Từ hồ sơ Panama: “Mạng nhện” các công ty của giới tình báo

Thứ Tư, 27/04/2016, 13:00
Theo tiết lộ của tờ báo Suddeutsche Zeitung (Đức), Hồ sơ Panama không chỉ chứa đựng tên tuổi của các nhà giàu, các doanh nhân, doanh nghiệp trốn thuế, các chính khách hàng đầu của các nước, mà còn có cả tên tuổi một số quan chức tình báo và các điệp viên các cơ quan tình báo từ Rwanda cho đến Colombia, đặc biệt là những nhân vật có quan hệ gần gũi, đối tác hay thậm chí là "chân rết" của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).


Những cái tên trong phi vụ Iran-Contra

Các tài liệu trong Hồ sơ Panama đã vén bức màn bí mật với hàng trăm chi tiết về cách thức các thầu súng, lái súng của CIA trước đây sử dụng các công ty bình phong hải ngoại để trục lợi cá nhân. Hơn thế, chúng còn đưa ra ánh sáng hành vi của những cá nhân từng là lãnh đạo, nhân viên, điệp viên của CIA và các cơ quan tình báo khác, kể cả sau khi họ đã rời chức vụ.

Hồ sơ Panama đang hé lộ thêm những góc khuất trong hoạt động của các cơ quan tình báo.

Trong số đó nổi cộm lên cái tên Sheikh Kamal Adham (bạn thân của ông Goerge Bush thời làm Giám đốc CIA) và Farhad Azima, một doanh nhân người Mỹ gốc Iran, người đã cho CIA thuê máy bay chở vũ khí sang Iran trong vụ bê bối Iran-Contra. Sheikh Adham qua đời năm 1999, là chỉ huy tình báo đầu tiên của Arab Saudi, người được Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ xem là đầu mối liên lạc chính của CIA với khu vực Trung Đông trong giai đoạn từ thập niên 1960 đến hết năm 1979.

Sheikh Adham kiểm soát các công ty bình phong hải ngoại có dính líu vào một vụ bê bối ngân hàng ở Mỹ. Ngoài ra, trong hồ sơ còn có tướng Ricardo Rubianogroot, cựu chỉ huy tình báo không quân Colombia, có cổ phần trong công ty vận tải hàng không mang tên West Tech Panama; và tướng Emmanuel Ndahiro, trưởng tình báo của Tổng thống Rwanda Paul Kagame.

Vào một ngày trong chiến dịch vận động tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1996, Tổng thống Bill Clinton đi vào một căn phòng ở khách sạn Westin Crown Center ở Kansas City, bang Kansas. Clinton dẫn một đoàn khách hát bài hát Chúc Mừng Sinh Nhật để mừng ngày sinh của Azima, một doanh nhân trong lĩnh vực hàng không dân dụng, chủ nhà của buổi tiệc gây quỹ hôm đó. Mục đích của ông Clinton chính là khoản tiền vận động 25.000 USD mà chủ nhà sẽ giúp ông vận động.

Doanh nhân Azima từ lâu đã là một nhà quyên góp tài chính cho các chính quyền không chỉ của đảng Dân chủ mà cả đảng Cộng hòa. Ông ta đã từng 10 lần viếng thăm Nhà Trắng của ông Clinton từ tháng 10-1995 đến tháng 12-1996, kể cả những lần gặp riêng uống cà phê với Tổng thống. Vài năm sau, khi bà Hillary Clinton ra ứng cử Thượng viện vào tháng 12-1999, Azima cũng đã tổ chức tiệc mời 40 khách, quyên góp giúp bà mỗi vị khách là 2.500 USD.

Các hoạt động quyên góp tài chính giúp đảng Dân chủ hay Cộng hòa của Azima không làm người ta quên đi một "chương khó quên" trong sự nghiệp của Azima. Ông ta được xem là có vai trò trong một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất của nước Mỹ: Vụ Iran-Contra, dưới thời chính quyền do đảng Cộng hòa lãnh đạo.

