Tình báo hai miền Triều Tiên trong hơn 60 năm đối đầu

Thứ Ba, 18/04/2017, 22:10
Sau khi tốt nghiệp, trọng tâm đào tạo chuyển sang việc làm sao cho các điệp viên CHDCND Triều Tiên có tác phong sinh hoạt giống y như người dân Hàn Quốc. Tham gia phần huấn luyện này là những người Hàn Quốc bị bắt cóc và giữ lại Triều Tiên…

Cũng như các cơ quan tình báo hàng đầu thế giới, Cơ quan tình báo CHDCND Triều Tiên có một quy trình tuyển chọn và đào tạo các điệp viên hết sức gắt gao, thậm chí nhiều người trong số các điệp viên tương lai được nhắm đến từ khi họ còn ngồi trên ghế trường phổ thông.

Cựu điệp viên Kim Dong Shik trong cuộc tiếp xúc với tờ New York Times.

Các tiêu chuẩn cơ bản là ứng viên phải có xuất thân từ "gia đình cơ bản" -không phải là cháu chắt của thành phần chủ đất, thương gia… và nếu ứng viên trưởng thành trong gia đình là cán bộ chính quyền thì càng "chuẩn", thứ đến là ngoại hình, sức khỏe, trình độ học vấn và quan trọng nhất chính là lòng trung thành tuyệt đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Khi đã được chọn, ứng viên không có quyền khước từ và lập tức chia tay gia đình để nhập học. Đó cũng có thể là lần cuối cùng họ được nhìn thấy những người thân yêu nhất.

Trong quá trình học tập, họ phải cắt đứt mọi liên lạc với gia đình, và dịp năm mới chỉ được gửi thiệp về nhà nhưng không được ghi nơi gửi. Theo nhiều thông tin, các học viên được đưa tới ở Bình Nhưỡng. Chương trình học của họ gồm hai giai đoạn chính và có thể kéo dài trong ít nhất 10 năm.

Trong gian đoạn đầu tiên, học viên được đào tạo nhiều kỹ năng như rèn luyện thể lực, vượt hàng rào thép gai, trèo tường, bắn súng, võ thuật, chế tạo bom, sử dụng các loại vũ khí, mật mã...

Tuy nhiên, quan trọng nhất là rèn luyện về mặt tâm lý và tư tưởng. Như Kim Dong Shik, một cựu điệp viên Triều Tiên kể lại rằng, ông cùng những người đồng môn được rèn luyện để tuyệt đối trung thành với đất nước và sẵn sàng hy sinh bất cứ khi nào. Khi bị lộ thân phận và sắp rơi vào tay đối phương, họ sẽ phải nuốt các viên thuốc độc cyanur luôn mang theo bên mình hoặc tự sát chứ không được để bị bắt sống và thẩm tra.

"Chúng tôi phải sẵn sàng hy sinh. Nếu bị bắt sống, chúng tôi sẽ tìm cách tự sát. Từ đó, ý nghĩ về cái chết luôn trĩu nặng trong lòng chúng tôi... đó thật sự là một gánh nặng đối với những thanh niên phơi phới tuổi 19, 20 khi đó", Kim kể lại trong cuốn hồi ký ấn hành năm 2014 mang tựa đề "No One Reported Me" (Không ai báo về tôi).

Là con trai của một quan chức cấp tỉnh trong đảng cầm quyền Triều Tiên, năm 1981 khi mới 17 tuổi, Kim Dong Shik được tuyển vào Học viện quân sự chính trị Kumsong, nơi hun đúc nên những điệp viên ưu tú nằm vùng tại Hàn Quốc. Kim là một trong 200 sinh viên được tuyển mộ mỗi năm sau khi các nhà chức trách đã điều tra kỹ lưỡng về thân thế, gia đình, lực học và trên tất thảy là lòng trung thành vô điều kiện đối với đất nước mình.

