Tình báo Thuỵ Điển công bố hồ sơ về điệp viên Jean Guillou

Thứ Sáu, 13/11/2009, 09:40
Ngày 23/10/2009, Cơ quan An ninh Tình báo Thụy Điển (SAPO) đã cho công bố hồ sơ hoạt động nội gián của Jan Guillou, một trong những nhân vật nổi tiếng tại Thuỵ Điển hiện nay.

Hồ sơ tình báo dày 650 trang này đã được các phương tiện thông tin đại chúng tại Thuỵ Điển đăng tải và liền thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi vì kể từ năm 1979 (là năm bùng nổ vụ Stig Bergling làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô bị bắt giữ tại Israel ngày 20/3/1979), thì đến nay tại Thuỵ Điển mới có một vụ điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Liên Xô khác được công bố.

Jan Sverre Henri Guillou sinh ngày 17/1/1944 tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, trong một gia đình có cha là  người Pháp làm việc tại Sứ quán Pháp ở thủ đô Stockholm và mẹ là một phụ nữ Thụy Điển, gốc Na Uy. Thời trung học, Guillou là một học sinh bình thường và hiếu động. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn  Đại học Stockholm vào năm 1966, Guillou được nhận vào làm việc tại tạp chí FIB. Đến năm 1970, Guillou rời tạp chí FIB thành lập một tạp chí mới có tên gọi Folket-i-Bild.

Là một người có tư tưởng dân chủ xã hội, Guillou tham gia hoạt động chính trị rất sớm. Năm 1962, khi còn đang học đại học, Guillou đã gia nhập Đảng Cộng sản Thụy Điển (SCP) và là người đứng đầu nhánh hành động của SCP suốt nhiều năm liền. Ông là người kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Palestine chống lại Nhà nước Do Thái ở Trung Đông và chỉ trích cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam và tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tình báo Liên Xô bắt đầu chú ý đến Guillou từ năm 1966, khi ông vừa tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm việc tại tạp chí FIB.

Tình báo Liên Xô đã giao nhiệm vụ cho Evgueni Ivanovitch, một điệp viên mang mật danh “Gergel” nằm vùng tại thủ đô Stockholm dưới vỏ bọc nhân viên Sứ quán Liên Xô tìm cách tiếp cận và tuyển dụng Guillou.

Chính thức làm việc cho tình báo Liên Xô vào tháng 9/1967, lúc đó Guillou được giao nhiệm vụ thâm nhập vào giới báo chí và giới trẻ Thụy Điển để thu thập các thông tin liên quan đến chính kiến và hoạt động chính trị, quan điểm của họ đối với thời cuộc, nhất là trong thời kỳ phong trào phản chiến diễn ra sôi động tại Thụy Điển. Đến năm 1970, Guillou được giao nhiệm vụ thu thập thông tin liên quan đến an ninh, tình báo, quốc phòng của Thụy Điển, về các mối quan hệ giữa Thụy Điển và Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Dưới vỏ bọc nhà báo, Guillou có đủ điều kiện để tiếp cận với một số cơ sở quân sự, một số hồ sơ và tài liệu liên quan đến an ninh, quốc phòng. Tất cả những tài liệu, thông tin này đều được Guillou chuyển giao cho điệp viên nằm vùng Ivanovitch tại nhiều địa điểm khác nhau ở thủ đô Stockholm và cả tại một số địa phương khác của Thụy Điển.

Nhiều người cho rằng chính tình báo Liên Xô, thông qua điệp viên nằm vùng Ivanovitch, đã hậu thuẫn để Guillou thành lập tạp chí Folket-i-Bild vào năm 1970. Đây là một tạp chí theo xu hướng cánh tả, luôn viết về những đề tài phản chiến, bài Mỹ và cả hoạt động bất hợp pháp của một số cơ quan an ninh, tình báo Thụy Điển nhằm theo dõi, điều tra về những nhân vật hay tổ chức được cho là có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Trong bối cảnh như vậy đã xảy ra vụ tai tiếng IB.

