Tình báo Anh cáo buộc các công ty công nghệ Mỹ tạo thuận lợi cho khủng bố

Thứ Ba, 16/12/2014, 11:40
Vừa qua, tân Giám đốc Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) Robert Hannigan lên tiếng buộc tội các công ty công nghệ lớn của Mỹ đang trở thành "các mạng chỉ huy lựa chọn" cho bọn khủng bố và tội phạm đồng thời kêu gọi họ nên hợp tác chặt chẽ hơn với cộng đồng tình báo. Hannigan cũng tuyên bố những chiến binh thánh chiến nước ngoài ở Iraq và Syria hưởng lợi từ rất nhiều những tiết lộ hồ sơ tình báo mật của cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden.

Lời buộc tội gay gắt của Robert Hannigan được đăng tải trên tờ Financial Times của Anh vào đầu tháng 11. GCHQ hoạt động liên kết với hai cơ quan tình báo khác của Anh là MI-5 (Tình báo nội địa) và MI-6 (Phản gián) cũng như với NSA.  Robert Hannigan kêu gọi nên có "một thỏa thuận mới giữa các chính quyền dân chủ và các công ty công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ công dân chúng ta" đồng thời đánh giá lại sự cân bằng giữa quyền tự do công dân và an ninh quốc gia. Hannigan nhận định tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là "nhóm khủng bố đầu tiên lớn mạnh nhờ vào Internet…

IS khai thác sức mạnh của web để tạo ra mối đe dọa thánh chiến. Thách thức của các chính quyền và cộng đồng tình báo là vô cùng to lớn, cho nên cần có sự hợp tác nhiều hơn từ các công ty công nghệ". Đây không phải lần đầu tiên giới chức chính quyền châu Âu lên tiếng yêu cầu một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới - bao gồm Google, Facebook, Twitter và Microsoft - có sự hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Tháng 10/2014, các nhà lãnh đạo châu Âu đã có cuộc gặp gỡ với Giám đốc điều hành của Microsoft và Twitter bàn luận về vấn đề các nhóm khủng bố đã sử dụng mạng xã hội để truyền bá thông điệp trên Internet như thế nào.

Robert Hannigan (ảnh trái); Eric King - Phó Giám đốc tổ chức nhân quyền Anh Privacy International.

Sau cuộc họp, các công ty và nhà hoạch định chính sách đồng ý tổ chức những cuộc họp tương tự trong tương lai nhằm giải quyết mối đe dọa tiềm ẩn trên Internet. Tuy nhiên, các công ty công nghệ tuyên bố họ chỉ đáp ứng yêu cầu chuyển giao thông tin người dùng cho chính quyền khi có lệnh từ tòa án. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Twitter cho biết, họ đã nhận được hơn 2.000 yêu cầu cung cấp thông tin người dùng từ khoảng 50 quốc gia - tăng 46% so với cùng kỳ năm 2013, và hơn 60% yêu cầu đến từ chính quyền Mỹ. Theo đánh giá từ Robert Hannigan, trong quá khứ Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác đã thấy được Internet là nơi lý tưởng để phát tán tài liệu, tuyên truyền hay gặp gỡ trong "những không gian kín đáo", trong khi đó IS lợi dụng mạng toàn cầu để tuyên truyền, đe dọa và cực đoan hóa những phần tử mới tuyển mộ.

Phản ứng trước cáo buộc của tân Giám đốc GCHQ, Eric King - Phó giám đốc Tổ chức Nhân quyền Anh Privacy International -  lên tiếng: "Thật thất vọng khi tân Giám đốc GCHQ coi Internet như là mạng chỉ huy cho bọn khủng bố. Trước khi buộc tội mọi nỗ lực bảo vệ sự riêng tư người dùng của các công ty công nghệ, có lẽ Hannigan nên biết tại sao lại có quá nhiều sự chỉ trích nhằm vào GCHQ sau những tiết lộ từ Edward Snowden.

Căn cứ GCHQ ở Cheltenham.

Những trò bẩn thỉu của GCHQ - ép buộc các công ty chuyển giao dữ liệu khách hàng rồi bí mật kiểm soát các hệ thống đường truyền cáp sợi quang tư nhân - đã làm mất lòng tin của công chúng cũng như của các công ty công nghệ". Còn Tổ chức Ranh giới điện tử (EFF) thẳng thắn bác bỏ ý tưởng cần thiết xây dựng một thỏa thuận giữa các công ty công nghệ và chính quyền. Jillian York, Giám đốc ngôn luận quốc tế của EFF, nhấn mạnh: "Một thỏa thuận đặc biệt giữa các chính quyền và công ty công nghệ thật sự không cần thiết. Bởi vì, chính quyền có thể sử dụng tình báo nguồn mở đối với nội dung được đưa lên mạng xã hội một cách công khai, và cũng đưa ra những yêu cầu hợp pháp với sự tôn trọng người dùng.

Việc cho phép các chính quyền đặc biệt sử dụng nội dung riêng tư không chỉ vi phạm quyền riêng tư mà còn khiến cho bọn khủng bố rút vào bí mật gây khó khăn hơn cho công tác điều tra của chính quyền". Nghị sĩ Công đảng Anh Tom Watson bình luận: "Tôi hy vọng rằng GCHQ không nhầm lẫn giữa sự việc bọn cực đoan sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền với việc sử dụng những giao tiếp điện tử kín đáo. Thật vô lý khi cho rằng do IS sử dụng Twitter cho nên mọi siêu dữ liệu cần được thu thập mà không hề có sự cảnh báo trước". Những tuyên bố của Robert Hannigan xuất hiện sau khi Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ James Comey kêu gọi thành lập một bộ quy định pháp lý nhằm đối phó với hành động tăng cường mã hóa của các công ty công nghệ để bảo vệ quyền riêng tư như Apple và Google đã bước đầu thực hiện.

Được biết Robert Hannigan, sinh ra tại Gloucestershire không xa căn cứ của GCHQ tại Cheltenham là cố vấn Thủ tướng Anh về các chính sách chống khủng  bố, tình báo và an ninh. Sự buộc tội các công ty công nghệ Mỹ của Hannigan phản ánh mối lo ngại đang tăng của chính quyền Anh. Từ lâu, GCHQ nổi tiếng bí mật nhất trong số 3 cơ quan tình báo Anh. Sir Iain Lobban, người tiền nhiệm của Robert Hannigan, Giám đốc đầu tiên của GCHQ có tiếng nói công khai trước Quốc hội Anh sau vụ rò rỉ thông tin tình báo mật từ Edward Snowden năm 2013.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.