Tổ chức hợp tác Thượng Hải và tương lai của Kyrgyzstan

Thứ Năm, 15/07/2010, 15:45
Trước chiến lược bao vây quân sự của NATO và Mỹ đối với Nga thì việc duy trì một chế độ trung lập tại Kyrgyzstan sẽ giữ vai trò chính trong việc ổn định những khu vực xung quanh nước Nga. Nếu như Nga dùng cả sức mạnh quân sự, kinh tế và mối quan hệ truyền thống để thiết lập sự hiện diện tại Kyrgyzstan thì Trung Quốc, với vũ khí duy nhất là sức mạnh kinh tế, đã có thể hóa giải những tác động gây bất ổn từ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực Trung Á.

Kinh tế là sức mạnh

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc Cách mạng hoa Tulip năm 2005 tại Kyrgyzstan, theo giới phân tích, là do sự tăng cường hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Bishkek, điều mà Washington không hề mong muốn. Đây có lẽ là lý do chính khiến Mỹ quyết định "hất cẳng" ông Askar Akaiev sau gần một thập niên nâng đỡ. Tháng 6/2001, Trung Quốc, Nga, Uzbékistan, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan đã ký hiệp ước khai sinh ra Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ba ngày sau đó, Trung Quốc chính thức chấp nhận một khoản vay lớn cho Kyrgyzstan để nước này mua thiết bị quân sự.

Sau sự kiện 11/9/2001, Lầu Năm Góc khởi xướng sự thay đổi quân sự lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Mục tiêu của chiến lược mới là thiết lập sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ dọc bờ biển Địa Trung Hải, châu Phi, Trung Đông, vùng Kavkaz, Trung và Nam Á.

Thời đó, chính ông Akaiev là người đã đề xuất cho Mỹ thiết lập căn cứ quân sự lớn nhất khu vực tại Kyrgyzstan, căn cứ Manas. Trung Quốc, do có đường biên giới với Kyrgyzstan rất dài, đã ngay lập tức lên tiếng báo động, phối hợp cùng Nga, gây tác động để Tổ chức Hợp tác Thượng Hải phản đối và kêu gọi Mỹ rút quân khỏi căn cứ Manas.

Năm 2003, Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Kyrgyzstan, Askar Akaiev, tới tham dự lễ khánh thành căn cứ quân sự của Nga tại Kant.

Để trấn an “người cùng hội” chính quyền Akaiev đã chấp thuận thiết lập một chính sách ngoại giao mang tên “Con đường tơ lụa” do Bắc Kinh đề xuất nhằm tăng cường hợp tác kinh tế. Chính quyết định này của ông Akaiev đã khiến Washington thất vọng vì với Mỹ thì Trung Quốc là một trở ngại cho chương trình mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Á của Mỹ.

Tờ Wall Street Journal tóm tắt quan điểm của Mỹ về vấn đề này như sau: Do có đến 1.100km đường biên giới giữa Trung Quốc và Kyrgyzstan, trong khi sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Uzbékistan và Tajikistan là đáng kể, thì sự sụp đổ của chính quyền Kyrgyzstan thân Bắc Kinh sẽ là một chiến công lớn đối với chính sách bao vây của Mỹ.

Kể từ thời điểm đó, Washington bắt đầu vung tiền thông qua các tổ chức bí mật như National Endowment for Democracy, Albert Einstein Institution, Freedom House và IMF để lật đổ chế độ Akaiev qua cuộc Cách mạng hoa Tulip năm 2005.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc hiện là quốc gia quan tâm nhiều nhất tới tương lai chính trị của Kyrgyzstan. Đường biên giới giữa Kyrgyzstan và Trung Quốc chạy dài suốt tỉnh nhạy cảm Tân Cương. Chính trong tỉnh này vào tháng 7/2009 đã xảy ra các cuộc bạo động do những người Duy Ngô Nhĩ tiến hành và được nâng đỡ bởi Đại hội Đại biểu Duy Ngô Nhĩ thế giới, một tổ chức do Mỹ tài trợ và điều khiển bởi bà Rebiya Kadeer và tổ chức National Endowment for Democracy.

Cũng tiếp giáp với khu vực Tây Tạng, Tân Cương là nơi trung chuyển quan trọng của hệ thống đường ống dẫn năng lượng từ Kazakhstan và Nga sang Trung Quốc. Tân Cương cũng là nơi được đánh giá có trữ lượng dầu mỏ lớn, rất cần thiết cho nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc.

