Trùm phản gián Boris Pash của CIA

Thứ Sáu, 16/11/2007, 11:10
Mùa thu năm 1947, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cùng với Cơ quan Phản gián quân sự triển khai chiến dịch "Bloodstone" (Hòn đá máu) với mục đích chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Liên Xô.

Đây có thể coi là một trong những chiến dịch tình báo thù địch đầu tiên của Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II với sự tham gia đông đảo của đội ngũ điệp viên và nhân viên phản gián Mỹ. Gắn liền với chiến dịch này phải kể tới Đại tá Boris Pash, từng được mệnh danh trong lịch sử là một "con cáo già" tình báo Mỹ...

Có công lớn trong dự án bom nguyên tử của Mỹ

Trong dự án “Bloodstone”, một trong những mục tiêu đầu tiên chính là thanh trừng một loạt điệp viên hai mang, cũng như truy quét các mạng lưới tình báo Xôviết tại các trại tập trung người tị nạn của Anh và Mỹ, trong đó không từ cả những cuộc tàn sát đẫm máu.

Chẳng hạn như tại Trại Mittenvald của Mỹ (Bavaria – Đức), CIA đã sát hại một lúc hơn 100 người Ukraina là thành viên của Tổ chức dân tộc Ukraina bị nghi ngờ là các điệp viên Xôviết. Theo chỉ thị của chỉ huy trại này, thi thể của những người bị sát hại đã bị đem đốt trong các lò nướng bánh mỳ.

Tác giả của nguyên tắc “Càng thanh trừng nhiều, càng loại bỏ được nhiều điệp viên của Moskva”, không ai khác chính là Boris Pash. 

Ban đầu, tình báo Xôviết chỉ biết được về Pash chủ yếu từ các tài liệu về vụ truy lùng Giáo sư Robert Oppenheimer, người từng lãnh đạo về mặt khoa học của dự án Manhattan về chế tạo bom nguyên tử.

Pash trong một chuyến săn lùng thông tin nguyên tử của phát xít Đức trong khuôn khổ sứ mạng "Alsos".

Chính Boris Pash là kẻ đầu tiên đã buộc tội nhà khoa học này là “đáng ngờ về mặt chính trị, thiếu tinh thần yêu nước cũng như có quan hệ với Cộng sản”. Tại Mỹ, Boris Pash được mệnh danh là “chuyên gia đấu tranh chống lại sự thâm nhập của chủ nghĩa Cộng sản”.

Trong quá khứ, Pash đã từng nổi danh về vai trò lãnh đạo sứ mạng “Alsos”. Mục đích của sứ mạng này là săn lùng và chuyển về nước Mỹ hàng chục tấn nguyên liệu uranium, trang bị, tài liệu và những thông tin quan trọng thu được từ các nhà khoa học Đức bị bắt giữ.

Chính thành công của chiến dịch “Alsos” đã giúp Mỹ thúc đẩy nhanh được quá trình chế tạo 5 quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ, 2 trong số đó đã được ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Đơn vị đặc nhiệm của Đại tá Pash (có biên chế 480 người) đã hoạt động hết sức ráo riết tại mặt trận phía đông, nhiều khi còn đi trước cả các đơn vị tiên phong của quân đồng minh. 

Chẳng hạn như Pash cùng các điệp viên của mình đã táo bạo xâm nhập vào một vùng của Pháp khi đó đang bị quân Đức chiếm đóng, phát hiện và bắt giữ được 14 nhà khoa học hạt nhân của Đức (trong đó có 2 người từng đoạt giải Nobel) cùng nhiều mẫu uranium và tài liệu quan trọng.

Với phương châm luôn phải là người đầu tiên, Boris Pash đã có mặt trên một chiếc xe jeep cùng với 5 chiếc xe tăng đầu tiên của Anh tìm cách tiến thẳng vào Paris khi đó còn chưa được giải phóng.

Trước hỏa lực dày đặc của quân Đức, Pash đã phải rút lui tới 4 lần nhưng cuối cùng vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Ông ta là người đầu tiên có mặt tại phòng thí nghiệm Julio-Curie để thu thập được rất nhiều tài liệu quan trọng về chế tạo bom nguyên tử.

Pash còn có công tìm được một kho chứa nguyên liệu hạt nhân của Đức trong một mỏ muối ở miền Tây nước Đức. Cuối tháng 4/1945, Pash đã có mặt tại phía nam Leipzig chỉ vài giờ trước khi quân đội Xôviết tràn vào đây. Ông ta đã moi được từ một văn phòng 16 hộp chất phóng xạ radium không có lớp vỏ bảo vệ, rồi quẳng vội lên xe của mình chạy về phía tây.

Trên cả chặng đường dài về căn cứ, Pash đã bị bỏng chân phải vì chất phóng xạ, và ảnh hưởng của tai nạn này còn hành hạ ông ta suốt những năm cuối đời. --PageBreak--

Vài nét về Boris Pash

Boris Pash sinh ngày 20/6/1900 tại SanFrancisco. Cha của ông ta là Theodore Pashkovsky, một thầy tu gốc Nga được giáo hội cử sang Mỹ. Năm 1906, Pashkovsky trở về Nga để làm linh mục trong quân đội vào thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ I.

