Trung Quốc: Ngân sách quốc phòng "chỉ" tăng... 7%
- Trung Quốc thử nghiệm thành công phiên bản mới Wing Loong II
- Tổng thống Mỹ cứng rắn với chính sách tiền tệ của Trung Quốc
Chi thấp nhưng vẫn theo đuổi con đường hiện đại quân đội
Con số trên được đưa ra trong dự thảo ngân sách quốc gia năm 2017, trình lên kỳ họp thường niên lần thứ 5 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XII đang diễn ra. Theo luật ngân sách và luật quốc phòng Trung Quốc, ngân sách quốc phòng mỗi năm được nêu trong dự thảo báo cáo ngân sách nhà nước sẽ do các đại biểu quốc hội xem xét và thông qua.
Nhiều quan chức Trung Quốc đánh giá, mức chi tiêu quốc phòng này phù hợp với sự phát triển kinh tế và nhu cầu quốc phòng của Trung Quốc. Con số công bố là vậy, tuy nhiên, nhiều nhà quan sát khu vực và thế giới cho rằng, con số chi tiêu quốc phòng thực tế của Bắc Kinh có thể cao hơn nhiều bởi Trung Quốc đang tập trung nhân lực, vật lực cho công cuộc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình.
Lực lượng đặc nhiệm cũng được PLA chú ý phát triển: Ảnh: Armaholic. |
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Câu hỏi là tại sao Trung Quốc chỉ tăng chi quân sự khoảng 7% trong năm 2017 trong khi Bắc Kinh tiếp tục chương trình hiện đại hóa mạnh mẽ quân đội của nước này.
Kênh Aljazeera.com dẫn lời nhà nghiên cứu Graham Ong-Webb, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam của Singapore, cho rằng Trung Quốc có xu hướng tập trung ngân sách quốc phòng cho việc mua sắm các trang thiết bị và hiện đại hóa vũ khí của mình. Trong khi đó, ông Arthur Ding, một chuyên gia quân sự tại Đại học Chengchi ở Đài Loan, cho rằng Trung Quốc đã khiến nhiều người bất ngờ khi công bố mức tăng ngân sách quốc phòng thấp như vậy.
Telegraph dẫn lời ông bình luận: "Trong bối cảnh Trung Quốc đang theo đuổi nhiều chương trình hiện đại hóa, như tái tổ chức lực lượng, cắt giảm quân số và mua nhiều trang thiết bị tiên tiến, nhiều người dự đoán một mức tăng cao hơn…". Theo chuyên gia quân sự Richard Bitzinger, người hiện cũng đang làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Trung Quốc đang phải kiềm chế, nhất là tham vọng hiện đại hóa quân đội, ít nhất là trong lúc này.
Báo mạng Telegraph (Anh) dẫn lời ông nói: "Điều này rõ ràng là xuất phát từ thực tế nền kinh tế đang chậm và áp lực từ phía Chính phủ buộc Quân giải phóng nhân dân - PLA phải 'san sẻ' gánh nặng chi phí, khi giới chức phải thắt lưng buộc bụng… Sau hơn 15 năm có được mức tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 2 con số, PLA hiện đang bắt đầu phải hạn chế bớt tham vọng của mình".
New York Times dẫn lời một vị tướng Hải quân của Trung Quốc cho biết: "Nếu Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa, tôi cho rằng việc tăng trưởng kinh tế chậm cũng sẽ không thể ngăn Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng… Mức tăng ngân sách quốc phòng 7% là đủ để cho phép Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, hai hướng phát triển trọng điểm hiện nay. Năm 2016, Hải quân Trung Quốc đã được bổ sung 22 tàu chiến để thay thế các tàu đã cũ. Mức tăng ngân sách này nhằm tiếp tục tiến độ hiện đại hóa như năm vừa qua.
Bề nổi những con số
Các chuyên gia nhận định, với sự giảm sút trong khu vực công nghiệp, trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc giảm chi dần. Năm 2015, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 10,1% so với năm trước, trong khi con số tăng của 2013 là 12,2%, của 2012 là 11,2% và 2011 là 12,7%. Nhận xét về mức tăng chi cho quốc phòng, một tướng Trung Quốc đã nghỉ hưu cho rằng, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ đã tăng 10%, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 12% là lý tưởng nhất, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời vị tướng này nói.
Một loại tên lửa chiến lược của PLA. Ảnh: Air Power Australia. |
Vương Bình, một chuyên gia lại phân tích cho rằng, chưa chắc con số trên đã hoàn toàn chuẩn xác. Nếu đó là sự thật, con số chi quốc phòng chiếm khoảng 1,3% GDP của Trung Quốc hiện ít hơn nhiều nước khác. Cụ thể, ngân sách quân đội Nga chiếm khoảng 4,5% GPD nước này. Mỹ chi trên 3% GDP cho quốc phòng.
