Những nhà tù bí mật trên đất Mỹ:

Tù nhân và các biện pháp tra tấn tâm lý (kỳ 1)

Thứ Bảy, 30/01/2016, 09:40
Vào thời điểm hiện tại, rất nhiều người dân Mỹ không hề tin rằng ngay trên đất nước họ vẫn có những nhà tù bí mật, giam giữ hàng nghìn người - từ những tên gangster đến những kẻ khủng bố - cả nam lẫn nữ. Họ cho rằng những việc vi phạm nhân quyền như thế chỉ có thể xảy ra ở các quốc gia “vi phạm nhân quyền”.


Thế nhưng, một nhà báo Mỹ là Will Potter, đồng thời cũng là thành viên của tổ chức TED (Technology Entertainment Design) sau nhiều năm tìm hiểu, đã cho công bố một bài báo nói về sự hiện diện của những nhà tù bí mật này.

Từ “đáy địa ngục” đến “nơi giam giữ công nghệ cao”

Nằm ở phía nam thành phố Marion, bang Illinois, Mỹ, bắt đầu đi vào hoạt động năm 1963, nhà tù liên bang USP (United States Prison) Marion được xem như một nơi giam giữ "công nghệ cao" nhằm thay thế cho nhà tù lừng danh Alcatraz - là một hòn đảo nằm biệt lập trong vịnh San Francisco.

Nhà báo Will Potter viết: "Những nhà tù bí mật mà tôi nêu ra trong bài báo này là những cơ sở hoạt động theo tiêu chuẩn riêng, khác hẳn so với các nhà tù truyền thống. Chúng phản ánh một hệ thống pháp luật khác, áp dụng với các tù nhân chính trị, tồn tại song song với hệ thống pháp luật hiện hành. Những người này bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài, bị tước quyền được xét xử theo chuẩn mực tố tụng và bị đưa đi khuất mắt người dân".

Dãy buồng giam dành cho các tù nhân "kiểm soát đặc biệt".

Khi việc xây dựng USP Marion hoàn tất, 500 tù nhân ở Alcatraz được chuyển đến đây, trong đó có Rafael Cancel Miranda - nhân vật đã tạo ra ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào đòi độc lập cho Puerto Rico, hay như Morton Sobell, đồng phạm của Julius và Ethel Rosenberg - hai nhà khoa học bị kết án tử hình vì làm gián điệp cho Liên Xô, hoặc Mohammed Saleh, án tù 35 năm vì liên quan đến vụ khủng bố tòa tháp đôi New York, Iyman Faris, án tù 20 năm do âm mưu đánh bom khủng bố cầu Brooklyn ở thành phố New York, Omar Rezaq, tù chung thân vì vụ không tặc chiếc máy bay số hiệu 648 của Hãng Hàng không Ai Cập khiến 58 người chết, Abdul Murad, một trong những thành viên cao cấp của Al-Qaeda, tù chung thân cùng nhiều nhân vật cộm cán khác như Viktor Bout, "lái buôn tử thần" mà Chuyên đề ANTG đã có bài về các ông trùm vũ khí chợ đen trên thế giới.

Mặc dù hoạt động công khai chứ không mập mờ như trại giam trong vịnh Guantanamo nhưng Alcatraz được mô tả là "đáy địa ngục" bởi chế độ quản chế hà khắc nhất nước Mỹ. Với vị trí địa lý xa hẳn mọi sự dòm ngó và hơn nữa - theo suy nghĩ của đại đa số người dân Mỹ hồi đó - Alcatraz là nơi giam giữ những kẻ vô lại, những thành phần bất hảo, "những kẻ tồi tệ nhất trong số những kẻ tồi tệ nhất”, chẳng hạn như trùm gangster Al Capone, hoặc người đứng đầu "ngũ đại gia đình mafia ở Mỹ: Bố già Lucky Luciano nên họ không quan tâm cách chính phủ đối xử với những kẻ này như thế nào. Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng ít khi nào đều cập đến nhà tù Alcatraz.

Có lẽ vì vậy nên Alcatraz được chọn là nơi áp dụng mô hình trừng phạt bí mật nhất thế giới. Một số tù nhân hiếm hoi được trả tự do đã kể lại những câu chuyện rất chi tiết về tình trạng bạo hành ở Alcatraz. Theo họ, hình thức tra tấn khủng khiếp nhất là "quy định im lặng" do Warden Johnston, chánh giám thị nhà tù phát minh ra. Một người - tạm gọi là Max cho biết bình thường, tù nhân có thể gặp gỡ, trò chuyện với nhau trong giờ ăn, giờ tập thể dục hoặc tại những xưởng lao động.

Khi thân nhân, bè bạn đến thăm, họ được phép ngồi đối diện, cách nhau bằng một chiếc bàn dưới sự giám sát của một quản giáo nhưng khi bị đưa vào "Đơn vị quản lý tiếp xúc - CMU" để thực hiện "quy định im lặng" thì đời coi như không còn gì nữa. Họ bị biệt giam trong một khu vực riêng, ngay cả người đưa phần ăn hàng ngày cho họ, họ cũng không nhìn thấy mặt.

