Tình báo Anh – Mỹ do thám hoạt động máy bay không người lái của Israel

Thứ Sáu, 19/02/2016, 07:45
Theo tiết lộ từ người thổi còi Edward Snowden, tình báo Anh và Mỹ từng hợp tác bí mật đánh cắp những hình ảnh video trực tiếp về hoạt động ghi hình từ máy bay vũ trang không người lái (drone) cũng như máy bay chiến đấu của Israel, giám sát các chiến dịch quân sự ở Gaza, quan sát động tĩnh cuộc không kích chống Iran và theo dõi công nghệ drone được Israel xuất khẩu trên thế giới.

Với chương trình mật mang tên mã “Anarchist” (Người vô chính phủ), Cơ quan T­ình báo tín hiệu Anh (GCHQ) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do thám một cách hệ thống phi đội drone của Israel từ đỉnh dãy núi Troodos trên đảo Cyprus miền Đông Địa Trung Hải. Những hình ảnh này cung cấp thêm bằng chứng cho các báo cáo về sự tồn tại của các phi đội drone tấn công của Israel – một điều mà chính quyền Israel nhất quyết không thừa nhận.

Con mắt từ “Hạt ngọc trên vương miện”

Hồ sơ mật của GCHQ bao gồm một loạt những “hình ảnh chụp nhanh Anarchist” – những hình ảnh thumpnail (dạng thu nhỏ) từ các video do camera trên drone ghi hình và truyền tín hiệu xuống căn cứ trên mặt đất. Hồ sơ cũng tiết lộ dữ liệu đường bay của drone. Về cơ bản, tình báo Anh và Mỹ đánh cắp những hình ảnh toàn cảnh từ drone Israel. Vài ảnh chụp nhanh, được thu thập năm 2009 và 2010, cho thấy drone Israel mang tên lửa.

Căn cứ trên dãy Troodos ở Cyprus của tình báo Anh và Mỹ.

Chương trình “Anarchist” diễn ra từ một căn cứ Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đặt trên đỉnh dãy núi Troodos, với đỉnh cao nhất là Olympus, nằm tại trung tâm đảo quốc Cộng hòa Cyprus. Giới chức NSA đánh giá Troodos là “Hạt ngọc trên Vương miện” vì từ đây có thể quan sát Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia trong khu vực rộng lớn ở miền Đông Địa Trung Hải (bao gồm Liban, Syria, Israel và các vùng lãnh thổ Palestine).

Một báo cáo năm 2008 của GCHQ nêu rõ: “Vị trí này rất cần thiết để duy trì giám sát các chiến dịch quân sự Israel và từ đó nắm rõ được những phát triển tương lai trong khu vực. Vị trí này cũng cung cấp thông tin cập nhật liên tục hỗ trợ cho mọi chiến dịch của Mỹ và đồng minh trong khu vực”. Một báo cáo khác tiết lộ căn cứ trên Troodos thu thập được video từ chiếc drone do Iran chế tạo bay ra khỏi một căn cứ không quân của Syria vào tháng 3-2012. Cũng trong thời gian này, chính quyền Mỹ công bố tin Tổng thống Bashar al-Assad của Syria được cung cấp những chiếc drone của Iran.

Trên hết, chương trình Anarchist tập trung chủ yếu vào mục tiêu Israel. Tài liệu mật của GCHQ và NSA phơi bày mối quan hệ lá mặt lá trái giữa Mỹ và Israel cũng như mối lo ngại của Washington về những hoạt động của Israel gây mất ổn định trong khu vực. Hai quốc gia cùng hợp tác chống khủng bố và có thỏa thuận chung từ năm 2009 cho phép Israel sử dụng dữ liệu tình báo tín hiệu thô được NSA thu thập. Mặc dù vậy, những chương trình gián điệp đối đầu giữa Mỹ và Israel vẫn diễn ra âm thầm.

Heron TP của Israel.

Ngày 3-1-2008, khi Israel mở chiến dịch không kích tấn công chiến binh Palestine ở Gaza, gián điệp Anh và Mỹ cũng có mặt trên “chiếc ghế trong buồng lái ảo” để theo dõi tình hình. Tháng 7-2008, giới chức GCHQ ra lệnh cho đội ngũ kỹ thuật viên trong chương trình Anarchist tìm kiếm những chiếc drone bay lượn trên nhiều “khu vực đáng quan tâm” - bao gồm Cao nguyên Golan, các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng ở Bờ Tây và Dải Gaza cũng như vùng biên giới giữa Israel với Liban và Syria. Tất cả thông tin và hình ảnh video được chuyên gia phân tích gửi về trụ sở GCHQ ở Anh.

