Trùm khủng bố Abu Nidal từng làm điệp viên cho Mỹ

Thứ Ba, 18/11/2008, 10:00
Theo những tiết lộ mới đây của tờ báo Anh The Independent, Cơ quan Cảnh sát mật vụ Iraq trước đây từng đưa ra giả thuyết cho rằng, tên trùm khủng bố đánh thuê nổi tiếng Abu Nidal có thể đã làm việc cho người Mỹ cũng như cả Ai Cập và Kuwait. Những giả thuyết này xuất phát từ những lần Cảnh sát Iraq thẩm vấn Nidal vào thời điểm chỉ còn vài tháng trước khi liên quân Anh - Mỹ đổ quân vào quốc gia này.

Cụ thể là những tài liệu mật được tờ báo của Anh khai thác cho thấy, Cơ quan mật vụ của Saddam Hussein đã buộc tội Nidal trong một âm mưu hợp tác với người Mỹ cũng như Ai Cập và Kuwait để tìm kiếm bằng chứng về mối quan hệ của Hussein với Al-Qaeda.

Theo như tác giả của bài báo là Robert Fisk, Tổng thống Bush dường như rất cần sử dụng những thông tin Nidal đã thu thập được để biện hộ cho hành động đưa quân vào Iraq hồi năm 2003 (lý do hàng đầu được đưa ra là chế độ của Saddam Hussein có tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt). Tuy nhiên, tên khủng bố này đã chết vào năm 2002 trong hoàn cảnh chưa được làm sáng tỏ: trong khi phía Iraq tuyên bố đây là vụ tự sát, báo chí phương Tây lại cáo buộc đây là hành động của Cơ quan mật vụ trong chế độ S.Hussein.

Cần nhắc lại là tên khủng bố Abu Nidal (tên thật là Khalil Sabri al-Banna) trước khi chết đã “nổi tiếng” khi là tác giả của hàng loạt những vụ tấn công khủng bố làm hơn 900 người chết và bị thương tại 20 quốc gia khác nhau. Những giờ phút cuối cùng của Nidal đã được mô tả rất chi tiết trong nhiều báo cáo mật của Cơ quan tình báo trực thuộc Tổng thống S.Hussein (còn gọi là “Special Intelligence Unit M4”) trong năm 2002. Theo những tài liệu này, Abu Nidal đã từng hoạt động theo yêu cầu của các nhân viên tình báo Ai Cập, Kuwait, cũng như các đối tác người Mỹ của họ.

Cũng theo nhà báo Robert Fisk, chỉ 5 ngày sau cái chết của Nidal, Chỉ huy Cơ quan Tình báo Iraq khi đó là Taher Jalil Habbush đã tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Baghdad rằng, Nidal đã tự kết liễu đời mình, trước khi các nhân viên an ninh xâm nhập được vào căn hộ của hắn ta. Tuy nhiên, nội dung của những tài liệu này lại cho thấy, Nidal đã bị bắt sống và bị thẩm vấn hết sức kỹ lưỡng. Những gì được nhắc tới trong đó (không nói rõ liệu Nidal có bị tra tấn hay không) đã gián tiếp thừa nhận rằng, việc Nidal đặt chân tới Iraq “là để tìm kiếm lý do cho người Mỹ để họ có thể tuyên bố Iraq đã bảo trợ cho các tổ chức khủng bố”.

Abu Nidal trước đó không phải là một cái tên quá xa lạ tại Iraq. Bản thân tên “lính đánh thuê” này, theo như giải thích của The Independent, cũng từng phục vụ cho chính chế độ trước đó tại Baghdad. Cụ thể là theo “đơn đặt hàng” của chính Baghdad, Nidal đã tổ chức vụ ám sát Đại sứ Shlomo Argov của Israel tại London vào năm 1982 – một sự kiện đã khiến Israel quyết định đưa quân vào Liban sau đó. Năm 1985, những tay súng của hắn ta còn tấn công các hành khách Israel tại các sân bay ở Rome và Vienna, sát hại tổng cộng 18 người. Thậm chí theo Patrick Seale, người viết tiểu sử của Nidal, tên khủng bố này còn có thời gian làm việc cho cả Cơ quan Tình báo Mossad của Israel. Những tài liệu của tình báo Iraq còn cho biết, Nidal đã lập kế hoạch chế tạo tới 14 quả bom vali khác nhau để sát hại một số lượng lớn người nước ngoài – chủ yếu là người Thụy Sĩ và Áo – tại miền Bắc Iraq, là nơi có đại đa số người Kurd sinh sống.

Hiện trường vụ thảm sát tại sân bay Romec.

Theo bài báo, cái chết của Abu Nidal được mô tả trong các tài liệu trên một cách rất sơ sài: “Sau khi được lệnh đi theo người canh gác để chuẩn bị cho một buổi thẩm vấn tiếp theo, hắn đã đề nghị được thay quần áo. Sau khi vào phòng ngủ của mình, hắn đã tự sát. Mọi nỗ lực cứu sống hắn đều không có kết quả...”. “Xác của Sabri al-Banna – theo như phần cuối của một bản báo cáo – được chôn vào ngày 29-8-2002 tại Nghĩa trang Hồi giáo al-Karakh (Baghdad)”. Hiện vẫn chưa rõ vị trí cụ thể của ngôi mộ, chỉ biết rằng có cả một đoạn băng hình và những bức ảnh chụp ghi lại trong hồ sơ đã được đánh mã số là “M7”.

Abu Nidal khi còn sống đã được đánh giá chẳng khác gì một mối đe dọa tương tự như Bin Laden.

Những vụ khủng bố do Abu Nidal đứng ra tổ chức:

- Năm 1978: Tổ chức “Black June” của hắn bị buộc tội sát hại một loạt các thành viên Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tại London, Paris, Madrid, Brussels, KuwaitRome.

- Năm 1982: Đại sứ Shlomo Argov của Israel tại Anh bị bắn ở Mayfair, tuy không chết nhưng bị liệt suốt đời.

- Năm 1984: Một chiếc máy bay của Jordan bị nhóm của Nidal bắn rốckét khi vừa cất cánh khỏi Athens. Trong năm này, Nidal còn tổ chức một số vụ ám sát nhằm vào Tùy viên Văn hóa Anh tại Athens và Phó Cao ủy của Anh tại Mumbai.

- Năm 1985: Một máy bay của Ai Cập bị không tặc: 6 hành khách bị sát hại và 60 người bị thương khi lực lượng đặc nhiệm Ai Cập tấn công nhằm giải cứu máy bay.

- Năm 1985: Các tay súng của Nidal sát hại 18 người và làm 120 người bị thương khi tấn công các khu kiểm soát vé của El Al tại sân bay Vienna và Rome.

- Năm 1986: Một tay súng của Nidal sát hại 22 người tại một giáo đường Do Thái ở Istanbul; một thời gian sau có ít nhất 20 hành khách và nhân viên phi hành đoàn bị sát hại khi một máy bay của Hãng Pan Am bị không tặc ở Karachi.

- Năm 1988: 9 người chết và 98 người bị thương khi các tay súng của Nidal tấn công một tàu thủy của Hy Lạp tại Poros

Linh Nga (tổng hợp)
.
.