Trở lại Polygon, nơi thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô
- Triều Tiên có thể sản xuất hơn 10 quả bom nguyên tử/năm
- Vụ rơi bom nhiệt hạch của Mỹ ở Tây Ban Nha thời Chiến tranh lạnh
- CHDCND Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch: Những dư chấn ở Đông Bắc Á
Bài 1: Những chứng tích mạnh hơn cái chết
Kể từ đầu thập niên 1940 thế kỷ XX, chính phủ Mỹ đã tập trung nhiều nhân tài lẫn vật lực vào dự án nghiên cứu hạt nhân của mình. Họ biết rõ thế độc quyền về vũ khí hạt nhân sẽ mang lại cho quốc gia sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này ưu thế khó vượt qua và mở đường tiến đến vị thế bá quyền toàn cầu. Sau khi Mỹ dùng bom hạt nhân san phẳng hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki, chính phủ Liên Xô nhận ra rằng, sẽ không có gì có thể cản trở Mỹ trên con đường độc chiếm ưu thế về vũ khí hạt nhân.
Công việc nghiên cứu khoa học vũ khí hạt nhân được dẫn đầu bởi Igor Kurchatov, nhà vật lý hạt nhân hàng đầu của Liên Xô, tiến hành đồng thời cùng các dịch vụ hậu cần quân sự và những nỗ lực tình báo do Ủy ban hội đồng nhân dân thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ và do Lavrentiy Beria chỉ đạo.
Đài tưởng niệm "Mạnh mẽ hơn cái chết" tưởng niệm các nạn nhân của bãi thử tại thành phố Semipalatinsk. |
Vào tháng 9-1942, chính phủ Xôviết đã khởi động dự án hạt nhân của riêng mình. Mặc dù trang thiết bị của các nhà khoa học và kỹ sư Xô viết thời kỳ đó rất thô sơ, họ vẫn đạt được một bước đột phá lớn. Mặt khác, dữ liệu quý báu mà các điệp viên Liên Xô thu được về quả bom plutonium của Mỹ cho phép các nhà vật lý hạt nhân Xôviết tránh được các lỗi khi chế quả bom RDS-1.
Có thể phải xét đến nguyên nhân dẫn đến cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đầu tiên của nhân loại là sau Thế chiến thứ 2, giới lãnh đạo quân sự Mỹ và Anh đã xây dựng một số kế hoạch "đánh phủ đầu" Liên Xô - vốn đã suy yếu, kiệt quệ sau cuộc Đại chiến này. Theo các nhà sử học, trong giai đoạn từ năm 1945-1949, Lầu Năm Góc đã phát triển ít nhất 9 phương án tấn công hạt nhân nhằm vào Liên Xô.
Học giả Mỹ J.W. Smith từng nêu trong quyển "The World's Wasted Wealth 2: Save Our Wealth, Save Our Environment" rằng "Không những Liên Xô không phải là mối đe dọa về quân sự đối với Mỹ (tổng thu nhập quốc nội của Liên Xô năm 1950 là 65 tỷ USD so với con số 250 tỷ USD của Mỹ), mà thời đó cũng không có liên minh quân sự nào đe dọa nghiêm trọng đến Mỹ hay bất cứ khu vực nào trên thế giới mà họ chọn".
Một tháp quan sát vẫn còn tồn tại ở Polygon. Mới đây, các nghệ sĩ Kazakh vẽ bản sao bức họa "Tiếng Thét" của Edvard Munch lên tháp. |
Do đó, các nhà lập kế hoạch của Lầu Năm Góc phán đoán rằng Liên Xô sẽ bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ và không có khả năng phản công. Các chuyên gia cho rằng nếu Liên Xô không tạo ra bom hạt nhân cho riêng mình thì nhiều khả năng họ đã bị Mỹ hủy diệt hoặc chí ít cũng bị mất lãnh thổ.
7 giờ sáng ngày 29-8-1949, Liên Xô thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên của mình ở Semipalatinsk thuộc vùng đông bắc của Kazakhstan, trực tiếp giáng một đòn nặng vào các kế hoạch tác chiến hạt nhân của Mỹ và Anh và bất ngờ thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới.
Sau vụ này, Mỹ không còn dám xem thường Liên Xô cũng như phải tính đến các lợi ích của Liên Xô cùng các đồng minh trong khối Hiệp ước Varsa. Polygon là địa điểm thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Liên Xô với tổng cộng 456 cuộc thử nghiệm diễn ra tại đây trong quãng thời gian ngót nửa thế kỷ - từ năm 1949-1989, trong đó bao gồm 340 vụ tiến hành dưới lòng đất và 116 vụ nổ trong bầu khí quyển.
Có thể làm một con toán để so sánh: Tổng cộng những vụ nổ tại Semipalatinsk có sức công phá tương đương hơn 2.500 quả bom thả xuống Hiroshima của Nhật Bản vào cuối Thế chiến thứ II-Một con số khổng lồ!