Thế nhưng sức ép quá lớn từ các khóa đào tạo đã khiến hàng chục người phải bỏ cuộc nhưng Kim Dong Shik vẫn kiên trì, với mong muốn sớm được thăng tiến trong hàng ngũ lãnh đạo sau này.

Sau khi tốt nghiệp, trọng tâm đào tạo chuyển sang việc làm sao cho các điệp viên có tác phong sinh hoạt giống y như người dân Hàn Quốc. Tham gia phần huấn luyện này là những người Hàn Quốc bị bắt cóc và giữ lại Triều Tiên, họ dạy các điệp viên cách phát âm như người Hàn, nắm được lề thói sinh hoạt đời thường từ cách mua vé xe buýt, thói quen đi ăn đêm ở các quầy bán thức ăn trên đường phố đến việc am hiểu đời sống văn hóa cũng như chính trị ở Seoul.

Quá trình "thuần hóa" này mang lại cho họ những cảm nhận đầu tiên về cuộc sống bên kia biên giới, khi hàng ngày họ được nghe, xem các bộ phim, tạp chí, sách báo và truyền hình Hàn Quốc. Họ sẽ phải nằm lòng các bản nhạc và vũ điệu nổi tiếng tại Hàn Quốc cùng với tên tuổi, sự nghiệp của những ngôi sao điện ảnh, truyền hình và các tên tuổi lừng lẫy trong giới thể thao.

Nhưng những khác biệt này về đời sống tinh thần không làm lung lay những điệp viên tương lai của Triều Tiên. "Chúng tôi quá trung thành nên không bị lung lay bởi những thứ đó - Kim Dong Shik kể - Họ nói với chúng tôi rằng chỉ có những kẻ tư bản giàu có mới có thể tận hưởng những điều hay ho ở Hàn Quốc, và chúng tôi không hề ngờ vực điều gì".

Kang Myong-do, một cựu quan chức Triều Tiên từng làm việc ở Ủy ban Thống nhất năm 1984 đào thoát sang Hàn Quốc cho biết, mạng lưới điệp viên Triều Tiên hoạt động khắp nơi trên thế giới, kể cả Mỹ, nơi ông ước tính có hàng trăm người. Một trong những mục đích chính của họ là tìm cách chiêu mộ người Mỹ gốc Hàn có xu hướng thân Triều Tiên.

"Cơ quan tình báo Triều Tiên sử dụng ba chiến thuật khác nhau - ông nói - Đầu tiên là cung cấp cho những người được tuyển dụng thị thực tự do đến Triều Tiên. Thứ hai, cho họ quyền kinh doanh và kiếm tiền ở đó. Thứ ba, dùng mỹ nhân kế. Chiến thuật này được sử dụng rộng rãi từ những năm 80". Kang cho biết, nơi ông từng làm việc có cả nhiệm vụ gửi gián điệp đến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng tình với Kang, Kim Dong-shik cũng cho rằng: "Điệp viên được đối xử ngang hàng với tướng lĩnh quân đội, điều này đồng nghĩa với việc hưởng lương cao, được sống trong những căn hộ sang trọng, tiện nghi".

Bị "vô danh hóa" và lãng quên khi điệp vụ không thành

Không chỉ có Triều Tiên huấn luyện đào tạo gián điệp cài vào nước đối phương. Theo thống kê, trong suốt thời kỳ hơn 60 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, có khoảng 6.200 người Hàn Quốc sau khi đến phía bắc bán đảo đã hoàn toàn bặt vô âm tín. Nhờ các đồng nghiệp và người thân khiếu nại trong nhiều năm trời, chính quyền Seoul mới thực hiện chính sách bồi thường trong lặng lẽ cho người nhà của những người đã hy sinh.

Hình ảnh hiện trường vụ đánh bom âm mưu ám sát Tổng thống Hàn Quốc và điệp viên Triều Tiên Kang Min-chul bị bắt giữ trên báo chí Myanmar và quốc tế.