Những hình ảnh chụp nhanh do đội ngũ chuyên gia ở Troodos thu thập từ tháng 2-2009 đến tháng 6-2010 để lộ nhiều loại drone tấn công của Israel. Theo một tài liệu GCHQ, nhóm kỹ thuật viên ở Troodos lần đầu tiên thu thập các tín hiệu từ chiếc Heron TP vào tháng 2-2009. Họ cũng có trong tay dữ liệu video từ chiếc drone Searcher của IAI và chiếc Hermes do Công ty Elbit Systems của Israel chế tạo.

Tháng 1-2010, căn cứ Troodos thu thập được dữ liệu từ chiếc drone chiến thuật Aerostar và mini-drone Orbiter – cả hai đều do Tập đoàn công nghệ hàng không - vũ trụ Aeronautics của Israel chế tạo. Pieter Wezeman – nhà nghiên cứu vũ khí Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trụ sở tại Thụy Điển – đánh giá những vật thể được nhìn thấy nằm dưới hai cánh trong vài bức ảnh chụp nhanh Heron TP giống như tên lửa hay thiết bị cảm biến dùng để do thám.

Heron TP (biệt danh “Eitan”) được tờ Jerusalem Post của Israel mô tả là “chiếc drone có khả năng bay đến Iran”, với sải cánh 26 mét – to lớn hơn cả chiếc drone vũ trang Reaper lớn nhất của Không quân Mỹ - và có trọng tải đến 1 tấn. Mới đây, Israel đạt được thỏa thuận bán các phiên bản vũ trang Heron TP cho Ấn Độ. 

Các báo cáo GCHQ về những vụ phóng tên lửa từ drone của Israel ở Gaza được thành lập từ năm 2004 và hơn chục năm sau drone luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân trong khu vực. Chris Cobb-Smith, cựu sĩ quan quân đội Anh hiện nay điều tra về những cuộc tấn công bằng drone ở Gaza cho các nhóm nhân quyền, cho biết: “Trong những giai đoạn căng thẳng, người dân hiếm khi ra khỏi nhà và không lúc nào mà không nghe thấy tiếng vo vo của drone bay lượn trên đầu”.

Năm 2014, tờ Telegraph của Anh đưa tin 65% những chiến dịch không kích của Israel đều thực hiện bằng drone. Yotam Feldman, nhà làm phim Israel thực hiện một phim tài liệu về công nghệ drone Israel cho tổ chức truyền thông Al Jazeera hồi năm 2015, cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Trong suốt chiến dịch Cast Lead kéo dài 3 tuần của Israel bắt đầu hồi tháng 12-2008, Tổ chức Giám sát nhân quyền HRW báo cáo có đến hàng chục dân thường Palestine bị giết chết trong những cuộc tấn công bằng drone của Israel.

Trong một văn bản ngoại giao được Wikileaks tiết lộ, một chỉ huy Israel trình bày với một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ rằng, chiếc drone “bắn ra 2 tên lửa” nhắm vào các chiến binh bên ngoài giáo đường và mảnh vỡ tên lửa đã trúng vào dân thường. Trong những cuộc phỏng vấn của báo chí, giới chức quân đội Israel tỏ ra rất thận trọng khi mô tả những chiếc drone của họ chỉ được dùng để do thám và đánh dấu các mục tiêu cho máy bay có người lái tấn công. Giới truyền thông ở Israel luôn là đối tượng bị chính quyền kiểm duyệt gắt gao và quân đội không cho phép đề cập đến những chiếc drone vũ trang, trừ phi trích dẫn từ nguồn nước ngoài.

Khi những nhà quan sát “bị ném cát vào mắt”

Nhà làm phim Yotam Feldman, giải thích: “Việc tiết lộ về vũ khí được sử dụng và chúng được sử dụng như thế nào có thể gây ra nhiều vấn đề về chiến dịch tấn công – về các mục tiêu, về thiệt hại bên lề, về bộ máy chỉ huy. Tôi cho rằng quân đội Israel đang ném cát vào mắt của những nhà quan sát bên ngoài về những cuộc không kích của Israel”.

Ngày 28-1-2010, các chuyên gia phân tích của GCHQ ở Troodos thu thập được video dài 6 phút về chiếc drone Heron TP của Israel.