Năm 1973, tạp chí Folket-i-Bild đã tạo nên một sự kiện làm rung động Thụy Điển khi cho đăng loạt phóng sự điều tra do Guillou và một đồng nghiệp tên Arne Lemberg thực hiện về việc Cơ quan An ninh quốc gia Thụy Điển (IB - giải thể vào năm 1987 để sáp nhập với SAPO) đã tổ chức theo dõi, điều tra và lập hồ sơ về hoạt động của đảng Cộng sản Thụy Điển và những nhân vật, tổ chức được cho là có hành vi hay thái độ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Loạt phóng sự này còn tiết lộ rằng IB đã tổ chức cài người thâm nhập vào Sứ quán nhiều quốc gia tại thủ đô Stockholm để thu thập và đánh cắp thông tin.

Những tiết lộ động trời này đã biến thành một tai tiếng Chính trị, ngoại giao và đã khiến Chính phủ Thụy Điển phải ra lệnh mở một cuộc điều tra. Tuy nhiên kết quả điều tra lại buộc tội Guillou và Lemberg đã thu thập thông tin an ninh quốc gia bất hợp pháp và cho công bố mà không được cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Hậu quả là Guillou và Lemberg phải lãnh mỗi người 10 tháng tù giam.

Tình báo Liên Xô quyết định cắt đứt quan hệ với Guillou vào năm 1974 sau khi xảy ra vụ ám sát Lemberg tại thủ đô Kampala của quốc gia Đông Phi Uganda. Vào ngày 16/11/1974, Lemberg khi đang thực hiện một phóng sự điều tra về việc buôn bán vũ khí của tình báo Thụy Điển tại Uganda đã bị hai kẻ lạ mặt bắn chết. Kết luận điều tra cho biết, Lemberg bị bắn chết để cướp tài sản. Tuy nhiên dư luận Thụy Điển và nhất là tạp chí Folket-i-Bild lại cho rằng tình báo Thụy Điển đã gây ra vụ việc để đạt hai mục tiêu là "khóa mõm" Lemberg do lo ngại những tiết lộ tiếp theo của Lemberg liên quan đến việc tình báo Thụy Điển buôn bán vũ khí tại Uganda sẽ gây tai tiếng lớn cho cơ quan tình báo này và do Lemberg được phát hiện làm việc cho tình báo Liên Xô.

Tình báo Liên Xô do lo ngại đối tượng sẽ bị trừ khử tiếp theo bởi tình báo Thụy Điển  là Guillou nên đã cắt đứt quan hệ với Guillou nhằm để bảo vệ sinh mạng của điệp viên nội gián này và để không bị lộ việc đã tuyển Guillou làm điệp viên nội gián.

Sau khi xảy ra vụ Lemberg bị giết hại một cách nghi vấn  tại Uganda và bị đứt liên lạc với tình báo Liên Xô, Guillou tiếp tục điều hành hoạt động của tạp chí Folket-i-Bild với hy vọng sẽ nối lại liên lạc với tình báo Liên Xô nhưng vẫn không có kết quả. Vì vậy, đến năm 1977, Guillou thôi làm báo và chuyển sang viết văn và thành công vang dội tại Thụy Điển với những tiểu thuyết giả tưởng viết về đề tài tình báo, quân sự như Carl Hamilton (xuất bản vào năm 1986), Coq Rouge (xuất bản vào năm 1987) trong đó những nhân vật chính đều là những điệp viên nằm vùng và nội gián có hành động xuất quỷ nhập thần làm điên đầu các cơ quan phản gián. Nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim trong đó có bộ phim “Evil” do chính ông sản xuất và đã đoạt được giải Oscar vào năm 2003. Tuy nhiên do có quan điểm bài Mỹ nên Guillou đã không được Bộ Ngoại giao Mỹ cấp thị thực nhập cảnh đến Mỹ để nhận giải.

Tác phẩm mới nhất của ông có tựa đề “Madame Terror” viết về những khổ cực và tủi nhục mà một phụ nữ người Palestine phải gánh chịu trong thời kỳ chiếm đóng của quân đội Israel trên lãnh thổ của người Palestine khi được xuất bản vào năm 2008 đã gây một tiếng vang lớn và trở thành cuốn sách bán chạy nhất Thụy Điển trong năm.

Trả lời phỏng vấn của báo Expressen của Thụy Điển sau khi SAPO công bố hồ sơ về hoạt động nội gián của mình, Guillou cho biết ông không hề ân hận về việc từng cộng tác với tình báo Liên Xô và tiếc rằng đã đứt liên lạc với tình báo Liên Xô quá sớm

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.