Vào năm 1985, các quan chức cao cấp chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan đã bí mật sắp xếp một phi vụ bán vũ khí cho Iran nhằm trao đổi việc trả tự do cho 7 con tin người Mỹ, rồi sau đó dùng số tiền bán vũ khí đó để tài trợ cho phiến quân cực hữu Contra chống chính quyền Nicaragua.

Thời điểm đó, Azima là ông chủ của Hãng hàng không Global International Airways, trụ sở đặt tại bang Missouri. Trong phi vụ đó, CIA đã thuê một chiếc Boeing 707 của Azima để vận chuyển 23 tấn trang thiết bị quân dụng. Azima từng tuyên bố mình không hay biết gì về vụ vận chuyển vũ khí đó, cũng như chẳng liên quan gì đến vụ Iran-Contra. Nhưng Hồ sơ Panama cho thấy nhiều chi tiết liên quan đến Azima trong các phi vụ đó.

Các tài liệu trong Hồ sơ Panama cho thấy Farhad Azima đã lập công ty bình phong đầu tiên thông qua dịch vụ của Mossack Fonseca tại British Virgin Island vào năm 2000. Công ty này có tên là ALG (Asia & Pacific) Limited, một chi nhánh của Công ty Aviation Leasing Group, có trụ sở tại Mỹ, chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay với đội máy bay hơn 60 chiếc.

Mối quan hệ giữa công ty ALG với CIA được giữ bí mật gần như tuyệt đối. Mãi cho đến năm 2013, khi tra cứu thông tin cơ bản của các cổ đông của một công ty mới thành lập, Mossack Fonseca mới phát hiện ra công ty này có mối quan hệ làm ăn với CIA.

Có một bài báo được nhân viên của hãng luật Mossack Fonseca chia sẻ trên mạng Internet tiết lộ rằng, Azima đã hỗ trợ máy bay không vận cho một công ty do các nhân viên CIA làm chủ, và công ty này dùng máy bay của Azima để vận chuyển vũ khí đến Libya. Một tài liệu khác nói, FBI từng cảnh báo CIA về việc làm ăn với Azima vì vượt quá giới hạn an ninh. Mossack Fonseca yêu cầu những người đại diện của Azima xác nhận danh tính ông ta, nhưng không có câu trả lời.

Vào năm 2014, tức một năm sau khi mối quan hệ làm ăn giữa Azima với CIA bị tiết lộ, xuất hiện một cái tên nữa là Hosshang Hosseinpour, đồng sáng lập hãng hàng không FlyGeorgia. Các tài liệu cho thấy Azima và Hosseinpour cùng xuất hiện trên giấy tờ của một công ty có kế hoạch mua lại một khách sạn tại Gruzia vào năm 2011.

Đó cũng là thời điểm mà Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, Hosseinpour cùng hai người nữa đã giúp các công ty chuyển tiền trị giá hàng triệu USD cho các công ty ở Iran, và việc này đã dẫn đến việc Hosseinpour cùng những người có liên quan bị cấm vận. Sau đó Azima và Hosseinpour thành lập Công ty Eurasia HotelHoldings Limited, thông qua dịch vụ của Mossack Fonseca tại British Virgin Island. Tài liệu cho thấy Hosseinpour nắm cổ phần trong công ty này trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 11-2011. Tuy nhiên, vào tháng 2-2012, Hosseinpour lại báo với Mossack Fonseca mình không có cổ phần trong công ty này. Công ty Eurasia HotelHoldings đổi tên thành Eurasia Aviation Holdings vào năm 2012.

