Tình báo Anh bị cáo buộc giám sát các tổ chức phi chính phủ

Thứ Sáu, 10/07/2015, 08:15
Ngày 22/6 vừa qua, Tòa án Quyền lực Điều tra Anh (IPT) ra phán quyết Cơ quan Tình báo Tín hiệu (GCHQ) đã vi phạm quyền riêng tư của 2 tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) - Tổ chức Sáng kiến Nhân quyền Ai Cập (EIPR) và Trung tâm Tài nguyên Pháp lý Nam Phi (LRC) - khi lưu trữ dữ liệu (như là email) thu thập về các hoạt động của họ quá thời hạn mà luật pháp cho phép.

Cùng đệ đơn kiện GCHQ với 2 tổ chức nói trên còn có các nhóm khác như là: Tổ chức Quyền riêng tư Quốc tế (PI), Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) và Tổ chức Nhân quyền độc lập Anh Liberty.

Vụ kiện chống lại GCHQ được xét xử sau khi “người thổi còi” Edward Snowden tiết lộ hàng loạt hồ sơ tình báo mật của GCHQ và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Eric King, Phó giám đốc PI nêu quan điểm: Rõ ràng là, các cơ quan tình báo của chúng ta đã mất phương hướng. Họ có trong tay quá nhiều quyền lực trong khi lại có quá ít những quy định để chống lại sự lạm quyền của GCHQ.

Hiện nay, chúng ta cần Quốc hội bắt tay vào xử lý những vấn đề mà lẽ ra phải được xử lý từ cách đây rất lâu". Eric King cũng kêu gọi chính quyền xây dựng những luật mới để ngăn ngừa các cơ quan tình báo giám sát các NGO và tổ chức từ thiện. IPT quyết định rằng hoạt động ban đầu thu thập email của EIPR và LRC là hợp pháp, nhưng việc lưu trữ kéo dài và phân tích là bất hợp pháp. Còn đối với các tổ chức khác như AI, Liberty và PI, IPT phán quyết GCHQ không vi phạm các quy định. IPT cũng tuyên bố: "Để tránh sự nghi ngờ, vụ việc sẽ được báo cáo riêng với thủ tướng".

Giám đốc LRC, bà Janet Love.

Đây là lần đầu tiên một tòa án ra phán quyết đối với hành vi gián điệp các tổ chức nhân quyền của GCHQ. Tháng 2/2015, IPT cũng ra phán quyết hoạt động chia sẻ dữ liệu giữa Anh và Mỹ trong suốt 7 năm là bất hợp pháp, đồng thời vi phạm luật nhân quyền. Người phát ngôn của GCHQ nói rằng việc lưu trữ dữ liệu của LRC và EIPR quá thời hạn cho phép là do "lỗi kỹ thuật" và hứa hẹn sẽ giải quyết triệt để vấn đề.

Theo GCHQ thì họ cần có quyền lực để giám sát các tổ chức nhằm mục đích bảo vệ nước Anh trước mối đe dọa khủng bố cũng như các mối đe dọa khác: “Bất cứ hoạt động đánh chặn thu thập dữ liệu nào do GCHQ tiến hành trong những trường hợp này là hợp pháp và thích đáng. Và, sự vi phạm chính sách xảy ra không nghiêm trọng đến mức phải bồi thường cho các tổ chức liên quan".

Bà Janet Love, Giám đốc LRC phát biểu: "Trung tâm của mối lo ngại sâu sắc là khi biết rằng các cuộc giao tiếp của chúng tôi là mục tiêu thu thập thông tin bất hợp pháp của GCHQ. Là một công ty luật, những cuộc giao tiếp của chúng tôi phải được giữ bí mật và do đó chúng tôi coi sự việc là vi phạm nghiêm trọng các quyền của tổ chức chúng tôi. Chúng tôi mong muốn chính quyền Anh và Nam Phi cùng hợp tác trong vấn đề này”.

Các tài liệu tuyệt mật của GCHQ bị Edward Snowden tiết lộ.

Sau những tiết lộ từ Edward Snowden, các nhóm nhân quyền cảm thấy lo ngại những cuộc giao tiếp riêng tư của họ cũng bị giám sát. Họ cũng bày tỏ mối lo ngại đối với sự chia sẻ thông tin tình báo giữa Anh và Mỹ cũng như hai chương trình gián điệp Prism và Upstream của NSA.

Các NGO không chỉ là mục tiêu giám sát của các cơ quan tình báo nước  ngoài. Sau vụ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir rời khỏi Nam Phi bất chấp lệnh bắt giữ ông của Tòa án Tối cao tại thành phố Pretoria của Nam Phi, tờ Sunday Times của Anh đưa tin giới lãnh đạo ANC (đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi tại Nam Phi) cũng như giới chức an ninh nước này đã tiến hành "những cuộc điều tra không chính thức" nhằm vào 5 NGO - trong đó có Trung tâm Kiện tụng Nam Phi (SALC), có hành động ngăn chặn chính quyền cho phép Tổng thống Omar al-Bashir rời khỏi nước này.

IPT ra phán quyết về hoạt động gián điệp của GCHQ.

Cũng theo tờ Sunday Times, 5 NGO này đặc biệt có giá trị để chính quyền Nam Phi giám sát bởi vì "họ được coi là bình phong của các thế lực phương Tây muốn can thiệp vào các vấn đề chính trị của Nam Phi cũng như các quốc gia đang phát triển khác".

Đầu năm 2015, nhóm chiến dịch Mỹ Right2Know kết luận rằng hiện "có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các tổ chức an ninh Nam Phi đang giám sát công việc của một số nhà hoạt động và tổ chức nhân quyền". Năm 2014, Tổng thư ký ANC Gwede Mantashe buộc tội Hiệp hội Công nhân mỏ và Liên minh Xây dựng (AMCU) của Nam Phi bị kiểm soát bởi "người da trắng nước ngoài" nhằm "gây mất ổn định nền kinh tế chúng ta".

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.