Tình báo viễn thông Canada lập trạm nghe lén giúp NSA

Thứ Hai, 30/12/2013, 19:20

Một tài liệu tuyệt mật được người tố giác Edward J. Snowden tiết lộ mới đây với hãng thông tấn CBC News cho thấy Cơ quan Tình báo Viễn thông Canada (CSEC) đã bí mật thành lập cả một mạng lưới các trạm nghe lén trên khắp thế giới để tiến hành các hoạt động gián điệp trong 20 quốc gia chống lại các đối tác thương mại của Mỹ theo yêu cầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Tuy nhiên, tài liệu mật có chứa nhiều chi tiết cực kỳ nhạy cảm về chiến dịch gián điệp mà CBC News không thể công bố.

Tài liệu cũng mô tả "mối quan hệ hợp tác mật thiết" ngày càng được củng cố và mở rộng giữa NSA và đối tác CSEC giúp gián điệp các mục tiêu quốc gia và xuyên quốc gia một cách hiệu quả nhất. Tài liệu dài 4 trang được đóng dấu "Tuyệt mật" đề ngày 3/4/2013.

Mạng lưới các trạm nghe lén bí mật của CSEC trên khắp thế giới

Wesley Wark, chuyên gia tình báo và an ninh Đại học Ottawa (Canada), cho biết tài liệu mật cung cấp bằng chứng rõ ràng về việc Canada đã lợi dụng hình ảnh quốc gia thân thiện của mình trên trường quốc tế để bí mật thu thập một khối lượng thông tin khổng lồ ở nước ngoài nhằm hỗ trợ cho NSA như thế nào.

Wesley Wark giải thích: "Không có nhiều người biết về hoạt động tình báo của Canada. Do đó, các chiến dịch gián điệp của Canada dễ dàng thoát khỏi sự chú ý trong khi mọi hành động của người Mỹ hay người Anh chắc chắn sẽ gây chú ý cho thế giới". Mối quan hệ hợp tác tình báo điện tử giữa chính quyền hai quốc gia Canada và Mỹ thật ra đã tồn tại từ cách đây hơn 60 năm.

Edward Snowden tiết lộ NSA và CSEC phối hợp với nhau rất ăn ý để gián điệp các lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở Toronto năm 2010, nhưng tài liệu mật được công bố mới đây cho thấy các hoạt động gián điệp quốc tế của CSEC đã trở nên quy mô đến mức không thể tưởng tượng nổi. Tài liệu mật của NSA mô tả CSEC là đối tác tình báo "tinh tế, có đầy đủ khả năng và đáng tôn trọng" cho các sứ mạng gián điệp phối hợp, bao gồm việc thành lập các trạm nghe lén ở khắp nơi trên thế giới theo yêu cầu của người Mỹ.

Thomas Drake, cựu quan chức NSA nay trở thành người tố giác, cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi Canada chấp thuận hành động theo các yêu cầu từ phía Mỹ bởi vì chuyện đó đã diễn ra trong nhiều năm dài. Thomas Drake cho biết khi còn làm việc cho NSA ông có thời gian hợp tác với CSEC trong nhiều dự án khác nhau, và người Canada thực sự "có khả năng ngoại hạng".

Theo giải thích của Thomas Drake, CSEC tiến hành nhiều chiến dịch gián điệp mạng nước ngoài từ trụ sở của cơ quan ở thủ đô Ottawa của Canada, sử dụng một số thiết bị máy tính cực mạnh của nước này để chặn bắt tín hiệu những cuộc gọi điện thoại cũng như những giao tiếp Internet trong các quốc gia trên toàn cầu.

Wesley Wark cho biết CSEC sử dụng các đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài để thành lập các trạm nghe lén điện tử nhưng ông cảnh báo hành động lén lút này của tình báo Canada có thể tạo ra "sự thất bại ngoại giao cực kỳ ê chề".

Wesley Wark nhận định sứ mạng gián điệp điện tử của CSEC sau khi bị phơi bày trước công chúng có thể gây nguy hiểm cho các chiến dịch ngoại giao khác của chính quyền Canada và "những mối quan hệ chính trị, thương mại" của nước này với các quốc gia trên thế giới sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Một điều quan trọng nữa là, hình ảnh quốc gia thân thiện và hợp tác thiện chí của Canada trước mắt quốc tế sẽ không còn nữa!

Trụ sở mới của CSEC được xây dựng ở vùng ngoại ô thủ đô Ottawa, Canada.

Theo phân tích của Wesley Wark, nếu như một quốc gia cảm thấy mình trở thành mục tiêu theo dõi từ một đại sứ quán Canada thì quốc gia này sẽ đặt mọi thứ vào vòng nghi ngờ với câu hỏi: "Liệu có phải các nhà ngoại giao Canada thật sự hay chỉ là gián điệp?" Việc phê chuẩn cho CSEC thành lập các trạm nghe lén điện tử bí mật theo yêu cầu của NSA chắc chắn phải xuất phát từ cấp bộ của chính quyền Canada - hay thậm chí từ chính thủ tướng nước này.

