Trung Quốc xây dựng mạng gián điệp ở các trường đại học Australia

Thứ Sáu, 23/05/2014, 15:55

Vừa qua, Hãng tin Fairfax Media của Australia đưa tin chính quyền Trung Quốc tổ chức nhiều mạng gián điệp ngay bên trong các trường đại học hàng đầu của Australia như Đại học Sydney và Đại học Melbourne - nơi có hơn 90.000 sinh viên đến từ Trung Quốc đại lục có tư tưởng và hoạt động không được ủng hộ tại quê nhà. Theo Fairfax, giới chức tình báo Trung Quốc xây dựng các mạng gián điệp như thế nhằm mục đích giám sát cộng đồng người Hoa để bảo vệ “các lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh.

Hãng tin Fairfax đã tiến hành phỏng vấn các giảng viên và sinh viên gốc Hoa - những cá nhân bị tình báo Trung Quốc chú ý vì có phát ngôn không thích hợp tại trường học ở Australia.

Một giảng viên Trường đại học New South Wales (NSW) cho biết: "Tôi đã bị thẩm vấn đến 4 lần ở Trung Quốc".

Theo Fairfax, giảng viên này bị tình báo Trung Quốc thẩm vấn vì những bình luận của anh tại một hội nghị chuyên đề về đề tài dân chủ được tổ chức tại NSW. Giảng viên trên nói: "Họ đưa cho tôi xem bản báo cáo, thậm chí tôi có thể nêu tên của người phụ nữ gửi báo cáo".

Thông tin về các mạng gián điệp Trung Quốc trong các trường đại học Australia càng khiến Cơ quan An ninh Tình báo Quốc gia Australia (ASIO) nghĩ đến việc tăng cường khả năng tình báo của mình và một quan chức phải lên tiếng: "Họ có nhiều nguồn thông tin ở Đại học Sydney hơn cả chúng ta".

Sự quay trở về với những ưu tiên phản gián của Australia báo trước sự kết thúc một kỷ nguyên chống khủng bố vốn lấn át tất cả mọi hoạt động tình báo từ sau vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001.

Phản ứng của ASIO cũng minh chứng về sức mạnh đang lên của Trung Quốc có nguy cơ đe dọa phương Tây. Thế giới phương Tây đã biết rõ về khả năng gián điệp điện tử của Trung Quốc, ví dụ như các máy chủ của Trung Quốc được sử dụng để xâm nhập hệ thống máy tính của các công ty hàng đầu Australia cũng như giới chính khách nước này và thậm chí trụ sở công nghệ cao mới được xây dựng của ASIO ở Canberra. Thêm vào đó, giới chức Australia nhận định tình báo con người và các mạng gián điệp hải ngoại của Trung Quốc rất khó xác định để phản ứng lại.

Trường Đại học Sydney.

Mặt khác, các chuyên gia cố vấn giáo dục của Trung Quốc còn tổ chức sinh viên người Australia gốc Hoa thành các hội để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên đến từ Trung Quốc. Các hội sinh viên được chính quyền Trung Quốc bảo trợ cũng được sử dụng vào mục đích thu thập thông tin tình báo và xúc tiến các mục tiêu chính trị cốt lõi.

Mới đây, Chen Yonglin, nhà ngoại giao Trung Quốc đào ngũ chạy sang Australia năm 2005, cho biết, các sinh viên gốc Hoa là yếu tố quan trọng đối với Sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc. Chen Yonglin, hiện là doanh nhân làm việc ở thành phố Sydney, khẳng định các nhà ngoại giao Trung Quốc đã cho thành lập các hội sinh viên người Hoa bên trong các trường đại học của Australia, trực tiếp chỉ định các lãnh đạo và bảo đảm tài trợ đầy đủ cho hoạt động hội.

Chen giải thích: "Sinh viên hữu ích cho việc tiếp đón các lãnh đạo tại sân bay và ngăn chặn từ xa các nhóm biểu tình cũng như thu thập thông tin".

Cũng theo tiết lộ của Chen Yonglin, giới chức an ninh Trung Quốc đã cài gián điệp sinh viên vào trong các nhóm chống đối Bắc Kinh, đặc biệt là những nhóm có mối liên quan đến Tây Tạng và Pháp luân công.

Chen Yonglin.

Năm 2005, chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Chen Yonglin rằng Bắc Kinh bí mật cài "hơn 1.000 gián điệp và người chỉ điểm ở Australia".

Bà Jocelyn Chey - nguyên là nhà ngoại giao Australia ở Bắc Kinh và Hồng Công, thành viên Viện Các vấn đề quốc tế (IIA) và là giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Sydney - nhận định: "Các nhà ngoại giao Trung Quốc luôn để mắt theo dõi công dân của họ". Giáo sư Chey cũng nhấn mạnh rằng các mạng lưới gián điệp Trung Quốc trở nên "phức tạp nhiều hơn" sau khi sứ quán nước này mở cửa ở thủ đô Canberra của Australia năm 1973.

Trong lần xuất hiện công khai đầu tiên mới đây, Xia Yeliang - giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh mới di cư đến Mỹ hồi tháng 2 vừa qua và đang làm việc cho Viện Cato tại Washington - cũng lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc gửi "các gián điệp" trà trộn vào các trường đại học danh tiếng của Mỹ đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ nên cẩn thận đối với các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên với Bắc Kinh.

Xia Yeliang đã bị trục xuất khỏi Đại học Bắc Kinh hồi tháng 10/2013 sau 13 năm giảng dạy  cho rằng các trường đại học Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc trong các chương trình trao đổi sinh viên, song cũng cần có cái đầu tỉnh táo để nhận biết một số gián điệp đội lốt sinh viên từ đại lục đến Mỹ để hoạt động theo chỉ thị mật của tình báo Trung Quốc

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.