Toshiba bí mật bán thiết bị công nghiệp cho KGB

Thứ Sáu, 09/12/2005, 07:32

Vừa qua, từ các tài liệu giải mật của KGB đã tiết lộ chi tiết về một vụ mua bán bí mật thiết bị phục vụ cho mục đích quân sự giữa Tập đoàn Toshiba - Nhật Bản và Cơ quan Tình báo KGB - Liên Xô.

Trong những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, việc sản xuất các mặt hàng nông nghiệp và tiêu dùng của Liên Xô gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, điều này buộc họ phải cắt giảm nhập khẩu các mặt hàng khác để bảo đảm nhập khẩu lương thực. Việc nhập khẩu các trang, thiết bị công nghiệp dường như bị dừng lại. Nhật Bản vốn là nhà cung cấp chủ yếu trang, thiết bị công nghiệp cho Liên Xô, vì vậy đại diện của các công ty Nhật Bản tại Moskva đều tìm mọi cách để có được các hợp đồng xuất khẩu hàng vào Liên Xô.

Để bước chân vào thị trường rộng lớn đầy tiềm năng này, năm 1980, Tập đoàn Toshiba đã cử một số nhân viên cấp cao đến Moskva để tìm cách tạo dựng quan hệ với các quan chức Chính phủ Liên Xô. Trong một buổi tiệc, một quan chức của Tổng công ty Nhập khẩu thiết bị máy kỹ thuật của Liên Xô đã nói với đại diện Toshiba rằng, hiện nay Liên Xô đang cần mua một số thiết bị đẩy dùng cho các loại tàu thuyền cỡ lớn và tin rằng Toshiba sẽ sản xuất, cung cấp cho Liên Xô sản phẩm này.

Trên thực tế, vị quan chức kia chính là một điệp viên của KGB được giao phụ trách việc mua bán. Ông là nhân vật quan trọng có quyền phê chuẩn bất cứ hợp đồng mua bán nào có lợi cho Liên Xô.

Bữa tiệc chưa kết thúc, đã có một bức điện nhanh chóng được gửi về trụ sở chính của Toshiba tại Nhật Bản để thông báo đề nghị của Liên Xô. Vài ngày sau, lãnh đạo Toshiba đã chấp nhận đề nghị này và cử một nhân viên cao cấp phụ trách makerting của hãng đến Moskva, mang theo catalogue về kết cấu và dữ liệu liên quan đến thiết bị đẩy dùng cho tàu thuyền.

Ban đầu, giá mà Toshiba đưa ra cho mỗi thiết bị này là 1 tỉ yên (tương đương 500 triệu USD khi đó) và phía Liên Xô cũng muốn giảm giá. Sau khi thỏa thuận, cuối cùng hai bên đã đồng ý với nhau ở mức giá 870 triệu yên, Toshiba không dám tin rằng 4 thiết bị đẩy có thể bán với giá 3,5 tỉ yên - một cái giá rất cao và đương nhiên họ có lợi lớn.

Trong giai đoạn đang diễn ra Chiến tranh lạnh, việc xuất khẩu hàng hóa vào các nước xã hội chủ nghĩa luôn chịu sự giám sát và phê duyệt của Ủy ban điều phối xuất khẩu sang các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa - COCOM. Thiết bị đẩy tàu thuyền mà Toshiba cung cấp cho Liên Xô là sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất lúc bấy giờ, nếu được sử dụng cho các loại tàu quân sự sẽ giúp giảm rất nhiều tạp âm của tàu, đây là thiết bị mà COCOM cấm xuất khẩu sang Liên Xô.

Do biết rõ điều này, vì vậy sau khi kết thúc đàm phán, cả Toshiba và KGB đã bàn ngay đến việc làm thế nào để chuyển những thiết bị đến tay người Liên Xô mà vẫn qua mắt được COCOM. Phương án mà Moskva đưa ra: coi Na Uy là trạm trung chuyển và thiết bị của Toshiba bước đầu sẽ được xuất khẩu sang Na Uy (vì Na Uy cũng là nước thuộc NATO như vậy sẽ không vi phạm quy định của COCOM), sau đó sẽ lại đưa từ Na Uy về Liên Xô bằng con đường bí mật.

Trên thực tế, Na Uy đã sớm cung cấp cho Liên Xô hệ thống máy tính ngắm bắn tự động dùng cho pháo binh và thiết bị này cũng thuộc loại hàng cấm mà COCOM quy định. Giữa Liên Xô và Na Uy từ lâu đã thiết lập kênh bí mật trao đổi các loại hàng hóa đặc biệt về quân sự.