Thời trẻ, Boris Pash đã gia nhập lực lượng Bạch vệ để chống lại cách mạng, sau đó chạy sang Mỹ. Tốt nghiệp đại học ở Mỹ, Pash có thời gian là vận động viên nổi tiếng tại California. Ông ta nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các quan chức tình báo và được mời gia nhập Cơ quan Phản gián quân đội.

Dù là một người gốc Nga lưu vong, nhưng Pash với khả năng đặc biệt của mình đã nhanh chóng được cất nhắc, đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo quan trọng trong dự án Manhattan cũng như sứ mạng “Alsos”.

Nhiều người vẫn nhớ về một “trò mạo hiểm” của Pash để thu hút sự chú ý và lấy lòng cấp trên. Khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, Pash (khi đó mới 39 tuổi) đã có một hành động táo bạo để thể hiện mình.

Vào giữa đêm, ông ta lẳng lặng bò vào chỉ huy sở một đơn vị quân đội tại California, bất chấp nguy cơ bị lính gác phát hiện và bắn chết. Pash sau đó đã an toàn trở ra với một chiếc cặp tài liệu mật và giấu nó đi.

Đến hôm sau, ông ta có mặt tại Cục Phản gián quân đội để kể lại chuyện này, giải thích động cơ chỉ là để chứng tỏ tình trạng mất cảnh giác trong việc bảo vệ các cơ sở và tài liệu bí mật. Pash không bị kết án (do cặp tài liệu chưa bị phá niêm phong) mà còn nhanh chóng được nhận vào làm việc tại Cơ quan Phản gián địa phương.

Sau khi được đánh giá cao trong vai trò đảm bảo an ninh cho dự án Manhattan, Pash còn tiếp tục “nổi tiếng” trong nỗ lực chèn ép và loại bỏ Giáo sư Robert Oppenheimer ra khỏi các dự án nghiên cứu vũ khí hạt nhân tiếp theo của Mỹ.

Bị thất sủng

Trong giai đoạn 1946-1947, Pash được cử sang phục vụ trong lực lượng quân đội Mỹ đang chiếm đóng tại Nhật. Theo những nguồn tin nội bộ, nhiệm vụ chính của “điệp viên nguyên tử và chuyên gia phản gián” nổi tiếng Boris Pash tại xứ sở mặt trời mọc là điều tra về các hoạt động nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử và vũ khí sinh học trước đây của phát xít Nhật.

Trong chiến dịch Bloodstone (1948-1951), Pash lại tham gia với vai trò đại diện của tình báo quân đội tại CIA. Ngoài các nỗ lực thanh trừng điệp viên Xôviết như đã nói ở trên, Pash cùng với các nhân viên CIA đã đóng vai trò rất lớn trong việc dựng lên tổ chức thanh niên Bund Deutsher Jungen, thu hút các cựu chiến binh của phát xít Đức nhằm chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản tại Tây Đức.

Ngoài các đảng viên Cộng sản, trong “danh sách đen” cần thanh trừng của CIA còn có một loạt các chính trị gia và lãnh tụ công đoàn nổi tiếng tại Tây Đức có quan điểm thiên tả hay ủng hộ quan hệ hợp tác hữu nghị với Liên Xô.

Với việc phe dân chủ xã hội lên nắm quyền tại CHLB Đức, nhiều hoạt động trái phép của CIA trong khuôn khổ chiến dịch Bloodstone bắt đầu được điều tra.

Cảnh sát Đức còn phát hiện được một tài liệu cho thấy, CIA đã bí mật cung cấp tiền và vũ khí cho một nhóm thanh niên Đức để chúng tham gia các hoạt động khủng bố và sát hại những người bất đồng chính kiến.

Sự kiện này đã giáng một đòn nặng nề lên uy tín của CIA khiến Thượng viện Mỹ phải thành lập cả một ủy ban riêng để điều tra. Nhưng khác với nhiều đồng nghiệp và nhân viên của mình, Boris Pash lại không hề hấn gì, do không tìm thấy những tài liệu khẳng định có sự dính líu của ông ta.

Dù sao đến năm 1957, Boris Pash cũng buộc phải về nghỉ, sau khi một số nhân viên bị kết án do phẫn nộ trước vai trò “tốt thí” của mình, đã lên tiếng tố cáo vai trò chủ đạo của ông ta trong chiến dịch Bloodstone.

Pash còn cố làm thêm tại Bộ Ngoại giao được 6 năm nữa rồi mới nghỉ hẳn, sau một lần bị gọi ra điều trần về vụ Bloodstone. “Người hùng” của Cơ quan Phản gián Mỹ qua đời vào ngày 11/5/1995 và được chôn tại một khu nghĩa trang dành cho những người gốc Nga tại SanFrancisco

Thái Quân (tổng hợp)
.
.