Như vậy, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Kyrgyzstan có những tác động to lớn tới an ninh quốc gia Trung Quốc. Với các tổ chức tình báo Mỹ và với Lầu Năm Góc, đây là một vùng đất lý tưởng để tiến hành những chiến dịch bí mật gây mất ổn định tại Tân Cương. Việc đi lại dễ dàng giữa tỉnh này với Kyrgyzstan tạo điều kiện lý tưởng cho các hoạt động tình báo và chống phá.

Theo cựu Đại sứ Ấn Độ, K. Gajendra Singh, hiện đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu chính sách Ấn Độ - Thổ Nhĩ Kỳ tại New Delhi, thì chính quyền Bakiev, khi chấp nhận cho lực lượng quân sự Mỹ sử dụng căn cứ Manas và những thiết bị điện tử công nghệ cao khác đã giúp cho Mỹ giám sát các cơ sở quân sự và những trung tâm phóng tên lửa chính của Trung Quốc tại Tân Cương.

Mới được Lầu Năm Góc thành lập với nhiệm vụ chính thức là cung cấp cho những khu vực chiến sự tại Afghanistan, mạng lưới phân phối phía bắc (NDN, Northern Distribution Network) lại đang làm cho Bắc Kinh thêm đau đầu trước những hoạt động của Mỹ tại Kyrgyzstan. NDN có mặt ở cả Tajikistan, Uzbékistan và Kyrgyzstan.

Nhiều nước trong Tổ chức Phát triển Thượng Hải nghi ngờ Lầu Năm Góc muốn sử dụng mạng lưới này để điều khiển những cuộc tấn công cùng lúc của các nhóm nhỏ cực đoan như Phong trào Hồi giáo Uzbékistan, Liên minh Thánh chiến Hồi giáo hay phong trào bí mật Hizb ut-Tahir, tất cả đều đồn trú tại thung lũng Ferghana, Kyrgyzstan.

Không hoàn toàn thụ động trước những diễn biến tại Kyrgyzstan, Trung Quốc luôn sẵn sàng sử dụng lá bài kinh tế để thiết lập quan hệ hữu hảo với bất kỳ chính phủ nào tại Kyrgyzstan.

Tháng 6/2009, tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Ekaterinbourg, Nga, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hứa dành một quỹ trị giá 10 tỉ USD để hỗ trợ các quốc gia thành viên Trung Á trong tổ chức này: Kazakhstan, Tajikistan, Uzbékistan và Kyrgyzstan. Trong một phát biểu gần đây, phát ngôn viên Quốc hội lâm thời, Omourbek Tekebaiev, đã khẳng định với truyền thông Nga rằng, Kyrgyzstan coi Trung Quốc như là một trong những đồng minh chiến lược: "Chính sách ngoại giao của chúng tôi sẽ thay đổi... Nga, Kazakhstan và những quốc gia láng giềng khác, bao gồm cả Trung Quốc, vẫn là những đối tác chiến lược của chúng tôi".

Hiện có một dự án mà đối tác chiến lược Trung Quốc đang hối hả thúc giục nhà cầm quyền Bishkek hợp tác. Đó là việc Bắc Kinh thông báo xây dựng một tuyến đường sắt khổng lồ chạy xuyên qua lục địa Á - Âu. Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc mới đây tiết lộ đây là dự án tham vọng nhất thế giới. Đi xuyên qua Kyrgyzstan, tuyến đường sắt tốc độ cao này sẽ nối từ Tân Cương sang Đức và thậm chí đến London vào năm 2025.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng 12 tuyến đường cao tốc mới khiến các nền kinh tế của Kyrgyzstan và những quốc gia lân cận ràng buộc vào hệ thống đường sắt trên. Và để thể hiện rõ nét hơn những quan ngại của Trung Quốc trước sự ổn định của các quốc gia láng giềng, mới đây Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động kinh tế tại Afghanistan.--PageBreak--

Nga và tương lai địa chính trị của Kyrgyzstan

Trong bàn cờ Kyrgyzstan, Nga là người chơi quan trọng thứ hai sau Mỹ và trước Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát lục địa Á - Âu, ảnh hưởng đến tương lai chính trị và kinh tế tại Kyrgyzstan.

Đương nhiên, nhất cử nhất động diễn ra tại Kyrgyzstan đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của Moskva. Ngay khi chính phủ của Tổng thống Bakiev bị lật đổ, Nga đã lên tiếng công nhận tính hợp pháp của chính quyền mới của Bishkek và tăng mức viện trợ tài chính. Những động thái này chứng tỏ tầm quan trọng về tương lai chính trị của Kyrgyzstan đối với người Nga như thế nào. Không chỉ vì từng là một phần trong khối Liên bang Xôviết tới năm 1991, mà còn vì Kyrgyzstan ngày nay là một vùng đất chiến lược hội tụ mọi cuộc chơi giữa các cường quốc trên thế giới. Thái độ thân thiện hay thù địch của Kyrgyzstan với Moskva sẽ có ảnh hưởng lớn tới sự ổn định hay bất ổn tại khu vực ngoại vi nước Nga.

