Tình báo Pakistan: Săn tiền thưởng của CIA?

Thứ Bảy, 28/11/2009, 10:45

Mỹ thừa nhận đã thường xuyên chi tiền cho Tình báo Pakistan (ISI) không chỉ sau vụ tấn công 11/9/2001 mà từ gần 30 năm qua. Cung cấp tin tức tình báo cho CIA, ISI được đổi bằng tiền. Bắt hoặc giết các nghi can khủng bố, ISI cũng được nhận những khoản trọng thưởng "đậm". Không dừng lại ở đó, ISI còn dùng tiền của Mỹ để làm nhiều việc khác nữa.

Tính trung bình thì ngân sách chi cho ISI chiếm tới 1/3 ngân quỹ tình báo hàng năm của Mỹ. Điều đó nói lên rằng, Mỹ rất coi trọng mảng hoạt động này nên không ngần ngại chi hàng trăm triệu USD. Rất dễ hiểu bởi vì Mỹ đánh giá Pakistan là địa bàn cư trú chủ yếu của Al - Qaeda. Từ thời Tổng thống Bush lên nắm quyền, ngân sách chi cho ISI đã được ký duyệt định kỳ. Và nay Tổng thống đương nhiệm Obama cũng tiếp tục đồng ý rót ngân sách cho ISI.

Duy chỉ có CIA là từ chối bình luận về mối quan hệ tài chính bí mật này giữa Pakistan và Mỹ. Và số tiền chi ra không bao giờ được tiết lộ trước công chúng. Chỉ có một số quan chức cao cấp mới biết được rằng, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ từng bí mật treo giải thưởng 10 triệu USD cho ai bắt được tên Abu Zubaydah - một thủ lĩnh của Al-Qaeda và 25 triệu USD nếu bắt được Khalid Shaikh Mohammed, một trong những kẻ cầm đầu vụ tấn công nước Mỹ vào ngày 11/9/2001. 

Tuy nhiên, ngay trong nội bộ Chính phủ Mỹ cũng có nhiều người phản đối cách làm này. Đây là nguyên nhân của các cuộc tranh cãi, chất vấn năm này qua năm khác tại Hội đồng An ninh của Nhà Trắng. Từ lâu, họ lo sợ rằng Pakistan dùng chính tiền của Mỹ để tài trợ cho thành viên của các phần tử cực đoan Taliban và cung cấp nơi ẩn náu cho thành viên của Al-Qaeda. Theo một báo cáo do Ủy ban An ninh quốc gia công bố vào cuối năm 2007 thì các quan chức Mỹ nhận được thông tin chính thức rằng Pakistan hỗ trợ về mặt tài chính cho quân đội Hồi giáo nhằm hất cẳng Nga ra khỏi Afghanistan. Thế nhưng, Mỹ vẫn phải thường xuyên đưa lính của ISI đi huấn luyện tại cơ sở ở Bắc Carolina.

Rõ ràng, mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan rất phức tạp. Có nghi ngờ, lo lắng nhưng Mỹ không thể dừng lại được. ISI là cứu cánh vô cùng quan trọng. "Pakistan đóng vai trò to lớn trong công tác chống khủng bố của Mỹ. Không có Pakistan, Mỹ không thể cho máy bay do thám thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa, tiêu diệt được hàng chục tên khủng bố ở khu vực biên giới nước này. Dẫu gì thì hầu hết các tên trùm khủng bố đều có nguồn gốc từ vành đai bộ lạc của Pakistan. Hơn nữa, không phải ISI lúc nào cũng được việc. Nhưng nếu không trông chờ vào ISI, Mỹ sẽ hoàn toàn "bó tay", một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết.

Mới đây Quốc hội Mỹ bắt buộc phải duyệt chi thêm 1 tỉ USD nhằm giúp Pakistan chấn chỉnh lại vành đai bộ lạc. Chưa kể khoản tiền 15 tỉ USD chảy đều đặn vào Pakistan trong vòng 8 năm qua dưới danh nghĩa hỗ trợ về quân sự và dân sự. ISI còn nhận được món tiền thưởng công khai  là 10 triệu USD khi hoàn thành chiến dịch truy bắt hoặc hạ sát các quân nhân bị truy nã do Bộ Ngoại giao Mỹ đề ra.

