Tình báo phương Tây chống lại Israel

Thứ Ba, 11/12/2012, 17:15

Trên thực tế, việc liệt kê những hoạt động gián điệp của các nước phương Tây (vốn luôn được coi là những đồng minh thân cận của Israel) chống lại quốc gia Do Thái này hoàn toàn không phải chuyện đơn giản. Bất cứ một thông tin nào về hoạt động của các điệp viên Mỹ, Anh hay Pháp tại Israel thường chắc chắn kéo theo những hệ lụy làm phức tạp hóa quan hệ giữa các nước đồng minh trên.

Israel không ít lần đã phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì lo ngại làm to chuyện sẽ khiến họ bị mất sự ủng hộ về mặt ngoại giao của các nước phương Tây trong các tổ chức quốc tế.

Yitzhak Rabin, người hai lần trở thành Thủ tướng Israel, đã từng phải "nói mát" rằng: "Dù gì thì ít nhất 10 năm một lần, các cơ quan mật vụ của chúng ta nhất định phải vạch trần hoạt động gián điệp của người Mỹ chống lại quốc gia Do Thái".

Vai trò tiên phong của người Anh

Anh chính là quốc gia đầu tiên đã cai trị vùng lãnh thổ Palestine sau khi Thế chiến I kết thúc. Trước làn sóng các tổ chức vũ trang đấu tranh đòi xây dựng một quốc gia Do Thái tại đây, người Anh đã áp dụng triệt để chính sách "chia để trị" nhằm ngăn chặn xu hướng này.

Như Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh (MI-6) từ năm 1944 đã tuyển mộ được Teddy Kollek, người sinh ra tại Áo-Hung, đặt chân tới khu vực này vào năm 1935. Năm 1941, nhân vật này đảm nhận cương vị chỉ huy Ban tình báo của Jewish Agency (JA), thực chất là một dạng chính quyền của người Do Thái tại Palestine trước khi Israel tuyên bố thành lập vào năm 1948. 

Trước Thế chiến II, JA kêu gọi tất cả những người Do Thái địa phương hợp tác với Anh để chống lại Đức phát xít. Nhưng trước việc một số nhóm vũ trang Do Thái vẫn tiếp tục đấu tranh chống lại ách thống trị của người Anh, Teddy Kollek (về sau trở thành Thị trưởng Jerusalem) được cho là kẻ đã chỉ điểm cho quân Anh bắt giữ hay tiêu diệt một số thủ lĩnh kháng chiến này.

Dầu quý hơn… tình hữu nghị

Mỹ bắt đầu hoạt động tình báo chống lại người Do Thái tại Palestine ngay từ trước khi Israel tuyên bố thành lập năm 1948 - đó là khẳng định của nhà sử học quân sự Mỹ Matthew Aid trong cuốn sách "Intel Wars" (Những cuộc chiến tình báo) mới được xuất bản vào năm 2012. Đó cũng là chuyện không quá khó hiểu khi Washington, vốn có quan hệ không tồi với các nước Arập, luôn có nhu cầu nắm bắt rõ những tiềm năng về chính trị và quân sự của quốc gia mới thành lập tại khu vực Trung Đông này.  

Tuy nhiên, Mỹ chỉ thực sự đẩy mạnh hoạt động tình báo tại Israel vào đầu những năm 1960, sau khi John Kennedy bước chân vào Nhà Trắng. Người Israel cho tới giờ vẫn không hề nghi ngờ về việc, Kennedy vẫn là một người bạn chân thành của quốc gia Do Thái. Có điều là ông chủ Nhà Trắng khi đó đã đặc biệt lo ngại về việc Israel cho xây dựng một lò phản ứng hạt nhân tại thị trấn Dimon trong sa mạc Negev.

Nghi ngờ về việc Israel âm mưu chế tạo vũ khí hạt nhân, Kennedy đã chỉ thị cho Cục Tình báo trung ương (CIA) phải đẩy mạnh hoạt động tại đây. Kennedy yêu cầu Tel Aviv ngừng ngay tất cả những nghiên cứu trong lĩnh vực này để đổi lại lời hứa cung cấp khoản viện trợ 600 triệu USD xây dựng nhà máy lọc nước biển. Israel coi đề xuất trên là không thể chấp nhận được.