Cho đến bây giờ, không ít người vẫn không hề hay biết chồng, con, cha mình từng đảm trách những nhiệm vụ hiểm nguy để phục vụ cho đất nước, hàng trăm người làm nhiệm vụ bí mật của cả hai nước đã bị làm cho vô danh. Điệp viên Triều Tiên Kang Min-chul, người thi hành vụ đánh bom ở Yangon (Myanmar) vào ngày 9-10-1983 là một trong số đó.

Hơn 30 năm sau vụ đánh bom, câu chuyện về Kang Min-chul lại được lật lại qua quyển sách mang tựa đề "Phần tử khủng bố bị quên lãng" của tác giả Ra Jong-yil - nguyên Phó Viện trưởng Viện Tình báo Hàn Quốc. Thông điệp mà quyển sách đưa ra là nhằm đả kích những hành vi, việc làm thường thấy của cả hai chính phủ Triều-Hàn: Một khi có sự vụ đổ bể, cấp trên của các điệp viên thẳng thừng phủ nhận sự tồn tại của các điệp viên, không cho người nhà của họ và công chúng biết được sự thật.

Cuốn sách của Ra Jong-yil được viết ra dựa trên những ghi chép, điều tra của tòa án Myanmar về Kang Min-chul cùng với những cuộc thăm hỏi những người bạn tù, quản lý trại giam, trong đó rất nhiều người từng giúp đỡ Kang Min-chul trong thời gian ông ta ở nhà tù Insein Yangoon.

Đối tượng ném bom ám sát mà Kang Min-chul nhằm vào chính là Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Chun Doo-hwan, theo lịch trình của chuyến kinh lý sẽ đến đặt hoa tại Viện bảo tàng Yangon.

Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar khi ấy có nhiệm vụ đến đón tổng thống Chun Doo-hwan đã tới muộn mấy phút, việc chậm trễ này đã cứu mạng tổng thống: Khi quả bom được điều khiển từ xa phát nổ, chiếc xe chở Tổng thống chưa đến, nhưng vẫn có 17 người Hàn Quốc, trong đó có 4 vị bộ trưởng nội các chết ngay tại chỗ.

Đứng từ xa thấy quả bom đã nổ, Kang Min-chul và hai điệp viên khác chạy ngay về phía bờ sông Yangon, theo kế hoạch, ở đó sẽ có chiếc ca nô cao tốc đợi sẵn, đón bọn họ đưa lên con thuyền chở hàng tiếp ứng của Triều Tiên. Nhưng chiếc ca nô vì lẽ gì đấy lại không tới, ba người đành phải chia nhau bỏ chạy theo đường bộ hoặc nhảy xuống sông. Cảnh sát Yangon  phát hiện và đuổi kịp; một người trong số họ bị bắn chết.

Lựu đạn trong tay Kang Min-chul và điệp viên còn lại bất ngờ phát nổ khiến cả hai cùng bị trọng thương và bị bắt. Người kia mất một cánh tay, hỏng một mắt, bị xử tử hình vì không chịu trả lời bất kỳ một câu hỏi nào. Kang Min-chul cũng mất một cánh tay, ông ta nhận tội nên được hoãn thi hành án tử. Việc thi hành nhiệm vụ bất thành đã biến Kang Min-chul trở thành điệp viên vô thừa nhận.

Giới chức Triều Tiên tuyên bố không hề liên quan và cho rằng vụ ám sát này chính là do phía Hàn Quốc thực hiện để đổ vấy cho Hàn Quốc. Trong suốt 25 năm ở tù, không một ai từ quê hương tới thăm Kang Min-chul; nhưng chuỗi tháng ngày lê thê sau song sắt cũng giúp Kang Min-chul học được tiếng Myanmar và theo Cơ đốc giáo, được một người bạn tù đặt tên là Matthew.

Ra Jong-yil biết chuyện của Kang Min-chul một cách ngẫu nhiên. Năm 1998, khi đến Yangon để tìm tài liệu, ông chú ý đến một mẩu tin vắn nói rằng, "tên khủng bố Kang Min-chul" trong suốt thời gian ngồi tù chưa từng được ai đến thăm nên tâm trạng vô cùng tuyệt vọng.

