Trở ngại khi Nhật Bản muốn thay thế phi đội F-2

Thứ Tư, 11/12/2019, 14:55
Nhật Bản có kế hoạch cho "nghỉ hưu" phi đội tiêm kích F-2 nói trên của mình vào cuối những năm 2030. Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp phải những trở ngại nhất định về tài chính, cũng như bản thân kế hoạch của Tokyo và về mối quan hệ Mỹ-Nhật.

Nhật Bản đang ở giai đoạn đầu của quá trình thay thế phi đội tiêm kích đa năng  F-2 Mitsubishi được chế tạo cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JASDF). Loại tiêm kích động cơ đơn này do Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật và nhà thầu phụ chính là Lockheed Martin phát triển, dựa trên chiến đấu cơ phản lực đa nhiệm F-16 Fighting Falcon của Lockheed Martin.

Tuy nhiên, kể từ khi F-2 lần đầu tiên được đưa vào phiên chế năm 2000, đã có nhiều thay đổi diễn ra ở khu vực Đông Bắc Á như ghi nhận trong Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019, trong đó lưu ý các nước láng giềng đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân cũng như đẩy mạnh công nghệ tên lửa. Do đó, Nhật Bản vừa muốn có một loại chiến đấu cơ có khả năng răn đe trong khu vực vừa muốn đầu tư vào nhiệm vụ quốc phòng.

Loay hoay cho kế hoạch

Các kế hoạch thay thế F-2 của Tokyo luôn thay đổi kể từ năm 2010 song các nguồn tin của chính phủ tiết lộ nước này đang cân nhắc 4 lựa chọn. Thứ nhất, tự phát triển hoàn toàn dựa vào các tập đoàn công nghiệp quốc phòng trong nước. 

Ví dụ, đầu tư vào các loại thiết bị bay không người lái cho phép sử dụng chiến lược "bầy đàn" tương tự những gì mà Không quân Mỹ đang lập kế hoạch cho tương lai, trong đó một phi công có thể điều hành phi đội thiết bị bay không người lái từ một tiêm kích như F-35. Lựa chọn thứ hai là tự phát triển một loại máy bay mới với sự tham gia của nước ngoài. 

Chiến đấu cơ F-2 Mitsubishi của Nhật Bản.

Thứ ba, thay thế F-2 hiện nay bằng một dòng máy bay "lai" giữa máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Lockheed Martin F-22 Raptor, mang biệt danh "Chim ăn thịt", và máy bay tiêm kích bom phối hợp F-35 Lightning II. Lựa chọn cuối cùng là xây dựng mô hình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 "Tempest" mà Anh đang có kế hoạch phát triển để dẫn đến khả năng cùng hợp tác.

Vì vậy, thách thức ở đây là Nhật Bản phải xác định được các nhu cầu của mình. Một tính toán khác đó là Trung Quốc, nước vốn đang tích cực phát triển chiến đấu cơ hiện đại và tăng cường cấu trúc không quân của mình một cách đáng kể trong vài năm qua.

Zack Cooper, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng việc dàn xếp giữa Mỹ và Nhật Bản để đối phó với các cuộc xung đột trong tương lai đóng một phần quan trọng, trong đó Mỹ được coi là "thanh gươm" còn Nhật Bản là "lá chắn" trong mối quan hệ liên minh này. 

Nếu Nhật Bản không cần chiến đấu cơ của mình phải là loại hiện đại nhất thì Tokyo sẽ phải quyết định loại chiến đấu cơ có tổng hợp các năng lực cần thiết một cách phù hợp. Nói cách khác, Nhật Bản phải quyết định thế hệ chiến đấu cơ mới của Mỹ cần có mức độ tàng hình như thế nào cũng như cần phải có năng lực như thế nào trong việc tiến hành các cuộc oanh kích nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất hoặc trên biển.

Cooper cũng nói rằng Nhật Bản đối mặt với câu hỏi khó là một phiên bản của một chiến đấu cơ vừa hiện đại vừa đơn giản trông sẽ như thế nào. Theo ông, sẽ là chi phí sinh lợi hơn cho Nhật Bản để sở hữu một số chiến đấu cơ hiện đại như F-35 và một số khác có năng lực cao song có thể hoạt động theo chiến thuật bầy đàn.

Theo James Schoff, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về chương trình châu Á thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, Nhật Bản đang thảo luận liệu nước này có thể chỉ cần một loại chiến đấu cơ "ngựa thồ" giá rẻ có khả năng đối phó với máy bay có khả năng gây thù địch vốn thường xuyên đi vào không phận Nhật Bản hay không.