Trong NATO, mục tiêu chi quốc phòng là 2% GDP. Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trên thực tế chi quốc phòng của Trung Quốc chiếm khoảng 2% GDP. Trung Quốc đang tụt lại phía sau Mỹ và Nga về các lực lượng hạt nhân chiến lược. Tuy nhiên, tất cả thông tin về lực lượng tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân là tuyệt mật.
Trong khi đó để hoàn thành cơ giới hóa quân đội, Trung Quốc cần ít nhất từ 10 - 15 năm. Chính vì vậy, Trung Quốc nếu không tăng ngân sách, quân đội Trung Quốc sẽ không thể theo kịp quân đội Nga và Mỹ.
Lấy một ví dụ, hiện quân đội Trung Quốc vẫn còn sử dụng nhiều vũ khí từ những thập niên 1970 và 1980. So sánh tương quan lực lượng, lực lượng vũ trang Nga có 15.000 xe tăng so với con số 9.000 của Trung Quốc, 31.000 xe bọc thép so với 4.700 của Trung Quốc và gần 6.000 pháo tự hành so với 1.700 của Trung Quốc, dự tính trước năm 2020 số lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc sẽ tăng lên 351 chiếc.
Trong khi đó, tháng 12 năm 2016, đồng minh châu Á của Mỹ là Nhật Bản đã thông qua kế hoạch chi tiêu quốc phòng 43,5 tỷ USD, tăng 1,4% so với năm trước đó. Còn nước Mỹ cũng đề xuất khoản ngân sách khổng lồ 603 tỷ USD cho quốc phòng. Với con số đề xuất tăng khủng như vậy, nhiều khả năng, ngân sách quốc phòng của Mỹ vốn đã cao nhất thế giới, sẽ tiến tới gần con số chiếm 10% GDP. Mặc dù những thông tin chi tiết cho kế hoạch này chưa được tiết lộ, song như khẳng định của ông Donald Trump, đây sẽ là công cuộc củng cố sức mạnh quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trong kế hoạch ngân sách mới cho quốc phòng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự định tăng số lượng tàu chiến và tàu ngầm từ 276 tàu lên 350 tàu. Tổng thống Mỹ từng tuyên bố rằng ông sẽ mở rộng số quân nhân tại ngũ từ 480.000 người lên 540.000 người; tăng cường sức mạnh Thủy quân lục chiến lên đến 36 tiểu đoàn từ 23 tiểu đoàn như hiện nay; tăng số lượng tàu chiến và tàu ngầm từ 276 tàu lên 350 tàu và tăng số lượng máy bay chiến thuật không quân từ 1.100 chiếc lên 1.200 chiếc.
Takashi Kawakami, GS ngành chính trị quốc tế tại ĐH Takushoku của Nhật Bản, nhận định mức tăng chi tiêu quốc phòng thấp như vậy cho thấy TQ đang đưa ra cách tiếp cận cẩn trọng với tình hình mới khi chính quyền mới của Mỹ, đặc biệt khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ có cuộc gặp sớm. Chuyên gia này cho rằng, sau khi "chốt" một con số mang tính công khai, quân đội Trung Quốc rất có thể còn nhiều hỗ trợ đặc biệt khác từ chính phủ dành cho quân đội và các kế hoạch quốc phòng quan trọng.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ đẩy mạnh cải cách quân sự. Ông nói: "Chúng ta sẽ tăng cường vũ khí cho hải quân và lực lượng phòng không, tăng cường kiểm soát biên giới và đảm bảo việc thực hiện các chiến dịch quan trọng liên quan đến chống khủng bố, duy trì ổn định, các sứ mệnh gìn giữ hòa bình và đảm bảo an toàn cho các đơn vị hoạt động ở những vùng biển ngoài khơi xa…".
Không cải cách quân đội, khoảng cách với phương Tây sẽ bị nới rộng
Trung Quốc đang phải dành một khoản tiền khổng lồ cho cải cách quân đội quy mô lớn. Cuộc cải cách này nhằm tiến hành cải tạo đội quân lớn nhất thế giới theo hướng quy mô nhỏ hơn, có tính cơ động hơn và hiện đại hóa hơn; nâng cấp trang bị; tăng cường diễn tập bắn đạn thật, phát triển công nghệ tiên tiến và cắt giảm 300.000 quân trước cuối năm 2017.
