Tình báo quân đội Mỹ gửi thêm hàng trăm điệp viên ra hải ngoại

Thứ Năm, 13/12/2012, 22:50

Kế hoạch gửi thêm hàng trăm điệp viên ra hải ngoại của Cục Tình báo quân đội (DIA) ở Lầu Năm Góc là một phần trong tham vọng gia tăng sức mạnh tình báo cùng hợp tác với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở nước ngoài. Mục đích của dự án là biến DIA - cơ quan có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng tình báo Mỹ suốt thập niên qua do yêu cầu của hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan - thành tổ chức mạnh hơn tập trung vào những mối đe dọa khủng bố đang tăng, đồng thời hợp tác mật thiết hơn với CIA cũng như các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ của quân đội Mỹ ở nước ngoài.

Khi chương trình tăng cường điệp viên này hoàn tất, DIA sẽ có khoảng 1.600 "chuyên viên thu thập thông tin" hoạt động tại các tiền đồn tình báo của quân đội Mỹ trên khắp thế giới - một quân số lớn chưa từng có đối với DIA trong những năm gần đây.

Giới quan chức DIA cho biết, kế hoạch tăng quân số được triển khai trong thời gian 5 năm nhằm xây dựng một thế hệ mới mạng lưới điệp viên hoạt động bí mật. Họ sẽ được CIA huấn luyện, làm việc với Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt phối hợp (JSOC) nhưng cũng nhận lệnh từ Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD).

Đứng đầu trong số các ưu tiên tình báo hàng đầu của Lầu Năm Góc là các nhóm chiến binh Hồi giáo ở châu Phi, sự vận chuyển vũ khí của CHDCND Triều Tiên và Iran, cũng như chương trình hiện đại hóa quân đội đang tiến hành của Trung Quốc.

Trung tướng Michael T. Flynn, Giám đốc DIA, tuyên bố trong một cuộc họp báo: "Đây không phải là sự điều chỉnh cho DIA, mà là sự điều chỉnh quan trọng cho an ninh quốc gia". Sự gia tăng mạnh quân số điệp viên ngầm của DIA là một phần trong xu hướng sâu rộng: liên kết thành một khối các cơ quan tình báo dân sự và quân đội vốn trước đây hoạt động riêng biệt, thậm chí ở hàng ngũ lãnh đạo cao cấp. Kế hoạch của Lầu Năm Góc là tạo ra một tổ chức gọi là Cục Bí mật quốc phòng (DCS) nhằm thử sức trong công tác tình báo bí mật.

Kế hoạch tăng cường quân số của DIA - kết hợp với sự phát triển nhân lực của CIA sau ngày 11/9/2001 - sẽ tạo nên mạng lưới điệp viên ngầm đông đảo chưa từng có của Mỹ ở hải ngoại. Không giống như CIA, cơ quan tình báo của Lầu Năm Góc không được phép tiến hành những chiến dịch bí mật đi ngoài khuôn khổ thu thập thông tin tình báo, như là những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone), phá hoại chính trị hay chiến binh vũ trang.

Michael T. Flynn - Giám đốc DIA và Leon E. Panetta - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Tuy nhiên, từ lâu DIA vẫn đóng vai trò trọng yếu trong sứ mạng đánh giá và xác định các mục tiêu cho quân đội Mỹ, như là trong những năm gần đây đã xây dựng một mạng lưới khổng lồ các căn cứ drone trải dài từ Afghanistan đến Đông Phi.

Việc mở rộng vai trò hoạt động ngầm của DIA chắc chắn sẽ làm tăng thêm mối lo ngại về sự leo thang các cuộc tấn công chết người và các chiến dịch bí mật khác vượt ra khỏi tầm quan sát của công chúng. Do sự khác biệt về trách nhiệm pháp lý cho nên quân đội không là đối tượng yêu cầu khai báo trước Quốc hội Mỹ như CIA nên từ đó dẫn đến những lỗ hổng trong việc giám sát. Tuy nhiên: giới chức Mỹ khẳng định: sự tái tổ chức cơ cấu DIA sẽ không gây cản trở cho sự kiểm soát của Quốc hội.

Tướng Flynn cho biết, ông tin tưởng những thay đổi sắp tới ở DIA sẽ giúp nước Mỹ biết trước những mối đe dọa và tránh bị cuốn vào một chuỗi sự việc mà ông dự đoán sẽ là một "Kỷ nguyên xung đột dai dẳng".

