phục không gian có tên gọi Mercury, Gemini và Apollo thì trước đó trong vòng bí mật, Liên Xô cũng đã triển khai một chương trình chinh phục mặt trăng có tên gọi Luna.

Ngày /1/1959, tàu không gian (TKG) Luna 1 đã được phóng lên mặt trăng để nghiên cứu bề mặt của hành tinh này. Cho đến cuối năm 1959, đã có 3 TKG được phóng lên mặt trăng trong đó thành công nhất phải kể đến chuyến bay của TKG Luna 3 được phóng ngày 4/10/1959, nhân kỷ niệm 2 năm ngày phóng thành công TKG Sputnik K1. TKG Luna 3 đã chụp hình đến 70% diện tích bề mặt của mặt trăng rồi gửi về trái đất và được phát đi trên hệ thống truyền hình.

Thành công của phần 1 chương trình Luna là lý do khiến Mỹ phải quan tâm và đã khiến Tổng thống Kennedy hối thúc các nhà khoa học không gian của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phải quyết tâm bằng mọi giá đưa người Mỹ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào cuối thập niên 60.

Muốn đạt được mục tiêu này, Mỹ phải triển khai song song hai biện pháp.

Một là đẩy nhanh việc nghiên cứu chế tạo các hỏa tiễn có lực đẩy lớn, tiến hành các chuyến bay thám  hiểm mặt trăng có người và không có người lái và cuối cùng đưa người đặt chân xuống mặt trăng. Tất cả những nhiệm vụ này đều được triển khai thông qua các chương trình không gian Mercury, Gemini và Apollo.

Hai là tổ chức do thám các hoạt động nghiên cứu và chinh phục mặt trăng của Liên Xô thông qua chương trình Luna nhằm phát hiện các yếu điểm để tổ chức tuyên truyền chống phá, chiêu mộ các nhà khoa học không gian Liên Xô đào thoát ra nước ngoài làm việc cho Mỹ và phát hiện những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mà Liên Xô đưa vào áp dụng trong chương trình Luna.

Và nhiệm vụ này được giao cho CIA và Cơ quan Tình báo thông tin quốc gia Mỹ (NSA), trong đó CIA đóng vai trò chủ đạo.

Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, CIA quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt có tên gọi Ủy ban Tình báo không gian (SIP), do Phó đô đốc William Raborn, Phó giám đốc CIA, phụ trách. Thành viên của SIP, ngoài các quan chức cao cấp của CIA và NSA còn có James Webb, Giám đốc NASA.

Năm 1965, dựa theo báo cáo và khuyến nghị của SIP, Chính phủ Mỹ quyết định rút ngắn chương trình nghiên cứu không gian Gemini để tăng tốc triển khai chương trình nghiên cứu và chinh phục mặt trăng có tên gọi Apollo.

Lý do là SIP đã thu thập được những thông tin tình báo được cung cấp bởi các điệp viên nội ứng, điệp viên nằm vùng và cả từ  việc giải mã các thông tin điện tử rằng, Liên Xô đã gặp phải một số thất bại trong phần 2 của chương trình Luna.

Năm 1963, các TKG Luna 4 và Luna 5 đã không đến được quỹ đạo mặt trăng vì vậy bị buộc phải điều khiển bay mất hút vào quỹ đạo mặt trời.

Nhiệm vụ của 2 TKG này là nghiên cứu bề mặt của mặt trăng. Năm 1964 cũng là năm gặp nhiều thất bại của chương trình Luna do có đến 2 TKG bị nổ tung khi vừa rời bệ phóng.

Năm 1965 cũng không khả quan mấy đối với chương trình chinh phục mặt trăng của Liên Xô với việc TKG Luna 6 bị rơi xuống bề mặt mặt trăng vào tháng 5/1965.

Vào tháng 10 và tháng 12/1965, 2 TKG Luna 7 và Luna 8 cũng buộc phải điều khiển bay mất hút vào quỹ đạo mặt trời khi không bay vào được quỹ đạo mặt trăng.

