Trung Quốc lập đường dây nóng tình báo

Thứ Bảy, 14/11/2015, 21:00
Ở Trung Quốc, các số điện thoại nóng cũng bao gồm những con số quen thuộc, dễ nhớ, như 110 để gọi cảnh sát phản ứng nhanh, 119 gọi cứu hỏa, 120 gọi cấp cứu, và giờ đây, người dân Trung Quốc được hướng dẫn gọi số 12339 để báo tin “có gián điệp”.

Số điện thoại nóng tình báo được áp dụng đầu tiên tại tỉnh Cát Lâm,  Trung Quốc, từ ngày 1/11/2015. Số điện thoại nóng này do Cục An ninh Nhà nước tỉnh Cát Lâm. Theo tờ Nhật báo Cát Lâm, mục đích ban đầu của số điện thoại nóng là nhằm giúp người dân khi phát hiện đối tượng có hành vi gây phương hại đến an ninh quốc gia thì báo cho cơ quan chức năng ngay lập tức.

Một sĩ quan trực đường dây nóng đã giải thích với phóng viên báo chí gọi thử vào đường dây nóng rằng, để báo cáo về một người nghi là gián điệp thì người gọi số điện thoại nóng phải xác định rõ "kẻ tình nghi là ai, vì sao nghi ngờ anh ta". Sau đó, người trực điện thoại nóng sẽ ghi lại tất cả thông tin để báo cáo lên cấp trên xử lý. Vấn đề sẽ được cấp có trách nhiệm điều tra, xác minh cụ thể rồi có phản hồi cho người gọi đường dây nóng. Trong vài ngày sau, việc gọi báo có nghi vấn gián điệp sẽ không được thưởng. Ngược lại, nếu ai thực hiện cuộc gọi giả để phá rối, có thể sẽ đối mặt với án phạt.

Vợ chồng Kevin - Julia Dawn Garratt cùng các con.

Những hành vi được xem là gây hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc bao gồm việc đánh cắp, lục tìm, hoặc thu thập một cách bất hợp pháp các bí mật quốc gia hay thông tin tình báo, hoặc cưỡng ép hay mua chuộc nhân viên nhà nước để có được thông tin bí mật quốc gia của Trung Quốc. Ngay sau khi đường dây nóng tình báo được thiết lập, trên mạng xã hội Trung Quốc còn xuất hiện một bản lưu ý không phải của cơ quan nhà nước nhằm mục đích cung cấp thông tin cần biết cho những ai đi du lịch Trung Quốc hoặc người Trung Quốc từ nước ngoài về cần thận trọng.

Bản lưu ý cung cấp các "tiêu chuẩn" để một người nước ngoài hay kiều bào Trung Quốc có thể bị tình nghi là "gián điệp", bao gồm người có nhiều tiền nhưng không rõ nghề nghiệp, người hay phát ngôn "những điều nhạy cảm", gây tranh cãi rồi sau đó lặng lẽ quan sát, hay người xúi giục để người khác manh động. Bản lưu ý này cũng liệt kê một loạt những người "tiềm năng" làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, các nhà truyền giáo và cả các nhà báo nước ngoài hoặc viết về các vấn đề về quan hệ quốc tế. Ngoài ra, bản lưu ý cũng "nhắc nhở" những người làm việc giờ giấc không cố định, từng du học tại nhiều quốc gia hoặc có vẻ hơi quá tuổi mà còn đi du học nước ngoài, hỏi những câu hỏi nhạy cảm hay tung ra những câu nói khoa trương, thổi phồng về các ưu điểm của nước ngoài.

Việc thiết lập đường dây nóng tình báo và những thông tin cảnh báo du khách cho thấy Trung Quốc đang ngày càng chú trọng đến việc bảo vệ những lợi ích an ninh quốc gia của mình và xem gián điệp nước ngoài như một mối đe dọa nghiêm trọng. Gần đây đã từng xảy ra một số vụ việc gián điệp "đình đám" trong đó người nước ngoài lấy danh nghĩa đi du lịch, làm ăn ở Trung Quốc bị nhà chức trách Trung Quốc phát hiện có những dấu hiệu gián điệp.

Điểm lại một số vụ việc, có thể kể như hồi tháng 3/2015, Chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ một nữ doanh nhân người Mỹ đi du lịch cùng một phái đoàn ở miền Nam Trung Quốc. Người phụ nữ tên là Sandy Phan-Gillis, bị Công an Trung Quốc theo dõi một thời gian khá dài và bị bắt giữ ngay trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9 vừa qua. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, bà Sandy Phan-Gillis bị bắt vì các hoạt động có hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc.

Tháng 5/2015, 2 người Nhật cũng bị bắt và bị giam giữ cho đến nay. Theo tờ Asahi của Nhật Bản, một 2 người bị bắt tại khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên thuộc tỉnh Liêu Ninh, còn người kia bị bắt khi đang lảng vảng gần một cơ sở quân sự ở tỉnh Chiết Giang. Chính phủ Nhật đã bác bỏ cáo buộc gián điệp đối với 2 công dân của mình và đã dùng biện pháp ngoại giao để giải cứu, tuy nhiên đến nay mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Năm 2010, 4 người Nhật cũng từng bị nhà chức trách Trung Quốc bắt tạm giam, sau đó thả ra do có những hành vi khả nghi, như chụp ảnh gần một cơ sở quân sự khi không được phép. Đây là vấn đề nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước gần đây luôn căng thẳng do vấn đề tranh chấp trên biển.

Một trong những vụ việc gây ồn ào nhất chính là vụ hai vợ chồng người Canada là Kevin Garratt và Julia Dawn Garratt bị bắt tại thành phố Đơn Đông, tỉnh Liêu Ninh, gần biên giới với CHDCND Triều Tiên. Cả hai từ thành phố Vancouver, Canada, đến sinh sống tại Trung Quốc từ năm 1984. Từ năm 2008, hai người mở một quán cà phê bình dân tại thành phố Đơn Đông và thường xuyên làm công tác từ thiện cùng với tổ chức North Star Aid (Canada) giúp đỡ người Triều Tiên ở bên kia biên giới.

Có lẽ do hành động của họ rơi vào danh mục hành vi bị nghi là "gián điệp" và đã kéo dài liên tục nhiều năm nên tháng 8/2014, nhà chức trách Trung Quốc quyết định bắt tạm giam họ để điều tra cáo buộc "đánh cắp bí mật nhà nước" - một cáo buộc mà chính ông Garratt và gia đình ông đều phủ nhận. Sau đó, bà Julia Dawn được cho tại ngoại để điều tra, còn ông Kevin vẫn bị giam giữ. Báo chí Canada cho rằng, vụ việc vợ chồng Garratt bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giam xảy ra một tuần sau khi Chính phủ Canada buộc tội một tin tặc do Trung Quốc tài trợ tấn công mạng vào Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada. Cáo buộc này từng bị phía Trung Quốc phản đối, và người ta cho rằng vợ chồng Garratt đã mắc kẹt bởi những rắc rối chính trị ngoại giao giữa 2 quốc gia.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mô tả đường dây nóng tình báo của Trung Quốc tương tự như các đường dây điện thoại nóng mà cơ quan tình báo như MI-5 của Anh đã thiết lập vào thập niên 90 thế kỷ XX. FBI của Mỹ cũng thường yêu cầu người dân Mỹ cung cấp thông tin phản gián theo kiểu tương tự nhưng không đến mức như đường dây nóng.

An Tôn (tổng hợp)
.
.