Chính vào năm 1949 đáng ghi nhớ đó, Không lực Mỹ đã thảo ra kế hoạch Dropshot trù định việc ném 300 trái bom nguyên tử xuống các thành phố của Liên Xô. Ông Sergey Kirienko - lãnh đạo Công ty Nhà nước Rosatom nói: "Những người Xôviết tham gia thực hiện việc chế tạo hiểu rõ vấn đề: hoặc chúng ta kịp sản xuất hoặc sau một thời gian ngắn Liên Xô sẽ không còn tồn tại. Đó không hề là những ngôn từ đe dọa mà là thực tế khi ấy".
Trái bom pluton có sức công phá tương đương 22 kiloton thuốc nổ có tên gọi RDS-1 - viết tắt từ thuật ngữ "động cơ phản lực đặc biệt". Nhưng tên giải mã RDS được các nhà khoa học Nga sử dụng phổ biến lại là "Nga tự làm". Vừa chịu sự tàn phá khắc nghiệt của chiến tranh, Liên Xô đã mất 2 năm 8 tháng để chế bom nguyên tử, gần bằng Mỹ với 2 năm 7 tháng.
Bãi thử hạt nhân Semipalatinsk nằm ở phía nam của một thung lũng gần sông Irtysh, có diện tích 18.000 km2. Thành phố Semipalatinsk cách bãi thử khoảng 150 km về phía đông. Theo một thống kê của năm 2016, hơn 100.000 người dân sống trong thành phố và vài trăm nghìn người khác sống trong khu vực có bán kính 80 km tính từ bãi thử. Đôi khi giới chức thành phố báo trước cho người dân về những vụ thử sắp được thực hiện.
Trước khi vụ nổ diễn ra, người dân buộc phải sơ tán khỏi nhà vì chúng có thể rung lắc khi bom nổ. Từ khi vụ nổ đầu tiên diễn ra, tỷ lệ người mắc ung thư, dị tật bẩm sinh, liệt dương, máu trắng tăng vọt chỉ trong vài năm. Rất nhiều trẻ ra đời với hệ thần kinh tổn thương, xương biến dạng và thiếu tay chân. Một cựu giám đốc của Bệnh viện Ung thư Semipalatinsk ước tính ít nhất 60.000 người đã mất mạng do ung thư. Chính phủ Liên Xô thời đó đương nhiên giấu kín những vụ thử hạt nhân. Mãi đến thập niên 80, nhiều nhà hoạt động xã hội ở Kazakhstan mới đấu tranh để buộc Moscow ngừng sử dụng bãi thử.
Ngày 12-8-1953, quả bom nguyên tử nhiệt hạch (H-bom) đầu tiên trên bãi thử nghiệm Semipalatinsk được kích nổ. Sức tàn phá của nó gấp nhiều lần các loại bom nguyên tử cùng thời.
Bom nhiệt hạch - hay còn được gọi là bom kinh khí, bom hydro hay bom H - là loại vũ khí hạt nhân tạo ra năng lượng khổng lồ từ quá trình tổng hợp hạt nhân. Khi loại vũ khí này được kích hoạt, bức xạ nhiệt từ vụ nổ hạt nhân phân rã được dùng để nung nóng và nén mạnh phần đầu mang tritium, deuterium, hoặc liti, dẫn tới phản ứng nhiệt hạch, giải thoát năng lượng khổng lồ.
Ra đời sau những thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên khoảng 7 năm, bom nhiệt hạch được coi là bước tiến lớn trong tham vọng sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt của Mỹ. Năm 1952, Mỹ thử nghiệm quả bom nhiệt hạch đầu tiên. Nó có sức công phá gấp 2.500 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Đúng một năm sau, Liên Xô cũng tiến hành thử nghiệm quả bom nhiệt hạch đầu tiên của mình, với sức công phá vô cùng khủng khiếp. Trong lần thử nghiệm được coi là bước ngoặt của Liên Xô, hàng loạt thiết bị quan sát, đo đạc và mô hình đã được sắp đặt sẵn nhằm kiểm tra sức phá hủy của quả bom. Sau thử nghiệm, một khu vực rộng lớn tại bãi thử hạt nhân Semipalatinsk đã biến thành bình địa. Những ngôi nhà, phương tiện quanh khu vực thử nghiệm bị thổi bay cho thấy sức tàn phá của quả bom nhiệt hạch đầu tiên của Liên Xô.
Những hố sâu chứa đầy nước nhiễm độc là chứng tích của những vụ thử nghiệm. Tỷ lệ những bệnh nhân ung thư ở khu vực Polygon tăng vọt sau vài năm diễn ra những đợt thử nghiệm hạt nhân đầu tiên.