Từ lâu, Canada và Mỹ đã có thỏa thuận chia sẻ thông tin an ninh với các cơ quan tình báo đồng minh khác trong nhóm "Five Eyes" (5 Con mắt) như Anh, Australia và New Zealand. Nhưng, tiết lộ mới nhất của Edward Snowden cho thấy mối quan hệ hợp tác tình báo giữa Canada và Mỹ chặt chẽ ngoài sức tưởng tượng của mọi người - các nỗ lực hợp tác bao gồm sự trao đổi các sĩ quan liên lạc và chuyên gia kỹ thuật giữa hai bên.

Tài liệu mật cho biết NSA cũng cung cấp nhiều phần cứng lẫn phần mềm máy tính cho đối tác CSEC phục vụ cho "các nỗ lực thu thập, xử lý và phân tích thông tin". Ngược lại, NSA cũng thừa nhận đối tác Canada cung cấp cho họ công nghệ lập mã, giả mã và phần mềm gáin điệp. Cuối cùng, tài liệu NSA cho biết CSEC ngày càng đầu tư mạnh vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ gián điệp "có lợi cho đôi bên".

CSEC sử dụng khoảng 2.000 người và ngân sách hoạt động hàng năm gồm khoảng 400 triệu USD. Ngoài ra, trong tương lai không xa CSEC sẽ chuyển đến trụ sở mới trị giá 1,2 tỷ USD cực kỳ hoành tráng ở vùng ngoại ô Ottawa. Để so sánh, NSA sử dụng ước khoảng 40.000 người cộng thêm hàng ngàn nhà thầu tư nhân và chi tiêu hơn 40 tỷ USD/năm.

Các lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Toronto, Canada, tháng 6/2010.

Trước yêu cầu bình luận về tiết lộ mới của Edward Snowden, văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Canada - cơ quan chịu trách nhiệm về CSEC - tuyên bố bằng văn bản rằng các hoạt động của CSEC luôn nằm dưới sự giám sát của một ủy ban độc lập.

Về phần mình, người phát ngôn cho chính quyền Mỹ nói: "Trong khi chưa sẵn sàng bình luận công khai về hoạt động rất đặc biệt này, chúng tôi nhấn mạnh rằng Mỹ thu thập thông tin tình báo nước ngoài như mọi quốc gia khác đang làm".--PageBreak--

Bộ máy gián điệp tín hiệu khổng lồ của CSEC

Trong suốt 34 năm, sự tồn tại của CSEC luôn được bí mật gần như tuyệt đối và người Canada lần đầu tiên biết đến nó vào năm 1974 sau khi đài truyền hình CBC phát sóng bộ phim tài liệu tựa đề "Vùng đất thứ 5: Cơ quan gián điệp" dẫn đến sự giận dữ của Hạ viện Canada và bắt buộc chính quyền nước này phải thừa nhận sự thật.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Quốc hội Canada mới thông qua Luật Chống khủng bố để kiểm soát CSEC. Sau ngày 11/9/2001, những khoản tiền đầu tư vào lĩnh vực tình báo gia tăng đáng kể bởi vì không một chính quyền nào muốn rơi vào nguy cơ bị Al Qaeda tấn công. Tuy nhiên, mãi về sau này chính quyền Canada vẫn tiếp tục gia tăng ngân sách cho CSEC cho dù mối đe dọa khủng bố đã mờ nhạt đi rất nhiều.

Trong thời gian 7 năm lãnh đạo CSEC, John Adams đã vận động tăng gấp đôi ngân sách dành cho cơ quan từ 200 triệu USD lên đến 400 triệu USD/năm. Do có năng lực gián điệp tình báo điện tử rất cao cho nên mỗi năm CSEC thường tiếp nhận từ 70 đến 80 đề nghị giúp đỡ từ nhiều cơ quan khác của Canada như Cơ quan Tình báo An ninh nội địa Canada (CSIS), Lực lượng Cảnh sát Kỵ mã Canada (RCMP), Bộ Quốc phòng Canada (DND), Lực lượng Biên phòng Canada (CBA), CƠ quan An ninh Hàng không Canada (CATSA) v.v… CSEC đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Canada.

Tháng 10/2013, chính quyền Brazil tố cáo tiến hành "chiến tranh mạng" sau khi người tố giác Edward Snowden tiết lộ CSEC gián điệp ngành năng lượng nước này. CSEC cũng giám sát chính quyền Mexico vì lợi ích của Hiệp định Thương mại Tự do ký kết năm 1992 giữa Canada và Mexico và những quốc gia được coi là đồng minh của phương Tây.

