Truy tìm người tiết lộ đoạn băng quay cảnh va chạm tàu giữa Trung Quốc và Nhật Bản

Thứ Bảy, 20/11/2010, 18:40
Trong khi chính quyền Nhật Bản tìm cách không cho công bố công khai đoạn băng video quay cảnh đụng độ giữa tàu tuần duyên của nước này với tàu đánh cá của Trung Quốc hồi tháng 9/2010 vì lo ngại sẽ châm ngòi thêm xích mích ngoại giao với Trung Quốc, thì ngày 4/11 vừa qua, không hiểu do đâu mà trang YouTube có được đoạn video dài 44 phút này.

Tiết lộ trên gây bất bình trong dư luận Nhật Bản và khiến uy tín của Thủ tướng Naoto Kan càng xuống thấp, đồng thời lại thổi bùng căng thẳng trong quan hệ Tokyo-Bắc Kinh.

Để thấy được sự khác biệt trong nội dung của đoạn băng video bị rò rỉ trên, có lẽ cần nhắc lại những gì báo viết thông tin về vụ va chạm đã đẩy quan hệ Trung - Nhật trở nên căng thẳng.

Ngày 7/9/2010, khi tàu tuần duyên của Nhật Bản phát hiện một số tàu đánh cá của Trung Quốc đang đánh bắt trong hải phận hòn đảo đang tranh chấp giữa hai nước mà phía Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc thì gọi là Điếu Ngư.

Hòn đảo này hiện đang do phía Nhật kiểm soát nên phía tuần duyên Nhật tìm cách đuổi những chiếc tàu đánh cá Trung Quốc ra khỏi địa phận của hòn đảo, nhưng chiếc Mân Tấn Ngư số 4500179 vẫn ở lại, kéo lưới lên và nổ máy, sau đó đâm vào chiếc tàu tuần duyên của Nhật. 45 phút sau đó, tàu đánh cá này tiếp tục đâm vào chiếc tàu tuần duyên thứ hai của Nhật bất chấp những tiếng báo động.

Những thông tin này ban đầu chỉ bằng chữ nghĩa chứ không có hình ảnh, song được biết là phía tàu tuần duyên của Nhật đã quay video tất cả những diễn biến trên. Nhưng vì đây là một chứng cứ để đưa ra tòa do ban đầu Nhật Bản dự định sẽ truy tố thuyền trưởng tàu Mân Tấn Ngư 45000179, cho nên đoạn video trên chưa đưa ra công khai.

Nhưng theo giới quan sát, còn có một nguyên nhân khác, đó là vì Nhật Bản e ngại làm mất lòng Trung Quốc nên không muốn phổ biến đoạn băng trên. Có lẽ vì Nhật Bản mong muốn tránh đối đầu ngoại giao giữa hai nước, nhất là khi đó Thủ tướng Naoto Kan dự định sẽ gặp người đồng nhiệm Trung Quốc tại Bỉ trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu hồi đầu tháng 10.

Ngày 1/11, Thủ tướng Naoto Kan đã cùng 30 dân biểu Quốc hội Nhật Bản đã được xem đoạn băng trên. Nhưng bất ngờ là vào ngày 4/11, một đoạn video dài 44 phút quay cảnh đụng độ trên đã được tung lên trang mạng YouTube, trong khi đó chính các dân biểu và Thủ tướng Kan cũng chỉ được xem đoạn quan trọng nhất dài hơn 6 phút.

Ngay lập tức, qua ngả ngoại giao phía Trung Quốc đã bày tỏ sự quan ngại về việc rò rỉ đoạn băng trên. Thực tế cho thấy, nếu chỉ dựa trên chữ nghĩa không thôi thì người ta chưa biết được bên nào phải, bên nào trái, nhưng khi cuộn băng video trên được tung ra thì dư luận thế giới nói chung và dư luận Nhật nói riêng đã rất phẫn nộ vì đoạn video cho thấy tàu cá Trung Quốc đã cố tình 2 lần đâm vào tàu tuần duyên của Nhật.

Trong khi chính quyền Thủ tướng Kan dường như không muốn công bố sự thật này vì không muốn đổ thêm dầu vào lửa, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế và quân sự. Chả thế mà, ngày 8/11, tại Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Naoto Kan đã xin lỗi các đại diện dân cử là chính phủ của ông đã sơ suất trong việc bảo vệ tài liệu mật. Ông Naoto Kan cam kết điều tra đến nơi đến chốn để tìm ra nguồn làm tiết lộ bí mật.

Đến ngày 10/11, theo truyền hình Nhật Bản NHK, thì nhà chức trách nước này đã tìm ra được người đã tải lên mạng Internet đoạn phim video quay cảnh tàu cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần duyên của Nhật Bản đầu tháng 9 vừa qua. Theo đài truyền hình này, thủ phạm là một trong những nhân viên của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Người này thú nhận đã tung clip video này lên mạng YouTube.

Biểu tình chống Trung Quốc tại Tokyo, ngày 6/11/2010.

Giới chức Nhật Bản đã phát hiện được hành tung người tải video sau khi kiểm tra những địa chỉ IP được người dùng Internet sử dụng tại Nhật để đăng tải các nội dung lên mạng. Thoạt đầu giới điều tra chỉ tìm ra nơi mà video đã được đưa lên mạng: từ một quán cà phê Internet ở thành phố Kobe, miền Tây nước Nhật.

Trước đó, Tokyo đã lên tiếng xác nhận video trên YouTube chính là băng ghi hình mà lực lượng Hải quân Nhật Bản đã quay được vào đầu tháng 9, khi vụ đụng độ và bắt giữ tàu cá Trung Quốc xảy ra.

Viện Kiểm sát Tối cao Nhật Bản cho rằng đây là một vụ án hình sự, đánh cắp tài liệu mật. Nhưng dư luận người dân Nhật lại suy nghĩ khác, tại sao họ không có quyền được coi, và nếu đưa chuyện này công khai ngay từ đầu thì làm gì có chuyện người ta lén lút đưa lên mạng.

Một mặt chính quyền Nhật cũng muốn điều tra vì đây là vụ tiết lộ bí mật quốc gia, nhưng mặt khác dư luận Nhật lại tỏ ra rất muốn xem đoạn video trên, không những là 44 phút, mà tất cả câu chuyện vì trong đoạn phim 44 phút lại không có cảnh bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc.

Có thể thấy phản ứng của người dân và chính quyền Nhật liên quan tới vụ tiết lộ này là hoàn toàn khác nhau. Ngày 6/11, tại Tokyo, đã có khoảng 4.000 người Nhật biểu tình phản đối Trung Quốc, sau khi đoạn video được tung lên mạng Internet.

Bên cạnh đó, thái độ chống đối Trung Quốc của người dân Nhật Bản ngày càng gia tăng. Theo thăm dò dư luận mới nhất, tỉ lệ tín nhiệm Thủ tướng Naoto Kan chỉ còn 35% so với mức 60% lúc ông lên nắm quyền. Và 82% người dân Nhật bất mãn về cách ứng xử của chính phủ trong vụ tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Phản ứng của phía Trung Quốc trước vụ rò rỉ thông tin trên đã rõ. Một viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/11 cho biết là không có một cuộc gặp gỡ nào giữa Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Nhật Bản được dự kiến trong tuần lễ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Seoul, Hàn Quốc và APEC tại Yokohama, Nhật Bản. Xem ra căng thẳng Nhật - Trung liên quan tới tranh chấp hải đảo vẫn chưa tới hồi kết

Bảo Phương (tổng hợp)
.
.