Những hình ảnh của chương trình Anarchist cũng không cho thấy rõ ràng bất cứ cuộc không kích drone nào của Israel. Trong một vài trường hợp, những hình ảnh thu được vào cùng ngày hay ngay trước ngày mà những cuộc không kích của Israel vào Gaza được báo cáo. Ví dụ vào ngày 25-8-2009, sau nhiều tháng tương đối yên tĩnh tại vùng biên giới giữa Gaza và Ai Cập, Không quân Israel đánh bom một đường hầm nằm trên biên giới, giết chết 3 người Palestine và làm bị thương 7 người khác. Cùng ngày, đội kỹ thuật viên trong chương trình Anarchist ở Troodos thu được một tín hiệu từ drone của Israel!

Những chiếc drone giao tiếp với bộ phận kiểm soát trên mặt đất thông qua vệ tinh và mạng ăngten ở Troodos chiếm quyền kiểm soát đường truyền tín hiệu này để tìm kiếm tần số đúng của mỗi chiếc drone. Thiết bị kiểm soát đường truyền tín hiệu từ vệ tinh xuống trái đất không chỉ được NSA sử dụng mà còn cả quân đội. Năm 2009, lực lượng Mỹ ở Iraq phát hiện những chiếc laptop chứa video từ những chiếc drone Predator nằm trong tay quân nổi dậy.

Trước đó vào năm 1997, Hezbollah đã giết chết 12 biệt kích Israel trong một cuộc phục kích ở Liban. Về sau, người ta biết được Hezbollah đã tổ chức mai phục sau khi thu thập được tín hiệu video không mã hóa từ một drone. Phát hiện này đã gây chấn động giới chức quân đội Israel và dẫn đến việc ngành công nghiệp drone nước này đầu tư “mọi nỗ lực để mã hóa tín hiệu truyền từ máy bay không người lái xuống căn cứ trên mặt đất” – theo Ronen Bergman, phóng viên điều tra của tờ Yedioth Ahronoth và tác giả bản thảo cuốn sách về tình báo Mossad của Israel sắp hoàn thành.

Dãy núi Troodos ở Cyprus.

Có lẽ từ khi đó, Israel đã tiến hành mã hóa mở rộng đối với mọi phi đội drone của mình, và do đó nhiều dữ liệu hình ảnh mà đội ngũ chuyên gia phân tích ở Troodos thu thập đã được mã hóa hay gây xáo trộn hình ảnh. Thậm chí sau khi phá mã, những hình ảnh cũng có chất lượng rất tồi, đường nét bị vỡ và thường không nhìn thấy được gì rõ ràng ngoài bầu trời, mặt trời hay bộ phận hạ cánh của chiếc drone gần đường băng.

Các tài liệu mật GCHQ mô tả sứ mạng do thám những phi đội drone của Israel với quy mô rộng hơn. Ví dụ, một “sự bùng nổ chiến sự giữa Israel và Hamas” gây mối quan tâm đặc biệt cho Cơ quan Tình báo Anh cũng như về sự căng thẳng với Iran. Trong báo cáo về các chuyến bay của chiếc drone vũ trang Heron TP, một nhân viên ở Troodos ghi nhận “khả năng thu thập, theo dõi và báo cáo của chúng ta về hoạt động drone là quan trọng để phát hiện sớm và cảnh báo về bất cứ cuộc tấn công phủ đầu tiềm tàng nào chống Iran”.

Một tài liệu Anarchist năm 2008 cũng đề cập đến công nghệ máy bay không người lái (UAV) của Israel bởi vì Israel “cung cấp UAV của họ cho nhiều quốc gia” đồng thời “đang phát triển mở rộng năng lực UAV để triển khai cho nhiều mục đích khác nhau”. Cũng theo tài liệu này, tình báo Anh muốn tìm hiểu loại radar đặc biệt có được lắp đặt trên những chiếc UAV của Israel hay không.

Israel là quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu drone, và khả năng phát triển công nghệ drone của Israel không bao lâu nữa sẽ vượt xa các quốc gia khác. Hồi tháng 9-2015, Ấn Độ đã có thỏa thuận mua 10 chiếc drone Heron TP của Israel. Tháng 1-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen thông báo nước này sẽ thuê chiếc Heron TP do đánh giá cao khả năng tấn công của loại drone này.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh: “Chiếc drone này sẽ là tiêu chuẩn trong tương lai”. Israel, Mỹ, Anh và Pakistan là các quốc gia duy nhất ưu tiên sử dụng drone cho các cuộc tấn công tiêu diệt. Người ta cũng tin rằng hàng chục quốc gia khác đang cố gắng phát triển những chiếc drone vũ trang.

Diên San (tổng hợp)
.
.