Trung Quốc và thực thi quyền lực mềm

Chủ Nhật, 15/03/2020, 06:19
Trung tuần tháng 2 vừa qua, Samoa được xác nhận là nước chủ nhà của Cúp Liên đoàn bóng bầu dục thế giới sẽ diễn ra vào tháng 10/2020. Sự kiện này nhấn mạnh tính trung tâm của thể thao đối với cuộc tấn công quyền lực mềm của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương.

Từ sự kiện này, nhiều người không khỏi băn khoăn liệu các cách thức tìm kiếm quyền lực mềm của Trung Quốc đã và đang phát triển như thế nào, nhất là trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vốn bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Mặc dù còn gây tranh cãi trong lý thuyết quan hệ quốc tế, song nhìn chung, "quyền lực mềm" được hiểu là khả năng một quốc gia có thể khiến nước khác hành động theo ý mình, mà không phải sử dụng vũ lực hay cưỡng bức.

Quyền lực mềm là sức hút của văn hóa, tôn giáo, trang phục, hệ thống chính trị và chính sách đối ngoại của quốc gia đó. Quyền lực mềm có thể được miêu tả là “củ cà rốt”, còn gọi là sức lôi cuốn hay sức ảnh hưởng. Giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến quyền lực mềm vào đầu những năm 1990.

Tuy nhiên, phải đến giữa những năm 2000, đặc biệt năm 2007, Bắc Kinh mới triển khai chiến lược quyền lực mềm với Chủ tịch khi đó là Hồ Cẩm Đào có bài phát biểu trong đó gắn việc làm hồi sinh đất nước với khả năng triển khai quyền lực mềm của đất nước này. Trên thực tế, quyền lực mềm của Trung Quốc đã gia tăng cùng với sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của họ trên trường quốc tế trong những năm gần đây.

Công cụ “quyền lực mềm” của Trung Quốc

Trung Quốc dường như nhận thức rõ về việc đầu tư vào quyền lực mềm, trong lúc sự tương tác của họ với thế giới bên ngoài gia tăng trong những năm gần đây. Các công cụ quyền lực mềm mang tính truyền thống mà Bắc Kinh thường sử dụng là thúc đẩy quảng bá ngôn ngữ, trao đổi giáo dục, văn hóa và mở rộng truyền thông ra bên ngoài.

Dịch COVID-19 xuất xứ từ Vũ Hán đã ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực Trung Quốc xây dựng hình ảnh của mình.

Ví dụ, hệ thống truyền hình toàn cầu của Trung Quốc (CGTN) và tờ Thời báo Hoàn cầu là hai kênh chính để truyền tải thông điệp với thế giới từ góc nhìn của Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu từng là công cụ quan trọng của Trung Quốc để truyền tải thông điệp tới các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ và công chúng trong cuộc đụng độ ở biên giới tại Doklam năm 2017. Trong thời gian xảy ra cuộc đối đầu đó, số lượng các bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu được truyền thông Ấn Độ đăng tải lại là rất đáng kể.

Việc học tiếng Trung Quốc tại các trường học ở các nước đang phát triển là một xu hướng đang ngày một phát triển.

Số lượng sinh viên quốc tế từ các nước đang phát triển và nước láng giềng sang Trung Quốc học ngành y và kỹ thuật gia tăng cũng cho thấy quyền lực mềm đang lên của Trung Quốc. Trung Quốc cũng có số lượng sinh viên quốc tế du học tại các trường đại học lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ…

Một “đại công cụ” thu hút nhiều quan tâm hiện nay là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một dự án cơ sở hạ tầng nhằm mục đích kết nối khu vực và thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa Trung Quốc với châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu và hơn thế nữa.

Hiện nay, Trung Quốc và các viện tư vấn ngày một gia tăng của họ đang xem xét kỹ về “nội dung” và “phương tiện truyền thông” để truyền tải thông điệp của họ ra thế giới bên ngoài. Sự cần thiết hiện nay của các viện tư vấn của Trung Quốc đó là phát triển các thông điệp cũng như các luận điểm phản bác để khiến người dân hiểu rõ về các kế hoạch của họ. Nếu có thể, họ sẽ xem xét việc can thiệp sâu vào các vấn đề gây tranh cãi toàn cầu liên quan đến Trung Quốc, thay vì chỉ đảm nhiệm vai trò bị động.