Azima nói với Tổ hợp Báo chí điều tra Quốc tế (ICIJ) rằng, Eurasia Aviation Holdings được dùng vào việc mua máy bay phục vụ công việc làm ăn của mình, còn Hosseinpour thì không liên quan. Azima cũng nói rằng các máy bay do Công ty Eurasia Aviation Holdings mua không sử dụng ở Mỹ, và việc chọn British Virgin Island đăng ký kinh doanh không nhằm mục đích trốn thuế, chỉ đơn thuần nhằm mục đích giao dịch thuận lợi mà thôi. Năm 2013, khi lệnh cấm vận của chính quyền Mỹ đối với Hosseinpour có hiệu lực, ông này lại bảo mình "không liên quan gì đến Iran cũng như chuyện "lách lệnh cấm vận".

Từ trái qua: Sheikh Kamal Adham; Farhad Azima; và Loftur Johannesson, người Iceland.

Một người nữa có quan hệ làm ăn với CIA có tên trong tài liệu của Mossack Fonseca là Loftur Johannesson, hiện đã 85 tuổi, sống ở Rekyavik, được biết đến với biệt danh là "Người Iceland". Johannesson xuất hiện nhiều trong các quyển sách và bài báo với việc đã làm việc với CIA trong các thập niên 1970 và 1980, chuyên cung cấp súng cho các phiến quân Hồi giáo chống Liên Xô ở Afghanistan.

Người Iceland lĩnh lương khá hậu từ CIA, đủ để tậu một ngôi biệt thự ở đảo quốc "thiên đường thuế" Barbados và một khu vườn nho ở Pháp. Johannesson xuất hiện trong hồ sơ của Mossack Fonseca từ tháng 9-2002, rất lâu sau khi đã rời khỏi công việc bí mật của CIA. Ông ta được cho là có liên quan đến ít nhất bốn công ty bình phong hải ngoại ở British Virgin Island và Panama, có liên hệ làm ăn tại nhiều địa bàn đắt giá ở Anh như khu Westminster Cathedral và tại khu phức hợp mặt tiền bãi biển ở Barbados. Johannesson đã trả cho Mossack Fonseca hàng ngàn USD phí dịch vụ, tính đến thời điểm tháng 1-2015.

Một nhân vật cộm cán khác có liên quan đến phi vụ Iran-Contra là Adnan Khashoggi, một tỉ phú gốc Arab Saudi. Khashoggi từng nổi danh là kẻ chi tiêu xa hoa nhất thế giới, là người đứng ra đàm phán các thương vụ mua bán vũ khí của Mỹ cho Arab Saudi trị giá hàng tỉ USD trong những năm 1970, và đóng "vai trò trung tâm" giúp chính phủ Mỹ và CIA bán vũ khí cho Iran, theo một báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ do ông John Kerry (đương kim Ngoại trưởng Mỹ) soạn thảo và công bố năm 1992.

Khashoggi xuất hiện trong tài liệu của Mossack Fonseca từ rất sớm, khoảng năm 1978, khi đó ông ta là chủ tịch của Công ty ISIS Oversea SA ở Panama. Hầu hết các thương vụ làm ăn giữa Khashoggi với Mossack Fonseca diễn ra trong giai đoạn từ thập niên 1980 đến đầu những năm 2000 thông qua ít nhất bốn công ty bình phong.

Tài liệu Mossack Fonseca không nêu rõ mục đích làm ăn của các công ty của Khashoggi, nhưng chí ít có hai công ty - Tropicterrain SA, trụ sở ở Panama, và Beachview Inc - tham gia dịch vụ cầm cố nhà đất ở Tây Ban Nha và quần đảo Grand Canaries.

Mossack Fonseca hầu như không điều tra về quá khứ làm ăn của Khashoggi với Công ty Adnan Khashoggi Group, trong đó có vụ việc Chính phủ Mỹ cáo buộc ông ta đã tiếp tay cho Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines tham nhũng hàng triệu USD vào đầu những năm đầu 2000. Mossack Fonseca đã ngưng giao dịch với Khashoggi từ năm 2003.