Jane Shorten, cựu chuyên gia ngôn ngữ học của CSEC, cho biết vào khoảng giữa thập niên 1990 cơ quan có chiến dịch gián điệp Nhật Bản và Hàn Quốc. Một phần không nhỏ trong các chiến dịch bí mật của CSEC là hỗ trợ chiến thuật cũng như các vấn đề khác cho quân đội Canada.

Khu vực giải trí dành cho nhân viên tại trụ sở mới CSEC.

Trong suốt quãng thời gian Canada dính líu quân sự sâu vào Afghanistan, CSEC nhiều lần cung cấp thông tin tình báo cho mỗi chiến dịch quân sự có sự tham gia của quân đội Canada. Trong suốt cuộc Chiến tranh lạnh, CSEC chịu trách nhiêm cung cấp dữ liệu tình báo tín hiệu (SIGINT) cho Bộ Quốc phòng Canada về các chiến dịch quân sự của Liên Xô. Kể từ đó, CSEC trở nên đa dạng hóa hơn và hiện được coi là nguồn SIGINT hàng đầu ở Canada cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện và các dịch vụ giúp chính quyền Ottawa bảo đảm an ninh cho cơ sở dữ liệu cũng như các cơ sở hạ tầng viễn thông.

Trụ sở mới của CSEC là tòa nhà chính quyền Canada đắt tiền nhất được xây dựng từ trước đến nay, thậm chí một số tài liệu của Bộ Quốc phòng nước này còn đặt tên cho dự án là "Camelot" (cung điện pháo đài huyền thoại của của Vua Arthur). CSEC chính thức công bố chi phí xây dựng là 880 triệu USD nhưng một số nguồn có quan hệ với dự án cung cấp con số gần 1,2 tỷ USD.

Trụ sở mới của CSEC bao gồm 7 khối nhà ở vùng ngoại ô Ottawa - dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015 - có đến 90 tầng và được trang bị những thiết bị công nghệ cao hiện đại nhất. Hai trạm năng lượng gần đó sẽ cung cấp điện cho toàn bộ hệ thống máy tính của CSEC. Những chiếc siêu máy tính của CSEC có nhiệm vụ thu thập hàng triệu cuộc đàm thoại trên khắp thế giới mỗi ngày và sau đó chắt lọc ra những thông tin có giá trị để tiến hành phân tích.

Trụ sở mới được coi là tòa nhà tuyệt mật của chính phủ Canada dành cho đội ngũ khổng lồ các chuyên gia viết mật mã. Nhà thầu xây dựng cũng hợp đồng bảo dưỡng tòa nhà và cung cấp các dịch vụ khác trị giá 3 tỷ USD trong vòng 30 năm tiếp theo. Công chúng Canada không được biết chi tiết về dự án "Camelot" vì nó được tuyên bố là vấn đề an ninh quốc gia và đóng dấu "tuyệt mật".

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với CBC News, cựu lãnh đạo CSEC John Adams cho biết ông là người giám sát dự án từ lúc nó được khởi công năm 2011 cho đến khi ông về hưu năm 2012. Trung tâm của khu phức hợp là cao ốc khổng lồ bằng kính, với nhiều không gian cho cafeteria, thư viện và các khu vực hội họp.

Theo các chuyên gia, những yêu cầu an ninh tuyệt đối là nguyên do chính khiến giá xây dựng đội lên quá cao. Ví dụ, toàn bộ mặt kính bên ngoài tòa nhà, cũng giống như mọi thứ khác bên trong trụ sở, phải đáp ứng mọi yêu cầu về an ninh đặc biệt nhằm ngăn chặn mọi sự gián điệp CSEC từ bên ngoài. Mọi vật liệu xây dựng đều được kiểm tra cẩn thận để phát hiện những thiết bị nghe lén cấy sẵn và mọi chiếc xe ra vào khu vực xây dựng cũng được khám soát chặt chẽ. Tất cả gần 5.000 công nhân tham gia dự án cũng được thanh lọc kỹ lưỡng.

Theo cựu lãnh đạo CSEC John Adams, các hệ thống máy tính hiện nay ở cơ quan chỉ hoạt động 60% công suất và không gây quá tải cho mạng lưới điện địa phương. Nhưng, John Adams cho rằng CSEC cần trang bị hệ thống máy tính mới mạnh hơn gấp 3 lần để phục vụ nhu cầu gián điệp ngày càng cao do đó trụ sở mới sẽ có đủ khả năng đáp ứng cho yêu cầu này.

Ngoài ra, một lối đi bộ bằng kính kết nối trụ sở mới CSEC với cơ quan gián điệp truyền thống và được nhiều người biết đến của Canada - đó là CSIS. Có một sự khác biệt chính giữa hai cơ quan - CSIS có trách nhiệm ngăn chặn những mối đe dọa an ninh đến Canada, trong khi quyền lực của CSEC vượt ra khỏi biên giới nước này

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.