Theo họ, các nước Arập vốn không bao giờ chấp nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái, dù sớm hay muộn sẽ sở hữu các loại vũ khí hóa học hay sinh học để chống lại họ. Chính vì vậy, việc xây dựng một "tấm lá chắn hạt nhân" chính là thứ vũ khí bảo vệ hữu hiệu nhất cho Israel. 

Lyndon Johnson, người trở thành Tổng thống Mỹ sau khi Kennedy bị ám sát, đã luôn luôn công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ Israel. Nhưng mặt khác, vị Tổng thống này cũng có mối quan hệ mật thiết với các tập đoàn dầu mỏ, vốn rất gần gũi với các nguyên thủ Arập, những nhà cung cấp nguồn vàng đen chính cho thị trường toàn cầu.

Chính CIA, theo chỉ thị của Johnson, đã trao cho cơ quan tình báo một số nước Arập thông tin về việc Israel đã nghiên cứu về năng lượng hạt nhân và gần như sắp chế tạo được quả bom hạt nhân đầu tiên - một hành động chẳng khác gì việc Washington đã phản bội đồng minh thân cận nhất của mình tại Trung Đông.

Tín hiệu trên của các điệp viên Mỹ đã được Ai Cập "bắt sóng" đầu tiên. Tổng thống Gamal Abdel Nasser của nước này là người đầu tiên khởi xướng chiến dịch tuyên truyền ồ ạt chống lại Israel. Lãnh tụ Ai Cập đã đứng ra kêu gọi tất cả các quốc gia Arập cùng đoàn kết để tiêu diệt Nhà nước Do Thái.

Bí mật của thảm kịch tàu "Liberty"

Đầu hè năm 1967, quân đội Ai Cập mở đợt tấn công vào biên giới Israel tại khu vực bán đảo Sinai. Eilat, hải cảng duy nhất của Israel tại khu vực biển Đỏ, nhanh chóng bị quân Ai Cập phong tỏa. Washington dù khẳng định việc phong tỏa này của Ai Cập là một hành động tuyên chiến, nhưng lại không hỗ trợ đồng minh Do Thái cả về mặt ngoại giao, chứ chưa nói gì tới quân sự.

Israel khẳng định với Mỹ rằng, họ sẽ chiến đấu một mình, đồng thời yêu cầu đồng minh bên kia bờ đại dương rút hết hải quân và không quân khỏi những khu vực được đánh giá là có nguy cơ xảy ra chiến sự. Israel cho rằng, Mỹ xuất phát từ những lợi ích chiến lược của mình sẽ giữ quan điểm trung lập trong cuộc đối đầu giữa Israel với các nước Arập. Thế nhưng, sau một đòn đánh quyết định từ ngày 5/6/1967, Israel đã đánh tan quân Ai Cập, chiếm toàn bộ bán đảo Sinai và dải Gaza.

Tuy nhiên một sự cố bất ngờ xảy ra khiến người ta nghi ngờ về cái gọi là "quan điểm trung lập" của Washington. 6h sáng ngày 8/6/1967, tình báo không quân Israel phát hiện tại Địa Trung Hải một con tàu lạ đang tiến về bờ biển Israel từ phía Ai Cập.

Theo các bức ảnh được phi công chụp, con tàu lạ rất giống với chiếc tàu do thám điện tử "Liberty" của hải quân Mỹ. Israel đã hỏi Đại sứ quán Mỹ và nhận được câu trả lời: Chiếc Liberty đang hướng tới cảng Valletta (thủ đô Malta) nên không thể nào có mặt gần bờ biển Israel được. Đó là lý do khiến Bộ chỉ huy quân đội Israel cho rằng, người Ai Cập đã ngụy trang tàu của mình giống tàu chiến Mỹ để có thể áp sát bất ngờ tấn công các cảng của nước này.

