Trung Quốc: Ngưng dùng sản phẩm Apple vì sợ bị gián điệp

Thứ Hai, 25/08/2014, 15:51

Mới đây, chính quyền Trung Quốc quyết định loại trừ các phiên bản mới iPad và laptop MacBook của Apple Inc. ra khỏi danh sách các sản phẩm được mua sắm bằng tiền công quỹ do lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia. Theo tiết lộ của một quan chức Trung Quốc giấu tên, bản danh sách được soạn thảo từ tháng 6 bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia kết hợp với Bộ Tài chính và được chính phủ nước này đưa ra vào tháng 7 vừa qua.

Ngoài Apple, trước đó các công ty an ninh mạng như Symantec Corp. (Mỹ), Kaspersky Lab (Nga) và Microsoft Corp. đã bị gạt khỏi danh sách mua sắm thiết bị tiết kiệm năng lượng của Chính phủ Trung Quốc. Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề gián điệp mạng.

Mark Po, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán UOB Kay Hian Holdings Ltd ở Hồng Công, nhận định: "Khi chính quyền ngưng mua các sản phẩm, họ đã gửi tín hiệu cảnh báo đến các công ty và tổ chức chính quyền khác. Chính quyền Trung Quốc muốn bảo đảm các công ty ở nước ngoài không được tạo quá nhiều ảnh hưởng ở nước này".

Được biết, thị trường Trung Quốc chiếm 16% trong số 37,4 tỉ USD thu nhập của Apple, theo số liệu của Bloomberg. Doanh số của iPad ở thị trường lớn nhất thế giới này năm qua tăng 51% và doanh số của Mac là 39%. Danh sách mua sắm thiết bị điện tử được áp dụng cho mọi cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các bộ ở trung ương và chính quyền địa phương.

Tháng 5/2014, chính quyền Trung Quốc tuyên bố kế hoạch tổng kiểm tra các công ty công nghệ hoạt động trên lãnh thổ nước này vì lý do an ninh quốc gia sau khi đe dọa sẽ trả đũa việc Mỹ buộc tội gián điệp đối với 5 sĩ quan Trung Quốc. Bản danh sách mua sắm càng gây thêm căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc vốn đã gia tăng sau những cuộc tranh cãi về lãnh thổ với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines cũng như sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu.

Một cửa hàng Apple ở Thượng Hải.

Vào tháng 5/2014, Microsoft cũng tỏ vẻ "ngạc nhiên" khi biết tin hệ điều hành Windows 8 của công ty bị loại ra khỏi danh sách mua sắm của chính quyền Trung Quốc. Cơ quan thông tấn Xinhua của Trung Quốc gọi đây là "hành động nhằm bảo đảm an ninh máy tính".

Tháng 7 vừa qua, giới chức Trung Quốc cũng đã mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào các sản phẩm của Microsoft, tịch thu nhiều máy tính và tài liệu từ 4 văn phòng công ty ở các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thành Đô. Số tài liệu tịch thu bao gồm các bản hợp đồng và báo cáo tài chính của Microsoft. Các nhà quản lý của Microsoft cũng bị thẩm vấn.

Hiện nay, thông tin về cuộc chiến chống độc quyền của Trung Quốc đối với Microsoft đã được đăng tải trên trang web của Cơ quan Quản lý công nghiệp và thương mại Trung Quốc (SAIC).

Giới truyền thông Trung Quốc từng chỉ trích các công ty Microsoft, Google Inc., Facebook và Apple có sự hợp tác với chương trình gián điệp của Mỹ. Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cũng đưa tin các chức năng phần mềm định vị gọi là Frequent Locations của Apple có thể làm rò rỉ các bí mật nhà nước. Tuy nhiên, Apple đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Để thay thế cho Symantec Corp và Kaspersky, chính quyền Trung Quốc đã phê chuẩn mua sản phẩm phần mềm diệt virus của nước này bao gồm Qihoo 360 Technology Co., Venustech, CA Jinchen, Beijing Jiangmin và Rising. Alejandro Arango, người phát ngôn cho Kaspersky từ chối bình luận vấn đề này và chỉ cho biết công ty đang cố gắng đàm phán với Trung Quốc.

IPad được trưng bày trong một cửa hàng ở Bắc Kinh.

Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng ngăn chặn một số ứng dụng "chat" của nước ngoài, bao gồm Line của Nhật Bản và Kakao Corp. của Hàn Quốc, do nghi ngờ được bọn khủng bố sử dụng để trao đổi thông tin - theo báo cáo của Oh Jeong-taek, Phó giám đốc Văn phòng Chính sách Internet của Chính phủ Hàn Quốc. Line có hơn 490 triệu người dùng đăng ký trên toàn cầu, còn Kakao có  hơn 150 triệu người dùng đăng ký toàn cầu.

Năm 2013, chính quyền Trung Quốc cũng ngăn chặn một số dịch vụ microblog tương tự Twitter như Weibo Corp. sau khi có tin chúng được sử dụng để lan truyền những thông tin liên quan đến chính trị giữa những người dùng. Các ứng dụng "chat" cá nhân như WeChat (với 393 triệu người dùng trên thế giới) cũng nằm trong diện theo dõi chặt chẽ của chính quyền Trung Quốc trong vài tháng qua do bị cho là chúng đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc truyền bá những tin đồn phương hại đến chính quyền, hình ảnh khiêu dâm, và hệ tư tưởng khủng bố.

Xiaofeng Wang, nhà phân tích của Công ty nghiên cứu độc lập Forrester, nhận định: "Có một số nội dung nhạy cảm liên quan đến chính trị được lan truyền thông qua các ứng dụng này và đó là lý do mà chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát chúng". WeChat - được gọi là Weixin ở Trung Quốc - được đánh giá là có lượng người dùng lớn nhất (chiếm 87,6%) trong số những nhà phát triển ứng dụng ở Trung Quốc, theo số liệu của Analysys International. 

Chính quyền Trung Quốc thường cho phong tỏa các trang web cũng như các dịch vụ smartphone nước ngoài trong những thời gian nhạy cảm như là lễ kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn lần thứ 25. Một số ứng dụng trao đổi thông tin như DiDi, Talkbox và Voxer cũng bị chính quyền Trung Quốc ngăn chặn do lo ngại khủng bố. Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh không hề đưa ra bằng chứng cho thấy các thông tin liên quan đến khủng bố được giao tiếp thông qua các ứng dụng này

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.