Điều hiển nhiên là chính quyền Tổng thống Medvedev đã vận dụng mọi khả năng, từ các hợp đồng khí đốt của Tập đoàn Gazprom cho đến những hợp đồng bán vũ khí, để chống lại mối đe dọa từ chính sách bao vây quân sự của Mỹ và phương Tây đối với nước Nga mà đỉnh cao là những cuộc cách mạng màu diễn ra liên tiếp tại các nước láng giềng của Nga trong các năm 2004 và 2005 do Washington giật dây.

Việc thiết lập một chế độ trung lập tại Kyrgyzstan, đồng minh của cả Kazakhstan và Nga, sẽ giúp hình thành một khu vực trao đổi quan trọng, đem lại nhiều lợi ích cho nước Nga cả về kinh tế lẫn chiến lược quân sự. Một chế độ như thế sẽ giúp ổn định thung lũng Ferghana, một vùng đất nông nghiệp nằm giữa tâm vùng Trung Á, giáp ranh 3 nước Kyrgyzstan, Uzbékistan và Tajikistan.

Đối với Moskva, một Chính phủ Kyrgyzstan thân Nga hay hoàn toàn trung lập sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong chiến lược tái định vị vị thế của Nga tại lục địa Á - Âu.

Năm 2003, Nga được chính quyền Askar Akaiev chấp nhận cho thành lập căn cứ quân sự tại Kant, gần thủ đô Bishkek, đây là căn cứ quân sự đầu tiên của Nga ở nước ngoài kể từ sau sự tan rã của Liên bang Xôviết năm 1991. Theo các nhà phân tích, chính những thỏa thuận giữa Nga và Kyrgyzstan trong việc khai thác căn cứ quân sự trên là một trong những lý do khiến Washington tiến hành cuộc Cách mạng hoa Tulip vào năm 2005, nhằm thiết lập một chính quyền thân Mỹ.

Một đoạn đường cao tốc đang được xây dựng tại Kyrgyzstan do Trung Quốc làm chủ đầu tư.

Ban đầu, giới phân tích chính trị đều cho rằng chính phủ lâm thời của bà Roza Otounbaieva sẽ theo lệnh của Moskva mà đuổi người Mỹ khỏi căn cứ Manas. Nhưng khác với mọi mong đợi, bà Otounbaieva dường như từ chối những cam kết ban đầu khi tuyên bố rằng căn cứ Manas vẫn thuộc quyền sử dụng của người Mỹ. Cho đến nay, Moskva vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về sự trở mặt này của chính quyền Otounbaieva.

Theo những nguồn tin đáng tin cậy từ Chính phủ Nga, thì điện Kremlin đang suy tính tới những lợi ích mà họ sẽ thu được trong hai năm tới khi để người Mỹ tiếp tục sử dụng căn cứ Manas phục vụ cho cuộc chiến tại Afghanistan. Đó là việc Nga sử dụng điều này như một đòn bẩy trong các cuộc thương thảo với Mỹ về việc chấm dứt đường dây vận chuyển ma túy từ Afghanistan và Nga. Trong vài tháng tới, hợp đồng hàng năm về thuê căn cứ Manas sẽ kết thúc, đây chính là dịp để Nga đặt điều kiện với Mỹ.

Theo các nhà quan sát, cái quan trọng hơn cả trong tình hình Kyrgyzstan hiện nay là cả Nga và Trung Quốc đều thể hiện rõ mối quan tâm khi duy trì mối quan hệ hữu hảo và ổn định với Kyrgyzstan. Điều này càng trở nên quan trọng khi biết rằng Nga có biên giới giáp với Kazakhstan, Uzbékistan và Tajikistan, tất cả các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một tổ chức quân sự và kinh tế tại lục địa Á - Âu.

Trong bối cảnh đó, sự hợp tác chặt chẽ hơn với Kyrgyzstan sẽ đem lại một lợi thế chắc chắn cho Nga, đó là cơ hội "đẩy lùi" sự xâm lấn của Mỹ tại khu vực Á - Âu. Tuy nhiên, cần phải chờ đợi vài tháng nữa mới biết được xu hướng phát triển này

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.