Tình báo Anh giám sát chính quyền Argentina về quần đảo tranh chấp

Thứ Hai, 13/04/2015, 13:00
Đối mặt với sức ép quốc tế đang gia tăng xung quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Falkland (mà Argentina gọi là quần đảo Malvinas), chính quyền Anh sử dụng bộ máy tình báo nước này để mở chiến dịch tấn công mạng nhằm ngăn chặn Argentina chiếm quyền kiểm soát quần đảo.

Theo tiết lộ từ cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, một đơn vị tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) từ lâu đã triển khai một chiến dịch bí mật mang tên "Chiến dịch QUITO" ít nhất từ năm 2009.

Trung tâm chiến dịch - được phơi bày trên trang web tin tức Todo Notícias của Argentina - là Đội Tình báo và Nghiên cứu mối đe dọa phối hợp (gọi tắt là JTRIG) - đơn vị bí mật của GCHQ có nhiệm vụ lan truyền những thông tin sai lệch.

London bác bỏ lời kêu gọi của Argentina và quốc tế tiến hành đàm phán về chủ quyền đối với quần đảo Falkland/Malvinas mà chính quyền Anh kiểm soát từ năm 1833.

Nhằm ngăn chặn Argentina tái chiếm Falkland bằng con đường ngoại giao kể cả quân sự, JTRIG và các đơn vị khác của GCHQ được giao nhiệm vụ hỗ trợ Bộ Ngoại giao Anh (FCO) về các vấn đề liên quan đến quần đảo Flalkland.

Người dân Anh với biểu ngữ: "Quần đảo Falkland là của Anh và luôn luôn là thế".

Căng thẳng giữa hai quốc gia - dẫn đến trận chiến ác liệt nổ ra năm 1982 với chiến thắng thuộc về quân đội Anh - trở nên sôi sục hơn vào năm 2010 sau khi người Anh phát hiện trữ lượng dầu mỏ ước tính 3,5 tỉ thùng dầu trị giá khoảng 35 tỉ USD ở ngoài khơi Falkland.

Dựa vào kết quả cuộc trưng cầu ý dân Falkland tiến hành năm 2013 (với 99,8% lá phiếu ủng hộ là lãnh thổ hải ngoại của Anh), Thủ tướng David Cameron tuyên bố quần đảo tiếp tục thuộc chủ quyền của nước Anh

 Về phía mình, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo trên thế giới và trong khu vực Mỹ Latinh ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Argentina đối với quần đảo mà họ gọi là Malvinas đồng thời tố cáo "chủ nghĩa thực dân rành rành" của Anh.

Quần đảo Falkland/Malvinas nhìn từ trên không.

Ngay đến Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Anh, cũng từ chối ủng hộ lập trường của London và đề xuất làm trung gian giải quyết vấn đề giữa hai phía vào năm 2010 nhưng đã bị phía Anh khước từ.

Từ năm 2008 đến 2011, mọi nỗ lực của GCHQ nhằm theo dõi những cuộc giao tiếp của giới chức "chính quyền và quân sự" Argentina không chỉ giới hạn ở JTRIG. Bất chấp việc chính quyền Tổng thống Barack Obama từ chối ủng hộ Anh, NSA vẫn cung cấp sự hỗ trợ cho GCHQ. 

Trong chương trình theo dõi chính quyền Argentina liên quan đến tranh chấp quần đảo Falkland/Malvinas, JTRIG phát triển nhiều kỹ thuật khác nhau - bao gồm những chiến dịch gọi là "cờ giả" (nhằm hướng mọi người đến luồng thông tin có chủ định), "bẫy mỹ nhân" và lây truyền virus máy tính - để thu thập thông tin tình báo, tuyên truyền và giảm bớt hay làm mất uy tính những kẻ đối lập.

Cụ thể JTRIG đã phát triển một số công cụ bí mật nhằm gieo rắc trên Internet những thông tin sai lệch - bao gồm khả năng thao tác kết quả thăm dò dư luận trực tuyến, thổi phồng số tài khoản pageview (số lần xem trang) trên các website, phóng đại những thông điệp bị trừng phạt trên YouTube v.v…

Nhìn chung, hoạt động của JTRIG bao gồm 2 môi trường - tình báo con người trực tuyến (hay HUMINT) và "các chiến dịch gây ảnh hưởng".

HUMINT trực tuyến tức là thu thập thông tin về con người thông qua việc theo dõi thụ động hay sử dụng biệt danh để tương tác công khai với mục tiêu. Loại chiến dịch này đôi khi nhận được sự hỗ trợ chặt chẽ từ nhân viên Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh (MI-6).

Quân Anh trong trận chiến Falkland năm 1982.

"Các chiến dịch gây ảnh hưởng" nhằm gieo rắc sự dối trá và gây chia rẽ trên Internet. Chiến dịch QUITO của JTRIG được xếp vào loại "chiến dịch gây ảnh hưởng tiên phong".

Theo nghiên cứu về JTRIG của Viện Thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Anh (DSTL) được công bố vào tháng 3/2011, một trong những mục đích của JTRIG là "tiến hành HUMINT trực tuyến để ngăn chặn Argentina tái chiếm quần đảo Falkland/Malvinas".

Không chỉ gói gọn ở Argentina, chiến dịch gián điệp của GCHQ còn hướng đến quan điểm của các nhà lãnh đạo Nam Mỹ do lo ngại họ sẽ đứng về phía Argentina trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Falkland/Malvinas với London.

Theo tài liệu mật của Trung tâm Phân tích Mạng GCHQ, các chiến dịch gián điệp Argentina của cơ quan tiến triển từ "Đỏ" đến "Xanh" - tức là từ "không hoạt động" đến "hoạt động".

Theo báo cáo tháng 6/2008 của NSA, Argentina là "mối quan tâm ưu tiên hàng đầu của GCHQ trong khu vực". Tuy nhiên, quy mô thật sự các chiến thuật triển khai để gián điệp Argentina của JTRIG hiện nay vẫn chưa được tiết lộ hết.

Tranh chấp quần đảo Falkland/Malvinas giữa Buenos Aires và London cho đến nay vẫn chưa được giải quyết và mối quan hệ giữa hai nước mới đây càng thêm tồi tệ.

Ngày 24/3 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon thông báo kế hoạch chi 280 triệu bảng Anh  trong 10 năm tới để tăng cường sự hiện diện quân sự nước này tự khu vực tranh chấp sau khi có thông tin cho rằng Argentina đang thương lượng với Nga để thuê 12 chiếc máy bay ném bom tầm xa.

Tuy nhiên, giới chức Nga và Argentina đã chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin này đồng thời nhấn mạnh không có bất kỳ cuộc thương lượng nào giữa hai nước đã diễn ra.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Agustin Rossi mô tả ý tưởng tấn công quân sự của nước này vào quần đảo Falkland/Malvinas là "điên rồ".

Hiện tại các quan chức Argentina từ Văn phòng Tổng thống, Bộ Ngoại giao và Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề quần đảo Falkland/Malvinas đều từ chối bình luận về tiết lộ chương trình gián điệp nước này liên quan đến tranh chấp của tình báo Anh.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.