Dự án của DIA nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Michael G. Vickers, một quan chức tình báo hàng đầu của Lầu Năm Góc và cựu sĩ quan CIA. Thỏa thuận hợp tác tình báo giữa DIA và CIA được phê chuẩn bởi Bộ trưởng Quốc phòng và cựu Giám đốc CIA Leon E. Panetta, cùng tướng tình báo CIA về hưu David H. Petraeus. Lầu Năm Góc thông báo về kế hoạch thành lập DCS từ tháng 4/2012 nhưng các chi tiết vẫn được giữ bí mật.

Theo các cựu quan chức DoD, hiện DIA có khoảng 500 "sĩ quan tình thế" - giới hạn cho các chiến dịch bí mật của Lầu Năm Góc và CIA - và con số này sẽ tăng lên khoảng 800 đến hơn 1.000 vào năm 2018. Hàng ngàn nhân viên DIA, nhất là các chuyên gia phân tích, hậu cần và những ngành khác sẽ có thêm nhiệm vụ hỗ trợ số điệp viên tăng cường.  Dự án của Lầu Năm Góc còn phải đối mặt với một số trở ngại, bao gồm thách thức như tạo ra "vỏ bọc" hợp lý và an toàn cho hàng trăm điệp viên mật tăng cường.

Dự án tăng cường điệp viên ở hải ngoại của Lầu Năm Góc ra đời sau khi một nghiên cứu mật năm 2011 của Giám đốc Tình báo quốc gia kết luận các ưu tiên tình báo của Lầu Năm Góc đã tạo ra những lỗ hổng an ninh do DIA tập trung quá nặng vào những vấn đề chiến trường cũng như khối lượng công việc quá tải của CIA.

Khu phức hợp Lầu Năm Góc ở Washington.

Giới chức Mỹ cho rằng, DIA cần được thay đổi khi mà hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan dẫn đến thời kỳ của các xung đột rải rác và những mối đe dọa ngày càng tăng đòi hỏi phải có sự phối hợp tình báo chặt chẽ. Chính quyền Obama muốn chiến dịch drone chống Al-Qaeda của CIA được tiếp tục trong ít nhất một thập niên nữa, ngay cho dù cơ quan này đang chịu sức ép phải dừng lại, một phần do những biến động rối rắm ở Trung Đông.

Các quan chức CIA, bao gồm John D. Bennett - Giám đốc Ban mật vụ quốc gia (NCS)  - đều ủng hộ dự án của DIA bởi vì nó giúp "mở rộng khả năng của CIA và DIA để hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất", theo người phát ngôn Preston Golson của CIA. Tuy DIA đã nhận được khoảng 100 triệu USD cho chương trình tăng quân số điệp viên ở hải ngoại song tổng ngân sách vẫn còn thiếu hụt trầm trọng giữa lúc chính quyền Obama đang gặp sức ép về tài chính.

Trong nhiều thập niên qua, DIA sử dụng mạng lưới điệp viên hoạt động ngầm để thu thập những bí mật quân sự nước ngoài và những mục tiêu khác. Các nỗ lực trước đây của Lầu Năm Góc nhằm mở rộng vai trò tình báo - đặc biệt dưới thời của Bộ trưởng Donald H. Rumsfeld - đã dẫn đến một vài xích mích nhỏ giữa DIA và CIA, song nay thì những va chạm như thế đã giảm bớt do CIA nhìn thấy được các lợi ích từ những thay đổi của DIA, bao gồm sự bảo đảm rằng các trưởng trạm CIA ở hải ngoại sẽ luôn được cập nhật thông tin về mọi sứ mạng của tình báo quân đội và có quyền bác bỏ bất cứ điều gì có thể đi ngược lại các nỗ lực của CIA.

DIA tập trung nhiều hơn vào các vấn đề quân sự, ví dụ như thông tin về Al-Qaeda ở Mali, trong khi CIA đáp ứng những yêu cầu rộng hơn từ Nhà Trắng. Điệp viên DIA được trang bị tốt hơn để tuyển mộ những nguồn có thể cung cấp các câu trả lời chuyên về quân sự như là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hay tàu sân bay hạt nhân của Trung Quốc.

CIA đã đồng ý tăng cường thêm nhiều phòng học dành cho các điệp viên quân đội trong Trung tâm huấn luyện Farm của cơ quan ở miền Nam Virginia. Trong những năm gần đây, số điệp viên DIA chiếm khoảng 20% trong các lớp học ở Farm và tỷ lệ này đang tăng. Thách thức lớn nhất của DIA hiện nay là làm sao tạo ra thân phận cho quá nhiều điệp viên ở hải ngoại trong khi không gian của các sứ quán Mỹ khá hạn chế. Nếu trao cho các điệp viên DIA thân phận giáo sư hay doanh nhân thì điều đó có nghĩa là họ sẽ không được quyền đặc miễn ngoại giao bảo vệ nếu không may bị bắt giữ

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.