Vào lúc 14h cùng ngày, các máy bay của Israel được lệnh tấn công vào con tàu lạ. Đến lúc này, các phi công Israel mới nhìn thấy dấu hiệu của hải quân Mỹ trên con tàu. Hậu quả cuộc tấn công đã khiến 34 thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 173 người bị thương. Dù bị tổn thất nặng, tàu "Liberty" vẫn kịp lết trở về tới cảng Valletta.

Về phần mình, chỉ 4 giờ sau vụ tấn công, Chính phủ Israel đã thông báo về sai lầm chết người này, đưa ra lời xin lỗi chính thức với phía Mỹ, đồng thời trả tiền bồi thường cho gia đình các nạn nhân bị chết và bị thương.

Có điều trong suốt một thời gian dài, công luận vẫn chưa thể làm rõ được câu hỏi: Con tàu do thám của Mỹ đã làm gì tại một khu vực mà đáng lẽ ra nó không nên có mặt ở đó? Theo thông tin được điều tra sau này, chiếc "Liberty" ngay từ đầu tháng 6 đã được rút khỏi biên chế của hải quân để chuyển giao cho Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), một cơ quan tình báo điện tử hàng đầu của Mỹ. Ngay sau đó, chỉ huy con tàu nhận được lệnh ghé qua Tây Ban Nha để đón hai phiên dịch tiếng Do Thái, rồi sau đó nhổ neo hướng thẳng tới phía đông Địa Trung Hải.

Những vết đạn bắn của không quân Israel trên thân tàu "Liberty".

Cần nói thêm rằng, chiếc "Liberty" khi đó được trang bị những thiết bị nghe trộm thuộc loại tiên tiến nhất. NSA thực ra đã giao cho chỉ huy con tàu một nhiệm vụ rất cụ thể: xây dựng một bản đồ phân bố các lực lượng Israel đang được huy động để tấn công quân Ai Cập qua việc nghe trộm tất cả các cuộc liên lạc vô tuyến và điện thoại.

Những thông tin quan trọng nhất thu thập được sẽ nhanh chóng được dịch sang tiếng Anh và gửi tới máy tính tại một căn cứ quân sự Anh ở đảo Sip. Nhờ có "Liberty", người Mỹ và Anh có thể xác định được tất cả các tần số liên lạc, làm rõ vị trí bộ tham mưu của tất cả các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, thậm chí cả đại đội của quân Israel. Vấn đề là hai đồng minh phương Tây đã không giữ những thông tin trên cho riêng mình, mà lại chuyển giao chúng cho phía… Ai Cập với hy vọng có thể sử dụng chúng một cách hữu hiệu.

Ngay khi Bộ chỉ huy Israel tung lực lượng dự bị của mình từ Sinai tới cao nguyên Golan để phản công lại Syria, phía Ai Cập đã nhận được những thông tin rất cụ thể từ Mỹ-Anh về những mặt trận sắp mở này. Các chuyên gia NSA cho rằng, sau khi Israel tung lực lượng không quân của mình từ Sinai tới Golan, quân Ai Cập sẽ biết cách đánh thọc vào giữa 3 sư đoàn Israel tại Sinai. Nhưng Israel từ trước đó đã đánh bại quân Ai Cập chỉ trong vài giờ, khiến cho Cairo không thể tận dụng được "món quà" của các nước phương Tây.

Dù thế nào, sự phản bội đồng minh của Mỹ và Anh là quá rõ ràng. Theo dữ liệu của tình báo quân đội Israel, nếu như con tàu "Liberty" vẫn tiếp tục cung cấp thông tin tình báo cho người Arập trong suốt cuộc chiến 6 ngày năm 1967, chiến thắng dù sao vẫn thuộc về quốc gia Do Thái, nhưng họ có thể phải trả giá với tổn thất không dưới 25.000 binh sĩ.

Chính sách trì hoãn

Tình báo Mỹ đã có được thông tin về việc Cairo và Damascus chuẩn bị tấn công Israel vào đúng ngày lễ Yom Kippur thiêng liêng nhất của người Do Thái hồi tháng 10/1973. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã chỉ thị cho NSA che giấu Israel thông tin về việc họ sắp bị tấn công.