Một đơn vị hỏa lực đang tham gia tập luyện. Ảnh: Small Arms Defense Journal. |
Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy từ Viện nghiên cứu các vấn đề Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng ngoài nâng cấp vũ khí, Trung Quốc còn phải sẵn sàng chi tiền cho các hoạt động đào tạo sử dụng vũ khí trang bị. Quân đội Trung Quốc cũng sẽ tập trung nhiều nguồn lực hơn cho phát triển công nghệ phòng thủ máy tính, vũ trụ và trên biển. Học giả này nói: "Việc hiện đại hóa quân đội sẽ được quan tâm hơn".
Một viên đại tá giấu tên cho rằng ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ bảo đảm cho họ theo kịp và vượt các cường quốc phương Tây nhất là Mỹ về tính năng vũ khí. Hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang có xu thế đi lên. Nếu không, tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc sẽ chậm lại, khoảng cách với các cường quốc phương Tây cũng sẽ nới rộng".
Cải cách quân đội Trung Quốc lần này là do Chủ tịch Tập Cận Bình định đoạt, về tổng thể, có thể gói gọn lại trong một số từ khóa như sau: biên chế, cơ cấu, hệ thống quân lệnh...
Biên chế: Tổng binh lực trước kia của quân đội Trung Quốc là 2,3 triệu quân, bắt đầu từ năm 2016 thực hiện cắt giảm 300.000 quân. Như vậy sau cải cách tổng biên chế sẽ còn 2 triệu quân.
Hồi năm 1950, tổng binh lực quân đội Trung Quốc là 5,5 triệu quân. Hồi năm 1952, trong giai đoạn căng thẳng đầu tiên của cuộc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, tức Chiến tranh viện Triều chống Mỹ, tổng binh lực quân đội Trung Quốc có thời điểm cao nhất lên đến 6,27 triệu quân, chi phí cho quân sự chiếm 43% tổng chi ngân sách. Năm 1955, Trung Quốc thực hiện cắt giảm binh lực xuống còn 3,5 triệu quân. Thời kỳ Đại cách mạng Văn hóa (1966-1976), Trung Quốc thực hiện chế độ quân quản toàn diện, tổng binh lực lên đến 6 triệu quân năm 1975, và giảm xuống còn 4 triệu quân năm 1987.
Cơ cấu: Cơ cấu quyền lực dưới sự quản lý của Quân ủy Trung ương. Cấp cao nhất là Hội nghị Quân ủy Trung ương và thực hiện chế độ Chủ tịch Quân ủy phụ trách. Phía dưới có 4 tổng bộ/cục và 3 binh chủng. Bốn tổng bộ gồm Bộ tổng Tham mưu, Tổng bộ Chính trị, Tổng bộ Hậu cần, Tổng bộ Trang bị. Ba quân chủng gồm Quân chủng Hải quân, Quân chủng Không quân và Quân chủng Pháo binh hai (lực lượng tên lửa), các quân chủng này vận hành tương đối độc lập. Hệ thống quân lệnh gồm ba tầng: Quân ủy Trung ương, Chiến khu và Bộ đội.
Quy hoạch chiến khu: Trung Quốc giải tán 7 đại quân khu, tổ chức thành năm đại chiến khu là Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương. Lực lượng tác chiến trực thuộc chiến khu là tập đoàn quân (trước 7 đại quân khu quản lý 18 tập đoàn quân). Tập đoàn quân ngoài lấy lực lượng lục quân làm chính ra, còn có hải quân, không quân và lực lượng pháo binh hai (tên lửa), ngoài ra còn có lực lượng chuyên nghiệp như pháo binh, công trình, thông tin, phòng hóa...
Giới quan sát quân sự Trung Quốc cho biết trong đội ngũ chỉ huy tại các chiến khu, đặc trưng quân chủng liên hợp càng nổi bật hơn khiến PLA đã hoàn toàn vứt bỏ mô hình truyền thống "đại lục quân" được duy trì hàng thập kỷ qua.
Tại các chiến khu có sự phân biệt rõ ràng giữa chuyên trách và kiêm chức, tức Tư lệnh và Chính ủy các quân chủng trong chiến khu lần lượt kiêm nhiệm chức Phó Tư lệnh và Phó Chính ủy chiến khu, đồng thời cấp chiến khu cũng có vị trí Phó Tư lệnh và Phó Chính ủy chuyên trách. Tại 5 chiến khu, mỗi chiến khu đều có 3 Phó Tư lệnh chuyên trách.
Cụ thể, tại 3 chiến khu duyên hải là Chiến khu Miền Bắc, Chiến khu Miền Đông và Chiến khu Miền Nam, mỗi chiến khu đều có 3 Phó Tư lệnh lần lượt do tướng lĩnh của 3 quân chủng hải, lục, không quân đảm nhận. Còn Chiến khu Miền Tây và Chiến khu Miền Trung do không có lực lượng hải quân nên được bố trí thêm một Phó Tư lệnh là tướng lĩnh lục quân hoặc không quân.