Điệp viên Rocco và 008 - CHDC Đức

Sokratis Kokkalis, năm nay 76 tuổi, là một tỉ phú người Hy Lạp từng bị cáo buộc làm gián điệp cho Cục An ninh Quốc gia CHDC Đức (STASI), với mật danh là "Điệp viên Rocco". Điều tra của Quốc hội Đức phát hiện trong thập niên 1960, Kokkalis thường xuyên cộng tác với STASI trong thời gian ông ta sống ở Đức và Nga.

Mossack Fonseca phát hiện mối liên hệ giữa Kokkalis với các cơ quan tình báo vào tháng 2-2015 trong một dịp tình cờ công ty thực hiện việc kiểm tra thường xuyên thông tin cơ bản một trong những công ty của ông ta là Upton International Group. Phát hiện của Mossack Fonseca trùng khớp với báo cáo điều tra của Quốc hội Đức về mối quan hệ của Kokkalis với STASI.

Và không chỉ có Kokkalis. Năm 2005, nhân viên của Mossack Fonseca tiếp tục phát hiện thêm Francisco Paesa Sanchez, được cho là một trong những nhân viên tình báo khét tiếng nhất Tây Ban Nha. Khi phát hiện về thông tin nền của Paesa Sanchez, nhân viên Mossack Fonseca đã tỏ ra kinh hãi. Mossack Fonseca đã thành lập 7 công ty do Paesa Sanchez làm giám đốc, đăng ký trụ sở tại British Virgin Island.

Paesa Sanchez sinh ra tại Madrid trước khi Chiến tranh Thế giới lần II nổ ra, làm giàu nhờ việc săn lùng các phần tử ly khai và các cảnh sát tham nhũng trước khi ôm hàng triệu USD bỏ trốn khỏi Tây Ban Nha. Năm 1998, Paesa Sanchez "giả chết"; gia đình đã làm giấy chứng tử báo rằng ông ta chết ở Thái Lan do đau tim.

Nhưng năm 2004, các nhà điều tra đã lần ra nơi ông ta ẩn náu ở Luxembourg. Sau đó, Paesa Sanchez giải thích rằng các thông tin về "cái chết" của ông chỉ là do hiểu lầm. Tháng 12-2005, 7 công ty của Paesa Sanchez do Mossack Fonseca thành lập xuất hiện trong thông tin trên báo chí Tây Ban Nha trong loạt phóng sự điều tra về mạng lưới kinh doanh khách sạn, sòng bài và sân gôn của Paesa Sanchez.

Người cuối cùng được đề cập có tên họ là Werner Mauss, nhưng ông ta thường tự xưng là Claus Mollner, biệt danh là Điệp viên 008, thường gọi là "Người có chín ngón tay" do ông ta bị cụt mất một khớp ngón trỏ. Mauss xuất hiện trên báo chí từ tháng 3-2015, thường tự cho mình là "điệp viên ngầm đầu tiên của Đức", và hiện đã nghỉ hưu. Mauss là khách hàng của Mossack Fonseca trong gần 30 năm qua.

Mauss từng bị chính quyền Colombia bắt giam thời gian ngắn vào năm 1996 với cáo buộc âm mưu cùng du kích quân cánh tả bắt cóc con tin và thu tiền chuộc. Mauss chối bỏ việc này, và chính quyền Colombia cũng không có bằng chứng buộc tội ông ta, đành phải thả. Tên thật của Mauss chưa bao giờ xuất hiện trong hồ sơ của Mossack Fonseca, nhưng hàng trăm tài liệu nêu chi tiết mạng lưới các công ty của ông ta hoạt động tại Panama. Ít nhất hai công ty loại này sở hữu bất động sản tại Đức.

Luật sư của Mauss khẳng định, cá nhân ông ta chưa bao giờ sở hữu công ty nào cả, và những cái tên tương tự như Muass hay Mollner luôn được tìm thấy khá dễ dàng trên mạng Internet. Vì thế, ngay cả Mossack Fonseca cũng chưa chắc chắn Mauss - Điệp viên 008 - có thật sự là Mauss hay Mollner trong hồ sơ công ty họ đang nắm hay không.

Nguyên Khang (theo Irsih Times)
.
.