Theo hợp đồng ban đầu, Toshiba bắt buộc phải tiến hành lắp đặt, chạy thử và cho vận hành bình thường 4 thiết bị này, đồng thời phải huấn luyện cho các nhân viên kỹ thuật của Liên Xô thành thục các thao tác thì mới chuyển giao. Liên Xô giữ lại 10% số tiền để đợi đến khi  Toshiba hoàn thành các điều khoản theo quy định của hợp đồng thì mới trả. Nhưng sau đó, phía Liên Xô bất ngờ thay đổi ý kiến với việc chỉ yêu cầu Toshiba lắp đặt và cho vận hành 2 thiết bị, còn 2 thiết bị của Liên Xô tự xử lý.

Khi lắp đặt thiết bị đầu tiên, các nhân viên kỹ thuật của Nhật ngạc nhiên phát hiện rằng, các nhân viên kỹ thuật Liên Xô phụ giúp họ mới đầu giờ sáng mà đã rất mệt mỏi. Chỉ vài ngày, nhân viên kỹ thuật Liên Xô vốn rất tráng kiện, nhưng mắt ai cũng thâm quầng và cảm giác như sắp gục xuống vì mệt.--PageBreak--

Sau này, các nhân viên kỹ thuật của Nhật mới biết rằng, những nhân viên kỹ thuật của Liên Xô ban ngày thì giúp nhân viên người Nhật lắp đặt thiết bị, ban đêm lại phải dùng đèn điện và căn cứ vào những phương pháp đã học ban ngày từ người Nhật để tiến hành tự lắp đặt một thiết bị đẩy khác. Họ hầu như phải làm việc 24/24 giờ.

Mặc dù đã lắp đặt thành công thiết bị, nhưng các nhân viên kỹ thuật Liên Xô vẫn không nắm rõ trình tự thao tác của những thiết bị này. Vì vậy, họ đã phải tìm đến học tập những kiến thức từ một kỹ sư máy tính người Na Uy - phụ trách việc vận chuyển 4 thiết bị nói trên từ Na Uy đến Liên Xô, tên là Polustater. Dưới sự sắp đặt của KGB, viên kỹ sư này đã lấy một cô gái Nga xinh đẹp và sau đó anh ta đã say mê với việc hướng dẫn cho các nhân viên kỹ thuật của Liên Xô thao tác các thiết bị nói trên.

Thiết bị đẩy của Toshiba sản xuất là sản phẩm với trình độ công nghệ cao, thời gian sản xuất ngắn và điều này là một thuận lợi rất lớn cho phía Liên Xô. Thiết bị này đã giúp cho các loại tàu chiến mới nhất của Liên Xô sản  xuất thoát khỏi hạn chế cố hữu trước đây là tiếng ồn lớn dễ bị phát hiện. Những chiếc tàu chiến và tàu ngầm lắp thiết bị đẩy này đã được trang bị cho Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên Xô.

Bí mật vụ mua bán bị hé mở

Lúc đầu, việc mua bán giữa Toshiba và Liên Xô diễn ra tương đối bí mật và thuận lợi. Khi đó, các nước phương Tây, trong đó có cả Nhật, không hề phát hiện ra rằng, những thiết bị đẩy do chính người Nhật sản xuất lại có tác dụng rất lớn đối với công nghệ chế tạo tàu chiến của Liên Xô như vậy. Nhưng bắt đầu từ giữa những năm 80, trong các báo cáo của hải quân các nước NATO đều khẳng định rằng tàu ngầm và tàu chiến của Hải quân Liên Xô có độ ồn rất nhỏ và việc theo bám, phát hiện rất khó.

Điều này bắt đầu làm người Mỹ nghi ngờ rằng, Liên Xô đã có được loại kỹ thuật rất tiên tiến cho việc chế tạo tàu chiến, nhưng do không có chứng cứ gì nên Mỹ không thể chỉ trích được. Mãi đến năm 1985, khi một nhân viên phụ trách vụ mua bán nói trên của Toshiba do bị đuổi việc đã tiết lộ sự việc với COCOM và đến khi đó phương Tây mới tiến hành điều tra sự việc.

Quá trình điều tra kéo dài đến năm 1986, các nước phương Tây mới chính thức xác nhận Toshiba vi phạm lệnh cấm của COCOM bằng việc bí mật bán cho Liên Xô thiết bị công nghiệp mà COCOM không cho phép. Hậu quả việc này theo COCOM rất nghiêm trọng vì nhờ sản phẩm của Toshiba, các loại tàu chiến và tàu ngầm của Hải quân Liên Xô có khả năng thoát khỏi sự đeo bám, kiểm soát của các “con mắt thần” Hải quân Mỹ và NATO

Thanh Trung (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.