Trung Quốc: Sinh viên thực tập bị lạm dụng

Thứ Ba, 04/11/2014, 16:25

Trung Quốc đang có hướng chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế nhiều thành phần có kỹ năng tay nghề cao hơn. Năm 2013 nước này tuyên bố đã thực hiện một cuộc “đại phẫu” hệ thống trường dạy nghề có khoảng 29.340.000 sinh viên trên toàn quốc. Tuy nhiên, tình trạng lợi dụng và bóc lột sức lao động của sinh viên thực tập trong các nhà máy ở Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

"Em bất ngờ nhận được thông báo phải dành cả mùa hè này để làm máy tính hoặc em sẽ không thể đỗ tốt nghiệp. Em có cảm giác như mình bị lừa", nữ sinh họ Tiểu, 16 tuổi, hiện đang học chương trình dự bị đại học tại một trường dạy nghề địa phương cho biết.

Nữ sinh họ Tiểu cùng các bạn học của em đã phải làm việc trên dây chuyền lắp ráp của Công ty Hewlett-Packard - một nhà cung cấp linh kiện cho tập đoàn sản xuất máy tính Quanta liên tục 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần - các điều kiện đều vi phạm quy định của Trung Quốc dành cho lao động dưới 18 tuổi. "Đôi khi chúng em mệt rã rời vì liên tục phải làm ca đêm, hầu như chúng em đều thiếu ngủ trầm trọng", nữ sinh họ Tiểu nói.

Đại diện các thương hiệu lớn như HP và Apple nói rằng, họ đang hợp tác với các nhà cung cấp linh kiện đảm bảo việc sử dụng sinh viên thực tập phải đúng chuyên ngành và phù hợp với Luật Lao động Trung Quốc, nhưng thừa nhận hành vi vi phạm vẫn xảy ra.

Một số sinh viên thực tập chia sẻ họ được trả lương khoảng 212 USD/tháng, gần bằng lương lao động có hợp đồng trước khi làm thêm giờ, tuy nhiên một số sinh viên làm việc trong nhà máy sản xuất máy tính xách tay Compal khẳng định: các em phải trả gần hết mức lương cơ bản cho nhà trường.

Sinh viên thực tập làm việc tại nhà máy lắp ráp linh kiện máy vi tính Pegatron.

Sinh viên làm việc tại 3 công ty điện tử Đài Loan chuyên sản xuất linh kiện máy tính cá nhân cho nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như Pagatron, Compal và Wistron cho biết, thực tập sinh chiếm đa số lực lượng lao động tại các nhà máy ở Trùng Khánh. Công nhân làm việc ở nhà máy Quanta xác nhận phần lớn lao động đều là sinh viên. Sau đợt kiểm tra vào tháng 7 vừa qua, các cơ quan chức năng phát hiện 12% lao động đang làm việc trong các nhà máy lắp ráp ở miền Tây Trung Quốc đều là sinh viên thực tập.

Tập đoàn sản xuất máy tính Acer (Đài Loan), một doanh nghiệp có nhiều nhà máy sản xuất nhất ở Trùng Khánh đã lên tiếng phê bình: nạn lạm dụng sinh viên là một trong những vi phạm phổ biến nhất trong năm kiểm toán 2012 của các nhà cung cấp linh kiện, do đó doanh nghiệp này đã quyết định áp dụng chương trình quản lý sinh viên năm cuối thực tập để trở thành người lao động thực thụ.

Pegatron, nhà sản xuất linh kiện máy tính xách tay cho Tập đoàn Toshiba và Tập đoàn Ausutek ở Trùng Khánh, xác nhận 30% lao động là sinh viên thực tập. Quanta cùng Compal, 2 nhà máy lắp ráp linh kiện máy tính xách tay hàng đầu thế giới chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Một người phát ngôn của Tập đoàn Toshiba (Nhật Bản) công nhận chưa từng quan tâm chu đáo đến điều kiện lao động tại các công ty đối tác cung cấp linh kiện ở Trùng Khánh, tuy nhiên họ mong muốn phía các đối tác tôn trọng luật pháp địa phương cũng như các chuẩn mực xã hội. "Nếu chúng tôi tìm thấy sự vi phạm, chúng tôi ngay lập tức yêu cầu họ phải nhanh chóng sửa đổi", người phát ngôn Toshiba phát biểu trước báo giới.

Luật Lao động Trung Quốc không cho phép sinh viên thực tập lao động quá 8 giờ/ngày, không được phép làm ca đêm và khuyến khích các trường nên cho học sinh, sinh viên thực tập đúng chuyên ngành. Tùy theo quy định từng trường, sinh  viên có thể phải thực tập trong các doanh nghiệp sản xuất từ 3 tháng đến 1 năm.

Được biết hàng năm Trung Quốc có 8 triệu sinh viên thực tập.

Phía Apple than phiền rằng Quanta chỉ có 86% lao động làm việc đúng với tuần lao động 60 giờ của Apple kể từ đầu năm nay cho đến tháng 7 vừa qua. "Làm thêm giờ quá mức không đem lại lợi ích cho bất cứ ai, và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Quanta cùng các nhà cung cấp khác để ngăn chặn điều đó", theo một tuyên bố từ Apple.

Tuy nhiên, một sự thay đổi rộng rãi nhằm thay thế việc sử dụng sinh viên thực tập dường như bất khả dĩ đối với mức lương hiện tại ở Trùng Khánh. Các giám đốc điều hành bị dồn ép do tỉ suất lợi nhuận thấp thừa nhận họ không những không thể thay thế mà còn phải tiếp tục dựa vào sinh viên.

Tại Công ty Foxconn, nhà cung cấp lớn nhất của Apple, tỉ lệ sinh viên thực tập đã giảm nhanh nhờ sự giám sát từ phía công chúng, nhưng một số nhà máy nhỏ hơn trực thuộc doanh nghiệp này vẫn còn được biết đến với biệt danh "các xí nghiệp dành cho sinh viên thực tập" bởi vì lực lượng lao động có quá nhiều sinh viên thực tập.

"Các nhà máy thường trả 82-163USD đến tay "cò" môi giới lao động cho mỗi sinh viên mà họ sắp xếp thực tập và vẫn tiết kiệm được tiền khi họ chi ít hơn cho bảo hiểm y tế cũng như các chi phí khác so với lao động thường xuyên. Đó không phải là một hệ thống giúp đỡ sinh viên," một người (giấu tên) chuyên nghiên cứu về lạm dụng lao động ở Trung Quốc tiết lộ.

Một phụ huynh than phiền rằng, hồi tháng 6 năm nay, Trường Cao đẳng Dạy nghề quận Thành Khẩu đã không cho phép sinh viên có quyền lựa chọn thực tập đúng chuyên ngành đã học, thay vào đó trường ép sinh viên phải làm việc tại nhà máy sản xuất máy tính xách tay của Công ty Pegatron."Tôi nghĩ có lý do để tìn rằng phía nhà trường đang kiếm lợi nhuận bất hợp lý từ việc gửi sinh viên đến nhà máy làm lao động giá rẻ", một vị phụ huynh gửi khiếu nại đến cổng thông tin điện tử của chính quyền thành phố Trùng Khánh.

Chính quyền phúc đáp trên trang thông tin của họ rằng: sinh viên thực tập chỉ  làm đúng với kế hoạch sử dụng lao động ở các nhà máy tại Trùng Khánh theo hợp đồng 6 tháng mà chính quyền đã ban hành

Phạm Anh (tổng hợp)
.
.