Tiến sĩ Zhaxybay Zhumadilov, giáo sư Đại học Nazarbayev ở thủ đô Astana của Kazakhstan và nhà nghiên cứu về tác động của những vụ nổ hạt nhân thử nghiệm với các chuyên gia đến từ Đại học Hiroshima của Nhật Bản, báo cáo: ngoài bệnh ung thư là tỷ lệ cao các bệnh về tim mạch, máu, nhiễm sắc thể. Nhưng để có kết luận rõ ràng là rất phức tạp bởi vì, theo Zhumadilov, "trong suốt nhiều năm dài, những tác động đến sức khỏe con người và môi trường sống tại điểm thử nghiệm hạt nhân Semipalatinsk được xếp vào loại thông tin mật".
Tháng 2-1989, phong trào phản đối hạt nhân "Nevada Semipalatinsk" bùng nổ mạnh buộc chính quyền Liên Xô hạn chế những vụ nổ hạt nhân thử nghiệm và nhanh chóng đóng cửa Polygon. Sau khi Kazakhstan độc lập năm 1991, "thân phận" thành phố cấm Semipalatinsk mới được hủy bỏ. Mặc dù vậy, khu vực hơn 18.000 km vuông đã bị ô nhiễm phóng xạ nặng nề, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho khoảng 1,5 triệu người dân - tức 1/10 tổng dân số Kazakhstan.
Tháng 9-2001, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã có cuộc gặp mặt với các cựu lãnh đạo trên thế giới để tìm kiếm giải pháp tài chính cho việc xử lý hậu quả hạt nhân trong vùng.
Trước hai thính giả là cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Hans Dietrich Genscher, ông Nazarbayev đã đề nghị giúp đỡ khoản tiền hơn 1 tỷ USD để chữa chạy những "thương tổn" về sức khoẻ và môi trường tại Semipalatinsk, cũng như tại các điểm thử vũ khí hạt nhân khác rải rác khắp nơi trên đất nước này. "Hàng trăm nghìn người Kazakhstan đã hứng chịu phóng xạ theo cách này hay cách khác.
Hậu quả của các vụ thử hạt nhân đang làm suy yếu các em nhỏ, thế hệ tương lai của chúng tôi", ông nói, và nhấn mạnh: "Sẽ rất khó khăn cho chúng tôi khi phải đơn độc gánh chịu toàn bộ phí tổn trong việc giải quyết vấn đề có tầm cỡ toàn cầu này". Nhân dịp này, giới chức thành phố đã công khai tưởng niệm khoảng 100.000 người tính cả ba thế hệ, bị ảnh hưởng từ các vụ thử hạt nhân (theo ước tính của Liên Hiệp Quốc). "
Số trẻ em mắc các bệnh di truyền vẫn tiếp tục được sinh ra", Bulat Ismailov, một giáo sư tại Viện Ung thư Quốc gia Kazakhstan nói. Cũng trong năm 2001, chính phủ Kazakhstan xây đài tưởng niệm các nạn nhân của bãi thử tại thành phố Semipalatinsk. Họ đặt tên đài tưởng niệm là "Mạnh mẽ hơn cái chết". Tuy nhiên, vấn đề ở Semipalatinsk lại khiến Kazakhstan rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Các quan chức hạt nhân lúc ấy lại tính đến phương án "mời" nhập khẩu rác thải hạt nhân có độ phóng xạ vừa và thấp vào chính nước này để lập quỹ, từ đó làm sạch ô nhiễm hạt nhân trong vùng.
Hồ Chagan là kết quả của một vụ nổ hạt nhân năm 1965. Hồ nước này nằm trong chương trình thử nghiệm tiềm năng ứng dụng công nghệ hạt nhân cho những hoạt động như làm kênh đào, hồ chứa, khoan dầu, hay di chuyển một khối lượng đất lớn. Một thiết bị được đặt trong hố sâu 178m dưới lòng sông Chagan. Khi thiết bị phát nổ, một hố rộng 400m và sâu 100m hình thành. Sau đó, người ta đào kênh để dẫn nước vào hồ. Nước ở hồ Chagan bị nhiễm xạ và có mức phóng xạ cao gấp 100 lần mức cho phép. Nơi này không có cá, động vật hoang dã hay chim chóc sinh sống. Mặt nước thường xuyên bốc mùi hôi nồng nặc.
Hồ Chagan đã trở thành một điểm du lịch hút khách với tên gọi Hồ Nguyên Tử. Tuy nhiên, du khách phải mặc quần áo bảo hộ và mặt nạ trước khi tới tham quan nhưng họ không được phép chạm vào nước hồ hay xuống bơi ở đây. Cách hồ nước một khoảng không xa có ngọn đồi, nơi còn di tích của trung tâm điều khiển - một boongke bê tông bị phá hủy trong vụ nổ.