Chính từ các báo cáo của SIP về thất bại liên tiếp của chương trình Luna mà Chính phủ Mỹ quyết định gấp rút triển khai chương trình chinh phục mặt trăng có tên gọi Apollo với tham vọng là sẽ đưa người Mỹ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng trước Liên Xô chậm nhất là vào cuối thập niên 60.

Thế nhưng, SIP cũng không biết rằng Liên Xô cũng đang ráo riết triển khai một chương trình đưa người lên mặt trăng có tên gọi Zond với việc thành lập hai nhóm các nhà du hành vũ trụ được huấn luyện cho các chuyến bay đưa người đáp xuống mặt trăng.

Nhóm thứ nhất do nhà du hành vũ trụ Vladimir Komarov chỉ huy có sự tham gia của phi hành gia nổi tiếng Youri Gagarin. Nhóm này có nhiệm vụ huấn luyện bay trên TKG Soyuz ngay trên quỹ đạo mặt trăng.

Nhóm thứ hai do nhà du hành vũ trụ Alexei Leonov phụ trách chuyên huấn luyện các chuyến bay đáp xuống bề mặt mặt trăng bằng tàu đổ bộ Lunniy Korabl. Vào thời điểm đó, Alexei Leonov được chỉ định là nhà du hành vũ trụ Liên Xô đầu tiên sẽ đặt chân lên mặt trăng.

Năm 1967, SIP bắt đầu thu thập được thông tin về chương trình Zond của Liên Xô sau khi xảy ra sự kiện nhà du hành vũ trụ Vladimir Komarov tử nạn khi tập luyện trên TKG Soyuz 1.

Cùng lúc, SIP còn phát hiện việc Liên Xô đẩy nhanh tốc độ xây dựng tổ hợp không gian Baikonur ở Kazakhstan. Hình ảnh được vệ tinh tình báo Mỹ chụp được cho thấy tại Baikonur đang tiến hành xây dựng các bệ phóng tên lửa cao đến 135m cùng những cột ăngten cao đến 180m.

Điều này phù hợp với nguồn tin tình báo mà SIP thu thập được rằng Liên Xô đang ráo riết chế tạo tên lửa đẩy N-1, mà tác giả chính là công trình sư không gian Sergei Korolev.

Việc phát hiện Liên Xô chế tạo tên lửa đẩy N-1 đã khiến Chính phủ Mỹ quyết định tăng tốc chương trình Apollo.

Mùa hè năm 1968, NASA quyết định chọn phi hành đoàn cho chuyến bay đầu tiên đưa người lên mặt trăng sau thành công của chuyến bay nghiên cứu bề mặt mặt trăng để xác định địa điểm đổ bộ của TKG Apollo 8.

Chính phủ Mỹ quyết định chuyến bay của TKG Apollo 11 sẽ đưa hai nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong và Edwin Aldrin đặt chân xuống mặt trăng vào ngày 24/7/1969.

Trong khi Mỹ đã thành công trong nhiệm vụ đưa người đặt chân lên mặt trăng thì Liên Xô vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình chinh phục mặt trăng của mình.

Tháng 10/1970, TKG Luna 10 đã đưa xe tự hành Lunakhod đáp xuống bề mặt mặt trăng để vừa làm nhiệm vụ thăm dò vừa thu thập các dữ liệu về cấu trúc địa chất của mặt trăng.

Cho đến giữa thập niên 70, Liên Xô vẫn tiếp tục duy trì chương trình nghiên cứu mặt trăng của mình cho dù đành từ bỏ mục tiêu đưa người lên mặt trăng khi nhiều vụ thử nghiệm tên lửa đẩy N-1 và C-1 gặp thất bại.

Vì vậy SIP vẫn duy trì hoạt động do thám các chương trình không gian của Liên Xô ngay cả khi Liên Xô quyết định chấm dứt các chương trình nghiên cứu và chinh phục mặt trăng của mình vào năm 1976, sau sự cố của TKG Luna 24, để chuyển sang nghiên cứu chế tạo các trạm nghiên cứu không gian. Năm 1979, SIP chính thức bị giải thể khi nhiệm vụ do thám các hoạt động nghiên cứu không gian được chuyển giao cho NSA

Văn Hoà (Theo Space Review)
.
.