 “Ngoại giao bóng bầu dục”

Trung tuần tháng 2 vừa qua, Samoa, đảo quốc Nam Thái Bình Dương, được xác nhận là nước chủ nhà của Cúp Liên đoàn bóng bầu dục thế giới vốn sẽ diễn ra vào tháng 10/2020.

Bóng bầu dục và cạnh tranh quyền lực mềm Trung Quốc- Australia ở Nam Thái Bình Dương.

Giới phân tích nhìn nhận thông tin này là sự cạnh tranh về quyền lực mềm giữa Trung Quốc và Australia khi bản thân Canberra coi thể thao là một lợi thế quyền lực mềm của chính mình, nhất là đối với Nam Thái Bình Dương, khu vực “sân sau” của Australia.

Nhờ có nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc và giải đấu này được tổ chức tại sân vận động Apia Park vốn được xây dựng từ nguồn tiền của Trung Quốc, sự kiện này sẽ là một trong những giải thi đấu bóng bầu dục quốc tế được phép chính thức và có quy mô lớn nhất ở quốc đảo Thái Bình Dương này. Giải sẽ có sự tham gia của các nước thi đấu nhà nghề truyền thống và những "gương mặt" mới gồm Trung Quốc và Ấn Độ.

Sự phổ biến ngày càng gia tăng của giải đấu bóng bầu dục ở Nam Thái Bình Dương bên cạnh sự chiếm ưu thế của các cầu thủ hạt giống Thái Bình Dương trong cuộc thi Giải bóng bầu dục quốc gia hàng đầu của Australia và sự thành công của Tonga trên trường quốc tế, đã định vị môn thể thao này là tác nhân tiềm năng của ảnh hưởng sức mạnh mềm.

Ngoại giao sân vận động và thể thao lâu nay là một đặc điểm của những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xâm nhập vào khu vực Thái Bình Dương. Ngay sau khi quốc đảo Solomon "quay lưng" với Đài Loan để ngả về Trung Quốc, tin tức tiết lộ rằng Bắc Kinh sẽ cung cấp khoản tài trợ trị giá 70 triệu USD để xây dựng một sân vận động mới cho Pacific Games 2023 tại thủ đô của Solomon. Sự phổ biến ngày càng tăng của môn bóng bàn ở Papua New Guinea cũng là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất sử dụng thể thao như một tác nhân của ảnh hưởng quyền lực mềm. Australia cũng sử dụng công cụ này. Chính phủ Australia cũng đang tài trợ một đội bóng bầu dục mới thành lập ở Fiji để tham gia một giải bóng bầu dục ở New South Wales và cam kết sẽ tăng cường đưa các giải thi đấu bóng bầu dục vòng loại quốc gia và quốc tế đến Nam Thái Bình Dương.

Tầm quan trọng của những bước đi này không nên bị xem nhẹ. Năm 2019, trả lời hãng tin Reuters, một nguồn tin giấu tên của chính phủ Australia tiết lộ rằng: "Thủ tướng nước này coi bóng bầu dục là một thành tố trung tâm của kế hoạch quyền lực mềm của ông trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương gia tăng".

Thao túng Môi trường học thuật

Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thao túng thảo luận học thuật ở Trung và Đông Âu (CEE) không thể dễ dàng bị bỏ qua khi có những minh chứng cho thấy những rủi ro là có thực. Ví dụ, trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc có trụ sở tại Đại học Charles uy tín nhất của Cộng hòa Czech tổ chức các cuộc hội thảo thường niên về Trung Quốc.

Các hội thảo này được đại sứ quán Trung Quốc ở Czech đồng tài trợ. Định dạng của hội thảo thường là có thành phần tham gia "cân bằng" của số người tham gia diễn giả trong đó một nửa là những người do đại sứ quán Trung Quốc cung cấp và nội dung hội thảo thường thể hiện quan điểm thân thiện với Trung Quốc một cách mạnh mẽ. 

Những nhà nghiên cứu tại trung tâm này (hiện không còn làm việc tại đại học nói trên) cũng kín đáo chào mời đại sứ quán Trung Quốc để triển khai giảng dạy một khóa học về BRI. Những sinh viên xuất sắc được mời đến Trung Quốc theo chương trình Cầu nối cho Tương lai, một chương trình kết nối giới trẻ Trung và Đông Âu và Trung Quốc.

Trung Quốc đang làm nhiều cách để tăng cường quyền lực mềm.