Nhà báo Will Potter viết: "Quy định cấm giao tiếp đã khiến nhiều tù nhân phát điên. Khi tôi được phép vào thăm Rafael Cancel Miranda, tôi chỉ được nói chuyện với ông ấy bằng điện thoại qua một vách ngăn bằng kính dày, và chỉ được nói bằng tiếng Anh". Lẽ dĩ nhiên, cuộc nói chuyện ấy sẽ được ghi âm lại để các chuyên gia phân tích xem nó có chứa đựng những ẩn ý nào không.

Những cuộc vượt ngục táo bạo

Sau khi đưa các tù nhân từ Alcatraz về nhà tù USP Marion, năm 1968, Ban giám thị nhà tù bắt đầu tiến hành một chương trình mang tên "Nỗ lực kiểm soát và cải tạo" (Control and Rehabilitation Effort - viết tắt là CARE) bao gồm một loạt các cuộc chiến tranh tâm lý với mục đích điều chỉnh hành vi của tù nhân khiến họ tê liệt mọi ý chí phản kháng. Năm 1973, khi các tù nhân đình công để phản đối chuyện một bạn tù bị đánh đập, Ban giám thị nhà tù Marion đã triển khai một chương trình thậm chí còn cực đoan hơn, gọi là "Kiểm soát đơn vị" (Control Unit).

Tù nhân nằm trong diện "kiểm soát đặc biệt".

Từ giữa thập niên 70 đến hết thập niên 80 thế kỷ trước, nhà tù Marion trở nên nổi tiếng trong hệ thống nhà tù Mỹ vì chương trình này. Khi một tù nhân bị đặt vào tình trạng "kiểm soát đơn vị", anh ta sẽ bị nhốt riêng trong các buồng kín, tạo ra cảm giác như bị chôn sống mặc dù anh ta hoàn toàn không phải là người có khuynh hướng bạo lực, hoặc nguy hiểm đến mức cần phải cách ly. Các tổ chức quốc tế theo dõi nhân quyền cho rằng "mô hình Marion" chẳng khác gì hình thức tra tấn tâm lý nhưng Cục Quản lý trại giam Mỹ khẳng định đó chỉ là biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn, tránh lặp lại chuyện tù nhân vượt ngục.

Cuộc vượt ngục đầu tiên ở nhà tù USP Marion xảy ra vào năm 1975, khi 5 tù nhân sử dụng một thiết bị điện tử điều khiển từ xa để mở cửa nhà tù. Trước đó, một trong số 5 người này là thợ điện, được giám thị nhà tù giao cho công việc sửa chữa hệ thống khóa cửa ở hành lang chính. Không bỏ lỡ cơ hội, ông ta ăn cắp một số mạch điện tử rồi kết hợp với các linh kiện trong chiếc radio mà ông ta vẫn nghe nhạc hàng ngày, chế tạo thành một chiếc remote. Cuộc vượt ngục diễn ra xuôi chèo mát mái nhưng cuối cùng tất cả đều bị bắt trở lại.

Ngày 24-5-1978, nhà tù Marion lại xảy ra một cuộc vượt ngục nữa và lần này thì ly kỳ không kém phim hành động Holywood. Nữ quái Barbara Ann Oswald, 43 tuổi, giả bộ như khách du lịch thuê mướn một chiếc trực thăng do phi công Allen Barklage điều khiển. Khi trực thăng cất cánh, Barbara dùng súng uy hiếp Allen Barklage, buộc phải bay đến nhà tù Marion, hạ cánh xuống sân chơi chính, nơi một tù nhân là Garrett Brock Trapnell, chồng của cô ta đã đợi sẵn.

Kế hoạch vượt ngục được Barbara và Trapnell bàn bạc kỹ lưỡng qua những lần thăm gặp cũng như qua điện thoại vì tù nhân không nằm trong diện "kiểm soát đơn vị", mỗi tuần được 15 phút gọi về gia đình. Tuy nhiên, bằng cách tạo ra tình trạng mất trọng lực khi hạ cánh khiến Barbara không kiểm soát được bản thân, phi công Allen Barklage đã rút súng, bắn gục Barbara.

Sự việc chưa dừng lại ở đó, ngày 21-12-1978, con gái của Trapnell là Robin Oswald, 17 tuổi, tiến hành cướp chiếc máy bay thương mại số hiệu 541 của Hãng Hàng không TWA lúc nó đang trên đường từ Louisville đến Kansas bằng cách đe dọa sẽ cho nổ tung khối thuốc nổ đeo trong người nếu phi hành đoàn không hạ cánh xuống sân bay Williamson County Regional, chỉ cách nhà tù Marion vài dặm. Mục đích của Robin là dùng hành khách trên máy bay làm con tin để đổi lấy cha mình. Thế nhưng 10 tiếng đồng hồ sau khi hạ cánh, Robin Oswald đã đầu hàng FBI bởi lẽ sau nhiều lần dọa dẫm là sẽ cho nổ nhưng vẫn chẳng thấy nổ,  FBI kết luận trong người cô ta chẳng có chất nổ.

