Tình báo Nga – Mỹ bất đồng trong việc xử lý “Kẻ buôn cái chết”

Thứ Ba, 07/12/2010, 06:10
Ngày 16/11/2010, Thái Lan đã cho dẫn độ trùm buôn lậu vũ khí Nga Viktor Bout sang Mỹ. Động thái này của Bangkok đã gây tức giận cho Moskva.

Các quan chức trong Bộ Ngoại giao Nga nói: "Thật vô cùng hối tiếc khi mà chính quyền Thái Lan đã nhường bước trước sức ép từ bên ngoài và đã cho tiến hành cuộc dẫn độ bất hợp pháp Viktor Bout".

Nadrei Dvornikov, Lãnh sự Nga ở Bangkok, chỉ trích sự dẫn độ đã diễn ra bất ngờ và bí mật. Ông nói: "Chúng tôi đã không được chính quyền địa phương thông báo chính thức".

Người Mỹ tin rằng Viktor Bout, cựu sĩ quan không lực Xôviết, buôn bán vũ khí bất hợp pháp với  những vùng đang diễn ra chiến sự như Afghanistan và Rwanda. Viktor Bout còn được mệnh danh là "Kẻ buôn cái chết", bị truy nã vì nhiều tội liên quan đến buôn  bán vũ khí vào Mỹ và có thể sẽ phải đối mặt với bản án tù chung thân nếu bị buộc tội.

Tuy nhiên, Moskva vẫn duy trì sự vô tội của Bout về vấn đề đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Nga. Thật ra, Viktor Bout có thể gây ra những rắc rối lớn nếu khai trước tòa án về sự dính líu của Tình báo Quân sự Nga (GRU) vào những giao dịch buôn bán vũ khí của ông ta.

Cuộc gặp gỡ vừa qua giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và đối tác Sergey Lavrov đã diễn ra khá thân mật và cả hai người đều chúc mừng nhau về sự phối hợp thành công giữa hai nước Nga - Mỹ trong cuộc chiến chống các băng nhóm ma túy ở Afghanistan. Nhưng sự đối chọi giữa hai bên bắt đầu khi đề cập đến vụ án của Viktor Bout, trùm buôn vũ khí Nga lúc đó bị giam giữ ở Bangkok.

Trong quá khứ, Moskva và Washington đã từng tranh cãi quyết liệt về vấn đề Viktor Bout - người bị bắt giam từ tháng 3/2008. Theo cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc, Bout được cho là đã buôn lậu những chuyến tàu vũ khí trị giá hàng triệu USD, đặc biệt là ở châu Phi. Nếu Viktor Bout ra làm chứng trước tòa án Mỹ, Kremlin sẽ có nguy cơ phải đối mặt với một số tiết lộ nhạy cảm liên quan đến GRU.

Một người bên trong GRU tiết lộ: "Giới chức tình báo chúng tôi quan sát và thường kiểm soát hầu như tất cả những tay buôn bán vũ khí hoạt động ở Nga".

Một chuyên gia giấu tên mô tả cuộc làm ăn bí mật như sau: "Những vụ buôn bán vũ  khí bí mật được giao dịch thông qua những công ty được thành lập bởi những sĩ quan GRU đã về hưu".

Cũng theo chuyên gia này, các sĩ quan GRU giám sát những thỏa thuận mua bán vũ khí và sau đó lợi nhuận được chia cho GRU 30%. Những vụ mua bán vũ khí bí mật ngày càng mở rộng đến mức Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) hiện nay phải lên tiếng cảnh báo "thị trường đen vũ khí" đang làm hoen ố hình ảnh của nước Nga trước thế giới.

Theo một tài liệu mật, các cựu nhân viên tình báo Nga và Ukraina đang có vị trí nổi bật trong buôn bán vũ khí toàn cầu. Ngoài khoảng chục ông trùm vũ khí Nga, bọn buôn lậu từ Israel và Pakistan cũng hoạt động mạnh trong thị trường vũ khí ở Moskva.

Sau sự bành trướng của NATO về phía Đông Âu, bọn buôn lậu vũ khí một thời hoạt động ở Cộng hòa Czech, Ba Lan và Bulgaria nay đã chuyển địa bàn sang phía tây.

Trong một trường hợp, một người Pakistan sống ở Moskva dưới vỏ bọc kinh doanh hàng dệt may được cho là có vai trò sắp đặt giao dịch bán những chiếc trực thăng và tên lửa hành trình X-55 đến Pakistan. Còn Arcady Gaydamak, doanh nhân giàu sụ người Israel gốc Nga, thực hiện những thỏa thuận bán vũ khí táo bạo hơn gấp nhiều lần.

Những chiếc SU-25 của Nga ở bắc Dafur.

Viktor Bout tạo dựng khối tài sản khổng lồ của mình nhờ vào những giao dịch vũ khí trị giá từ 10 đến 20 triệu USD, với những hợp đồng bán số lượng lớn súng đạn, pháo hạng nhẹ và máy bay trực thăng, nhưng phần lớn là "hàng công nghệ cũ".

Với những ông trùm như Gaydamak thì những hợp đồng bán vũ khí trị giá đến 100 triệu và 1 tỉ USD, trong đó bao gồm những hệ thống vũ khí chất lượng cao cho nhiều chính quyền. Gaydamak bán vũ khí cho Angola ở Belarus và Ukraina trong thập niên 90. Hiện Gaydamak đang sinh sống ở Moskva và đang viết những cuốn sách về bộ sưu tập đồ nội thất cổ của ông ta. Ông ta một thời sở hữu tuần báo Moskovskiye Novosti và làm cố vấn trong Sứ quán Angola.

Trong thập niên 90, Moskva sử dụng một cơ quan xuất khẩu do nhà nước quản lý để thực hiện những giao dịch bán vũ khí chính thức. Tuy nhiên những chuyến tàu vũ khí đến Palestine đi qua những kênh thị trường đen nhằm tránh gây nguy hiểm cho mối bang giao giữa Nga và Israel. Viktor Bout cũng đã phát triển mạng lưới của ông ta trong suốt những năm sống ở miền Nam châu Phi.

Từ năm 1975 đến thập niên 90, Kremlin đã cho những cố vấn quân sự Nga đến trợ giúp cho phong trào cánh tả ở Angola và Mozambique. Viktor Bout là một trong vài trăm nhà phiên dịch làm việc cho những cố vấn quân sự này.

Những nhà phiên dịch này cũng buôn lậu đồng hồ đeo tay và tivi từ Nga đến miền Nam châu Phi và trả tiền cho các phi công chở đủ thứ hàng hóa lậu, từ 100 thùng bia Heineken cho đến 2 tấn cá tươi ngang qua rừng rậm, từ điểm A đến điểm B. Người Nga gọi hệ thống này là "candonga", theo tiếng Ba Lan chỉ thị trường chợ đen. Sự buôn lậu này được đánh giá là hơn cả siêu lợi nhuận

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.