Về phần mình, Pakistan cho rằng, nhận tiền thưởng của Mỹ là chuyện không "dễ như húp cháo" hay cũng chẳng bao giờ là "món hời" như lời của các quan chức tình báo Mỹ. "Chúng tôi cũng phải lao tâm khổ tứ, phải đổ máu mới bắt được những tên trùm khủng bố như Khalid Shaikh Mohammed. Không những thế, lực lượng ISI tại Peshawar cũng bị tấn công. Vụ 10 lính ISI chết hôm 13/11 vừa qua là một ví dụ mới nhất.

Hồi tháng 5, đơn vị của ISI tại Lahore còn gánh một đòn nặng nề hơn nhiều: hơn 20 nhân viên bị chết. Ashfaq Kayani, cựu Giám đốc ISI tổng kết: "Số nhân viên ISI thiệt mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ do Mỹ giao phó đã lên tới hàng trăm người. Đừng nói rằng chỉ có nhân viên CIA mới thường xuyên gặp nguy hiểm trong khi tác nghiệp, mạng sống của các nhân viên ISI cũng giống như "chỉ mành treo chuông" khi thâm nhập vào bộ lạc Pashtun khét tiếng thù địch. Người Pashtun đã coi chúng tôi như kẻ thù. Họ gọi ISI là đồ da trắng".

Lật thời gian trở về quá khứ thì thấy Mỹ bắt đầu chi tiền cho tình báo Pakistan từ những năm 80. Khi đó tình báo nước này giữ vai trò then chốt trong chuyện đưa tiền và vũ khí vào chiến trường Afghanistan. Trong thập niên 90, viện trợ từ Mỹ có chậm hơn nhưng bắt đầu tăng đột biến sau sự kiện 11/9/2001. Dư luận còn tranh luận nhiều về việc Mỹ đúng hay sai khi phát động cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng trước mắt người ta nhận ra rằng danh sách các nghi can của Mỹ mỗi ngày một dài ra. Điều đó cũng có nghĩa số tiền mà Mỹ phải chi sẽ ngày một nặng thêm.

Cựu Giám đốc CIA, George J. Tenet viết trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2007 rằng: các giao dịch của ISI và tình báo Mỹ đơn giản đến bất ngờ. Có những phi vụ đơn giản và thông thường ISI còn nhận được khoản tiền thưởng lên tới hơn 1 triệu USD. Đôi khi tiền thưởng chuyển chậm hơn vì những nghi can khủng bố Al-Qaeda do ISI bắt được hay giết hạ không đúng. Hoặc những tin tức tình báo mà ISI thu thập từ máy bay do thám không người lái.

Trên thực tế, ISI cũng chia làm hai phe, một phe tích cực hợp tác với Mỹ trong công tác chống khủng bố nhưng phe kia thì lại bí mật đào tạo các phần tử Taliban và hỗ trợ tài chính cho những nhóm quân cực đoan như Haqqani hay các phần tử tự do.

Ở một góc độ khác, ngừng hoàn toàn việc trao thưởng cho Tình báo Pakistan là không thể thực hiện được. Không có đồng đôla xanh thì Mỹ chắc chắn không được san sẻ tin tức tình báo khác nữa. Thế nên chuyện sử dụng tiền âu cũng là một chuyện miễn cưỡng phải áp dụng.

"Đương nhiên tình báo Mỹ cũng muốn biết tiền của mình được sử dụng vào mục đích gì. ISI hứa rằng sẽ chi cho những công tác như củng cố căn cứ tình báo, trang bị thêm vũ khí. Nhưng thật khó chấp nhận nếu như các quan chức của ISI dùng tiền đó để xây biệt thự tráng lệ ở Dubai hay tuồn vào các tài khoản bí mật"-Robert Grenier cho biết

Bảo Phương (tổng hợp)
.
.