Sau thời gian dài nghiền ngẫm, tháng 2-2019, Nhật Bản đã quyết định phát triển một máy bay tàng hình do chính mình chế tạo. Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố phát triển một chiến đấu cơ loại mới, hiện được đặt tên là Chiến đấu cơ Tương lai hay máy bay siêu tàng hình F-3 thế hệ thứ 6 như một phần của Chương trình Quốc phòng Trung hạn theo đó đặt ra các quyết định hiện đại hóa và mua sắm cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong vòng 10 năm tới. Theo bộ này, F-3 dự kiến sẽ thay thế Mitsubishi F-2.

F-3 là máy bay chiến đấu chiến thuật hạng nhẹ động cơ đơn được phát triển từ mô hình chiến đấu cơ đa nhiệm siêu thanh F-16 của Mỹ song sử dụng thêm công nghệ của Nhật Bản. 

Tuy nhiên, dựa trên những dự án ban đầu và hai mẫu máy bay được chào hàng đến Nhật Bản thì F-3 có thể là mô hình động cơ đôi. Điều này có thể là do động cơ đôi có lợi thế khi tuần tra ở những khoảng cách xa hơn với độ tin cậy lớn hơn và khả năng tái khởi động một động cơ nhờ động cơ còn lại ngay khi máy bay đang trên không. Ngoài ra, máy bay tiêm kích đánh chặn F-15J của Nhật Bản, động cơ đôi, cũng sắp đến thời kỳ quá đát. Vì vậy, mẫu F-3 có thể thay thế cả F-2 và F-15J.

Bên cạnh đó, F-3 cũng là cách để Nhật Bản duy trì khả năng chế tạo hàng không nội địa của mình. Quyết định trước đây về F-2 dựa trên mô hình F-16 của Mỹ đã gây tranh cãi ở Nhật Bản do giới hạn chuyển giao công nghệ từ Mỹ sang Nhật. Vì vậy, có khả năng Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ có động thái nhượng bộ đối với ngành chế tạo hàng không trong nước bằng thương vụ F-3.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang sẵn sàng mua 147 tiêm kích F-35 mà 42 chiếc trong số đó có thể là kiểu máy bay F-35B cất cánh đường bay ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Liệu có phải thay thế cho Mitsubishi F-2 hay không? Lý giải ở đây là F-35 có thể sẽ dẫn đến thay thế cho F-4EJ, máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Nhật Bản có từ những năm 1970, không còn nhiều tin cậy trong chiến sự hiện đại.

Khó về tài chính

Chương trình thay thế F-2 có thể lên tới hàng nghìn tỷ yên. Một chương trình truyền hình Nhật Bản hồi tháng 3-2018 tiết lộ rằng chi phí phát triển dự án F-3 vào khoảng 5 nghìn tỷ yen (tương đương gần 45 tỷ USD). Tuy nhiên, con số này có thể "đội" lên so với ước tính ban đầu. 

Trong trường hợp tự chế tạo trong nước thì Tokyo vẫn gặp phải không ít thách thức đối với dự án thay thế F-2, trong đó chi phí rất cao và các tập đoàn công nghiệp quốc phòng nước này không có đủ kinh nghiệm.

Tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản dẫn một thông báo của bộ nói rằng Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn phát triển một dự án chung với các tập đoàn nước ngoài để giảm chi phí tài chính.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chi 190 tỷ yen (1,69 tỷ USD) để phát triển động cơ và hệ thống điện tử cho F-3. "Do đó, chính phủ đang tìm cách chia sẻ gánh nặng tài chính với các đối tác Anh hoặc Đức-Pháp vì các nước này cũng đang tìm cách phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới", tờ Mainichi Shimbun ghi nhận. 

Tuy nhiên, một chương trình hợp tác quốc tế như thế có thể dẫn đến những khó khăn trong quá trình phối hợp những yêu cầu khác nhau về thời hạn, năng lực và phân chia nhiệm vụ giữa các đối tác.

Chuyên gia an ninh châu Á Benjamin Rimland đã gán mác ý tưởng hợp tác quốc tế này của Nhật Bản trong việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 là "không thể thực hiện được". 

Chuyên gia Rimland thuộc Quỹ Marshall Đức ở Washington nói: "Nhật Bản đang ở vị thế khó khăn vì đang phải nỗ lực cho dự án thay thế F-2 (thế hệ thứ 4) bằng F-3 (thế hệ thứ 6) vì các nước phương Tây khác đang ở giai đoạn giao thời giữa các thế hệ máy bay chiến đấu. Nói cách khác, chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đang được lực lượng quân sự phương Tây sử dụng và sẽ phải mất nhiều năm nữa mới chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 6".

