Tình báo Thụy Điển theo dõi nước Nga cho NSA

Thứ Hai, 20/01/2014, 19:35

Theo tiết lộ của người tố giác Edward Snowden, Cơ quan Radio Quốc phòng Thụy Điển (FRA) thu thập một lượng lớn dữ liệu về những cuộc giao tiếp từ nước Nga để chuyển giao cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Những tài liệu mật được tiết lộ khẳng định sự hợp tác giữa hai cơ quan tình báo này kéo dài từ nhiều thập niên qua.

Theo một tài liệu được công bố trên Đài truyền hình Quốc gia Thụy Điển SVT mới đây, năm 1954, Stockholm ký kết hiệp ước hợp tác tuyệt mật với The Five Eyes - bao gồm các cơ quan tình báo của 5 nước sử dụng tiếng Anh là Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada - để trao đổi thông tin tình báo. Năm 2004, hiệp ước song phương giữa Thụy Điển và Mỹ được ký kết nhằm tăng cường khả năng hợp tác mạnh hơn nữa.

Trong suốt thời gian Chiến tranh lạnh, FRA hết sức tích cực chuyển giao thông tin thu thập được từ Liên Xô cho các đồng minh phương Tây.

Một tài liệu năm 2006 của NSA ghi rõ: "Mối quan hệ với Thụy Điển được bảo vệ với cấp độ tuyệt mật do tính chất trung lập về chính trị của đất nước này".

Do vị trí địa lý thuận lợi của Thụy Điển, FRA có khả năng gián điệp những cuộc giao tiếp của người Nga, bao gồm những mục tiêu cao cấp trên chính trường và các khu vực kinh tế quan trọng như là năng lượng. FRA cung cấp cho NSA một lượng lớn dữ liệu giao tiếp của các nhân vật cao cấp như giới lãnh đạo chính trị.

Theo đánh giá từ tờ Russia Today, 80% dữ liệu giao tiếp từ Nga lưu thông ngang qua lãnh thổ Thụy Điển. Mối quan hệ hợp tác giữa FRA và NSA tiếp tục được mở rộng đáng kể vào năm 2011, cho phép tình báo Mỹ khai thác mạng cáp viễn thông của Thụy Điển. Ngoài ra, NSA còn có khả năng chặn bắt tín hiệu các cuộc giao tiếp từ các quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania) lưu thông qua mạng cáp ngầm dưới biển do Thụy Điển kiểm soát.

Vào đầu tháng 9/2013, nhà báo điều tra Anh Duncan Campbell công khai tuyên bố trước Nghị viện châu Âu về mối hợp tác tình báo giữa Thụy Điển, Mỹ và Anh: "Một tổ chức mới gia nhập "The Eyes" và được coi là đối tác lớn nhất của GCHQ (Cơ quan Tình báo viễn thông Anh) bên ngoài các quốc gia sử dụng tiếng Anh - đó chính là Thụy Điển".

Người phát ngôn của FRA thừa nhận NSA sử dụng toàn bộ dữ liệu mà tình báo Thụy Điển thu thập được đồng thời giải thích đó là vì lợi ích của chính quyền Stockholm: "Chúng tôi sẽ không cho đi bất cứ thứ gì mà không nhận lại điều gì. Chúng tôi có thể thu thập thông tin nơi phần thế giới của chúng tôi và sau đó trao đổi lấy thông tin khó thu thập được từ các phần khác của thế giới. Đó là những thông tin có tầm quan trọng rất lớn cho chính sách đối ngoại của Thụy Điển".

Một sự đền đáp mà FRA có được khi hợp tác chặt chẽ với NSA là chương trình gián điệp nổi tiếng XKeyscore của cơ quan này giúp chính quyền Stockholm kiểm soát các hoạt động và giao tiếp trực tuyến từ các mục tiêu cá nhân.

Theo tiết lộ về sự hợp tác giữa FRA và NSA, chương trình XKeyscore cho phép NSA xâm nhập các máy tính và tiến hành gián điệp công dân Thụy Điển. Tài liệu tháng 4/2013 của NSA tiết lộ, Thụy Điển tham gia Quantum - chiến dịch xâm nhập các máy tính để chiếm giữ thông tin dành để phân tích sâu hơn.

Năm 2008, chính quyền Anh và Mỹ làm việc chặt chẽ với Stockholm để chuẩn bị cho sự ra đời "luật FRA" cho phép tình báo Thụy Điển chặn bắt tín hiệu mọi dữ liệu giao tiếp lưu thông qua biên giới nước này. Sau đó, một báo cáo của tờ The Guardian mô tả phản ứng từ tổng hành dinh GCHQ trước sự thông qua "luật FRA" của Thụy Điển là họ "hết sức vui mừng"!

Phản ứng trước sự chỉ trích về sự hợp tác của Chính phủ Thụy Điển với NSA, Ngoại trưởng Carl Bildt bình luận: "Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với một thế giới ngập tràn những nguy cơ, thách thức và đe dọa hết sức khác nhau. Do đó, sự nhận thức kịp thời những nguy cơ đó là quan trọng cho an ninh quốc gia".

Ảnh Google về tổng hành dinh của FRA.

Để bảo vệ "luật FRA", Carl Bildt nói thêm: "Chúng ta có các hệ thống tôn trọng luật pháp rõ ràng nhất và có lẽ là tốt nhất về mặt luật lệ. Tôi cho rằng các quốc gia khác coi chúng ta là hình mẫu để noi theo". Tuy nhiên, các tài liệu mật được Edward Snowden tiết lộ cho thấy các điệp viên FRA thường hay vi phạm luật pháp do quản lý tồi dữ liệu cá nhân. Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển chịu hoàn toàn trách nhiệm sắp xếp sự hợp tác tình báo của nước này với Mỹ trong thập niên 50 của thế kỷ trước và được tiếp tục đến nhiều thập niên sau.

Tháng 9/2013, Thủ tướng Thụy Điển Frederick Reinfeldt thừa nhận sự hợp tác kéo dài giữa tình báo nước này và Mỹ. Thủ tướng Reinfeldt bình luận với Hãng thông tấn TT: "Tôi chỉ có thể nói rằng sau chiến tranh, Thụy Điển có sự hợp tác kéo dài với các quốc gia khác và chính sách an ninh quốc gia đòi hỏi chúng ta nên làm thế".

Mối quan hệ của Thụy Điển với Mỹ cũng được tăng cường hơn nữa sau khi Stockholm chính thức từ bỏ lập trường trung lập của mình. Điều đó giúp cho binh sĩ Thụy Điển được phép tham gia chiến dịch của lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Afghanistan và sử dụng máy bay Saab Gripen để đánh bom Libya vào năm 2011.

Những tiết lộ còn cho biết sự dính líu của Thụy Điển trong cuộc truy bắt Julian Assange, người sáng lập trang web Wikileaks. Theo những tài liệu do Snowden tiết lộ, cuộc truy bắt Assange xảy ra trùng khớp với khoảng thời gian FRA và NSA mở rộng hợp tác vào năm 2011.

Tại mặt trận tình báo trong nước, FRA đặc biệt dò xét các cộng đồng dân nhập cư và sắc tộc thiểu số. Đặc biệt vào đầu năm 2013, một cơ sở dữ liệu khổng lồ về người Roma (Di gan) của lực lượng cảnh sát địa phương được tiết lộ khiến công chúng phẫn nộ

Diên San (tổng hợp)
.
.