Tình báo Đức giúp NSA do thám châu Âu

Thứ Ba, 19/05/2015, 07:00
Các đảng phái đối lập trong Quốc hội Đức đang gây áp lực đòi Thủ tướng Angela Merkel phải công khai, minh bạch toàn bộ danh mục thư điện tử và dữ liệu điện thoại mà Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND) nghe lén, thu thập trong thời gian qua để chuyển cho Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ. Tiết lộ về sự hợp tác này đang biến thành một vụ bê bối tình báo mới ở Đức.

Vụ bê bối đang làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến uy tín của bà Thủ tướng Merkel trước thềm cuộc bầu cử ngày 22/9. Nó như một cú "phản pháo" đối với bà, vì chính BND cũng do thám đồng minh, bạn bè, trong khi cách đây 2 năm bà từng tuyên bố: "Bạn bè không được do thám lẫn nhau". Bà Merkel vẫn tiếp tục khẳng định phương châm hành động của mình là "bạn bè không do thám lẫn nhau", và tuyên bố: Nước Đức "không phải là nhà nước do thám".

Vụ bê bối bắt đầu bùng lên vào ngày 23/4 vừa qua khi tờ Der Spiegel của Đức đưa tin rằng ít nhất từ năm 2008, một bộ phận trong BND đã giúp NSA do thám các đối tượng lợi ích của Đức và Pháp ở châu Âu, trong đó có cả Tập đoàn Hàng không Quốc phòng và Không gian châu Âu (EADS), nay là Tập đoàn Airbus.

Hiện Airbus chưa thông báo động thái cụ thể. Ngoài Airbus, nước Áo cũng bị nghe lén, thu thập dữ liệu điện thoại và email. Hãng tin Reuters cho biết, ngày 5/5, Chính phủ Áo đã nộp đơn khiếu kiện Mỹ và Đức về việc do thám trái phép.

Gregor Gysi, lãnh đạo đảng Cánh tả Đức, đã cáo buộc bà Merkel là "phản quốc". Còn Hans-Christian Stroebele, thành viên đảng Xanh, yêu cầu chính phủ mở một cuộc điều tra ngay lập tức các cáo buộc BND giúp NSA do thám công dân Đức.

Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và công tố viên liên bang Harald Range đang yêu cầu bà Merkel cho công bố 40.000 thuật ngữ tìm kiếm mà BND đã sử dụng để thu thập dữ liệu rồi sau đó chuyển cho NSA.

Christine Lambrecht, thủ lĩnh đảng SPD trong Quốc hội, cho rằng danh mục này phải được công bố để cho mọi việc được sáng tỏ. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel vẫn chưa quyết định công bố, cho rằng phải tham vấn các đối tác ở Mỹ.

Còn Sigmar Gabriel, lãnh đạo đảng SPD, trong một cuộc hội đàm với bà Merkel cũng đã đặt câu hỏi liệu có chuyện gián điệp kinh tế nhắm vào Tập đoàn Airbus hay không, và bà Merkel cũng khẳng định là không. Gabriel cho rằng, nếu có bằng chứng về việc BND giúp NSA làm gián điệp kinh tế ở Đức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của giới doanh nghiệp đối với Chính phủ Đức.

Trạm điều khiển vệ tinh Bad Aibling ở miền nam nước Đức, nơi đặt cơ sở do thám của NSA.

Hiện một ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội Đức vẫn đang tiếp tục điều tra về những hoạt động của BND giúp NSA do thám ở châu Âu. Trong hai ngày 6 và 7/5/2015, lần lượt Peter Altmaier, cựu Chánh văn phòng Thủ tướng Đức, và Gerhard Schindler, cựu Giám đốc BND, đã phải ra điều trần trước  các ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội Đức để giải thích những câu hỏi liên quan.

Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière, một người thân tín của bà Merkel, đang phải hứng chịu búa rìu nhiều nhất. De Maizière từng bị dư luận cáo buộc là không trung thực về các hoạt động gián điệp nước ngoài mà BND đã báo cáo với ông vào năm 2008, khi đó ông làm Chánh văn phòng Thủ tướng.

Trong vụ bê bối hiện nay, De Maizière tiếp tục bị cáo buộc đã nói dối dư luận những gì ông biết được về hoạt động hợp tác giữa NSA và BND.

Hôm 6/5, ông Maizière đã phải trả lời các câu hỏi của Ủy ban Điều tra Quốc hội Đức bằng video được thu hình trong một phòng kín chống nghe lén.