Theo Rimland, Nhật Bản có thể có hai lựa chọn khả thi cho dự án thay thế F-2. Đó là xây dựng trên những thỏa thuận hiện tại với Anh để cùng phát triển một chiến đấu cơ loại mới hoặc đợi cho đến khi chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 ra đời rồi sau đó hợp tác với một nước khác để cùng phát triển.

"Ký ức buồn"

Trong hơn 60 năm qua, Mỹ luôn là đối tác chính của Nhật Bản đối với các dự án quốc phòng thông qua mua sắm trực tiếp hoặc hợp tác. Tuy nhiên, nhiều thách thức đối với hợp tác song phương tiếp tục đe dọa sự phát triển hiệu quả của F-3, chương trình phòng thủ mới nhất và tham vọng nhất của Nhật Bản. Mặc dù trở thành một nhân tố hỗ trợ quan trọng đối với mối  quan hệ hợp tác liên minh và đem lại lợi nhuận lớn cho các cổ đông ở cả hai nước song các chương trình hợp tác vũ khí thường bộc lộ tranh cãi. 

Nói cách khác, các chương trình mua sắm quốc phòng làm lu mờ sự khác biệt giữa các vấn đề kinh tế và quốc phòng, mà lẽ phải thông thường cho rằng cần được phân biệt rạch ròi trong mối quan hệ Mỹ-Nhật. Việc "mua của Mỹ" và "phát triển ở Nhật Bản", vốn bị làm trầm trọng hơn bởi những căng thẳng thương mại ở phạm vi rộng lớn hơn, cũng có thể làm bùng nổ tranh cãi. 

Trong chương trình sản xuất máy bay chiến đấu FSX của Nhật Bản những năm 1980, những quan ngại về cạnh tranh kinh tế và an ninh công nghệ đã cản trở quá trình hợp tác tích cực đối với dự án mà sau này trở thành chiến đấu cơ F-2 của Nhật Bản. Tất cả những yếu tố này hiển hiện rõ trong chương trình phát triển chiến đấu cơ F-3. 

Việc định hình thành công lộ trình hợp tác Mỹ-Nhật đối với chương trình này có thể khiến F-3 trở thành một trụ cột để xây dựng quan hệ hợp tác liên minh trong mua sắm quốc phòng. Ngược lại, thất bại trong việc này có thể kích động một cuộc tranh cãi khác giống như với chương trình FSX đồng thời hủy hoại những triển vọng hợp tác trong tương lai.

Mô hình chiến đấu cơ F-3 thế hệ thứ 6 của Nhật Bản thay thế cho F-2.

Ngay từ những cuộc thảo luận ban đầu về chương trình F-3 này, Mỹ và Nhật đã bộc lộ khác biệt khi giới chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh vào yêu cầu năng lực và những khái niệm hoạt động, trong khi đó, phía Nhật Bản lại tập trung vào phát triển công nghệ. Những mối ưu tiên khác biệt này đã làm nảy sinh thách thức cho chương trình F-3. Những ưu tiên của Tokyo khiến Lầu Năm Góc không thể trả lời câu hỏi vì sao Mỹ cần hỗ trợ Nhật Bản phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. 

Để biện minh cho việc tiết lộ công nghệ hiện đại của Mỹ, Bộ Quốc phòng cần giải thích việc chuyển giao công nghệ hiện đại cho F-3 của Nhật Bản sẽ giúp củng cố những năng lực quan hệ đồng minh như thế nào. Trong khi đó, những thảo luận về chương trình F-3 bị phủ bóng đen về "ký ức buồn" giữa Mỹ-Nhật liên quan chương trình F-2 trước đây vốn bị tác động bởi căng thẳng thương mại và không nằm trong bất kỳ đánh giá nào về lợi ích liên minh.

Bên cạnh đó là yếu tố nước Anh khi quan hệ quốc phòng giữa London và Tokyo dần mở rộng trong những năm gần đây. Các nguồn tin tiết lộ rằng đàm phán Nhật-Anh về dự án F-3 khá cởi mở và linh hoạt. Một số giới chức Nhật coi hợp tác với Anh là cách để không bị áp đặt những giới hạn quá đáng của Mỹ về chuyển giao công nghệ, do đó đảm bảo Tokyo có thể đạt được lợi ích thực sự cho ngành công nghiệp hàng không của mình. 

Mặc dù vậy, cả Nhật Bản và Anh đều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Mỹ. Vì vậy, mức độ tham gia của Mỹ sẽ phục thuộc vào tiến triển đàm phán Mỹ-Nhật trong đó tính đến mức độ sẵn sàng bao gồm cả sự tham gia của Anh.

Ngọc Hà (tổng hợp)
.
.