Tình báo Mỹ và Israel đòi trả công trong vụ giải cứu con tin tại Colombia

Thứ Sáu, 18/07/2008, 18:00
Trong khi kịch bản chính thức về vụ giải cứu 15 con tin, trong đó có bà Ingrid Betancourt, cựu ứng cử viên Tổng thống Colombia khỏi tay Lực lượng cách mạng Colombia (FARC) vẫn còn trong vòng nghi ngờ thì đã có rất nhiều cơ quan tình báo nước ngoài nhất là Mỹ và Israel lên tiếng “đòi công” trong vụ giải cứu thần tốc này. Tuy nhiên, phía Colombia khẳng định đây là chiến dịch 100% của quân đội và tình báo nước họ.

Phát biểu với hãng thông tấn Pháp ngày 5/7 vừa qua (2 ngày sau khi các con tin được giải cứu), Washington khẳng định họ đã được báo trước chiến dịch giải cứu con tin từ tay FARC của Bogota và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng đã góp công (về phương tiện kỹ thuật) trong chiến dịch này của Chính phủ Colombia. “Chúng tôi đã biết đến chiến dịch này khi nó đang trong giai đoạn chuẩn bị. Chiến dịch này do người Colombia lên kế hoạch và tiến hành với sự ủng hộ tuyệt đối của chúng tôi. Tuy nhiên, phía quân đội và tình báo Colombia đã không cần chúng tôi bật đèn xanh - Dana Perino, phát ngôn viên Nhà Trắng khẳng định. Tuy nhiên, bà Perino và Đại sứ quán Mỹ tại Bogota, William Brownfield, lại cho rằng Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ kỹ thuật thì chiến dịch giải cứu 15 con tin, trong đó có 3 người Mỹ, của lực lượng Colombia mới thành công.

Ngay sau khi cuộc giải cứu con tin hoàn tất, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia, Juan Manuel Santos, quả quyết rằng chiến dịch này hoàn toàn do người Colombia thực hiện và Washington chẳng hề “dây máu ăn phần chút nào”.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc lại tỏ ra kín đáo hơn khi chỉ lên tiếng chúc mừng chiến dịch giải cứu này của quân đội và tình báo Colombia, đồng thời nhấn mạnh hai nước sẽ tiếp tục củng cố quan hệ quân sự. “Chúng tôi có quan hệ hữu hảo lâu đời với Chính phủ Colombia trong các chiến dịch quân sự, chia sẻ thông tin tình báo. Nhưng chiến dịch giải cứu con tin vừa qua đã được lên kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện bởi những người Colombia”- Bryan Whitman, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết nhưng từ chối đưa ra lời bình luận về sự hợp tác tình báo giữa Mỹ và Colombia trong chiến dịch này.

“Kế hoạch Colombia” được Bogota ký với chính quyền Clinton năm 2000, sau đó được chính quyền Bush tiếp tục ủng hộ, theo đó Mỹ sẽ hỗ trợ Colombia 7 tỉ USD trong vòng 8 năm nhằm chống lại các tổ chức tội phạm ma túy và các nhóm nổi dậy ở Colombia.

Liên quan tới chiến dịch giải cứu con tin vừa qua của quân đội Colombia, mới đây Israel tuyên bố họ cũng có công trong việc chuẩn bị chiến dịch này!

Israel Ziv, Giám đốc Công ty Global CST chuyên về tư vấn an ninh đồng thời là cựu lãnh đạo các chiến dịch của Bộ Tham mưu Israel và Yossi Kupperwasser, cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu tình báo quân sự Israel đã được xác nhận là có mặt tại một căn cứ luyện tập mô phỏng giống y địa điểm giam giữ con tin Ingrid Betancourt của lực lượng đặc nhiệm Colombia.

Lực lượng này được thành lập với mục đích duy nhất là giải cứu 15 con tin, trong đó có 3 con tin người nước ngoài bị FARC bắt giữ. Đại sứ quán Israel tại Bogota cho biết đã có hàng chục chuyên gia về tình báo và nhiều chương trình đặc biệt khác của Israel tham gia vào việc đào tạo lực lượng tình báo của Colombia trong chiến dịch giải cứu con tin hôm 3-7 vừa qua.

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông Colombia sau khi về đến Bogota, Israel Ziv cho biết chiến dịch giải cứu con tin vừa qua của quân đội Colombia giống như chiến dịch giải cứu 244 hành khách trên một chiếc máy bay của Hãng Air France bị những tên không tặc người Palestine và Đức bắt giữ tại Uganda cách đây 32 năm.

Ingrid Betancourt là một trong những biểu tượng chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế nên chiến dịch giải cứu bà là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan tình báo thế giới chứ không riêng gì Colombia. Israel Ziv cũng cho biết thêm không cần thiết phải kể quá nhiều công của tình báo Israel trong chiến dịch này.

Một quan chức của Global CST giải thích rằng công ty này đã trợ giúp lực lượng Colombia trong việc tổ chức đúng như yêu cầu trong cuộc chiến chống khủng bố và khai thác tối đa những thông tin tình báo và vạch ra kế hoạch hành động hiệu quả nhất.

Theo sự phân công của Bộ Quốc phòng Israel, Global CST đã bắt đầu giúp Colombia từ đầu năm 2007.

Ngoài sự giúp sức của tình báo Mỹ và Israel, chiến dịch giải cứu con tin vừa qua tại Colombia còn có sự trợ giúp đắc lực của các cơ quan tình báo Pháp, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha.

Đài RSR của Thụy Sĩ khẳng định những thành viên của FARC đã nhận được khoảng 20 triệu USD để trả tự do cho các con tin. Phản ứng trước những thông tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Juan Manuel Santos khẳng định đã không có bất cứ đồng tiền chuộc nào được đưa ra cho nhóm bắt cóc.

Về phần mình, tướng Freddy Padilla, Chỉ huy trưởng các lực lượng quân đội Colombia cũng cho biết, ông rất muốn tên chỉ huy nhóm giam giữ các con tin Cesar chấp nhận tiền chuộc vì như thế sẽ cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong hàng ngũ lãnh đạo FARC.

Phát biểu trước những thông tin của Đài RSR, Đại sứ Mỹ tại Bogota, William Brownfield, cũng khẳng định phía Mỹ đã không chi bất cứ khoản tiền chuộc nào để đổi lấy tự do cho 3 con tin người Mỹ

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.