Vụ việc thật sự gây bão sau khi Ủy ban Điều tra của Quốc hội thông báo kết quả điều tra sơ bộ rằng BND quả thực đã có hợp tác với NSA. Báo cáo của Ủy ban Điều tra Quốc hội đã củng cố thêm chứng cứ cho những thông tin tiết lộ vào tháng 8/2013, khi đó cựu nhân viên tình báo NSA Edward Snowden tiết lộ các tài liệu mật về chương trình nghe lén, theo dõi, thu thập dữ liệu điện thoại và Internet do NSA tiến hành tại châu Âu.

Theo tiết lộ, từ tháng 12/2012, NSA đã thu thập khoảng 500 triệu dữ liệu đặc tả các cuộc giao tiếp điện thoại và email thông qua cơ sở đặt tại Đức và có sự đồng ý của BND. Nhưng những gì BND đã thực hiện lại cho thấy sự hợp tác lớn hơn nhiều.

Theo tờ Suddeutsche Zeitung, hàng tuần NSA trao cho BND các thuật ngữ tìm kiếm để BND tìm kiếm và thu thập dữ liệu, tổng cộng giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013, BND đã giúp NSA do thám khoảng 690.000 số điện thoại và 7,8 triệu địa chỉ IP máy tính cá nhân và tổ chức.

Khối dữ liệu khổng lồ này được truyền trực tiếp từ cơ sở của BND sang hệ thống của NSA nhờ việc BND kết nối vào mạng điện tử của NSA ở Bad Aibling.

Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière.

Báo cáo của Ủy ban Điều tra Quốc hội Đức cũng cho thấy từ nhiều năm qua, BND đã cho phép NSA sử dụng lại căn cứ điều khiển vệ tinh Bad Aibling ở bang Bavaria, miền Nam nước Đức, cho các hoạt động tình báo tín hiệu ở châu Âu. BND đã kết nối với mạng thông tin của NSA đặt ở một khối nhà bên trong Bad Aibling, thường gọi bằng mật danh "Tin Can" (Chiếc hộp thiếc).

Lật lại lịch sử, căn cứ Bad Aibling được hình thành sau Thế chiến II, trên cơ sở một sân bay quân sự được Đức Quốc xã xây dựng từ năm 1936. Năm 1947, quân Đồng minh đã trưng dụng sân bay này để xây dựng thành căn cứ tình báo và quân sự.

Năm 1952, quân đội Mỹ chính thức tiếp quản căn cứ, đặt dưới sự điều hành của Cơ quan An ninh quân đội (ASA).

Trong Chiến tranh lạnh, căn cứ Bad Aibling được chuyển thành trạm giám sát truyền thông do tình báo Mỹ kiểm soát. Đến năm 1971, NSA và Bộ Quốc phòng chính thức tiếp quản căn cứ Bad Aibling. ASA chuyển cơ sở vật chất về Augsburg.

Sau Chiến tranh lạnh, nhu cầu và mục đích sử dụng căn cứ Bad Aibling thay đổi, Mỹ đã có ý định giao trả Bad Aibling lại cho Đức, nhưng sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 đã làm trì hoãn kế hoạch.

Ngày 30/9/2004, Bad Aibling chính thức được chuyển giao lại cho BND quản lý. Tuy nhiên, NSA vẫn tiếp tục đặt cơ sở tại đây. Đó chính là cái gọi là "Tin Can" như đã nêu.

Tờ Der Spiegel trích nguồn tài liệu mật do Snowden tiết lộ nói rằng "Tin Can" là một trong những cơ sở chỉ định tình báo tín hiệu (SIGADS) mà NSA sử dụng để thu thập dữ liệu tình báo trên đất Đức từ nhiều năm nay, và là "con mắt" lớn nhất trong hệ thống nghe lén toàn cầu khổng lồ ECHELON ngoài Mỹ và Anh.

Theo luật pháp của Đức, BND không được phép do thám thông tin liên lạc của công dân Đức, và nếu các kết quả điều tra cung cấp bằng chứng xác thực BND đã thực sự giúp NSA do thám công dân Đức thì điều này có nghĩa là BND vi phạm luật.

Bên cạnh những hoạt động do thám, BND còn bị cáo buộc đã không báo cáo đầy đủ các hoạt động tình báo cho Quốc hội và Văn phòng Thủ tướng Đức biết. BND đã hoạt động vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ cấu chính trị Đức, mà người phải chịu trách nhiệm cao nhất là Thủ tướng Merkel.

Tuy nhiên, bà Merkel đã phát biểu trên báo chí Đức rằng, bà đã không được báo cáo về các chương trình do thám của NSA, mà chỉ biết được thông tin thông qua truyền thông đại chúng, và hoàn toàn không biết về sự hợp tác giữa BND và NSA.

Bà Merkel khẳng định: "Công việc của các cơ quan tình báo luôn luôn có tầm quan trọng sống còn đối với sự an toàn của công dân và sẽ tiếp tục như thế trong tương lai".

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.