Ra Jong-yil tìm cách thuyết phục người phụ trách bộ phận tình báo Myanmar đương nhiệm, sau này là tướng Khin Nyunt, cho phép mình tới thăm hỏi Kang Min-chul, mang thức ăn và tin tức về Hàn-Triều. Được tiếp xúc với một người có thể gọi là đồng hương, Kang Min-chul bộc bạch, nếu ông ta và bạn tù được thả ra, họ muốn được đến Hàn Quốc.

Năm 2004, sau khi Khin Nyunt bị bãi miễn chức vụ, những cuộc thăm viếng của Ra Jong-yil bị gián đoạn. Ông khẩn thiết xin chính phủ Hàn Quốc can thiệp cho tù nhân Kang Min-chul được tự do, nhưng thời kỳ đó, chính phủ Seoul đang nỗ lực thúc đẩy "chính sách Ánh Dương" để hòa giải với Bình Nhưỡng, nên không muốn làm bất cứ chuyện gì có thể gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai bên.

"Đối với chính phủ hai nước Triều- Hàn mà nói, để Kang Min-chul cứ sống trong ngục càng đỡ phải lo phiền - Ra Jong-yil chỉ rõ- Triều Tiên chối bỏ ông ta, Hàn Quốc cũng quay mặt". Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Kang Min-chul vô cùng suy sụp.

"Ông ta sợ mình bị nguy hiểm đến tính mạng, ngày đêm nơm nớp lo lắng thức ăn của mình có độc. Ông ta thường nói với cai ngục và bạn tù, cho dù mình được thả, cũng chẳng biết đi đâu". "Phần tử khủng bố" bị quên lãng này chết vì ung thư gan vào năm 2008, khi đó mới 53 tuổi.

Ngày 29-5-2014 tại Stockholm, Thụy Điển, đại diện CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận về Triều Tiên sẽ điều tra lại vấn đề các cơ quan tình báo của nước này bắt cóc công dân Nhật vào những năm 70-80. Đổi lại, phía Nhật Bản sẽ dỡ bỏ một phần chương trình cấm vận chống Bình Nhưỡng.

Thời gian trước đây, vấn đề gay gắt nhất trong mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Tokyo là "những công dân Nhật bị bắt cóc". Triều Tiên luôn từ chối bất cứ trách nhiệm nào liên quan, nhưng vào tháng 9- 2002, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Koizumi, Chỉ tịch Kim Jong-il đã thừa nhận chuyện tình báo Triều Tiên bắt cóc những công dân Nhật là có. 

Từ đó, dư luận Nhật Bản không ngừng lên tiếng đòi Bình Nhưỡng sớm giao trả những người bị bắt cóc. Chính phủ Nhật Bản đã công bố danh sách 17 người bị Bình Nhưỡng bắt cóc nhưng phía Triều Tiên chỉ thừa nhận 13 trường hợp. 

Năm 2003, 5 người đã được trả về Nhật Bản. Về 8 người còn lại trong danh sách đó thì giới chức Triều Tiên cho biết, những người này đã qua đời. Phía Nhật không tin vào điều đó bởi vì đa số người bị bắt cóc, nếu còn sống, đều dưới 50 tuổi.

Một số ý kiến bình luận cho rằng, việc đưa những người này trở về Nhật Bản sẽ gây ra những vấn đề mới cho Triều Tiên, bởi vì, những người Nhật mà Bình Nhưỡng xem là đã chết, có thể liên quan đến việc đào tạo các điệp viên Triều Tiên làm việc trên đất Nhật. Nếu những người này trở về Nhật Bản, thì mạng lưới điệp viên sẽ bị đe dọa. 

Tuy vậy, Bình Nhưỡng cần phải xem trọng đại cuộc - cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Lối thoát duy nhất là sự thỏa hiệp, vì vậy cả hai bên đã thực hiện bước đi đầu tiên tiến tới bình thường hóa quan hệ bằng thỏa thuận tại Stockholm.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.