Từ đó, an ninh tại nhà tù Marion được siết chặt đến mức tối đa, nhất là năm 1983, sau một vụ bạo động lan khắp nhà tù dẫn đến cái chết của 2 viên quản giáo, toàn bộ tù nhân trong nhà tù Marion đều bị áp dụng hình thức "kiểm soát đơn vị".

Năm 1990, Ralph Arron, từng là quản giáo tại đây tiết lộ: "Mục đích của mô hình kiểm soát đơn vị ở Marion là nắm bắt chặt chẽ tất cả mọi thái độ biểu hiện tinh thần cách mạng của tù nhân trong hệ thống nhà tù nói riêng và ngoài xã hội nói chung”. Sau này, một số quan chức ở Bộ Tư pháp Mỹ còn kêu gọi thành lập một nhà tù với những biện pháp thậm chí cực đoan hơn, và nhà tù siêu an ninh ADX-Florence ở bang Colorado đã ra đời.

Nhà tù Lexington HSU

Trong những năm 80, một nhà tù với cấp độ an ninh tương tự như Marion đã được xây dựng tại Lexington, bang Kentucky để giam giữ các nữ tù nhân chính trị được cho là "có nỗ lực phá hoại hoặc lật đổ Chính phủ Mỹ", do Đơn vị An ninh bậc cao (HSU) đảm trách việc canh giữ. Trong số những nhân vật nằm trong nhà tù Lexington, có Susan Rosenberg, một nhà hoạt động cấp tiến ủng hộ "Đội quân giải phóng người da màu" và “Tổ chức thế giới ngầm Weather", cũng như có Silvia Baraldini và Alejandrina Torres, 2 nhân tố tích cực ủng hộ các cuộc đấu tranh giành độc lập ở Puerto Rico.

Tù nhân chỉ được phép điện thoại cho gia đình mỗi tháng 1 lần, mỗi lần 15 phút.

Toàn bộ nhà tù Lexington HSU đều nằm dưới tầng ngầm, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Các cuộc thăm viếng, tiếp xúc đều bị hạn chế đến mức tối đa. Buồng giam phạm nhân được mở đèn cả ngày lẫn đêm nhằm làm cho họ mất hẳn khái niệm thời gian và ngày nào họ cũng bị lục soát. Điều đó khiến các giác quan của họ suy giảm nặng nề. Theo một báo cáo của Tiến sĩ Richard Korn gửi Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU), mục đích của những hành động và điều kiện sống như thế là để đẩy người tù đến trạng thái phải quy thuận, cần thiết cho cuộc cải hóa tư tưởng.

Năm 1988, nhà tù Lexington HSU bị đóng cửa sau những cáo giác của Tổ chức Ân xá Quốc tế, của ACLU và Trung tâm Vì quyền Hiến pháp cùng các tổ chức tôn giáo khác gửi đến Tòa án Liên bang Mỹ. Thẩm phán Barrington Parker, người xét xử vụ này cho biết nhà tù đã vi phạm pháp luật khi tiến hành các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với những người bất đồng chính kiến.

Ông nói: "Tối cao Pháp viện đã nhiều lần cảnh báo rằng hành động bắt và giam giữ một người trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt mà chỉ dựa vào việc họ đưa ra một tuyên bố, hoặc có tư tưởng khác biệt về một vấn đề chính trị nào đó là kiểu phản ứng quá khích của chính phủ".

Theo nhà báo Will Potter, việc đóng cửa nhà tù Lexington HSU không phải là dấu chấm hết cho câu chuyện về những nhà tù bí mật mà hiện tại, chương trình "Kiểm soát tiếp xúc đơn vị" (Communications Management Units - gọi tắt là CMU) chính là cánh tay nối dài của Cục Quản lý trại giam Liên bang Mỹ để thi hành các chính sách khắc nghiệt, vượt ra khỏi khuôn khổ Hiến pháp bởi lẽ tháng 4-2006, Bộ Tư pháp đã đề xuất một loạt những quy định nhằm "hạn chế tiếp xúc đối với những tù nhân can tội khủng bố”.

Theo đó, tù nhân chỉ còn được phép gọi một cuộc điện thoại 15 phút mỗi tháng, chỉ được nhận một lá thư dài tối đa 6 trang giấy mỗi tuần và mỗi tháng chỉ được thăm nuôi một lần, thời gian thăm nuôi không quá 1 giờ đồng hồ.

Ngay lập tức, đề xuất này đã bị các nhóm hoạt động nhân quyền phản đối kịch liệt vì bị cho là vô nhân tính. Vẫn theo Will Potter, sự phản đối mạnh mẽ đã buộc chính phủ phải hủy đề xuất hoặc tỏ ra là đã hủy nhưng vài tháng sau đó, Bộ Tư pháp âm thầm cho phép CMU đầu tiên hoạt động tại nhà tù Terre Haute, bang Indiana. Hai năm sau, họ cho phép nó hoạt động ở nhà tù Marion, bang Illinois.…

(Còn tiếp)

Cao Trí (theo A brief history of secret prisons in the United States)
.
.