Tổng thống Bush cho phép NSA nghe lén công dân

Thứ Hai, 23/01/2006, 08:21

Theo một số nguồn tin của chính phủ được tờ The New York Times số ngày 16/12 trích dẫn, chỉ vài tháng sau vụ 11/9/2001, Tổng thống Bush đã bí mật cho phép Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tự do nghe trộm các công dân Mỹ và nước ngoài trên lãnh thổ nước Mỹ.

Tờ The New York Times còn cho biết, Nhà Trắng còn chính thức yêu cầu họ không nên công bố bài báo này, do nó có thể ảnh hưởng đến những quá trình điều tra đang tiến hành, cũng như cảnh báo cho những tên khủng bố tương lai về khả năng bị theo dõi. Đó là lý do khiến tờ báo phải lùi lại việc công bố thông tin đến một năm sau. Ngoài ra, những thông tin được coi là “có lợi” cho bọn khủng bố cũng đã bị loại trừ.

Các nguồn tin khẳng định, tại bất cứ một thời điểm cụ thể nào ở Mỹ, cũng có ít nhất 500 người đang bị giám sát mà không cần trát của tòa án. Danh sách những cái tên này thường xuyên thay đổi, thêm bớt theo thời gian. Nhưng tính theo suốt thời gian thực thi chương trình này, đã có tổng cộng vài ngàn người từng được đặt trong “tầm ngắm”.

Theo một số quan chức NSA, chính chương trình này đã giúp phát hiện những âm mưu của Iyman Faris, một tay lái xe tải ở Ohio đã bị bắt giữ và nhận tội vào năm 2003 vì đã hỗ trợ Al-Qaeda lập kế hoạch đánh bom cầu Brooklyn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bị giám sát mà không bị buộc tội. Đơn cử như trường hợp một bác sĩ Mỹ gốc Iran từng bị theo dõi vì nghi ngờ có liên hệ với Osama bin Laden.

Nhà Trắng biện hộ về quyết định trên của Tổng thống Bush dựa trên những đặc quyền mà Quốc hội đã trao cho ông ta vào năm 2001 để có thể “rảnh tay” bắt đầu cuộc chiến chống lại Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác. Đương nhiên là chiến dịch nghe trộm này được giao cho NSA đảm trách.

Từ trước tới nay, NSA vẫn được coi là cơ quan mật vụ lớn nhất và bí mật nhất tại Mỹ. Tổ chức này điều hành cả một mạng lưới các trạm nghe trộm trên khắp thế giới với đối tượng không chỉ là những kẻ buôn lậu ma túy hay khủng bố, mà còn là những thành viên của các chính phủ, nhà ngoại giao của nước ngoài, hay cả những người tham gia các cuộc đàm phán về thương mại...

Chương trình được bắt đầu từ sau ngày 11/9, trên thực tế được đẩy mạnh vào đầu năm 2002, khi CIA bắt đầu tóm được nhiều thành viên cấp cao của Al-Qaeda, trong đó có Abu Zubaydah bị bắt vào tháng 3/2002 tại Pakistan. Kết quả là CIA thu được rất nhiều máy tính, điện thoại di động và sổ tay của những tên khủng bố. Tất cả những chiến lợi phẩm này được giao cho NSA khai thác.

Thông qua việc nghe trộm những số điện thoại này và xem trộm thư điện tử của các thành viên Al-Qaeda, NSA còn mở rộng việc giám sát tới tất cả những người có liên hệ với bọn chúng. Trong số này có hàng trăm số điện thoại và địa chỉ ngay tại đất Mỹ.

Khi chương trình nghe trộm này bắt đầu được triển khai, hầu như không có ai kiểm soát hoạt động của NSA, khi cơ quan này có thể tự do lựa chọn các đối tượng để theo dõi. Một số nhân viên NSA còn không muốn tham gia chương trình này vì lo ngại tính chất bất hợp pháp của nó.

Trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 vừa qua, nhiều nhân viên tham gia chương trình còn e ngại, họ có thể bị điều tra trong trường hợp John Kerry thắng cử. Nhiều người còn cho rằng, những đặc quyền mà Tổng thống Bush dành cho NSA đã vượt ra ngoài khuôn khổ những đặc quyền chống khủng bố được Quốc hội phê chuẩn trong đạo luật yêu nước

Thái Quân (theo The Washington Times)
.
.