Chưa hết, sau khi Ai Cập và Syria tấn công bất ngờ, người Mỹ cũng tìm cách trì hoãn không đáp ứng ngay yêu cầu của Thủ tướng Israel khi đó là Golda Meir về việc viện trợ khẩn cấp vũ khí và đạn dược. Nguyên nhân là do Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đã đề nghị Tổng thống Richard Nixon "không nên vội vàng cung cấp hàng viện trợ quân sự cho Israel để tránh chọc giận các nước Arập sản xuất dầu lửa".

Đại sứ Israel tại Washington cứ liên tục hàng giờ gọi điện cho Henry Kissinger (Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống), nhắc nhở ông này rằng "việc trì hoãn cung cấp vũ khí sẽ kéo theo tính mạng của hàng ngàn người Israel". Quả thật là chỉ trong ngày đầu tiên của cuộc chiến này, Israel tổn thất số lượng binh sĩ bằng đúng cả cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Phải nhờ đến nỗ lực cá nhân của chánh văn phòng Nhà Trắng Alexander Haig, Washington mới chịu cung cấp vũ khí đạn dược cho Israel.

Trong cuốn sách "The Secret War Against the Jews" (Cuộc chiến bí mật chống lại người Do Thái), hai tác giả - luật gia người Mỹ John Loftus và nhà báo Australia nổi tiếng Mark Aarons (con trai của Bí thư Đảng Cộng sản Australia  Laurie Aarons - đã khẳng định: "Trong quan hệ của Mỹ và Anh với khu vực Trung Đông, dầu mỏ đã và sẽ vẫn là yếu tố chủ chốt, còn Israel chỉ là yếu tố tạm thời. Quốc gia Do Thái này được "vỗ về" hay phản bội chỉ nhằm mục đích giúp nguồn dầu của các nước Arập cung cấp cho phương Tây không bị gián đoạn". 

Trò chơi không trung thực

Năm 1987, Tòa án Mỹ đã kết án tù chung thân đối với Jonathan Pollard, một cựu chuyên gia phân tích của tình báo hải quân Mỹ. Nguyên nhân là do Pollard, một người Mỹ gốc Do Thái, đã phát hiện cơ quan mật vụ của mình đã che giấu Israel một thông tin quan trọng liên quan đến an ninh của Israel - thực chất là hành động cho thấy Washington đã vi phạm một cách thô bạo các điều kiện trong bị vong lục Mỹ-Israel về việc trao đổi thông tin tình báo.

Ban đầu, Pollard báo cáo lên cấp trên để đổi lại việc… bị cấm không được tiếp xúc với các tài liệu mật trong nửa năm. Một thời gian sau, ông ta liên hệ với Cơ quan Tình báo Israel. Cho tới khi bị phát hiện, người ta vẫn không biết Pollard đã trao cho Tel-Aviv bao nhiêu thông tin mật. Kết quả là Pollard phải nhận bản án chung thân, một hình phạt được đánh giá là nghiêm khắc nhất từ trước tới giờ tại Mỹ đối với những tội danh tương tự.

Gần đây, công luận mới được biết Pollard đã khai ra Angie Kilchinski (còn gọi là Josef Barak), một điệp viên CIA dưới vỏ bọc người Do Thái hồi hương từ cuối những năm 1970. Nhờ lấy được lòng tin của Ariel Sharon, Kilchinski nhanh chóng có mặt trong hàng ngũ cốt cán của đảng Likud và còn có mặt trong Ủy ban Tình báo đối ngoại của Israel. Tay điệp viên Mỹ nhờ đó đã phát hiện và báo tin về Pollard cho các ông chủ của mình. Trái ngược với Pollard, Kilchinski sau khi bị phát hiện chỉ phải ngồi tù có 2 năm rồi được trả tự do quay về Mỹ.

Theo các nhà quan sát, Israel mặc dù là đồng minh rất thân cận của Mỹ, nhưng chưa bao giờ được mời gia nhập nhóm "Five Eyes" - một liên minh đặc biệt bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand với nguyên tắc không bao giờ hoạt động gián điệp chống lại nhau. Lý do đơn giản là việc hoạt động tình báo chống lại Israel nhiều khi lại có lợi cho Washington trong những ván cờ "quyền lực vàng đen" tại khu vực Trung Đông

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.