Một ví dụ khác cho thấy Trung Quốc đã xâm nhập trực tiếp vào các chương trình đàm luận học thuật của các trường đại học Trung và Đông Âu: Đó là việc Viện Trung Quốc-CEE ở Budapest có những bài nghiên cứu học thuật kêu gọi nghiên cứu về hình ảnh Trung Quốc (các kết quả nghiên cứu được cho là sẽ được dịch sang tiếng Trung) và các yếu tố khác đưa viện nghiên cứu này tiến gần hơn đến việc trở thành một công cụ trực tiếp của bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc ở Hungary cũng như ở khu vực.

Ở Trung và Đông Âu, không có nước nào đưa ra phản ứng chính thức về vấn đề này, có lẽ vì quy mô và mức độ tác động của tầm ảnh hưởng học thuật có thể có được coi là hạn hẹp. Các trường đại học và sinh viên Trung Quốc vẫn thường được coi là một bộ phận điển hình và không gây ra vấn đề gì của quá trình quốc tế hóa học thuật và trao đổi quốc tế và được coi là tăng thêm nguồn tài chính thông qua các loại học phí.

Cho đến gần đây, các trường đại học dường như ngờ ngợ ra những rủi ro liên quan hợp tác với một số đại học Trung Quốc, bao gồm việc thiết lập và thuê ngoài giảng dạy cho các Học viện Khổng Tử Trung Quốc. Ngoài ra, các Hiệp hội Học sinh và Học giả Trung Quốc dường như chấp nhận giới hạn các hoạt động của họ đối với việc trình chiếu các bộ phim yêu nước và tổ chức các ngày sự kiện Năm Mới theo lịch âm của nước này.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên Trung Quốc trong khu vực vẫn gia tăng, nhờ những cơ hội hợp tác mới dưới ô bảo trợ của chương trình 17+1 đem lại (chương trình hợp tác 17 nước CEE và Trung Quốc), do đó, chúng ta có thể giả thuyết sự gia tăng trong các hoạt động tìm kiếm tầm ảnh hưởng.

Điều gây xói mòn quyền lực mềm của Trung Quốc

Khó có thể “cân đo đong đếm” quyền lực mềm. Tuy nhiên, trong trường hợp BRI đề cập ở trên, mặc dù chưa thể đánh giá liệu sáng kiến này có “sinh lời” cho những khoản đầu tư mà Trung Quốc bỏ ra để xây dựng hình ảnh của mình hay không, song đã xuất hiện “những vết rạn” khi nhiều đối tác tham gia bắt đầu có cách tiếp cận thận trọng với sáng kiến được gọi là “ngoại giao bẫy nợ” này.

Hiện nay, tình trạng lây lan của virus COVID-19 vốn bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đang khiến cả thế giới hoang mang và lo sợ. Các quốc gia tăng cường nhiều biện pháp nhằm cách ly và cô lập các công dân Trung Quốc để tránh dịch bệnh lây lan, một thực tế làm dấy lên những lo ngại mới về quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Việc cách ly và cô lập các trường hợp nghi nhiễm bệnh diễn ra song song với không ít tranh cãi, tức giận, bối rối và các tuyên bố tố cáo lẫn nhau giữa Trung Quốc với các chính phủ khác. Tại Mỹ, bầu không khí lo ngại bao trùm một số sân bay vẫn đón tiếp những chuyến bay từ Trung Quốc.

Giới chức nước này cũng khuyến cáo công dân hủy các chuyến đi tới Trung Quốc. Nga, quốc gia có hơn 4.000km biên giới giáp Trung Quốc, đã đình chỉ toàn bộ các tuyến đường sắt nối liền 2 nước. Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte phải kêu gọi người dân “chấm dứt các hành vi phân biệt chủng tộc” trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy không ít người cố tình phân biệt đối xử với người gốc Hoa.

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong cũng đã đóng cửa 4/7 cửa khẩu dẫn tới Trung Quốc, khiến hơn 2.400 công nhân y tế Hong Kong đình công đòi đóng cửa toàn bộ các tuyến đường nối tới Đại lục.

Nhiều hãng hàng không cũng đã đình chỉ các chuyến bay tới Trung Quốc, trong khi chính phủ nhiều nước cấm hành khách người Trung Quốc hoặc bất kỳ ai gần đây đã tới quốc gia này, dù WHO nói rằng việc đóng cửa biên giới quốc tế là không cần thiết. Bắc Kinh đang cố gắng để hồi phục danh tiếng bị tổn hại của mình.

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.